.
Việt Nam đã chuyển hướng sang phía Hoa Kỳ để tìm kiếm sự cần bằng sau khi nước cộng sản láng giềng phương bắc lấn át Hà Nội. Trung Quốc vừa triển khai chiến thuật bành trướng bằng cách đặt một giàn khoan dầu nước sâu có trị giá khoảng 1 tỷ USD trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đã nhiều lần bắn súng nước cũng như đâm và đánh chìm các tàu của Việt Nam.
“Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực và tham gia của các nước và các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ, như một đối tác toàn diện của Việt Nam nhằm góp phần giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ một cách ôn hòa”, Hà Thủy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, cho biết.
Theo chính sách “trục châu Á” của chính quyền Obama thì phản ứng của Washington từ lâu chỉ nêu lên rằng Hoa Kỳ luôn bảm đảm an ninh ở khu vực này nhưng đến nay vẫn thiếu các hành động cụ thể. Các quan chức từ lâu đã cho biết mục tiêu của trục châu Á là tái tập trung sự chú ý và nguồn lực vào khu vực chứ không phải nhằm thách thức Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng quân sự và nền kinh tế hàng đầu ở châu Á để lấn át các nước láng giềng.
Sự xâm lăng của Bắc Kinh ở Biển Đông – trong đó có cả việc Trung Quốc công bố tiếp tục di chuyển giàn khoan dầu thứ hai vào khu vực này – đã giúp Hà Nội và Washington có thêm động lực để định hình lại mối quan hệ vốn đã phát triển đáng kể kể từ khi máy bay trực thăng Hoa Kỳ di tản người Mỹ cuối cùng ra khỏi Sài Gòn 39 năm trước. Vốn đã có mối quan hệ kinh tế khá chặt chẽ, Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay có thể nhìn về một hướng khi nhắc đến các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực châu Á.
“Tôi thật sự lo ngại sâu sắc bởi những căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, và hành động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp đặt ra câu hỏi về sự nghiêm túc đối với các cam kết liên quan đến hòa bình và an ninh trong khu vực”, Thượng nghị sĩ Benjamin L. Cardin thuộc Đảng Dân chủ đại diện tại bang Maryland và thành viên Ủy ban Thượng viện về Quan hệ Đối ngoại nói.
Ông Cardin phát biểu như trên vào cuối tháng trước trong cuộc gặp với các quan chức Việt Nam tại Hà Nội.
Hoa Kỳ hiện có liên minh với các nước trong khu vực như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan, nhưng không có hiệp ước đồng minh với Việt Nam – nơi có hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác bị thương trong nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lây lan ở Đông Nam Á trong cuộc chiến kéo dài gần 10 năm.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Washington và Hà Nội đã mở rộng các mối quan hệ theo cách xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Việc thông qua hiệp định thương mại song phương vào năm 2001 đã giúp thương mại giữa hai nước tăng mạnh từ 1,5 tỷ USD hồi năm 2001 lên hơn 29 tỷ USD trong năm 2013.
Việt Nam cũng là một phần trong kế hoạch của Washington đối với tăng trưởng kinh tế lớn ở châu Á. Cùng với chín quốc gia khác, Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership), một thỏa thuận kinh tế nhằm vào mục đích thiết lập các tiêu chuẩn mới để thúc đẩy các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước châu Á trong thế kỷ 21.
Trong khi đó, Việt Nam đã tỏ ý muốn thúc đẩy mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Trong năm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Nhà Trắng, trong khi các quan chức khác của Việt Nam đã bày tỏ ý muốn Hoa Kỳ đóng một vai trò tích cực hơn đối với nền an ninh của Việt Nam.
Ngoài ra, Hà Nội đang tiến gần hơn với các ưu tiên trong danh sách của Washington. Hồi tháng trước, Việt Nam tuyên bố sẽ tham gia vào Sáng kiến An ninh Phổ biến Vũ khí (PSI) trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trước đây Hà Nội đã từng lên tiếng phản đối tham gia vào sáng kiến này do Hoa Kỳ và các đồng minh vận động. Việc này đã mở ra cơ hội để hai bên tiến hành các cuộc giám sát hàng hải chung giữa Washington và Hà Nội.
Các nhà phân tích nói thêm rằng các cuộc thảo luận song phương về quốc phòng, chống khủng bố và các sáng kiến thực thi pháp luật sẽ mở ra nhiều cơ hội để hai nước tiến lại gần với nhau.
Nhưng để chắc chắn, Washington hy vọng Việt Nam tiếp tục tiến hành cải cách sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền.
“...Việt Nam biết rằng Trung Quốc sẽ luôn luôn là một mối họa, ngay cả khi Hoa Kỳ chuyển hướng về khu vực này. Hà Nội không muốn khiêu khích Bắc Kinh thêm nữa”, Phương Nguyễn – nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Washington và Quốc tế cho biết.
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
James Borton, The Washington Times
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét