Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

NHÂN NGÀY “BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VN”, ĐỌC VÀ SUY NGẪM BÀI “MÂU THUẪN ĐỐI NỘI LUÔN QUAN TRỌNG HƠN MÂU THUẪN ĐỐI NGOẠI” CỦA LS HÀ HUY SƠN

Lê Quang Vinh  

        
             Xin cảm ơn BVN, Quê Choa (tôi đọc bài trên Que choa) và tác giả - Luật sư Hà Huy Sơn, đã đưa đến bạn đọc bài báo ngắn, súc tích và rất độc đáo: MÂU THUẪN ĐỐI NỘI LUÔN QUAN TRỌNG HƠN MÂU THUẪN ĐỐI NGOẠI. Tôi thực sự thích thú và kính nể tác giả. Cũng là một người làm báo “chuyên nghiệp” nhưng bản thân thật hiếm có được một tác phẩm báo chí sắc sảo, giản dị như vậy.
             Sau các viện dẫn cứ liệu lịch sử mà gần như ai ai cũng biết (gần gũi và rất khách quan) – trong và ngoài nước, xưa và nay, Đông - Tây, kim – cổ…; LS Hà Huy Sơn "khẽ khàng" hạ bút chắc chắn như dao khắc trên đá: “Do vậy, khi đất nước bị lâm nguy, sinh mệnh dân tộc bị đe dọa thì không ai khác chính nhân dân phải là người thức tỉnh trước bài học mang tính quy luật này. Ảo tưởng vì sự đoàn kết chống giặc ngoại xâm, mất cảnh giác vì cùng huyết thống, cùng giống nòi như An Dương Vương đã là bài học lịch sử muôn đời cho dân tộc Việt Nam”.
              Sao lại “khẽ khàng hạ bút” ? – Đó là một đúc kết “quan trọng  khủng khiếp” mà không phải “đúc kết”, một quả tạ mà không phải “quả tạ” nên đã “gieo” được cảm xúc và niềm tin vào trái tim khối óc của mỗi chúng ta nhẹ nhàng, tự nhiên; không chút "cổ động", "lên gân lên cốt". Giá trị sau cùng của bài viết tinh tế, sâu sắc này là chân lý vốn nằm sâu trong ta được thức tỉnh và mài cho sáng hơn như các lời răn trên văn bia, triết thuyết trong các “Bách khoa thư” được "ĐỐT NÓNG" thành năng lượng nội tại cho mỗi hành động thực tế.
             “Giản dị" và "tự nhiên”, nên nó vào thẳng, thẩm thấu tâm tưởng ta như “muối khoáng” vào rễ cây theo nhu cầu "thiên nhiên" chứ không phải chủ ý của tác giả răn dạy ai cả, tuyên truyền ai cả. (Có được “muối khoáng”, "MẸ THIÊN NHIÊN" phải khổ công lắm mới “luyện” được, rễ cũng phải tinh tường, khôn ngoan lắm mới chọn đúng thứ muối khoáng "thiên nhiên" loại cây đó cần!).
             Tôi muốn gửi ý kiến này tới các “đồng nghiệp viết báo” để cùng chia sẻ, cùng học cách tuyên truyền mọi "chủ trương – chính sách của Đảng – Nhà nước" ta theo cách diễn đạt rất giản dị, chân thành của LS Hà Huy Sơn nhân"Ngày Báo chí Cách mạng VN 21/6" năm nay (mà cũng không thể nói là “cách” hay "kiểu", vì bài viết cua LS thật thật đơn giản, chắc cũng "dễ" với mọi người); để mỗi tờ báo trên đất nước này thực sự đổi cách viết, cách tuyên truyền sáo mòn, cưỡng bức, duy ý chí như lâu nay hệ thống đài báo chính thống của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội vẫn làm.         
             Cũng không thể dùng chữ “chính thống” mà làm gì nữa. Tôi không muốn dùng, vì đa phần các tờ báo của cấp bộ - ngành trung ương đang chủ quản, mỗi tòa soạn có đội ngũ phóng viên - biên tập viên hàng trăm con người (không có tòa soạn nào dưới 100 người), thế nhưng lượng phát hành mỗi kỳ từ 500 đến 1000 - 2000 tờ (giàu truyền thống như tờ "Công Thương"). 
Các tờ "đại báo" như "Nhân Dân", "Hà Nội Mới"; trong Nam là "Sài Gòn giải phóng"...giới trẻ gần như không biết tới (nói thiệt, các bác ấy đều biết cả vì nhìn con cháu trong nhà).Trong khi một bài báo như ĐÁM TANG MỆ NỘI TÔI, NGHICH LÝ TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT của người bạn cùng cơ quan cũ là Nhà báo Lê Quang Vinh của Ngô Minh, đăng trên Blog “Quà tặng xứ mưa” – Chuyên mục | VĂN |, ngày 16/5/2014; được đông đảo bạn đọc khắp cả nước truy cập với mức độ đáng suy nghĩ: tính tới thời điểm 7 giờ 18' ngày 16-6-2014, đã có 4.015 bạn đọc (4.015 Reads).
           Bài viết của LS Hà Huy Sơn thật quý báu ở thời điểm hiện tại: cảnh tỉnh chúng ta sự “rạch ròi” của lòng yêu nước cũng như lựa chọn các hành xử thích hợp phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân sao cho đúng bổn phận là một người con "THỨ THIỆT", "CHÂN CHÍNH" của đất nước Việt Nam! 
           Rạch ròi, vì Tổ quốc - Lòng yêu nước là trên tất cả! Trên tất cả!
                                                    Hà Nội, 9 giờ 45' ngày 19/6/2014
                                                                                    LQV
( Tác giả gửi cho QTXM)
  Mâu thuẫn đối nội luôn quan trọng hơn
                            mâu thuẫn đối ngoại
 
                                                                               Hà Huy Sơn

Khái niệm đối nội, đối ngoại ở đây được hiểu một cách tương đối. Mâu thuẫn đối nội không bao giờ trở thành thứ yếu so với mâu thuẫn đối ngoại, ngoại trừ sự vật thay đổi, nó không còn là nó. Đây là vấn đề chung mang tính quy luật của sự vật; trong lĩnh vực lợi ích chính trị, quyền lực nhà nước, chính thể nói riêng cũng như vậy. Lịch sử đấu tranh của các tổ chức chính trị, các cá nhân có quyền lực chính trị trong xã hội đã chứng minh nguyên tắc này. Như các dẫn chứng lịch sử sau đây.
 
 
Không ít các thế lực chính trị trong các triều đại phong kiến Việt Nam do nhu cầu tranh giành quyền lực của phe nhóm hay vì mâu thuẫn đối nội mà đã sẵn sàng cầu viện thế lực bên ngoài. Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc để rước giặc vào nhà chỉ vì lợi ích của phe nhóm hoặc vì lợi ích một số cá nhân. Đến khi vì lợi ích cá nhân, Hoàng hậu có thể giết Vua để thay con chấp chính, con giết cha, em giết anh để tranh giành ngôi báu…
 
Liên Xô trước khi chiến tranh với Phát-xít Đức nổ ra, thay vì phải tập hợp, đoàn kết mọi sức mạnh ở trong nước để chống Phát-xít Đức, việc làm đầu tiên của Stalin đã thanh trừng ngay hơn 30% số sỹ quan của quân đội mà Stalin vì cho rằng họ không đáng tin cậy, không trung thành với ông ta.
 
Trung Quốc, trong thời kỳ chiến tranh chống Phát-xít Nhật thì Đảng Cộng sản Trung Quốc tuy liên minh với Quốc dân Đảng để kháng Nhật, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn có âm mưu lợi dụng quân Nhật để triệt hạ lực lượng của Quốc dân Đảng và luôn coi Quốc dân Đảng là mối nguy hại hơn cả quân Nhật. Trong nội bộ, sau này giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc các cá nhân cũng luôn sẵn sàng thủ tiêu, giết hại đẫm máu lẫn nhau để tranh giành quyền lực.
 
Hoặc trong phe Xã hội chủ nghĩa trước đây, khi Trung Quốc và Liên Xô có mâu thuẫn, tuy rằng cùng ý thức hệ Mác-Lê Nin nhưng Trung Quốc sẵn sàng vì lợi ích của mình, tranh giành ngôi bá chủ trong phe với Liên Xô; Trung Quốc đã từng bắt tay với Mỹ để chống Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
 
Các cá nhân lãnh đạo, các phe phái, thế lực chính trị trong một đất nước trong một tổ chức luôn lợi dụng mâu thuẫn bên ngoài như là một hiện tượng thiên tai, hiện tượng của thời tiết để tiêu diệt, triệt hạ lẫn nhau. Họ có thể sẵn sàng bắt tay với bên ngoài thậm trí làm tay sai, lệ thuộc để duy trì hoặc tranh giành quyền lực ở trong nước, trong đảng.
 
Mâu thuẫn đối nội luôn quan trọng hơn mâu thuẫn đối ngoại. Bằng là nhiều cuộc chiến tranh lân bang giữa các quốc gia, mâu thuẫn giữa các quốc gia đã khép lại nhưng mâu thuẫn nội tộc lại không thể hàn gắn. Lịch sử đã có nhiều gia đình hoàng tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam phải lưu vong đã mãi không bao giờ hồi hương… Do vậy, khi đất nước bị lâm nguy, sinh mệnh dân tộc bị đe dọa thì không ai khác chính nhân dân phải là người thức tỉnh trước bài học mang tính quy luật này. Ảo tưởng vì sự đoàn kết chống giặc ngoại xâm, mất cảnh giác vì cùng huyết thống, cùng giống nòi như An Dương Vương đã là bài học lịch sử muôn đời cho dân tộc Việt Nam.
Trackback URL: http://www.vnweblogs.com/trackback.php?id=455941
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: