Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

KẺ XA LẠ phần Hai Tiểu thuyết 1942 , Nobel 1957. Nguyễn Trần Sâm dịch từ nguyên bản tiếng Pháp L’ETRANGER

Albert Camus 

01Ngay sau khi bắt tôi, người ta đã nhiều lần thẩm vấn tôi. Toàn là những câu lục vấn về nhân thân, và mỗi lần hỏi đều diễn ra không lâu. Lần đầu tiên ở bốt cảnh sát, vụ việc của tôi có vẻ làm họ ít quan tâm. Tám ngày sau thì ngược lại, quan dự thẩm đến và nhìn tôi với vẻ đầy nghi vấn. Nhưng ban đầu ông ta chỉ hỏi tên và địa chỉ, nghề nghiệp, ngày và nơi sinh của tôi. Rồi ông ta hỏi tôi có muốn có luật sư hay không. Tôi bảo là không, và hỏi ông ta có thật cần thiết phải có luật sư không. “Sao lại thế?” ông ta hỏi lại. Tôi trả lời rằng vụ việc của tôi quá đơn giản. Ông ta mỉm cười nói: “Đó là ý kiến anh. Nhưng còn có luật. Nếu anh không tự chọn luật sư thì chúng tôi sẽ chỉ định người trong đoàn luật sư.” Tôi thấy tiện nhất là để tòa thực hiện những thủ tục đó. Tôi nói với ông ta như thế. Ông ta nhìn tôi rồi nói luật đã được xây dựng một cách hoàn hảo. Tuy vậy, tôi không coi việc đó là hệ trọng.
Lúc đó, viên dự thẩm đang tiếp tôi trong góc phòng có buông rèm, ở đó chỉ có một bóng đèn và nó chiếu lên chiếc ghế bành mà ông ta bảo tôi ngồi ở đó, còn chính ông ta thì ngồi trong khoảng tối. Tôi đã đọc trong sách thấy người ta tả cảnh thẩm vấn như thế và coi nó như trò đùa. Tuy nhiên, sau câu chuyện thì tôi nhìn ông ta và thấy ông ta có nét mặt tinh tế, đôi mắt xanh rất sâu, dáng cao lớn, hàng ria mép dài màu xám và mái tóc bạc gần trắng để xõa. Tôi thấy ông ta rất có lý, và nói chung là đáng mến, mặc dù mép thỉnh thoảng giật nhẹ. Khi ra khỏi phòng, tôi thậm chí còn suýt chìa tay cho ông ta, nhưng rồi nhớ ra tôi là kẻ giết người.
Hôm sau, một luật sư đến gặp tôi trong tù. Đó là một người nhỏ thó và tròn quay, còn khá trẻ, tóc xịt keo cầu kỳ. Mặc dù trời nóng (tôi phải xắn cao tay áo), ông ta vẫn mặc bộ complet màu tối, ve áo màu ngà ngà và thắt cà vạt kẻ sọc trắng đen. Ông ta đặt túi xách lên giường tôi, tự giới thiệu và bảo đã nghiên cứu hồ sơ của tôi. Vụ việc của tôi rất tế nhị, nhưng ông ta tin chắc thành công, nếu tôi tin ông ta. Tôi cảm ơn ông ta, và ông ta bảo: “Bây giờ ta đi vào chi tiết.”
Ông ta ngồi xuống giường và nói là đã tìm hiểu đời tư của tôi. Ông ta biết rằng mẹ tôi vừa qua đời ở trại. Ông ta đã đi hỏi ở Marengo. Những người trả lời ông ta đã cho biết “tôi đã thể hiện sự vô cảm” trong ngày tang lễ mẹ. “Anh biết không – luật sư nói – điều đó làm tôi thấy hơi khó chịu khi hỏi chuyện anh. Nhưng việc này rất hệ trọng, và đó là chứng cứ thuyết phục để luận tội, nếu tôi không tìm ra được gì để chống chế.” Ông ta muốn tôi hợp tác. Ông ta hỏi tôi ngày hôm đó có thấy nặng nề không. Câu hỏi làm tôi ngạc nhiên, và tôi cảm thấy nếu tôi hỏi người khác như vậy thì chính tôi sẽ thấy khó chịu. Tuy vậy, tôi cũng trả lời rằng tôi đã mất thói quen tự hỏi mình và tôi thấy khó trả lời. Tất nhiên tôi yêu mẹ tôi, nhưng cái đó chẳng nói lên điều gì. Người tốt đôi khi cũng vẫn mong cho những người thân yêu chết. Lúc đó, luật sư ngắt lời tôi và tỏ ra lo lắng. Ông ta bảo tôi hứa là không nói như thế trước mọi người, nhất là trước ngài chánh án. Tôi giải thích với ông ta rằng đối với tôi thì những bất ổn về thể xác thường ảnh hưởng xấu đến trạng thái tình cảm của tôi. Vào ngày chôn cất mẹ, tôi rất mệt và đã ngủ thiếp đi. Tôi đã không cảm nhận được hết những điều xảy ra. Tôi khẳng định với ông ta là tôi vẫn muốn mẹ sống. Nhưng luật sư vẫn không yên tâm. Ông ấy nói: “Như thế chưa đủ.”  
Ông ta hơi đăm chiêu, rồi hỏi tôi là ông ta có thể nói trước tòa rằng hôm đó tôi vẫn kiểm soát được lý trí hay không. Tôi nói: “Không, như thế sẽ không đúng.” Ông ta nhìn tôi với vẻ kỳ cục, dường như tôi làm ông ấy thấy ngán ngẩm. Ông ấy nói với vẻ bực tức rằng dù sao thì giám đốc và một nhân viên của trại dưỡng lão cũng sẽ làm chứng và điều đó sẽ rất bất lợi đối với tôi. Tôi bảo ông ta rằng chuyện đó chẳng liên quan đến vụ án của tôi, nhưng ông ta bảo rõ ràng là tôi chưa hiểu gì về việc xét xử.
Ông ta bỏ đi với vẻ bực bội. Tôi muốn giữ ông ta lại, nói với ông ta rằng tôi muốn ông ta thông cảm với tôi, không phải để biện hộ cho tôi tốt hơn mà vì như thế tự nhiên hơn, nếu có thể nói như vậy. Nhưng tôi thấy tôi đã làm ông ta khó chịu. Ông ta không hiểu tôi và không ưa tôi lắm. Tôi muốn khẳng định với ông ta rằng tôi cũng giống như mọi người, hoàn toàn giống. Nhưng tôi thấy cái đó cũng chẳng giúp ích gì nhiều, và vốn ngại nói nên tôi im lặng.
Một lúc sau, tôi lại bị dẫn tới chỗ quan dự thẩm. Lúc đó đã hai giờ chiều, và lần này thì phòng làm việc của ông ấy sáng trưng, đến mức tấm vải che gần như không ngăn được ánh sáng. Trời rất nóng. Ông ấy bảo tôi ngồi và nói một cách rất nhã nhặn rằng vị luật sư của tôi không đến được “do có việc bất thường”, và tôi có quyền không trả lời những câu hỏi của ông ấy trong khi chờ đợi luật sư đến giúp. Tôi nói là tôi tự trả lời được. Ông ấy ấn một cái nút trên bàn; viên lục sự trẻ tuổi đi vào và đứng đợi sát sau lưng ông ấy.
Tôi và vị quan tòa cùng ngồi xuống ghế bành, và cuộc thẩm vấn bắt đầu. Ông ta bảo tôi ít nói quá, và ông ta muốn biết tôi nghĩ gì. Tôi trả lời: “Tôi không có gì nhiều để nói nên đành im lặng.” Ông ấy lại cười như lần trước, và thừa nhận rằng đó là cách giải thích tốt nhất. Rồi ông ấy nói thêm: “Dù sao thì cái đó cũng chẳng quan trọng gì.” Ông ấy nghển cổ ra phía trước, nhìn tôi rồi nói rất nhanh: “Anh làm tôi rất quan tâm đấy.” Tôi không hiểu ông ấy ngụ ý gì nên im lặng. “Có một vài điều – ông ấy nói – mà tôi không rõ trong hành động của anh. Tôi hy vọng anh giúp tôi hiểu.” Tôi bảo tôi sẵn sàng. Ông ấy bảo tôi kể lại những chuyện diễn ra hôm đó. Tôi nói lại những điều đã kể với ông ấy: Raymond, bãi biển, việc tắm, cuộc ẩu đả, rồi lại bãi biển, dòng suối, ánh nắng và năm phát súng. Cứ sau mỗi câu tôi nói, ông ấy lại gật đầu: “Tốt, tốt.” Khi tôi nói đến xác chết, ông ấy nói: “Được.” Tôi thấy chán vì cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi một câu chuyện, và tôi cảm thấy chưa bao giờ phải nói nhiều như thế.
Sau một lúc im lặng, ông ấy đứng dậy và bảo rằng ông ấy muốn giúp tôi, rằng tôi làm cho ông ấy quan tâm, và rằng với sự trợ giúp của Chúa thì ông ấy sẽ làm được gì đó cho tôi. Nhưng trước hết ông ấy muốn đặt ra cho tôi một số câu hỏi. Vẫn ngồi tại chỗ, ông ấy hỏi tôi có yêu mẹ không. Tôi nói: “Có, cũng như mọi người” và viên lục sự, người từ nãy đến giờ vẫn gõ máy chữ đều đặn, chắc là gõ nhầm mấy phím, vì tôi thấy anh ta lúng túng và phải quay trục máy chữ. Vẫn tỏ ra thiếu ý tưởng rõ ràng, vị quan tòa lại hỏi có đúng tôi đã bắn năm phát súng liên tiếp hay không. Tôi nghĩ ngợi rồi chỉnh lại là tôi bắn một phát trước, sau đó bắn bốn phát liên tiếp. “Vì sao anh lại chờ một lúc mới bắn tiếp?” ông ấy hỏi. Một lần nữa, tôi lại thấy bãi tắm màu đỏ và cảm thấy cái nóng thiêu đốt. Nhưng lần này tôi không trả lời. Khi đó, tôi thấy ông ta nhổm lên, rồi lại ngồi xuống và đưa tay chải tóc, rồi tì khuỷu tay lên bàn, chúi người về phía tôi với vẻ lạ lùng: “Tại sao, tại sao anh lại bắn vào một kẻ đã ngã xuống đất?” Tôi vẫn im lặng. Quan tòa đưa hai tay vuốt trán và nhắc lại câu hỏi với giọng hơi lạc đi: “Vì sao? Anh phải nói với tôi. Vì sao?” Tôi vẫn lặng im.
Bỗng nhiên quan tòa đứng dậy, bước những bước dài về phía cuối phòng làm việc và mở ra một ngăn của chiếc cặp đựng hồ sơ. Ông ta lấy ra một cây thánh giá bằng bạc rồi quay lại và giơ ra trước mặt tôi. Và bằng cái giọng hơi lạc đi, gần như run rẩy, ông ta kêu lên: “Anh có biết cái gì đây không, cái này này?” Tôi nói: “Có, tất nhiên.” Khi đó ông ấy nói rất nhanh và đầy biểu cảm rằng ông ấy tin vào Chúa, và tin rằng không ai phạm tội đến mức Chúa không thể tha thứ, nhưng muốn được tha thứ thì phải sám hối và trước Chúa phải trở thành một đứa trẻ với linh hồn trong trắng sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều gì. Ông ấy gần như nằm rạp xuống bàn, giơ cây thánh giá gần sát vào mặt tôi. Nói thật tình, tôi khó có thể thấu hiểu cách lý giải của ông ta, một phần vì trời nóng và trong phòng ông ta có những con ruồi to cứ đậu lên mặt tôi, và vì ông ấy làm tôi hơi sợ. Nhưng đồng thời, tôi lại cũng thấy buồn cười vì dù sao tôi cũng là tội phạm. Trong khi đó, ông ấy vẫn tiếp tục nói. Tôi hơi hiểu được rằng theo ý kiến ông ấy thì trong lời khai của tôi có một điểm chưa rõ ràng, đó là việc tôi chờ một lúc mới bắn tiếp. Phần còn lại là rõ ràng, nhưng riêng cái đó thì ông ấy không hiểu.
Tôi bắt đầu nói với ông ấy rằng cố xoáy vào chỗ đó là không đúng, vì nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng ông ấy ngắt lời tôi và thử khích lệ tôi lần cuối. Ông ấy đứng thẳng người và hỏi tôi có tin Chúa không. Tôi nói không. Ông ấy bực tức ngồi phịch xuống. Ông ấy bảo rằng không thể thế được, rằng mọi người đều tin Chúa, ngay cả những người đã chối bỏ Ngài. Đó là niềm tin của ông ấy, và nếu ông ấy nghi ngờ thì đời ông ấy không còn ý nghĩa gì. “Chẳng lẽ, ông ấy phân bua, chẳng lẽ anh muốn đời tôi mất ý nghĩa hay sao?” Tôi thấy tôi không quan tâm đến chuyện đó, và tôi nói thế với ông ấy. Thế là ông ấy nằm rạp xuống bàn, giơ cây thánh giá vào sát mặt tôi mà kêu lên một cách tức tối: “Tôi là người thiên chúa giáo. Tôi cầu xin Chúa tha tội cho anh. Làm sao anh có thể không tin rằng Ngài đau khổ vì anh?” Tôi nhận thấy ông ấy thương tôi, nhưng tôi không muốn nghe ông ấy nói nữa. Trời thì ngày một nóng thêm. Vẫn như mọi khi, mồi lần tôi muốn thoát khỏi một người mà tôi không muốn nghe, tôi lại tỏ vẻ tán thưởng. Và thật bất ngờ, ông ấy reo lên sung sướng: “Đấy đấy, anh thấy đấy – ông ấy nói. – Đúng là anh tin mà, và anh gửi gắm số phận anh cho Chúa, đúng không?” Chắc lúc đó tôi lại nói “không”, vì thấy ông ta rơi phịch xuống ghế.
Ông ấy có vẻ rất mệt. Ông ta im lặng một lúc, trong khi cái máy chữ luôn theo sát câu chuyện đang gõ tiếp vài câu cuối. Rồi ông ta nhìn tôi với vẻ hơi buồn. Ông ta lẩm bẩm: “Tôi chưa hề gặp một linh hồn nào bướng bỉnh như anh. Những kẻ phạm tội khác lúc đối diện với tôi đều phải khóc khi nhìn thấy biểu tượng của sự khổ đau này.” Tôi đã định nói với ông ta rằng đó là vì bọn họ là tội phạm, nhưng lại chợt nghĩ rằng tôi cũng giống như bọn họ. Tuy thế, tôi không thể quen với ý nghĩ đó được. Lúc đó, quan tòa đứng dậy, như muốn ra dấu với tôi rằng cuộc thẩm vấn đã kết thúc. Ông ta chỉ hỏi thêm, vẫn với vẻ hơi buồn, là tôi có hối hận vì hành động của mình hay không. Tôi nghĩ ngợi rồi nói là tôi có thấy tiếc, nhưng thấy chán nhiều hơn. Nhưng tôi cảm thấy ông ấy không hiểu ý tôi. Có điều ngày hôm đó mọi sự đã không đi xa hơn.
Sau lần đó, tôi còn gặp viên dự thẩm nhiều lần nữa, nhưng đều có luật sư đi kèm. Cả hai đều muốn tôi làm rõ thêm một số chi tiết trong những lời khai trước đây. Họ cũng tranh luận về việc luận tội tôi. Nhưng những khi đó thì thực ra họ không quan tâm đến tôi. Rồi giọng điệu thẩm vấn cũng thay đổi dần. Tôi cảm thấy viên dự thẩm không để ý gì đến tôi nữa, và xếp trường hợp của tôi vào một loại nào đó. Ông ấy không còn nói với tôi về Chúa nữa, và tôi cũng không thấy lại ông ta trong trạng thái xúc động như ngày đầu. Kết quả là những cuộc trao đổi trở nên thân tình hơn. Thêm vài câu hỏi, thêm chút chuyện trò với luật sư của tôi, và việc thẩm vấn kết thúc. Vụ việc của tôi diễn ra đúng bài bản, theo cách nói của vị quan tòa. Cũng có vài lần câu chuyện diễn ra chung chung, và ba chúng tôi cùng trao đổi. Tôi thậm chí thấy khá thoải mái. Vào những lúc như vậy, họ không hề tỏ ra ghét tôi. Mọi việc diễn ra thật tự nhiên, thật đúng mực và từ tốn, làm tôi cảm thấy như ở trong không khí gia đình. Và sau mười một tháng thẩm cứu, tôi có thể nói rằng tôi ngạc nhiên vì nhận ra rằng tôi chưa bao giờ có được điều gì vui như những giây phút hiếm hoi đó, khi vị quan tòa tiễn tôi ra cửa và vỗ vai tôi mà nói với vẻ thân mật: “Hôm nay thế là đủ rồi, anh bạn phản Chúa ạ.” Sau đó thì người ta giao tôi cho cai ngục.

02Có những điều mà tôi không bao giờ muốn nói đến. Khi tôi vào tù, sau ít ngày, tôi hiểu rằng đây là đoạn đời mà tôi không muốn kể lại.
Một thời gian sau, tôi lại thấy những điều ghê sợ trong tù không có gì thật nghiêm trọng. Thực ra thì trong những ngày đầu tiên tôi không hẳn là ở tù: tôi mơ hồ chờ đợi một điều gì đó mới lạ. Mọi việc chỉ thực sự bắt đầu sau chuyến thăm nom đầu tiên và cuối cùng của Marie. Từ ngày tôi nhận được thư cô ấy, trong đó cô ấy nói rằng người ta không cho cô ấy đến nữa, vì cô ấy không phải vợ tôi, đúng từ hôm đó, tôi thực sự cảm thấy cô đơn trong tù và đời tôi đã chấm dứt. Trong cái ngày tôi bị bắt, người ta nhốt tôi trong một phòng có nhiều phạm nhân, đa số là người A rập. Bọn họ không thèm nhìn tôi. Nhưng rồi họ cũng hỏi tôi đã làm gì. Tôi nói tôi đã giết một người A rập, và họ không nói gì. Một lát sau thì trời tối. Những người trong phòng bảo tôi cách trải chiếu để nằm ngủ. Nếu cuộn một đầu chiếu lại thì có thể tạo thành một chiếc gối dài. Suốt cả đêm, lũ rệp bò trên mặt tôi. Mấy ngày sau thì người ta biệt giam tôi trong một phòng, và tôi ngủ trên phản gỗ. Phương tiện vệ sinh là một cái chậu gỗ và một thùng sắt. Nhà tù ở rìa thành phố, và từ cửa sổ tôi có thể nhìn thấy biển. Một hôm, khi tôi đang bám vào song sắt thì cai ngục đi vào và bảo tôi có khách. Tôi đoán đó là Marie. Và đúng là cô ấy.
Người ta dẫn tôi đến phòng gặp người thăm viếng dọc theo một hành lang dài, rồi đi theo cầu thang, sau đó lại đến một hành lang khác. Tôi bước vào một gian phòng rộng có ô thoáng to. Gian phòng được ngăn thành ba phần bởi hai bức ngăn lớn đặt dọc theo chiều dài của phòng. Giữa hai tấm ngăn là khoảng trống rộng cỡ tám đến mười mét, ngăn cách người đến thăm với người tù. Tôi nhận ra Marie đối diện với tôi, với tấm áo choàng và gương mặt rám nắng. Ở phía tôi có khoảng một chục người tù, đa số là người A rập. Bên phía Marie hầu hết là các phụ nữ người Maure, hai bên cô ấy là một bà già bé nhỏ với cặp môi mím chặt, mặc đồ đen và một phụ nữ to lớn và lông lá, hoa chân múa tay nói ông ổng. Vì cách nhau quá xa, người đến thăm và người tù buộc phải nói rất to. Khi tôi đi vào, tiếng ồn dội lại từ những bức tường phẳng và ánh sáng chói mắt từ bên ngoài chiếu lên các tấm kính cửa và phản chiếu vào phòng làm tôi thấy choáng. Ở phòng giam cô quạnh nhưng yên tĩnh hơn. Tôi phải mất một lúc mới định thần được. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhìn rõ được từng gương mặt dửng dưng trong ánh sáng ban ngày. Tôi thấy một người gác ngồi ở cuối hành lang giữa hai bức ngăn. Đa số những người A rập và người nhà đều ngồi xổm đối diện nhau. Người nhà họ không kêu khóc. Mặc dù chung quanh ồn ào, họ vẫn nói thấp giọng và vẫn nghe được nhau. Những tiếng lầm rầm giọng thấp của họ tạo ra một nền âm thanh phía trên đầu họ. Tôi nhận ra quang cảnh đó rất nhanh, rồi nhìn về phía Marie. Áp sát vào bức ngăn, cô ấy cố mỉm cười thật tươi với tôi. Tôi thấy cô ấy thật đẹp, nhưng không nói với cô ấy điều đó.
“À, anh à. Anh có mọi thứ cần thiết không?” Cô ấy hỏi thật to. “Có, đủ cả.” Tôi nói.
Chúng tôi thể hiện sự yêu thương với nhau, và Marie cười suốt. Người đàn bà to lớn thì rống lên với người đàn ông bên cạnh tôi, chắc là chồng bà ta, một người cao lớn tóc hoe và có cái nhìn chân thành. Đây là một đoạn của câu chuyện giữa họ:
“Jeanne không chấp nhận ông ta nữa”, bà to lớn quát. “Phải, phải”, ông chồng nói. “Tôi đã bảo là khi nào tôi ra tù thì tôi sẽ đưa ông ta về, nhưng bà ta không muốn chấp nhận ông ta nữa.”
Marie nói to bên cạnh bà kia là Raymond gửi lời chào tôi, và tôi nói “Cám ơn”. Nhưng tiếng của tôi bị át đi bởi câu hỏi của ông bên cạnh: “Ông ấy khỏe không?” Bà vợ cười bảo: “Ông ấy thì chẳng bao giờ khá lên được.” Còn người đàn ông bên trái tôi, một người nhỏ thó có đôi tay khẳng khiu thì không nói gì. Tôi nhận thấy người đối diện với anh ta là bà già nhỏ bé và hai người nhìn nhau chăm chú. Nhưng tôi không thể quan sát họ kỹ được, vì Marie nói với tôi là phải hy vọng. Tôi nói: “Ừ”. Lúc đó, tôi nhìn cô ấy và thèm được ôm chặt đôi vai cô ấy dưới tấm áo choàng. Tôi thèm làn da mịn màng của cô ấy và không thật hiểu có thể hy vọng gì khi không được ở bên cô ấy. Nhưng chắc chắn đó là điều Marie muốn nói, vì cô ấy cứ cười suốt. Tôi không còn thấy hàm răng trắng bóng và đường kẻ mí mắt cô ấy nữa. Rồi cô ấy lại nói to: “Anh về rồi ta cưới!” Tôi hỏi: “Em chắc không?” nhưng chỉ là để nói cho có chuyện. Cô ấy nói to và rất nhanh: “Chắc”, và nói tôi sẽ được trắng án, và chúng tôi lại sẽ đi tắm biển. Nhưng bà bên cạnh lại quát to lên, bảo ông chồng rằng bà ấy để lại cho ông ta túi đồ dùng ở chỗ phòng lục sự. Bà ấy đã đếm kỹ từng thứ mà bà ấy để lại, và ông ấy cần kiểm tra khi nhận, vì toàn thứ đắt tiền. Người bên trái và bà mẹ vẫn nhìn nhau. Tiếng lầm rầm của những người A rập vẫn tiếp diễn phía bên dưới. Bên ngoài, ánh sáng đang chiếu thẳng vào ô thoáng phía trên.
Tôi thấy hơi mệt và muốn trở về phòng giam. Tiếng ồn làm tôi khó chịu. Nhưng đồng thời, tôi cũng muốn tận hưởng sự có mặt của Marie. Tôi không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Marie nói với tôi về công việc của cô ấy và vẫn cười liên tục. Tiếng ồn, tiếng quát tháo, tiếng lầm rầm đan xen nhau. Nơi duy nhất im lặng là chỗ người đàn ông bé nhỏ cạnh tôi và bà mẹ già của người đó. Rồi người ta dẫn từng người A rập đi. Khi người đầu tiên đi khỏi, mọi người còn lại đều chào nhau. Bà già bé nhỏ đi sát lại song cửa, và đúng lúc đó một người gác ngục ra hiệu cho người con. Anh ta nói: “Mẹ về nhé”, và bà giơ tay qua song cửa vẫy con trai một lúc lâu.
Bà đi ra trong khi một người đàn ông tay cầm mũ đi vào và ngồi vào chỗ của bà. Người ta cũng dẫn vào một người tù khác, và hai người bắt đầu nói chuyện rất hăng, nhưng nói nhỏ, vì khi đó trong phòng rất im lặng. Người ta đến tìm người bên phải tôi, và bà vợ ông ta tiếp tục nói to, dường như bà ta không nhận thấy rằng không cần phải hét lên nữa: “Chú ý giữ sức khỏe anh nhé.” Rồi đến lượt tôi. Marie làm hiệu như hôn tôi. Tôi quay mặt rồi bước đi. Cô ấy vẫn ngồi im, mặt ép sát vào bức ngăn, miệng vẫn cười, nụ cười vừa tươi vừa cau có.
Mấy hôm sau, cô ấy viết thư cho tôi. Và từ lúc đó bắt đầu xảy ra những điều mà tôi không muốn kể lại. Dù sao thì cũng không cần phóng đại lên, và điều đó đối với tôi dễ dàng hơn đối với những người khác. Tuy vậy, từ khi tôi bị tống giam tới giờ thì điều khó chịu nhất đối với tôi là tôi luôn nghĩ giống như người đang được tự do. Chẳng hạn, tôi vẫn muốn được ở trên bãi biển và xuống nước tắm. Trong khi hình dung ra sóng biển đang vỗ vào gan bàn chân, toàn thân ngập trong nước, và thấy mình được giải thoát, thì tự nhiên thấy phòng giam co hẹp lại. Tình trạng đó kéo dài mấy tháng. Tiếp sau đó, tôi lại luôn có ý nghĩ của tên tù. Tôi chờ đến giờ đi dạo ở ngoài sân hoặc mong luật sư đến thăm. Thời gian còn lại, tôi thu xếp khá ổn. Vào những lúc như vậy, tôi thường nghĩ là nếu người ta cho tôi sống trong một thân cây khô, và không có việc gì khác ngoài việc nhìn bầu trời qua một cái khe nhỏ, thì tôi cũng sẽ quen. Tôi sẽ mong có những bóng chim hay những đám mây trôi ngang qua, giống như bây giờ tôi mong nhìn thấy những cái cà-vạt khác thường của vị luật sư, và giống như trong một thế giới khác, tôi sẽ chờ đến thứ bảy để được ôm Marie. Nhưng khi nghĩ kỹ thì tôi nhớ ra mình không ở trong thân cây khô. Còn có những người bất hạnh hơn cả tôi. Đó cũng là ý nghĩ của mẹ tôi, và bà hay nhắc đi nhắc lại rằng cuối cùng thì người ta sẽ quen với mọi thứ.
Trong những tháng ngày còn lại, tôi sống không khác người bình thường mấy. Những tháng đầu thì thực sự khó khăn. Nhưng chính những cố gắng mà tôi buộc phải thực hiện đã giúp tôi vượt qua được. Chẳng hạn, tôi đã phải chịu đau đớn vì ham muốn đàn bà. Điều đó thật tự nhiên, vì tôi còn trẻ. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ quá nhiều về Marie. Tôi nghĩ về một người đàn bà nào đó, về tất cả những người đàn bà mà tôi đã quen biết, về những tình huống đã dẫn đến quan hệ, và cái phòng giam chật hẹp của tôi đầy những gương mặt đàn bà, đầy những ham muốn của tôi. Điều đó làm tôi không được yên. Nhưng mặt khác, nó giúp tôi giết thời gian. Cuối cùng, tôi đã chiếm được cảm tình của viên chánh cai ngục, người hay đến cùng anh chàng đầu bếp khi đi phát khẩu phần ăn. Ông ta nói chuyện với tôi về đàn bà. Ông ta bảo đó là vấn đề đầu tiên mà mọi người đều kêu ca. Tôi nói với ông ta rằng tôi cũng như họ thôi, và việc đối xử với chúng tôi như thế là bất công. “Nhưng – ông ta nói – trong tù thì phải thế thôi.” “Sao lại thế?” “À, vì cái tự do ấy. Các anh bị tước đoạt tự do.” Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi hỏi lại ông ta: “Đó là hình phạt phải không?” Tôi hỏi. “Đúng. Anh hiểu đúng đấy. Những người khác thì không. Nhưng rồi họ cũng phải chịu.” Vị cai ngục nói và đi khỏi.
Trong tù cũng được hút thuốc. Khi tôi mới vào, người ta lấy của tôi dây lưng, dây giày, cà-vạt và mọi thứ tôi có trong túi, kể cả thuốc lá. Một lần, tôi yêu cầu trả lại. Nhưng người ta bảo điều đó không được phép. Mấy ngày đầu thật nặng nề. Có lẽ đó chính là điều làm tôi suy sụp nhiều hơn cả. Tôi phải hút khói những mẩu gỗ mà tôi bóc ra từ tấm phản. Cả ngày, lúc nào tôi cũng thấy buồn nôn. Tôi không hiểu tại sao người ta lại tước đi của tôi cái thứ không gây hại cho ai. Sau này, tôi hiểu rằng đó là một phần của hình phạt. Nhưng khi đó thì tôi đã quen với việc không được hút thuốc, và nó không còn là hình phạt với tôi nữa.
Trừ vài điều khó chịu, còn nói chung tôi không quá đau buồn. Toàn bộ vấn đề là biết cách giết thời gian. Tôi mất hẳn được cảm giác buồn chán khi bắt đầu tập hồi tưởng. Có những khi tôi thấy mình đang nghĩ về phòng ở, và trong tâm tưởng, tôi từ góc phòng đi ra, vừa đi vừa kiểm các đồ vật mà tôi thấy. Ban đầu thì tôi kiểm rất nhanh. Nhưng cứ mỗi lần sau thì sự việc lại diễn ra chậm hơn, vì tôi nhớ lại từng thứ đồ gỗ, rồi đến từng đồ vật giữa các đồ gỗ đó, và từng chi tiết giữa chúng cũng như trên chúng, nhớ lại mỗi nét khảm, mỗi vết nứt hay mỗi chỗ sứt mép, màu sắc và bề mặt của chúng. Đồng thời, tôi cố không để mất sợi chỉ xuyên suốt việc kiểm kê, để thực hiện một sự liệt kê thật đầy đủ. Sau vài tuần, tôi đã có thể đi hàng giờ trong phòng, xem xét từng thứ trong đó. Sau khi đã lục lại tất cả những thứ bị bỏ sót, tôi ra khỏi việc hồi tưởng. Khi đó, tôi hiểu rằng một người chỉ cần thực sự trải qua một ngày thì có thể dễ dàng sống một trăm năm trong một nhà tù. Chỉ cần ngồi hồi tưởng lại là đã không thấy chán. Theo nghĩa nào đó thì đó là một lợi ích của việc ngồi tù.
Sau đó thì tôi ngủ. Ban đầu, ngay cả về đêm tôi cũng ngủ kém, còn ban ngày thì không ngủ tí nào. Nhưng dần dà, đêm tôi ngủ rất ngon giấc, rồi ngủ cả ban ngày. Có thể nói trong những tháng cuối thì tôi ngủ từ mười sáu đến mười tám tiếng mỗi ngày. Như vậy chỉ còn sáu tiếng để giết thời gian vào những việc như ăn uống, giải quyết nhu cầu tự nhiên, những hồi tưởng và câu chuyện về một người Czech.
Giữa tấm đệm rơm và cái phản gỗ, tôi tìm được một mẩu báo cũ đã ngả màu vàng và trở nên gần như trong suốt, được dán vào một mảnh vải. Nó nói về một sự kiện mà phần đầu không còn, nhưng chắc là xảy ra ở Czechoslovakia. Một chàng trai rời làng để đi lập nghiệp. Sau hai lăm năm, khi đã giàu có, người đàn ông trở về cùng với vợ và con trai. Mẹ và chị gái ông ta hiện đang kinh doanh khách sạn ở quê nhà. Để gây bất ngờ cho họ, người đàn ông để vợ con ở một nơi rồi về gặp mẹ. Bà mẹ không nhận ra con trai mình khi ông ta đi vào. Để đùa vui, ông ta quyết định thuê một phòng. Ông ta đưa tiền ra. Đêm đến, mẹ và chị gái ông ta đã dùng búa giết ông ta, lấy tiền rồi quăng xác ông ta xuống sông. Sáng ra, người vợ đến và chìa hộ chiếu du lịch ra. Bà mẹ chồng giết luôn người vợ, rồi người chị gái ném xác em dâu xuống giếng. Tôi đọc câu chuyện đó đến hàng nghìn lượt. Tôi vừa thấy câu chuyện khó tin, lại vừa thấy diễn biến tự nhiên. Dù sao thì người đàn ông này cũng tự chuốc lấy rắc rối. Không bao giờ nên bày trò như vậy.
Cứ thế, với những giờ ngủ, hồi tưởng, đọc câu chuyện và sự luân chuyển của ánh sáng và bóng tối, thời gian trôi đi. Tôi đã đọc ở đâu đó, rằng trong tù thì cuối cùng người ta cũng mất cảm giác về thời gian. Nhưng việc đó chẳng có ý nghĩa gì lắm với tôi. Tôi không thật hiểu vì sao ngày trời lại có thể vừa ngắn vừa dài. Sống từng ngày thì thấy dài thật, nhưng chúng còn kéo dài đến mức ngày nọ tràn sang ngày kia. Cho nên ngày đâu còn tên gọi nữa. Với tôi thì chỉ những từ “hôm qua” và “ngày mai” là còn có nghĩa.
Một hôm, người gác ngục nói với tôi rằng tôi đã ở tù được năm tháng, tôi nghĩ vậy, nhưng lúc đó tôi không hiểu. Đối với tôi, vẫn là một ngày lặp đi lặp lại trong phòng giam, và một công việc mà tôi theo đuổi. Cái ngày đó, sau khi người gác đi khỏi, tôi soi mặt mình trong cái cà-mèn sắt. Tôi cảm thấy vẻ mặt tôi trong đó quá nghiêm trang, ngay cả khi tôi cố mỉm cười. Tôi nghiêng đi nghiêng lại cái cà-mèn trước mặt tôi. Tôi cười, nhưng cái bóng vẫn cau có và buồn. Ngày kết thúc, và đến cái giờ mà tôi không muốn nói đến, giờ không tên, lúc những tiếng động của buổi tối dội lên mọi tầng của khu nhà tù vắng lặng. Tôi đi lại bên lỗ thoáng có kính, và trong ánh sáng cuối ngày, tôi ngắm nhìn hình mình. Nó vẫn có vẻ quá nghiêm trang, và tôi thật sự ngạc nhiên vì chẳng lẽ nó chính là tôi? Nhưng cũng chính vào lúc đó, từ sáu tháng qua, tôi nghe thấy rõ ràng tiếng tôi nói. Tôi nhận ra nó theo cái tiếng vẫn vang lên trong tai tôi và tôi hiểu rằng trong suốt thời gian đó tôi đã nói một mình. Tôi cũng nhớ lại điều mà bà y tá trưởng nói trong lễ an táng mẹ tôi. Không, không có lối thoát nào, và không ai hình dung được những buổi tối trong tù nó như thế nào. 

chương 03


Có thể nói mùa hè thứ hai đã đến thay thế cho mùa hè thứ nhất quá nhanh. Tôi biết rằng với những đợt nóng đầu mùa, một cái gì đó mới mẻ sẽ đến với tôi. Vụ án của tôi được xét xử trong phiên tòa cuối cùng của tòa đại hình, và phiên tòa này sẽ kết thúc vào tháng sáu. Việc tranh tụng sẽ công khai, trong khi ngoài trời ngập tràn ánh nắng. Luật sư của tôi đoan chắc rằng việc xét xử sẽ kéo dài không quá vài ba ngày. “Hơn nữa – ông ta nói thêm – tòa án sẽ phải khẩn trương, vì vụ việc của anh không phải vụ nghiêm trọng nhất. Còn một vụ giết cha mẹ sẽ được xử ngay sau đó.” Vào lúc bảy rưỡi sáng, người ta đến tìm tôi và chiếc xe của nhà lao đưa tôi đến phòng xét xử. Hai cảnh sát viên đưa tôi vào một phòng hẹp và tối. Chúng tôi ngồi chờ gần một cánh cửa mà phía bên kia có tiếng người nói, tiếng gọi nhau, tiếng động của ghế ngồi và sự náo động làm tôi nghĩ đến những cuộc lễ lạt của khu phố, trong đó, sau phần ca nhạc, người ta dọn ghế đi để khiêu vũ. Hai cảnh sát viên bảo tôi là phải chờ và một trong hai người mời tôi hút thuốc nhưng tôi từ chối. Một lát sau anh ta hỏi tôi có lo không; tôi bảo không. Thậm chí, ở mức độ nào đó, tôi thấy thích xem tiến trình xét xử. Trong đời, tôi chưa có dịp nào. “Phải – viên cảnh sát kia nói – nhưng kết thúc sẽ mệt đấy.”
Một lúc sau, một tiếng chuông vang lên trong phòng. Họ tháo còng tay cho tôi. Họ mở cửa và đưa tôi đến vành móng ngựa. Phòng xử án đã đầy người. Mặc dù có diềm che nhưng ánh nắng vẫn lọt vào làm không khí trong phòng khá nóng. Các cửa sổ vẫn đóng. Tôi ngồi xuống, và hai viên cảnh sát ngồi hai bên. Lúc đó, tôi nhận ra có một dãy những bộ mặt phía trước tôi. Mọi người đều nhìn tôi. Tôi hiểu rằng đó là bồi thẩm đoàn. Nhưng tôi không thể nói họ khác nhau như thế nào. Tôi chỉ cảm thấy rằng tôi đang ở trước một chiếc ghế dài trên tàu điện và những hành khách vô danh đang sợ người mới vào coi họ là những kẻ nực cười. Tôi biết rằng đó là ý nghĩ vớ vẩn, vì ở đây chẳng có kẻ nực cười mà họ tìm, mà chỉ có phạm nhân. Tuy thế, sự khác biệt không quá lớn, và dù sao thì đó cũng là ý nghĩ đã xuất hiện trong đầu tôi.
Tôi thấy hơi ngột ngạt vì đám đông trong gian phòng kín. Tôi nhìn quanh phòng, nhưng không phát hiện ra gương mặt nào quen. Tôi cho rằng khó có chuyện tất cả những người này đều đến vì quan tâm đến vụ việc của tôi. Thường thì mọi người không bận tâm đến nhân cách của tôi. Tôi phải cố gắng để hiểu rằng tôi là nguyên nhân của của việc tụ tập này. Tôi nói với viên cảnh sát: “Mọi người kỳ thật!” Anh ta trả lời rằng đó là cái cớ cho cánh báo chí, rồi chỉ cho tôi thấy nhóm người đang tập trung bên cạnh cái bàn phía sau bồi thẩm đoàn. Anh ta nói: “Họ đấy.” Tôi hỏi: “Ai?” Anh ta nói: “Cánh nhà báo.” Anh ta bảo có biết một nhà báo, người đó cũng nhận ra anh ta và đang đi về phía chúng tôi. Đó là một người đứng tuổi, trông đáng mến, nét mặt hơi đăm chiêu. Ông ta bắt tay viên cảnh sát rất nồng hậu. Lúc đó tôi thấy mọi người nhận ra người quen và bắt đầu chuyện trò giống như trong câu lạc bộ, nơi mọi người vui mừng vì gặp lại những người cùng hội cùng thuyền. Tôi cũng hiểu được cái ấn tượng đặc biệt mà tôi gây ra cho họ, giống như một kẻ lạ đột nhập vào. Lúc đó, nhà báo mỉm cười bắt chuyện với tôi. Ông ta nói hy vọng mọi việc sẽ ổn đối với tôi. Tôi cảm ơn ông ta, còn ông ta thì nói thêm: “Anh biết đấy, chúng tôi có hơi cường điệu vụ án của anh. Mùa hè là mùa vô vị đối với cánh nhà báo. Chẳng có vụ nào đáng kể ngoài vụ của anh và vụ giết cha mẹ.” Rồi hướng về đám người mà ông ta vừa tách khỏi, ông ta chỉ cho tôi một gã trông như một con chồn béo núc ních, đeo cặp kính gọng đen to đùng. Ông ta bảo tôi rằng đó là phái viên đặc biệt của một tờ báo ở Paris. “Nhưng anh ta không đến vì anh. Nhưng vì anh ta quan tâm đến vụ xử kẻ giết cha mẹ, người ta đề nghị anh ta theo dõi luôn vụ của anh.” Lúc đó, tôi định nói cảm ơn, nhưng rồi lại thấy như thế cũng buồn cười. Ông ấy khẽ ấn vào tay tôi ra vẻ tình cảm, rồi rời khỏi chỗ chúng tôi. Chúng tôi đợi thêm một lúc nữa.
Luật sư của tôi đã đến. Ông ta mặc áo choàng và có rất nhiều đồng nghiệp đi theo. Ông ta đi thẳng đến chỗ cánh nhà báo, bắt tay họ. Họ pha trò với nhau rồi cười ra chiều thoải mái, cho đến khi tiếng chuông vang lên trong phòng xử án. Mọi người về chỗ ngồi. Luật sư của tôi đi lại chỗ tôi, bắt tay và nhắc tôi trả lời ngắn gọn những câu mà người ta sẽ hỏi, tránh gây rắc rối và cứ tin tưởng ở ông ta.
Ở phía trái, tôi nghe tiếng đẩy ghế và thấy một người cao lớn nhưng gầy, mặc áo choàng đỏ, mang kính không gọng. Ông ta cẩn thận vén áo choàng lên trước khi ngồi xuống. Đó là ngài ủy viên công tố. Viên thừa phán tuyên bố phiên tòa bắt đầu. Lúc đó, hai cái quạt lớn bắt đầu quay vù vù. Ba vị thẩm phán, hai mặc đồ đen, người kia đồ đỏ, tay bưng hồ sơ đi vào và bước tới bàn của hội đồng xét xử trên cao. Ông mặc đồ đỏ ngồi xuống ghế giữa, đặt chiếc mũ quan tòa lên bàn, lấy khăn tay lau vầng trán hói, và tuyên bố mở đầu quá trình xét xử.
Cánh nhà báo lăm lăm bút trong tay. Họ đều tỏ vẻ thờ ơ và có phần tinh quái. Một người còn rất trẻ trong số họ, mặc đồ len màu xám, thắt cà-vạt xanh, đặt bút trước mặt và nhìn tôi. Khuôn mặt anh ta hơi lệch, và tôi chỉ thấy cặp mắt rực sáng nhìn tôi rất chăm chú và không thể hiện điều gì rõ ràng. Và tôi bỗng có cảm giác lạ lùng như tôi đang nhìn chính mình. Có lẽ vì cảm giác này, và cũng vì tôi không biết rõ về việc xét xử, nên tôi không thật hiểu những gì xảy ra sau đó, không hiểu ý nghĩa của việc các vị bồi thẩm bỏ phiếu, những câu hỏi mà vị chủ tọa đặt ra cho luật sư, cho công tố viên và bồi thẩm đoàn (mà mỗi lần như vậy thì những cái đầu của các vị bồi thẩm lại cùng ngoái về phía bàn chủ tọa), việc đọc nhanh biên bản xét xử, trong đó tôi nhận ra tên các địa điểm, tên người, và những câu hỏi mới đối với luật sư của tôi.
Nhưng vị chủ tọa nói cần gọi nhân chứng. Khi đó, viên thừa phán xướng lên những cái tên làm tôi chú ý. Từ trong đám cử tọa lờ mờ, tôi thấy mấy người lần lượt đứng lên rồi mất hút sau cánh cửa bên hông. Đó là giám đốc trại dưỡng lão, ông bảo vệ, ông già Thomas Pérez, Raymond, Masson, Salamano và Marie. Cô ấy ra hiệu cho tôi và có vẻ lo lắng. Tôi thấy ngạc nhiên vì không nhận ra họ trước đó. Rồi cái tên cuối cùng được xướng lên, và Céleste đứng dậy. Tôi nhận ra bên cạnh ông ấy là bà chủ bé nhỏ của nhà hàng với cái áo khoác và vẻ dứt khoát. Bà ấy nhìn xoáy vào tôi. Nhưng tôi không có thời gian để quan tâm đến điều đó, vì vị chủ tọa lại lên tiếng. Ông ấy nói việc tranh tụng thực sự sắp bắt đầu, và ông ấy thấy không cần phải nhắc nhở cử tọa im lặng. Theo ông ấy nói thì ông ấy có mặt để định hướng sự công minh của việc tranh tụng về một vụ án mà ông ấy muốn xem xét một cách khách quan. Bản án được bồi thẩm đoàn đưa ra sẽ phải theo tinh thần của công lý, và trong mọi trường hợp ông ấy sẽ làm cho phiên tòa ít tùy tiện nhất.
Trời càng ngày càng nóng, và tôi thấy nhiều người trong phòng lấy báo để quạt. Việc đó gây ra những tiếng sột soạt. Vị chủ tọa ra dấu, và viên thừa phán đem đến ba cái quạt nan. Ba vị quan tòa lập tức cầm lấy quạt và dùng luôn.
Người ta bắt đầu hỏi cung tôi. Vị chủ tọa hỏi tôi một cách ôn hòa, thậm chí hơi có vẻ tình cảm. Người ta lại bắt tôi thuật lại nhân thân, và mặc dù thấy chán, tôi cảm thấy việc đó là phải lẽ, vì nếu không thì người ta có thể xử không đúng người. Rồi vị chủ tọa nói lại những việc mà tôi đã làm, cứ sau ba câu lại hỏi tôi: “Đúng thế chứ?”, và mỗi lần tôi đều trả lời “Vâng, thưa ngài chủ tọa” theo lời dặn của luật sư. Việc đó kéo dài khá lâu vì vị chủ tọa kể lại câu chuyện rất chi tiết. Suốt thời gian đó, cánh nhà báo ghi chép liên tục. Tôi vẫn cảm thấy cái nhìn của nhà báo trẻ nhất và của một cô người máy nhỏ. Toàn bộ hàng ghế dài của tàu điện hướng lên phía chủ tọa. Ông này ho một tiếng rồi đọc lướt hồ sơ và quay lại phía tôi, trong khi tay vẫn quạt.
Ông ấy nói là bây giờ ông ấy sẽ đề cập đến những vấn đề có vẻ không liên quan đến vụ án của tôi, nhưng thực ra là rất sát sườn. Tôi hiểu rằng ông ấy sẽ nói về mẹ tôi và cảm thấy thật chán biết bao. Ông ấy hỏi tôi tại sao để mẹ vào trại. Tôi trả lời vì tôi không đủ tiền để phụng dưỡng mẹ. Ông ấy hỏi tôi là việc đó có làm tôi bị tổn thương không, và tôi trả lời là cả mẹ tôi và tôi, không ai trông chờ ai, và đều quen khá nhanh với điều kiện sống mới. Ông chủ tọa nói là ông ấy không muốn xoáy mãi vào một vấn đề, nên ông ấy hỏi ngài ủy viên công tố có thấy cần hỏi gì thêm không.
Công tố viên xoay nửa lưng về phía tôi và, không nhìn tôi, ông ấy tuyên bố rằng với sự cho phép của ngài chủ tọa, ông ấy muốn biết tôi có ý định giết gã A rập khi quay lại con suối một mình hay không. Tôi nói: “Không”. “Thế thì tại sao anh ta lại mang vũ khí và tại sao lại trở lại đúng chỗ đó?” Tôi nói đó là sự tình cờ. Và ngài công tố viên nhận xét với giọng điệu hơi mỉa mai: “Tạm biết thế đã.” Sau đó mọi việc rối lên, ít nhất là đối với tôi. Nhưng sau vài câu trao đổi, ông chủ tọa tuyên bố phiên tòa tạm dừng và sẽ được tiếp tục vào buổi chiều với phần nghe lời khai của các nhân chứng.
Tôi không có thời gian để nghĩ ngợi. Người ta dẫn tôi ra, đưa lên xe tù rồi lái về nhà giam, và tôi ăn trưa ở đó. Sau một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ vừa đủ để tôi kịp thấy mình đang mệt, người ta đã đến tìm tôi. Mọi việc bắt đầu lại, và tôi lại ở trong phòng xử án, trước những bộ mặt buổi sáng. Chỉ khác là cái nóng ghê gớm hơn nhiều, và như có phép màu, mỗi vị bồi thẩm, vị công tố viên, vị luật sư của tôi và cả một vài nhà báo đều mang theo quạt nan. Anh nhà báo trẻ và cô người máy bé nhỏ vẫn ở nguyên tại chỗ. Nhưng họ không quạt mà vẫn im lặng nhìn tôi.
Tôi lau mồ hôi trên mặt và có cảm giác mơ hồ về phiên tòa và về chính tôi, khi tôi nghe gọi đến ông giám đốc trại dưỡng lão. Người ta hỏi ông ấy là mẹ tôi có phàn nàn gì về tôi không, và ông ấy nói có, nhưng mà ai ở nhà dưỡng lão mà chẳng phàn nàn về người thân của mình. Ông chủ tọa chỉnh lại câu hỏi là mẹ tôi có kêu ca về việc bị đưa vào trại không, và ông giám đốc lại bảo có. Nhưng lần này ông ấy không nói thêm gì. Một câu hỏi khác, ông ấy trả lời rằng ông ấy ngạc nhiên vì sự vô tình của tôi trong ngày chôn cất. Người ta lại hỏi ông ấy ngụ ý gì khi nói đến sự vô tình. Khi đó ông giám đốc nhìn xuống mũi giày và nói rằng tôi không muốn nhìn mặt mẹ, không khóc lấy một lần và sau khi chôn cất thì đi ngay mà không lưu lại lấy một lúc bên cạnh mộ mẹ. Một điều nữa làm ông ta ngạc nhiên: một nhân viên tang lễ nói tôi không nhớ tuổi của mẹ. Một phút im lặng, rồi ông chủ tọa hỏi ông ấy liệu những điều ông ấy nói về tôi có đúng không. Vì ông giám đốc không hiểu câu hỏi, nên ông chủ tọa nói: “Đó là luật.” Rồi ông chủ tọa hỏi công tố viên có hỏi thêm gì không. Ông này nói to “Ô không, thế là đủ” với chất giọng và cái nhìn đắc thắng hướng về phía tôi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi có ý muốn ngu xuẩn là khóc, vì cảm thấy mình bị những con người này ghê tởm.
Sau khi hỏi bồi thẩm đoàn và luật sư của tôi xem còn câu hỏi gì không, vị chủ tọa gọi đến ông bảo vệ. Với ông này cũng như với tất cả mọi người, vẫn một nghi lễ đó được lặp lại. Ban đầu, ông bảo vệ nhìn tôi rồi quay mặt đi. Ông ấy cũng lần lượt trả lời các câu hỏi mà người ta đặt ra cho ông ấy. Ông ấy bảo rằng tôi không muốn nhìn mặt mẹ, rằng tôi còn hút thuốc, rằng tôi ngủ gật và sau đó uống cà phê sữa. Tôi cảm thấy mọi người tức tối, và lần đầu tiên tôi hiểu rằng mình là tội phạm. Người ta bảo ông bảo vệ kể chi tiết về chuyện uống cà phê sữa và chuyện hút thuốc. Ngài công tố viên nhìn tôi với ánh mắt giễu cợt. Lúc đó, luật sư của tôi hỏi ông bảo vệ có hút thuốc cùng tôi không. Nhưng công tố viên đứng bật dậy với vẻ hung hăng và phản đối câu hỏi: “Ai là tội phạm ở đây, và liệu đây có phải là cách chống lại nhân chứng để làm nhẹ những chứng cứ đầy sức nặng hay không?” Tuy vậy, vị chủ tọa vẫn yêu cầu ông bảo vệ trả lời câu hỏi đó. Ông ta nói với vẻ lúng túng: “Tôi biết tôi đã sai. Nhưng tôi đã không dám từ chối điếu thuốc mà anh ta mời tôi.” Cuối cùng, người ta hỏi tôi có muốn nói thêm gì không. Tôi nói: “Không. Tôi chỉ muốn nói là nhân chứng đã nói đúng. Đúng là tôi đã mời ông ấy hút thuốc.” Lúc đó ông bảo vệ nhìn tôi với vẻ hơi ngạc nhiên và ra vẻ biết ơn. Ông ta lưỡng lự, rồi nói chính ông ta mời tôi uống cà phê sữa. Luật sư của tôi tỏ ra đắc thắng và tuyên bố bồi thẩm đoàn có thể nghị án. Nhưng công tố viên hét vang phía trên đầu chúng tôi và nói: “Phải, Bồi thẩm đoàn sẽ nghị án. Nhưng họ sẽ kết luận là một kẻ xa lạ có thể mời uống cà phê, còn một đứa con thì phải từ chối cái đó trước linh cữu mẹ.” Lúc đó, ông bảo vệ trở về chỗ ngồi.
Đến lượt Thomas Pérez, viên thừa phán phải dìu ông già lên bục. Pérez nói là ông ấy quen biết mẹ tôi đã lâu nhưng chưa bao giờ gặp tôi trừ cái lần vào hôm mai táng. Người ta hỏi ông ấy tôi làm gì trong ngày hôm đó, và ông ấy trả lời: “Quý vị biết đấy, tôi bước đi còn khó nữa là. Nên tôi chẳng thấy gì. Sự nặng nhọc làm tôi chẳng thấy gì. Vì đối với tôi việc đó là khó khăn lớn. Tôi thậm chí còn ngất xỉu. Nên tôi chẳng thấy gì đâu, thưa quý ông.” Công tố viên bảo ít ra thì ông cũng nói có thấy tôi khóc không. Pérez bảo không. Khi đó, đến lượt công tố viên nói: “Các vị bồi thẩm nghị tội.” Nhưng luật sư của tôi nổi nóng. Ông ta hỏi Pérez với giọng mà tôi cảm thấy hăng tiết: “Liệu ông có nhìn thấy anh ta không khóc không?” Pérez nói không. Cử tọa cười. Luật sư của tôi xắn tay áo lên nói giọng cương quyết: “Hình ảnh phiên tòa này là thế đấy. Cái gì cũng đúng mà chẳng cái gì đúng!” Công tố viên tỏ vẻ không quan tâm. Ông ta lấy bút chì ra chọc chọc lên bìa tập hồ sơ.
Sau dăm phút trì hoãn, trong đó luật sư của tôi nói với tôi là mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, người ta gọi đến Céleste, người được bị cáo nhờ làm chứng. Bị cáo tức là tôi. Céleste thỉnh thoảng lại nhìn về phía tôi và hai tay xoay xoay cái mũ rộng vành. Ông ta mặc bộ đồ mới mà ông ta khâu để trong một vài ngày chủ nhật đi xem đua ngựa với tôi.  Nhưng tôi cho rằng ông ấy không thể làm khít được cổ áo ngoài, vì thấy cổ áo sơ mi được cài bằng một cái khuy đồng để giữ cho kín. Người ta hỏi ông ấy tôi có phải là khách hàng của ông ấy không, ông ấy nói: “Phải, nhưng cậu ấy còn là bạn hẩu của tôi nữa.” Khi hỏi ông ấy nghĩ gì về tôi, ông ấy nói tôi là đàn ông; hỏi ông ấy ngụ ý gì, ông ấy bảo ai cũng biết từ đó nói lên điều gì; hỏi ông ấy tôi có phải người bí ẩn không, ông ấy bảo không, nhưng tôi không nói lời thừa. Công tố viên hỏi ông ấy tôi có thường xuyên trả đủ tiền ăn không, ông ấy cười và bảo: “Đó là chuyện riêng giữa hai chúng tôi.” Người ta lại hỏi ông ấy nghĩ gì về tội trạng của tôi. Ông ấy đưa hai tay xuống bục, và người ta thấy ông ấy đang chuẩn bị một thứ gì đó. Rồi ông ấy nói: “Với tôi, đó là một tai nạn. Một tai nạn, ai cũng biết thế. Tình huống bất khả kháng. Đúng thế, với tôi đó là tai nạn…” Ông ấy định nói tiếp, nhưng chủ tọa bảo thế là đủ, rồi cảm ơn ông ấy. Khi đó Celeste hơi chững lại. Nhưng ông ấy tuyên bố còn muốn nói nữa. Người ta yêu cầu ông ấy nói ngắn thôi. Ông ấy lại nhắc lại rằng đó là tai nạn. Chủ tọa nói: “Phải, hiểu thế cũng được. Nhưng chúng ta ở đây để xét xử những tai nạn kiểu đó. Xin cám ơn ông.” Khi đó, Céleste quay về phía tôi, và tôi thấy mắt ông ướt lệ, môi ông run rẩy. Ông ấy như muốn hỏi tôi ông ấy có thể làm thêm điều gì. Tôi im lặng, cũng không đưa tay làm hiệu, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi muốn ôm một người đàn ông. Vị chủ tọa ra lệnh cho ông rời bục. Céleste trở về chỗ ngồi. Từ đó đến cuối phiên tòa, ông ấy chỉ ngồi đó, gập người về phía trước, khuỷu tay tì lên đầu gối, hai tay cầm mũ và chú ý nghe không bỏ sót câu nào.
Marie đi vào. Cô ấy mang một chiếc mũ. Cô ấy vẫn đẹp. Nhưng tôi thích nhìn cô ấy để xõa tóc hơn. Từ chỗ của tôi, tôi có thể thấy rõ bộ ngực gọn gàng của cô ấy và thấy môi dưới cô ấy hơi mím lại. Cô ấy có vẻ rất hồi hộp. Người ta hỏi ngay cô ấy quen biết tôi từ khi nào. Cô ấy nói rõ thời điểm cô ấy bắt đầu làm việc chỗ chúng tôi. Cô ấy bảo cô ấy là bạn gái của tôi. Một câu hỏi khác, cô ấy trả lời rằng cô ấy sẽ lấy tôi. Công tố viên, lúc đó đang lật giở tập hồ sơ, bỗng yêu cầu cô ấy nói rõ ngày chúng tôi quan hệ. Cô ấy nói ngày tháng. Công tố viên ra vẻ thờ ơ nhận xét rằng có lẽ đó là một ngày sau cái chết của mẹ tôi. Rồi ông ta nói với vẻ châm biếm rằng ông ta không muốn xoáy vào một tình huống tế nhị, rằng ông ta hiểu sự e ngại của Marie, nhưng (đến đó thì giọng ông ta đanh lại) bổn phận ra lệnh cho ông ta phải vượt lên trên những quan niệm thông thường. Ông ta yêu cầu Marie nói tóm tắt về cái ngày mà tôi biết cô ấy. Marie không muốn nói về chuyện đó, nhưng trước sự gò ép của công tố viên, cô ấy nói lại việc chúng tôi đi tắm, đi xem chiếu bóng và trở về chỗ tôi. Công tố viên nói rằng theo lời khai của Marie trước ngài chủ tọa thì ông ta đã tìm hiểu về chương trình chiếu bóng ngày hôm đó. Ông ấy nói thêm rằng chính Marie phải nói khi đó người ta chiếu phim gì. Marie hạ thấp giọng và nói đó là một bộ phim có Fernandel. Khi cô ấy nói xong, gian phòng bỗng im phăng phắc. Công tố viên đứng dậy với vẻ trịnh trọng và với giọng như xúc động, ngón tay chỉ về phía tôi, ông ấy phát âm rõ ràng từng tiếng một: “Thưa các vị bồi thẩm, chỉ sau khi mẹ chết một ngày mà con người kia đi tắm, có quan hệ bất thường và còn cười khi xem phim hài. Tôi không biết nói gì hơn với quý ông.” Rồi ông ta ngồi xuống và im lặng. Ngay lập tức, Marie bật ra những tiếng nức nở và nói rằng sự việc không phải như vậy, rằng sự việc diễn ra khác, rằng người ta bắt cô ấy nói điều ngược lại với suy nghĩ của cô ấy, rằng cô ấy biết rõ tôi và tôi không làm điều gì xấu. Nhưng viên thừa phán, khi vị chủ tọa ra dấu, đã dẫn cô ấy về chỗ ngồi, và phiên tòa tiếp tục.
Thật khó khăn khi sau đó cử tọa nghe Masson nói. Anh ta tuyên bố tôi là người trung thực và dũng cảm. Và còn khó khăn hơn khi mọi người nghe Salamano. Ông ấy nhắc lại rằng tôi đối xử tử tế với con chó của ông ấy. Khi trả lời các câu hỏi về mẹ tôi và tôi, ông ấy bảo tôi không nói thêm gì về mẹ, và đã đưa mẹ vào trại. “Cần phải hiểu điều này. – Salamano nói – Cần phải hiểu.” Nhưng có vẻ không ai hiểu. Và người ta dẫn ông ấy đi.
Đến lượt Raymond, nhân chứng cuối cùng. Raymond khẽ ra hiệu cho tôi và nói ngay rằng tôi vô tội. Nhưng chủ tọa tuyên bố ông ấy không cần đưa ra phán quyết, mà chỉ nêu sự kiện. Ông ấy yêu cầu Raymond chờ nghe câu hỏi để trả lời. Người ta yêu cầu anh ấy làm sáng tỏ mối quan hệ với nạn nhân. Raymond lợi dụng câu hỏi đó để nói rằng chính anh ấy mới là kẻ bị nạn nhân thù ghét do anh ấy đánh em gái gã. Chủ tọa hỏi liệu nạn nhân có cớ gì để thù tôi không. Raymond nói việc tôi có mặt ở bãi tắm là tình cờ. Công tố viên hỏi vì sao lá thư gây ra thảm kịch lại do tôi viết. Raymond trả lời rằng đó cũng là sự tình cờ. Công tố viên vặn lại rằng sự tình cờ sao lại dẫn tới quá nhiều hành động thiếu lương tâm trong câu chuyện này như vậy. Ông ta muốn biết có phải do tình cờ mà tôi can thiệp vào câu chuyện khi Raymond đánh cô bồ không, có phải tình cờ tôi đứng ra làm chứng ở đồn cảnh sát không, và cũng do tình cờ mà những lời khai của tôi lại hoàn toàn trùng khớp với lời chứng của Raymond chăng? Để kết thúc, ông ta hỏi Raymond sống bằng nghề gì, và khi anh ta nói “Thủ kho”, ông ta liền lưu ý bồi thẩm đoàn rằng vị nhân chứng này là tay ma cô có tiếng, còn tôi là bạn và là tòng phạm của anh ta, rằng anh ta đang diễn một màn kịch dơ bẩn của loại người hạ đẳng, và màn kịch càng dơ bẩn hơn vì người ta giao vai diễn cho một kẻ vô luân. Raymond muốn tự bào chữa, và luật sư của tôi cũng phản đối, nhưng người ta bảo hãy để công tố viên nói xong đã. Ông này nói tiếp: “Tôi có một điều muốn hỏi thêm. Đây là bạn ông à?” “Phải, cậu ấy là bạn tôi.” Công tố viên lại hỏi tôi cũng câu hỏi đó, và tôi nhìn Raymond lúc đó vẫn đang nhìn tôi. Tôi nói: “Phải.”  Công tố viên quay về phía bồi thẩm đoàn và tuyên bố: “Chính cái kẻ mà ngay sau ngày mẹ chết đã lao vào trò trác táng bẩn thỉu nhất cũng là kẻ đã giết người vì những cái cớ không đâu và hủy hoại đạo đức một cách tệ hại.”
Rồi ông ta ngồi xuống. Lúc đó luật sư của tôi đã hết kiên nhẫn. Ông ta giơ hai tay lên, làm hai ống tay áo tụt xuống để lộ những nếp gấp của chiếc sơ mi hồ cứng: “Cuối cùng thì anh ta bị xử vì chôn cất mẹ hay vì giết người?” Cử tọa cười ầm. Nhưng công tố viên đã đứng dậy, tay sửa áo choàng, và tuyên bố rằng phải có sự ngây thơ trong trắng của một người biện hộ trung thực mới không cảm thấy rằng giữa hai loại sự kiện có một mối liên hệ sâu sắc và cốt lõi. “Phải – ông ta la lớn – tôi lên án kẻ này vì đã chôn cất mẹ với trái tim tội lỗi.” Lời tuyên bố đó có vẻ đã gây hiệu ứng đáng kể lên cử tọa. Luật sư của tôi nhún vai và lau mồ hôi trán. Ông ta có vẻ nao núng, và tôi hiểu rằng mọi việc diễn ra không thuận lợi đối với tôi.
Cử tọa đứng dậy. Khi đi từ nhà xử án ra xe, tôi thoáng nhận ra hương vị và màu sắc của buổi tối mùa hè. Trong bóng tối của phòng giam bồng bềnh và trong trạng thái mệt nhoài, tôi lại nghe thấy từng âm thanh quen thuộc của một thành phố mà tôi yêu, vào thời khắc mà cảm giác hài lòng đến với tôi. Tiếng rao của những người bán báo trong khung cảnh yên bình, tiếng chim kêu trong công viên, tiếng mời gọi của những người bán sandwich, tiếng tàu điện nghiến vào đường ray ở chỗ quay cuối đường và tiếng ồn từ ngoài cảng vọng vào – tất cả những âm thanh đó lại làm sống dậy trong tôi một tiến trình ngầm mà tôi đã biết rõ từ trước khi vào tù. Phải, đó là thời khắc mà đã từ lâu tôi thấy hài lòng. Thời khắc đó vẫn chờ đón tôi, sau đó luôn là giấc ngủ nhẹ nhàng không mộng mị. Tuy vậy, bây giờ thì một cái gì đó đã thay đổi, vì với sự chờ đợi ngày mai đến, tôi chẳng thấy gì khác ngoài phòng giam. Dường như những con đường in dấu trên nền trời mùa hạ có thể dẫn đến cả ác mộng tù đày lẫn những giấc ngủ vô tư.
( Con tiep )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: