C
Nguồn: Jeffrey Reeves (2013). “China’s Unraveling Engagement Strategy”, The Washington Quarterly, Vol. 36, No. 4, pp. 139–149.>>PDF
Biên dịch: Bế Minh Nhật | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ở cả Trung Quốc và phương Tây, rằng các yếu tố của chính sách đối ngoại hiện tại của Trung Quốc đang tự chuốc lấy thất bại,[1] là quan trọng nhưng lại hạn chế theo hai hướng nổi bật như sau. Thứ nhất, ý kiến này chỉ tập trung vào các lập trường chính sách mang tính chia rẽ nhất của Trung Quốc, ví dụ như những yêu sách bành trướng lãnh thổ, chính sách ngoại giao gây chia rẽ đối với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hay việc gia tăng sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương. Việc tập trung vào những chính sách gây nhiều tranh cãi này, dù quan trọng, nhưng đã bỏ qua các chính sách ít gây tranh cãi hơn nhưng giờ lại đang góp phần gây nên sự bất ổn ở khu vực. Thứ hai,
các nhà phân tích khi xem xét chính sách đối ngoại của Trung Quốc phần lớn chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn và vừa – như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam hay Philippines, hoặc các tổ chức tầm cỡ khu vực như ASEAN. Các nghiên cứu này đã bỏ qua mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia đang phát triển và nhỏ hơn – ví dụ như Campuchia, Lào, Mông Cổ hay Myanmar – các nước này, theo nhiều cách, lại đang là những viên gạch tạo nên an ninh khu vực ngoại biên của Trung Quốc.
các nhà phân tích khi xem xét chính sách đối ngoại của Trung Quốc phần lớn chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn và vừa – như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam hay Philippines, hoặc các tổ chức tầm cỡ khu vực như ASEAN. Các nghiên cứu này đã bỏ qua mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia đang phát triển và nhỏ hơn – ví dụ như Campuchia, Lào, Mông Cổ hay Myanmar – các nước này, theo nhiều cách, lại đang là những viên gạch tạo nên an ninh khu vực ngoại biên của Trung Quốc.
Bài viết này sẽ chỉ ra rằng những gì được xem là cốt lõi của những mối quan hệ quốc tế ổn định của Trung Quốc trong nhiều năm qua – hay chính là việc trao đổi kinh tế với các nuớc nhỏ và đang phát triển trong khu vực ngoại biên của mình – đã trở thành một nguồn dẫn đến chính sách đối ngoại đang tự chuốc lấy thất bại của Trung Quốc. Không những không giúp đảm bảo thiện chí của các nước khu vực ngoại biên dành cho Trung Quốc, sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào mối quan hệ kinh tế với các nước đang phát triển châu Á nhằm tăng cuờng quan hệ với các nước này có thể sẽ phản tác dụng. Ví dụ, khi quan hệ kinh tế với Trung Quốc dẫn đến những hệ quả tiêu cực tại các nước đang phát triển, các chính phủ và xã hội ở đây đã bắt đầu phản đối sự hiện diện của Bắc Kinh. Vì Trung Quốc không cho thấy xu hướng sẽ thay đổi một cách căn bản cách tiếp cận đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu trong mối quan hệ của mình với các quốc gia, khía cạnh can dự với nước ngoài này đang dần đổ vỡ.
Tính chất tự chuốc lấy thất bại của quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước nhỏ ở châu Á là tương đối giống nhau dù cho thể chế chính trị, cấu trúc kinh tế và xã hội của chính các quốc gia này là khác nhau. Các doanh nghiệp Trung Quốc, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, đều thiết lập quan hệ kinh tế với các nước nhỏ thông qua thương mại, đầu tư, các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vay. Hoạt động kinh tế tại các nước nhỏ đều dẫn đến những kết quả tiêu cực ví dụ như giảm chất lượng môi trường, bóc lột tài nguyên, hay quá phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại.
Kiểu quan hệ kinh tế này thường dẫn đến sự mất ổn định trong nội bộ các nước nhỏ và ở bề ngoài là quan hệ giữa Trung Quốc và các nước nhỏ. Trong nội bộ, các nước nhỏ thường có bất ổn xảy ra do căng thẳng giữa chính phủ và xã hội. Khi những yếu tố tiêu cực trong sự hịên diện kinh tế của Trung Quốc tăng lên, xã hội bắt đầu gây áp lực lên nhà nước để có biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Vì đối với các chính trị gia, việc theo đuổi chính sách hạn chế sự can dự kinh tế của Trung Quốc với đất nước không phải là việc làm tốt nhất đối với lợi ích của họ, nên họ thường chống đối và kết quả là dẫn tới căng thẳng. Nhưng chính ngay khi các nước nhỏ thực hiện các chính sách để hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc – như Luật Đầu tư Nước ngoài đối với các lĩnh vực chiến luợc năm 2012 của Mông Cổ nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp nhà nuớc Trung Quốc sở hữu và khai thác tại các khu mỏ trọng điểm trong nuớc – sự căng thẳng với Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Sự bất ổn đối ngoại này cũng xảy ra khi các nước nhỏ lựa chọn hợp tác nhiều hơn với các đối tác nước ngoài khác như Hoa Kỳ, để cân bằng sự hiện diện của Trung Quốc. Sự bất ổn trong đối nội và đối ngoại có thể xảy ra riêng lẻ hoặc đồng thời.
Đối với Trung Quốc, kết quả cuối cùng của cả hai sự bất ổn kể trên đều giống nhau: an ninh ngoại biên bị giảm sút. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào quan hệ kinh tế với các quốc gia này nhằm tăng cường hơn nữa lợi ích của mình, cùng với việc nước này không thể hay không muốn hạn chế những tác động tiêu cực của sự hiện diện kinh tế của họ tại các nước, vì thế trở thành một thất sách ngoại giao.
Bài viết sẽ minh họa quá trình này bằng việc xem xét mối quan hệ của Trung Quốc đối với bốn quốc gia nhỏ tại châu Á – Mông Cổ, Campuchia, Lào, và Myanmar. Tất cả bốn nuớc này đều có liên quan bởi lẽ họ đều gần gũi với Trung Quốc về mặt địa lý, có mối quan hệ kinh tế khăng khít và là các quốc gia mà Trung Quốc coi là thiết yếu trong việc duy trì sự ổn định an ninh tại khu vực ngoại biên của mình. Vì vậy việc bất kỳ mối quan hệ nào trở nên xấu đi đối với Trung Quốc đều là nằm ngoài ý muốn.
Chiến lược kinh tế của Trung Quốc
Kể từ sau khi tiến hành cải cách và mở cửa vào cuối thập niên 1970, Trung Quốc đã dựa trên hoạt động trao đổi kinh tế nhằm thực hiện việc giao lưu với các nước nhỏ ở châu Á. Bốn chiến lược ngoại giao thể hiện rõ cách tiếp cận này đó là “Chiến lược Hợp tác Nam-Nam” (nan-nan hezou), “Chiến lược đi ra ngoài” (zou chuqu zhanlue – Go out strategy), “Chiến sách Láng giềng Tốt” (mulin youhao), và “Khái niệm An ninh Mới” (xin anquan guan).
Việc lặp lại Chiến lược Hợp tác Nam – Nam của Trung Quốc sau thời kỳ đổi mới và mở cửa đã chỉ rõ hướng tiếp cận của Trung Quốc đối với các quốc gia đang phát triển và có nhiều bất lợi trong toàn cầu hóa. Trung Quốc là “người đề xướng và ủng hộ nhiệt thành” các mối quan hệ Nam-Nam, và tin tưởng rằng việc hợp tác sẽ “mang lại một viễn cảnh rộng lớn và tiềm năng khổng lồ.”[2] Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc xác định vai trò của Trung Quốc trong hợp tác Nam-Nam là “thống nhất, lãnh đạo và điều phối” các mối quan hệ kinh tế thông qua đầu tư và viện trợ.[3]
Chiến sách Láng giềng Tốt, được khởi đầu bởi Giang Trạch Dân, cũng nhấn mạnh định huớng trọng tâm của việc trao đổi kinh tế là những mối quan hệ nhà nước tốt đẹp. Về cụ thể, quan điểm này nhấn mạnh việc trao đổi kinh tế đôi bên cùng có lợi (win-win), đối tác kinh tế, hợp tác phát triển, và mở rộng thương mại là các biện pháp nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia ngoại biên. Trung Quốc tái khẳng định việc trung thành với Chính sách Láng giềng Tốt trong trao đổi kinh tế vào năm 2012, trong một báo cáo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 nhằm kêu gọi việc tiếp tục và mở rộng hợp tác kinh tế với các quốc gia ngoại biên để đảm bảo an ninh khu vực.[4]
Chiến lược Đi ra ngoài, được khởi xuớng năm 1991, là cách Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp của mình đầu tư ra nước ngoài. Li Lihui, chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, mô tả đó là phương pháp mang tính cơ bản mà qua đó Trung Quốc sử dụng toàn cầu hóa nhằm mở rộng xuất khẩu, phát triển công nghiệp, đảm bảo tiếp cận được các nguồn lực nước ngoài, và ảnh hưởng đến việc chuyển giao công nghệ.[5] Ma Zhongpu, chuyên gia phân tích của Mạng lưới Quan hệ Thương Mại Trung Quốc đồng ý với Li – rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Chiến lược Đi ra ngoài như là một sự chỉ dẫn để tiếp cận với các nguồn tài nguyên khoáng sản và thị trường nuớc ngoài trong phạm vi “gần” và “xa” đối với Trung Quốc, trong khi lại có thể sử dụng các khoản đầu tư và nguồn lao động để giúp các quốc gia khác đạt được mục tiêu kinh tế của chính các quốc gia đó.
Trái với Chiến lược Hợp tác Nam-Nam, Chính sách Láng Giềng tốt và Chiến lược Đi ra ngoài, Khái niệm An ninh Mới, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1996, kết nối kinh tế trực tiếp với vấn đề an ninh. Khái niệm An ninh Mới cho rằng trong thế giời thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, các quốc gia cần tăng cường an ninh thông qua các tiếp xúc về mặt ngoại giao và kinh tế, hơn là thông qua đối đầu và đối kháng như trong thời Chiến tranh Lạnh. Bộ Ngoại giao cũng cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế là một yếu tố kết nối của an ninh khu vực, và rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác kinh tế để đảm bảo sự phát triển của an ninh khu vực.[6] Cách tiếp cận vấn đề an ninh thông qua kinh tế được đề ra trong Khái niệm An Ninh Mới phù hợp hơn với các nước đang phát triển hơn là với các nước phát triển, khi nó chỉ ra rằng kém phát triển là nguồn gốc của sự bất ổn nội bộ quốc gia và khu vực. Một bản cáo bạch 2011 về Khái niệm An ninh Mới phát hành bởi Quốc vụ viện nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải đặc biệt hỗ trợ các nước nhỏ trong phạm vi dẫn dắt của Khái niệm nhằm tạo ra một môi trường an ninh có lợi ở châu Á.[7]
Thông qua việc quan sát những quan điểm chính sách ngoại giao quan trọng này, có thể thấy rõ ràng rằng Trung Quốc xem bản thân mình như một đối tác tốt đối với các nước nhỏ tại châu Á. Như Yang Jiang của Trường Kinh doanh Copenhagen chỉ ra, Bắc kinh thật sự xem mối quan hệ với các nước đang phát triển ở châu Á theo cách của “một nước lớn” (dagou fenfan), hoặc theo cách mà trong đó Trung Quốc hành động như một “lãnh đạo nhân từ.”[8] Tuy nhiên, việc xem xét sâu hơn mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước nhỏ ở khu vực ngoại biên lại mâu thuẫn với những nhận thức này của Trung Quốc.
Sự hoài nghi của các nhà phân tích Trung Quốc ví dụ như về thành công của Chính sách Láng giềng Tốt đang lớn dần lên. Zhu Feng của trường Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung quốc đã bị xa lánh bởi nhiều quốc gia nhỏ ở châu Á bởi việc tập trung một cách thiển cận vào thuơng mại mà không quan tâm đến các vấn đề về nhân quyền, nguyên tắc thượng tôn pháp luật, hay bảo vệ môi trường.[9] Bản chất đôi bên cùng có lợi trong Chiến lược Đi ra ngoài của Trung Quốc đã bị phản bác với các báo cáo về các sự phản kháng ở cả cấp độ nhà nước và xã hội. Zhang Xizhen từ trường Đại học Bắc Kinh cho rằng phần nhiều trong việc bất bình gia tăng đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc ở các nước đang phát triển đến từ thái độ thiếu sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc điều tiết các ngành công nghiệp mà họ đang khuyến khích “đi ra ngoài”.[10] Chen Fengying, Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), nhấn mạnh rằng kết quả tiêu cực của các hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở nuớc ngoài, như việc làm giảm sút chất lượng môi trường hay căng thẳng giữa lao động Trung Quốc và cộng đồng dân cư bản địa, đã góp phần vào tình trạng mất an ninh ở các nuớc nhỏ và đang phát triển.[11]
Các học giả đều cũng đã phản bác khẳng định của Trung Quốc rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong khu vực là nguồn gốc của sự ổn định, và đặt ra câu hỏi về các mục đích kinh tế đằng sau Khái niệm An ninh Mới. Michael Yahuda của trường Kinh tế Luân Đôn cho rằng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau của Trung Quốc và các nước nhỏ ở châu Á vẫn chưa mang lại sự ổn định lớn hơn, vì các vấn đề chính trị mang tính lịch sử cũng như đương đại vẫn mang tính chất quyết định trong những mối quan hệ này.[12] Daniel Dreznet của trường Đại học Tufts bác bỏ ý tưởng hoang đường rằng sự phụ thuộc về kinh tế sẽ mang lại hòa bình cho châu Á, và nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã từng sử dụng đòn bẩy kinh tế để đạt được các mục tiêu về ngoại giao đối với các nước đang phát triển ở châu Á trong quá khứ.[13] Ví dụ tiêu biểu của việc sử dụng đòn bẩy kinh tế là việc Trung Quốc dùng nguồn dự trữ ngoại tệ mạnh của mình để khuyến khích các quốc gia đang phát triển ngừng công nhận Đài Loan, và quyết định của Trung Quốc về việc tăng cường các rào cản đối với hoa quả nhập khẩu từ Philippines trong năm 2012 để đáp lại căng thẳng giữa hai quốc gia về chủ quyền khu vực bãi cạn Scarborough. Jia Qingguo của trường Đại học Bắc Kinh cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không thể đảm bảo những mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước nhỏ nếu các nước này không tin tưởng vào các mục đích chính sách ngoại giao của Trung Quốc, và trên thực tế là có nhiều nước như vậy.[14]
Bốn nước láng giềng
Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) xác định Mông Cổ, Campuchia, Lào và Myanmar là các đích đến của đầu tư và thương mại trong “Mục lục Hướng dẫn về các Quốc gia và ngành Công nghiệp nhằm Phát triển ra Nước ngoài.”[15] MOFCOM xác định một số các ngành công nghiệp cụ thể là trọng tâm của đầu tư và phát triển, ví dụ như khai thác gỗ (Lào, Myanmar và Campuchia), dầu và khí thiên nhiên (Myanmar), hang hóa cơ bản (Mông Cổ), và ngành công nghiệp dệt may (Campuchia và Mông Cổ). Mặc dù có thể xem các ưu tiên đầu tư của MOFCOM là hoàn toàn vì mục tiêu thương mại, nhưng làm như vậy là thiếu đi cái nhìn tổng thể. MOFCOM không chỉ là cơ quan chịu trách nhiệm về các chính sách ngoại giao liên quan đến thương mại, mà các chính sách của nó còn trực tiếp phục vụ cho các chương trình chính sách ngoại giao lớn hơn, ví dụ như thúc đẩy hơn nữa Hợp tác Nam-Nam, Chính sách Láng giềng Tốt, Chiến lược Đi ra ngoài và Khái niệm An ninh mới.[16]
Vươn ra bên ngoài
Sự hiện diện của Trung Quốc ở bốn nước này được đại diện bởi các doanh nghiệp quốc doanh (SOEs), các doanh nghiệp bán tư nhân (các doanh nghiệp tư nhân có liên hệ với chính phủ), và các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Trong khi cả ba loại hình doanh nghiệp này đều vận hành với một mức độ tự chủ nhất định và có thể phản ứng theo các logic thương mại, MOFCOM vẫn duy trì quản lý những hoạt động của họ thông qua các tổ chức thương mại bán chính thức. Việc giám sát này, cùng với việc ưu tiên được dành cho mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia ngoại biên đang phát triển, cho thấy có một mức độ điều phối của chính phủ đối với các thực thể kinh doanh hoạt động tại các quốc gia đó. Vì thế, cũng không phải là thiếu chính xác khi coi những thực thể kinh doanh đa dạng này chính là hoạt động kinh tế “Trung Quốc chính thức” ở nước đó. Phần còn lại của bài viết này sẽ tiếp tục làm sáng tỏ nhận định này.
Trung Quốc đã từng sử dụng một số biện pháp khác nhau để mở rộng sự hiện diện kinh tế của mình ở Mông Cổ, Campuchia, Lào và Myanmar. Những biện pháp này bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển nước ngoài và các khoan cho vay. FDI từ Trung Quốc là thực sự đáng kể – Trung Quốc là nước đầu tư nhiều FDI nhất tại Mông Cổ, Campuchia và Myanmar, và là nước lớn thứ hai tại Lào (sau Việt Nam). Ở bốn quốc gia này, FDI Trung Quốc hàng năm đều tăng lên theo cấp số nhân trong thập kỷ vừa qua. Ví dụ như FDI của Trung Quốc đầu tư vào Mông Cổ chiếm tới hơn 50 phần trăm tổng số vốn FDI vào đất nước này (596,7 triệu Đô la Mỹ năm 2010). Và để so sánh tương quan, các nước đầu tư FDI thứ hai và thứ ba – Canada và Hà Lan – đều chỉ chiếm lần lượt 8 và 6 phần trăm tổng số FDI.[17] Ở Campuchia, FDI từ Trung Quốc tăng từ 717 triệu Đô la Mỹ năm 2006 lên tới 1,1 tỉ Đô la Mỹ vào năm 2010. Tổng cộng từ năm 1994, Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 8,9 tỉ Đô la Mỹ, nhiều hơn hai lần tổng giá trị FDI từ nhà đầu tư lớn thứ hai, Hàn Quốc.[18] Tương tự, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Myanmar từ trước tới nay: từ 20 triệu Đô la Mỹ năm 2004 đến gần 2 tỉ Đô la Mỹ trong năm 2010 (tăng 9.542 phần trăm).[19] Và con số này vẫn tiếp tục tăng lên, chỉ tính riêng trong năm 2010, Trung Quốc cam kết đầu tư 20 tỉ FDI vào Myanmar trong các dự án đã được phê duyệt.[20] Dù Trung Quốc mới “chỉ” là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai tại Lào, với hơn 3,3 tỉ Đô la Mỹ trong 551 dự án kể từ năm 1988, nhưng nước đang tích cực tăng cường đầu tư.[21]
Về thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn nhất cho ba quốc gia, với ngoại lệ lần nữa là Lào. Trung Quốc nhận hơn 90 phần trăm xuất khẩu của Mông Cổ trong khi chiếm tới 32 phần trăm tổng nhập khẩu của nước này.[22] Trong năm 2011, Trung Quốc đã vượt Nga trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Mông Cổ, một xu hướng cho thấy hoạt động thương mại sâu sắc hơn giữa hai quốc gia trong tương lai. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, chiếm tới hơn 32 phần trăm tổng kim ngạch thương mại của Campuchia. Trái lại, nước xếp hạng thứ hai, Hoa Kỳ, chỉ chiếm 20 phần trăm. Một xu hướng đáng chú ý trong mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia đó là sự tăng trưởng nhảy vọt 73,4 phần trăm từ 2010 đến 2011.[23] Dù Lào là ngoại lệ trong số 4 bốn quốc gia vì đối tác thương mại quan trọng nhất của Lào là Thái Lan chứ không phải Trung Quốc, nhưng 34 phần trăm xuất khẩu của Lào năm 2010 là tới thị trường Trung Quốc, tăng từ 2,9 phần trăm trong năm 2001, và Trung Quốc cung cấp tới 23 phần trăm giá trị nhập khẩu của Lào.[24] Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Myanmar, cung cấp tới 65 phần trăm tổng giá trị nhập khẩu và nhận tới 16 phần trăm tổng xuất khẩu trong năm 2010. Cũng giống như Mông Cổ, Campuchia và Lào, tỷ lệ phần trăm thuơng mại với Trung Quốc của Myanmar cũng đang tăng lên, từ chỉ 4,1 phần trăm tổng giá trị xuất khẩu trong 2001 lên tới 16 phần trăm trong 2010, và 39 phần trăm tổng giá trị nhập khẩu trong 2001 lên tới 65 phần trăm trong 2010.[25]
Trung Quốc cũng là nhà cung cấp lớn các khoản hỗ trợ phát triển (ODA) và các khoản cho vay. Trong khi ODA của Trung Quốc tới bốn quốc gia này không lớn như các khoản ODA từ các quốc gia như Nhật Bản hay Hoa Kỳ, nhưng nếu tính cùng với FDI và thương mại, nó sẽ tạo thành một tập hợp ba yếu tố mà trong đó Trung Quốc có vị trí áp đảo. Hơn nữa, cùng với FDI và thương mại, ODA trong khu vực của Trung Quốc cũng tăng lên trong khi viện trợ từ các nước OECD lại giảm đi.[26] Cách Trung Quốc tiếp cận các quốc gia trong việc cấp viện trợ cũng hấp dẫn hơn đối với nhiều quốc gia – nó đi kèm với ít điều kiện hơn so với các khoản viện trợ từ các nước OECD. Trong nhiều trường hợp, điều kiện duy nhất mà Trung Quốc áp dụng cho các khoản viện trợ của mình đó là nó phải được sử dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng và sử dụng các doanh nghiệp Trung Quốc. Đối với nhiều nước nhỏ như Mông Cổ, Campuchia, Lào và Myanmar, những điều kiện như vậy đều phù hợp với chiến lược phát triển nội bộ của họ.
Các khoản viện trợ của Trung Quốc dành cho các nước châu Á đang phát triển cũng không phải là nhỏ. Vào năm 2010, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố rằng Trung Quốc đã cấp 1,7 tỉ Đô la Mỹ viện trợ tới các nước đang phát triển châu Á bao gồm Mông Cổ, Campuchia, Lào và Myanmar.[27] Khoản viện trợ này không bao gồm các khoản cho vay, vốn cũng rất đáng kể trong những năm gần đây. Trong năm 2010, Trung Quốc đã đồng ý cấp cho Myanmar một khoản cho vay 2,4 tỉ Đô la Mỹ.[28] Trong năm 2011, Trung Quốc đề nghị cho Mông Cổ vay 500 triệu Đô la Mỹ, và trong năm 2012, cho Campuchia vay 436 triệu Đô la Mỹ.[29] Trong năm 2012, Trung Quốc đề nghị cho Lào vay một khoản lên đến 7 tỉ Đô la Mỹ để xây dựng đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc. Quốc hội Lào đã phê chuẩn dự án này trong năm 2012 với thời gian bắt đầu và kết thúc dự án chưa được xác định.[30]
Phản ứng dội lại
Khi sức mạnh trở thành điểm yếu
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Chien luoc can du kinh te do vo cua TQ.pdf
—-
[1] Về vấn đề này xem thêm Minxin Pei, “The Bullies of Beijing: China’s Image Problem,” The Diplomat, 15 tháng 12, 2012, http://thediplomat.com/2012/12/15/the-bullies-of-beijingchinas-image-problem/3/; Elizabeth C. Economy, “China’s Not-So-Beautiful-Neighborhood,” Council of Foreign Relations, 30 tháng 11, 2012, http://blogs.cfr.org/asia/2012/11/30/chinas-not-so-beautiful-neighborhood/; “2011 nian zhongguowaijiao huigu yu zhangwang zhuanti yantaohui huiyi zhibo” [Buổi gặp mặt trực tiếp về chủ đề đặc biệt về “A review of China’s 2011 diplomacy”], Zhongguo Yatai yanjiu wang [Mạng Nghiên cứu Trung Quốc về Châu Á – Thái Bình Dương], 19 tháng 12, 2011.
[2] Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, “nannan hezuo” [Hợp tác Nam-Nam],http://www.fmprc.gov.cn/chn/gxh/zlb/zcwj/t24777.htm; Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, “China’s Stand on South–SouthCooperation,” 18 tháng 8, 2003, http://www.fmprc.gov.cn/eng/wjdt/wjzc/t24884.htm
[3] Ủy ban Quốc gia Hội Nghị Chính Trị Hiệp Thương Nhân Dân Trung Hoa, “Dui zhongguo nan-nan hezuo fazhan zhanlue de sikao” [Nghiên cứu Chiến lược Phát triển Hợp tác Nam-Nam], 20 tháng 8, 2009, http://www.ctr.cc.gov.cn/2011/09/24/ARTI1316828751015203.shtml.
[4]“Kaichuang mulin youhao hezuo xin jumian” [Bắt đầu một bước mới của Chính Sách Láng Giềng Tốt], Xinhua, 10 tháng, 2012, http://news.xinhuanet.com/comments/2012-12/10/c_113964759.htm.
[5] Quốc vụ viện nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, “Shiwu qijian zhongguo ‘zou chuqu’ zhanlue youli tuidong duiwai jingji hezuo” [Theo sau Đại Hội Đảng Tòan quốc lần thứ 15, Chiến lược đầu tư nước ngòai của Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế nước ngoài], 13 tháng 2, 2006, http://www.gov.cn/gzdt/2006-02/13/content_187120.htm.
[6] Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, “Zhongguo guanyu xin anquan guan de lichang wenjian” [Tài liệu về vị trí của Trung Quốc trong Khái niệm An ninh Mới], 31 tháng 7, 2002, http://www.fmprc.gov.cn/chn/gxh/zlb/zcwj/t4549.htm.
[7] Gao Xing, “Baipishu: Zhongguo changdao huxin, huli, pingdeng, xiezuo de xin anquan guan” [Cáo Bạch: Khái niệm An ninh Mới của Trung Quốc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi và bình đẳng], Xinhua, 6 th áng 9, 2011, htttr.olitics.people.com.cn/GB/1026/15600348.html.
[8] Yang Jiang, “Great power style in China’s economic diplomacy,” The Hague Journal of Diplomacy 6, số 1 (2011), tr.. 64.
[9] “2011 nian zhongguo” [Buổi gặp trực tiếp về chủ đề đặc biệt về ‘A review of China’s 2011 diplomacy’]. Xem thêm Men Honghua, “Zhongguo jueqi yu dongya anquan zhixu de biange” [Sự trỗi dậy của Trung Quốc và thay đổi về vị thế an ninh của các quốc gia Đông Á] Guoji Guancha[Người Quan sát Toàn cầu], số. 2 (2008).
[10] Antoaneta Bezlova, “Backlash against Rouge Chinese Investors Alarms Beijing,” InterPress Service, 3 tháng 1, 2010, http://ipsnews.net/news.asp?idnews=49879.
[11]“2011 nian zhongguo” [Buổi gặp trực tiếp về chủ đề đặc biệt về ‘A review of China’s 2011 diplomacy’].
[12] Michael Yahuda, “Chinese dilemmas in thinking about regional security architecture,” The Pacific Review 16,số. 2 (2003), tr. 195.
[13] Daniel Drezner, “Bad Debts: Assessing China’s Financial Influence in Great Power Politics,”International Security 34, no. 2 (2009), pp. 10.
[14] “Beijing daxue guoji guanxi xueyuan fu yuanzhang Jia Qingguo jiaoshou zhuzhi fayan shi lu” [Bài nói chuyện của Phó chủ tịch trường Quan hệ Quốc Tế Đại học Bắc Kinh Giáo sư Jia Qingguo], Chahaer xuehui [Viện nghiên cứu Charhar], 29 tháng 12, 2011.
[15] Bộ Thương Mại và Ngoại Giao Trung Quốc, “Duiwai touzi guo bie chanyue daoxiang mu lu” [Mục lục Hướng dẫn về các Quốc gia và ngành Công nghiệp nhằm Phát Triển ra Nước Ngoài.], Bắc Kinh, 2011.
[16] Linda Jacobson và Dean Knox, “New Foreign Policy Actors in China,” SIPRI Policy Paper, số. 26 (Stockholm: Stockholm International Peace Research Institute, 2010), 10http://books.sipri.org/files/PP/SIPRIPP26.pdf.
[17]“Foreign Direct Investment, Net Inflows, Mongolia,” World Bank, 3 tháng 2, 2012, http://data.worldbank.org/country/mongolia.
[18] “Investment Trend: FDI Trend,”Council for the Development of Cambodia, April 2012,http://www.cambodiainvestment.gov.kh/investment-enviroment/investment-trend.html; Cambodia Development Research Institute, Annual Development Review (Phnom Phen: CDRI, 2012), tr. 7.
[19] Jared Bissinger, “Behind Burma’s Rising FDI,” The Diplomat, 31 tháng 8, 2011, http://thediplomat.com/asean-beat/2011/08/31/behind-burmas-rising-fdi/.
[20] Bộ Thương Mại Trung Quốc, “2010 Statistical Bulletin on China’s Outward Foreign Direct Investment,” 16 tháng 9, 2012, http://hzs.mofcom.gov.cn/accessory/201109/1316069658609.pdf.
[21] “Zhongzi qiye 20 duonianlai zai Laowo touzi 33 yi meiyuan” [Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 3.3 tỉ Đô la Mỹ vào Lào trong 20 năm qua], China–ASEAN Free Trade Area, 3 tháng 6, 2012, http://www.cafta.org.cn/show.php?contentid=63915.
[22] Văn phòng Thống Kê Quốc Gia Mông Cổ, “Monthly Bulletin of Statistics, November 2011”, tháng 11 2011, http://www.nso.mn/v3/index2.php?page=menu&m_id=266&s_id=0.
[23] Nhuon Sovan, “Cambodia’s Trade with China in 2011 up 73.5 pct,” Cambodia Daily News, 10 tháng 2, 2012.
[24] “Laos,” The Observatory of Economic Complexity, 20 tháng 12, 2012, http://atlas.media.mit.edu/country/lao/.
[25] “Myanmar,” The Observatory of Economic Complexity, 20 tháng 12, 2012, http://atlas.media.mit.edu/country/mmr/.
[26] Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, “Towards Human Resilience: Sustaining MDG Progress in an Age of Economic Uncertainty,” 13 tháng 10, 2011, tr. 147-148, http://www.undp.org/content/dam/undp/library/Poverty%20Reduction/Inclusive%20development/Towards%20Human%20Resilience/Towards_SustainingMDGProgress_Ch5.pdf.
[27] “Hu Jintao: In the last 10 years, China has provided 1.7 billion in ODA,” China News, 11 tháng 12, 2011, http://www.chinanews.com/cj/2011/12-11/3523093.shtml.
[28] Juliet Shwe Gaung, “Massive loan from China to fund gas investment,” The Myanmar Times, 13 tháng 12, 2010, http://www.mmtimes.com/2010/business/553/biz55301.html.
[29] “China provides largest loan to Cambodia,” The China Daily, 17 tháng 7, 2012, http://www.chinadaily.com.cn/bizchina/2012-07/17/content_15591814.htm.
[30] “Laos–China rail link,” Australia Network News, 21 tháng 11, 2012, http://www.abc.net.au/news/2012-11-21/an-laos-china-rail-link/4384346.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét