Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Biển Đông dậy sóng: Đâu là giới hạn cuối cùng của Việt Nam?

 
 
Hà Trang
Theo Dân trí 
NQL: Đăng bài này để biết  một lối ngụy biện rất tinh vi nhằm che đậy "sự im lặng đáng sợ"  mà một số quan trên đang ra sức vỗ về dân chúng.trước những gì TQ đã  đang và sẽ làm trên Biển Đông. Gs Trần Hữu Dũng đã bình luận thật hay lý lẽ  khôn khéo- uyển chuyển- biện chứng của ông Lê Việt Trường:
 

 Theo ông thì "“Giới hạn” ở đây phải được xem xét trên thực tế, đây không phải là sự “giới hạn” của một vật cụ thể mà là “giới hạn” trong mối quan hệ chính trị".   Nói cách khác, ta vẽ một đường trên cát, bảo rằng "Đây là "giới bạn", tôi... "đề nghị" anh khộng nên vươt qua!".  Khi họ ngang nhiên vượt qua thì ta lại vẽ một đường khác, gần ta hơn, rồi bảo: "Đây là "giới hạn" mới, tôi... "đề nghị" anh khộng nên vươt qua!" . Họ lại vượt qua, ta lại vẽ một đường nữa, gần ta hơn... và cứ thế tiếp tục... cho đến khi VN chỉ còn có đảo Phú Quốc!
 Ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Ủy Ban Quốc phòng – An ninh Quốc Hội: “Từng có ý kiến đặt vấn đề này với nhiều vị lãnh đạo. Tôi cho rằng, một nền hòa bình dù có mong manh đến mấy thì vẫn tốt hơn nhiều một cuộc chiến tranh”.

Trung Quốc vừa cho phát hành bản đồ 10 đoạn, gần như nuốt trọn Biển Đông – kể cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Nhờ “đường lưỡi bò” này mà chiều dài của Trung Quốc cũng giãn ra tới 5.500km trong khi chiều rộng là 5.200km. Quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào?

Tôi cho rằng, đây là một việc làm hết sức ngang ngược, tùy tiện vì trước đây họ đưa ra 9 đoạn, nay thì 10 đoạn, không biết về sau này họ còn vẽ thêm bao nhiêu đoạn nữa. Tấm bản đồ này là vô giá trị vì không dựa trên bất cứ một cơ sở pháp lý nào cả. 
Điều này thể hiện rõ hơn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Trước đây, tất cả các bản đồ chính thức của Trung Quốc thường được vẽ theo chiều ngang. Còn tấm bản đồ này được thể hiện theo chiều dọc, trong đó ngoài phần lục địa, phạm vi nước này gọi là chủ quyền còn mở ra rộng khắp Biển Đông. “Đường lưỡi bò” nuốt trọn Biển Đông được thể hiện bằng 10 đoạn màu đỏ chạy liền nhau, thay vì 9 đoạn như Trung Quốc tự vẽ ra trước đây. Đoạn thứ 10 nằm gần Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ của mình.
Rõ ràng tấm bản đồ “10 đoạn” trên đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Năm 2012, Trung Quốc từng cho phát hành loại hộ chiếu, trong đó có in một bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” tham lam mà nước này tự vẽ ra. Khi đó, động thái này đã vấp phải một làn sóng phản đối dữ dội từ các quốc gia khác. Tôi nghĩ, Việt Nam và các nước cần phải có những phản ứng cứng rắn, lên án mạnh mẽ đối với các hành động phi lý của phía Trung Quốc để tránh những hành động tương tự lặp lại.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những tuyên bố ngang ngược về đường lưỡi bò phi lý trên biển Đông, nhưng theo ông tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để phát hành tấm bản đồ gây tranh cãi này?
Với việc để một nhà xuất bản trong nước phát hành tấm bản đồ gây tranh cãi trên, Trung Quốc dường như đang muốn làm một phép thử để đo phản ứng của dư luận. Nếu các nước không có phản ứng quá gay gắt, chính Phủ Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh việc sử dụng tấm bản đồ này trong tương lai, thậm chí là dùng sức mạnh của mình để thực hiện hóa tham vọng bành trướng của mình trên thực tế.
Trong lịch sử, Trung Quốc đã lặp lại hành động tương tự này nhiều lần nên chúng ta cần phải có những động thái cứng rắn, tỉnh táo hơn bao giờ hết.
Thực tế, việc phát hành tấm bản đồ này của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng, nhằm thỏa mãn hai mục đích: thứ nhất là Trung Quốc đang muốn củng cố hơn nhận thức, niềm tin của người dân về chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông mà nước này từng tuyên bố. Còn trên bình diện quốc tế, thông qua tấm bản đồ Trung Quốc cũng muốn khẳng định với các nước láng giềng tham vọng bành trướng của mình là không thay đổi, cũng như “hợp thức hóa” đối với những yêu sách chủ quyền của mình ở các vùng biển đang tranh chấp.
Kể từ sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Việt Nam, nhiều người đã hi vọng động thái mới từ phía Trung Quốc, nhưng có vẻ với những hành động ngày càng leo thang và không có dấu hiệu dừng lại, Trung Quốc đang đẩy quan hệ giữa hai nước Việt – Trung ngày một căng thẳng?
Trước hết, tôi cho rằng, về mặt ngoại giao chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì được nhiều người hy vọng nó sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực cho việc khôi phục và phát triển quan hệ hai nước. Tuy nhiên, trong khi hai bên đã thống nhất sẽ sớm ổn định tình hình Biển Đông thì ngay sau khi ông Dương Khiết Trì về nước, Trung Quốc đã nhanh chóng “tung” ra một loạt bước đi gây hấn và tỏ rõ thái độ ngang ngược hơn trước như: Đâm, húc trực diện vào tàu của các lực lượng chấp pháp Việt Nam, đưa một loạt giàn khoan mới vào Biển Đông.
Trong đó, giàn khoan Nam Hải 09 tiến hành khoan dầu tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, khu vực chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, đối với những vùng chưa phân định, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn…
Hàng loạt các động thái này cho thấy, Trung Quốc tiếp tục hành xử theo kiểu nói một đằng, làm một nẻo, lời nói luôn đi ngược lại với hành động và không hề có một chút thiện chí nào cả.
Thực tế, để giải quyết một vấn đề bao giờ cũng cần phải có sự thiện chí từ hai phía. Với những hành động đơn phương, ngang ngược của một bên, sẽ chỉ làm tình hình trở nên ngày một căng thẳng và phức tạp hơn mà thôi.
Nhiều ý kiến cho rằng, những leo thang căng thẳng mới đây trên Biển Đông, đã đến “tận cùng của giới hạn chịu đựng” và Việt Nam cần phải thể hiện sự cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa trong việc đối phó với Trung Quốc, ông nghĩ sao?
“Giới hạn” ở đây phải được xem xét trên thực tế, đây không phải là sự “giới hạn” của một vật cụ thể mà là “giới hạn” trong mối quan hệ chính trị, cho nên các bên phải xem xét, đánh giá sát sao từng hành vi, diễn biến trên biển Đông, để bảo vệ lợi ích của quốc gia mình.
Trong nhiều cuộc họp, cũng từng có những ý kiến đưa ra, đặt vấn đề với tôi và nhiều vị lãnh đạo khác về vấn đề đã đến giới hạn cuối cùng chưa? Tôi cho rằng, một nền hòa bình dù có mong manh đến mấy thì vẫn còn tốt hơn nhiều so với một cuộc chiến tranh. Chính vì thế, trong một chừng mực nhất định, về phía chúng ta vẫn nên thực hiện các biện pháp trên thực địa như trong thời gian qua là hợp lý.
Tức là, sử dụng biện pháp đấu tranh, tuyên truyền, tiếp tục các hành động tuần tra kiểm soát, yêu cầu họ rút giàn khoan và ngừng ngay các hành động gây hấn. Mặt khác, kiên trì đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Chúng ta cũng nên tích cực chuẩn bị các tài liệu pháp lý để sẵn sàng các biện pháp hòa bình như đưa vụ việc ra tòa án quốc tế và các tổ chức tài phán khác. Trong một gia đình có gia phong nề nếp, một quốc gia cũng có trật tự, pháp luật; thế giới cũng phải có trật tự, quy củ chứ không phải để cho các nước tự ý được quyền làm theo ý mình. Nếu các nước đều hành xử theo kiểu “nói một đằng làm một nẻo”, không thực hiện đúng những cam kết đã ký thì không thể có hòa bình, ổn định được.
Thưa ông, tăng cường sức mạnh quân sự liệu có phải là giải pháp tối ưu để bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay không?
Cũng không hẳn như vậy, đây chỉ là một trong số nhiều giải pháp. Bất cứ một quốc gia nào cũng thế, một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó tự biết bảo vệ lợi ích của chính nó.
Đất nước ta, từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, bao giờ cũng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Việc củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng chỉ là một giải pháp nhưng không phải yếu tố quyết định tất cả. Thời nhà Hồ, với việc xây dựng thành quách và sức mạnh quân đội mạnh như thế nhưng cũng chỉ tồn tại được vài năm.
Để tạo nên một sức mạnh tổng hợp bảo vệ đất nước, đó phải là sức mạnh của lòng yêu nước, của sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc. Thứ nữa, cái mà Trung Quốc đang gây ra và họ không có được, đó chính là sức mạnh của chính nghĩa.
Có ý kiến cho rằng, với việc không ra một nghị quyết riêng về Biển Đông, Quốc Hội chưa thể hiện được động thái cứng rắn của mình về vấn đề này, ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng, nghị quyết hay thông cáo thì cái quan trọng nhất là nội dung truyền tải trong đó, có thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân hay không, có thực sự tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong dư luận trong nước và quốc tế hay không? Thông cáo vừa rồi theo tôi đã thể hiện rất rõ sự phản đối của Quốc hội Việt Nam trước sự vi phạm của phía Trung Quốc. Tiếp đó, trách nhiệm của cơ quan đối ngoại Quốc hội cũng đã có công thư gửi tới các nghị viện, uy ban đối ngoại các nghị viện, liên minh nghị viện trên thế giới.
Thực tế, không phải là Quốc hội chúng ta không có nghị quyết. Từ năm 1996, Quốc hội khi thảo luận để phê chuẩn công ước của LHQ về luật biển năm 1982, trong đó cũng nhấn mạnh, việc giải quyết tranh chấp các đảo, trong quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa hoàn toàn không ảnh hưởng, gián đoạn đến việc thực thi quyền chủ quyền, tài phán quốc gia của Việt Nam và các nước xung quanh. Chính vì thế, các hành động của Trung Quốc đều vi phạm các quy định của Việt Nam cũng như luật pháp thế giới.
( Nguồn : quechoa)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: