Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

'Người Việt Nam có tuổi ấu thơ kéo dài nhất thế giới'


"Người Việt Nam có tuổi ấu thơ kéo dài nhất thế giới, đến khi lập gia đình vẫn như đứa trẻ chỉ vì từ nhỏ, những việc thuộc về bản thân mình các em chẳng những không được quyết định mà còn được người khác làm hộ". Đó là lời hài hước mà cũng đầy chua xót của chuyên gia tâm lý trẻ em Nguyễn Lan Hải trước tình trạng không ít bậc phụ huynh cứ làm thay con em mình những việc mà lẽ ra phải để các con tự làm.1. Cô học trò cùng cậu bạn chơi trò ô ăn quan. Người mẹ ngồi cạnh, ngay từ việc rải quân ở mỗi ván, bà đã làm hộ con. Đến lượt mình, cô con gái đang suy nghĩ, chưa kịp ra quyết định thì bà mẹ đã đưa tay chỉ đi ô này, hướng này để ăn quân đối phương. Kể cả khi con đã cầm quân, bà cũng bắt để xuống chọn quân khác vì “con đi nước đấy là không được”.

Chỉ những lúc hiếm hoi người mẹ bận nghe điện thoại, cô học trò này mới có cơ hội tự chơi ô ăn quan theo cách của mình.

Thậm chí, có lúc, cháu đã nhanh tay đi xong nước của mình, bà mẹ còn nhặt trở lại từng quân để đi lại cùng với đủ lời trách mắng con không biết chơi, chơi vậy làm sao thắng… Bị mẹ điều khiển từng li từng tí, nên trước mỗi nước đi, cô con gái lại lúng túng chờ ý mẹ như thể sợ mẹ không hài lòng. Em tham gia trò chơi của mình nhưng… kết cục người chơi lại là người mẹ.

Hình như quá khó chịu vì kiểu "chơi không đẹp" của bác phụ huynh, cậu bé chơi cùng đứng dậy bỏ đi tìm trò chơi khác.

2. Ở khu vực tô, nặn hình, một ông bố cũng khác đang quát ầm ĩ đứa con tầm 7 tuổi khi cháu tô màu tím lên mô hình chiếc thuyền. Mặc cho đứa bé đã bày tỏ quan điểm: “Con thích thuyền màu tím đậm, bị chìm cũng rất dễ phát hiện để cứu nạn”, ông bố vẫn khăng khăng thuyền thì chỉ màu trắng hoặc màu xanh và bắt con làm theo bằng được. Đứa bé mếu máo đổi màu tô khi nghe bố dọa: “Không nghe lời thì về”.



Trong khi nhiều cháu bé nhỏ hơn đang thỏa sức ngồi vẽ tranh cát theo ý tưởng của mình thì không ít phụ huynh ngồi kèm, bắt con ngồi im để... bố mẹ vẽ. Họ sợ con làm đổ cát, sợ con vẽ sai… nên tự tay vẽ luôn. Có người còn cầm bức tranh do mình vẽ với vẻ đầy tự hào như thể là ý tưởng của con. Có tình nguyện viên tinh ý, đã đến nhắc đây là trò chơi của trẻ, hãy để trẻ tự chơi mà chẳng thể cản được sự “nhiệt tình” của bố mẹ.


Trò của trẻ nhỏ nhưng nhìn đâu cũng thấy phụ huynh... chơi hộ.

Phía sân thử tài làm cầu thủ, các anh chị tình nguyện dặn dò các bạn nhỏ tham gia, khi đá xong sẽ tự nhặt bóng mang trở lại. Nhiều đứa trẻ thích thú chạy đi nhặt bóng thì bị bố mẹ giữ lại, để chạy đi nhặt thay con. Có gia đình còn bố trí, bố đứng ở điểm đầu đặt sẵn bóng vào chân con, còn mẹ đứng sẵn đầu lưới nhặt bóng cho con.


Mặc cho vẻ hào hức của cô con gái, người bố nhất quyết giữ không cho con đi nhặt bóng mà để mình làm làm thay.

Những hình ảnh trên được ghi lại tại một chương trình vui chơi hè miễn phí ở công viên Hoàng Văn Thụ, TPHCM với nhiều trò chơi bổ ích, thú vị dành cho trẻ ở nhiều độ tuổi.. Lẽ ra các em tha gia đều có thể thỏa sức vui chơi, sáng tạo... nhưng với hầu hết trẻ có bố mẹ đi kèm, các em không có được sự may mắn này. Nếu không làm thay thì các bậc phụ huynh lại chỉ tận tay cho con hoặc áp đặt con trẻ phải chơi theo cách chơi của mình. Trò chơi của mình mà các ý kiến, cách chơi của trẻ hoàn toàn bị bác bỏ.

3. Chẳng phải tự nhiên mà không ít điểm khu vui chơi ở TPHCM phải treo những tấm biển “nhắc khéo” phụ huynh vui lòng đứng phía ngoài khi trẻ tham gia trò chơi. Sự can thiệp, làm thay, làm hộ, áp đặt của phụ huynh làm các em mất đi mất đi sự thoải mái, tự tin mà ngay cả những sáng tạo, khám phá của trẻ cũng bị “bóp nghẹt”.


Lời "nhắc khéo" dành cho phụ huynh vào tại một khu vui chơi trẻ em ở Q.7, TPHCM.

Vậy mà, nhiều phụ huynh vẫn bất chấp những lời nhắc nhở này, phải vào tận chỗ con chơi, ngồi cạnh chỉ từng ly từng tí để con chơi theo ý mình mới yên lòng.
 trò chơi để trải nghiệm, khám phá các em còn không được tự do nên không khó hiểu các hoạt động khác như ăn uống, học hành cho đến các quyết định lớn hơn bố mẹ thường can thiệp thô bạo.

Không ít gia đình đang biến trẻ thành những chú “gà công nghiệp” - không có kỹ năng sống, không tư duy, không biết giải quyết vấn đề, thụ động - khi không phải/không được làm bất cứ việc gì, không cần suy nghĩ, sáng tạo mà chỉ mỗi việc… làm theo lời bố mẹ.
(Dân trí)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: