Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

TRANG SÁCH NẶNG CHUYỆN ĐỜI


            
                              
                                                          Ngô Minh
 
            Tháng 4/2014 rồi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê ( NKP) tặng tôi tập sách có tựa đề là Trang sách, cuộc đời, nhà văn ( NXB Hội Nhà văn, 2014). Tập sách dày gần 400 trang. Anh gọi là Tuyển tập phê bình và tiểu luận . Đây cũng có thể gọi là những bài báo, hay tiểu luận nhỏ mà nhà văn viết về các tác phẩm văn học xuất bản trong nước, đã in trên rất nhiều báo như Tuổi trẻ, Tiền phong, Thừa Thiên Huế, Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội, tia sáng, Tạp chí sông Hương, Đà Nẵng cuối tuần …suốt 10 năm ( từ 2003 – 2013). Trong lời đề tặng, anh viết rất vui :”Kỷ niệm tròn 75 tuổi  ( 26/4/1939 – 25/4/1914) đồng thời kỷ niệm…5 tháng ăn gạo lức muối mè mà không chán, đành mời bạn “thưởng” đại tiệc gồm món- 75 bài viết trong cuốn sách này…”. Đúng là cả nhà nhà văn NKP bây giờ hàng ngày ăn gạo lức, muôi mè. Thế mà anh vẫn khỏe, vẫn viết đều đặn. Tôi rất cảm phục nhà văn viết báo giỏi nhất xứ Huế này. Tuổi U80 rồi mà anh cặm cụi  đọc xong một tác phẩm văn học hay chính luận sáu bảy trăm trang, mới viết bài báo hai ngàn chữ. Mà anh bao giờ cũng là người đọc đầu tiên, người cất tiếng nói bàn luận đầu tiên về cuốn sách đó. Ví như cuốn  Đội gạo lên chùa  của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Xuân Khánh, Vùng sâucủa Tô Nhuận Vỹ, Minh sư của Thái Bá Lợi, Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang.v.v..Không phải đọc chơi, đọc cho thỏa sự ham đọc sách, mà đọc rất chăm chú để viết bài, để tìm ra cái hay, cái đẹp, cái cần suy ngẫm, giới thiệu cho bạn đọc. Đọc sách như thế, NKP phải xếp hàng đầu ở xứ này. Cuối năm ngoái ( 2013)  anh cũng tập hợp và cho ấn hành cuốn Nhà văn và Thời cuộc (NXB Hội Nhà văn, 2013) gồm 75 bài văn chính luận đã in trên các báo. Viết báo mà thành sách là cách viết của người có chính kiến mạnh.

            Cuốn Trang sách, cuộc đời, nhà văn, Nguyễn Khắc Phê đã đưa đến cho người đọc những chiêm nghiệm, cảm nhận và suy nghĩ sâu sắc về đổi mới và những vấn đề về hậu chiến hay chống tham nhũng và xây dựng cuộc sống dân chủ. Anh đi thẳng vào những khía cạnh nhạy cảm để bàn luận, rút ra bài học và được người đọc đồng tình. Đọc cuốn sách Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga của nhà văn Sơn Tùng ( NXB Thanh Niên, 2007, tái bản  2008), Bà mẹ Nga ấy là bà Vêra . NKP đã có những nhận xét rất  đúng... Câu chuyện về Nguyễn Ái Quốc “ mấy mươi năm khép kín trong tâm tư”, nay được tác giả công bố với nhiều chi tiết, sự kiện “ngoài chính sử”. Đó là những việc bà Vêra, người làm ở Quốc tế Công sản, gần gũi làm việc với Nguyễn Ái Quốc nhiều năm từ 1923-1924, 1925-1928 , 1934- 1938, kể với nhà văn Sơn Tùng. Đó là những việc như :” Hoạt động cách mạng có những tình huống éo le, ngặt nghèo. Anh Nguyễn bí danh là Lin phải sắm vai “làm chống”, đồng chí Fanlan ( tức Nguyễn Thị Minh Khai) “làm vợ” để che mắt thiên hạ mà thoát lưới mật thám. Sau kỳ Đại hội VII Quốc tế Cộng sản , 1935, hai đồng chí Litvinop ( tức Lê Hồng Phong) và Fanlan mới có điều kiện làm đám cưới. Anh Nguyễn đứng chủ hôn cho đám cưới này, Mẹ có được mời dự”. Chuyện thứ hai là :Trong Đại hội 6 ( QTCS) những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về dân tộc và thuộc địa bị phê phán dữ dội , họ kết luận Nguyễn Ái Quốc chỉ là người yêu nước, không phải cách mạng vô sản…”. Một số đại biểu lên án Nguyễn Ái Quốc xét lại chủ nghĩa Mác, đòi bổ sưng học thuyết Mác. Nguyễn Ái Quốc nói :” Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sưng “cơ sở lịch sử” của Chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được… Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào ? Lịch sử châu Âu là gì ? Đó chưa phải là toàn nhân loại… Đồng chí Xtalin tỏ vẻ khó chịu nhất là về vấn đề này…”Những câu chuyện bà Vêra là sự thật. Nhà văn Sơn Tùng đưa được vào trong sách của mình đã làm cho những “tìn lan truyền” trở thành “chính sử”, làm cho vị trí của Nguyễn Ái Quốc càng lớn hơn, đời hơn. Nguyễn Khắc Phê ủng hộ quan điểm đó là ủng hộ những cái mới trong cuốn sách.
            Hay khi đọc sách Điệp viên hoàn hảo”( NXB Thông Tấn, 2007 , viết về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman,, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã viết bài Lòng tin và sự nghi ngờ  phê phán một số nếp nghĩ cứng nhắc và máy móc khi sự phân chia “địch-ta” ôm trùm, che lấp hết mọi khía cạnh tinh vi, phong phú và phức tạp của  CON NGƯỜI. Nhà báo Jolynne D'Ornano đã viết cho PXÂ: “…Ông có hai lòng trung thành - một đối với đất nước của ông, và một đối với tình yêu nước Mỹ và những người Mỹ mà ông đã kết bạn…” Bên “địch” thì “không thể tin” một điệp viên cộng sản lại có thể sống chân thật như thế, nhân hậu như thế (thậm chí, vào phút chót cuộc tháo chạy 30/4/1975, chính ông đã ra tay cứu giúp, chỉ đường cho bác sĩ Trần Kim Tuyến - nhân vật chống cộng sản rất quyết liệt, tay chân thân tín của Ngô Đình Diệm - di tản) và ông cũng được chính nhiều người Mỹ yêu mến và tin cậy!  Bởi vậy nên “một người như PXÂ mà vẫn bị nghi ngờ, theo dõi, cấm đi ra nước ngoài suốt gần chục năm” sau giải phóng. Muốn gặp một nhà báo nước ngoài cũng phải xin phép!...” là điều vô lý. “Vâng! Quả thật là xót xa! Đó cũng là sự hy sinh lớn lao , một sự hy sinh còn ít được nói đến “.Nhà văn kết luận : “Yếu tố quan trọng giúp PXÂ lập nên chiến công vĩ đại chính là LÒNG TIN!”. Lòng tin thì chỉ có yêu thương và in cậy chứ không thể nghi ngờ !
            Đọc “Ba phút sự thật” của Phùng Quán ( NXB Văn Nghệ, 2006), NKP cũng truyền đến người đọc một nhận thức: “Riêng nhà văn Phùng Quán, theo thiển ý của tôi, suốt cả đời ông từ tác phẩm đầu tiên đến dòng chữ cuối cùng viết trên gường bệnh đều được xây dựng từ những nguyên mẫu có thực ngoài đời, đều ắp đầy những sự thật anh hùng, bi tráng và cả đau đớn  của thời đại, của kiếp nhân sinh “. Đó chính là sự hấp dẫn của văn thơ Phùng Quán, của Ba phút sự thật.
Đọc sách “Chuyện lan man đầu thế kỷ“ của Vũ Phương Nghi ( NXB Lao động, 2006) nhà văn lên tiếng “Báo động về một thế giới vô nhân”. Đọc Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh ( NXB Phụ nữ), 2011), tác giả nhận ra đây không chỉ là chuyện “yếm thắm bỏ bùa”, mà đây là “cuốn sách có sức nặng, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”, tác giả miêu tả những biến động của xã hội Việt Nam từ thời chống Pháp cho đến  sau ngày đất nước thống nhất. Đọc sách Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ( NXB Phụ nữ, 2011), nhà văn nhận ra  đây Không chỉ là chuyện yếm thắm bỏ bùa, mà cuốn tiểu thuyết dày 880 trang này là cô đọng những biến động của xã hội Việt Nam  từ thời chống Pháp  cho đến sau ngày đất nước thống nhất, đụng chạm đến rất nhiều vấn đề văn hóa xã hội, triết lý nhân sinh, cả chuyện hành hình điạh chủ bằng treo cổ trong  CCRĐ. Đọc tiểu thuyết Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ (NXB Hội nhà văn , 2012) , NKP nhận ra trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến Có một Vùng sâu không dễ dò đến. Đó là lòng người, đó là vấn đề “xấu” “tốt” trong chiến tranh đã khiến nhiều “tổ chức” phải đau đầu và nhiều con người từng sống như những anh hùng đã phải đau đớn trong nhiều năm vì bi chính đồng đội, chính những cơ quan quyền lực nhất  nghi ngờ phản bội cách mạng sau một thời gian hoạt động trong lòng địch, hoặc được đối phương phóng thích.
      Bàn về việc viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nhà văn cho rằng:” Đã đến lúc cần có một cách nhìn toàn diện, tôn trong sự thật”. Lâu này, “chiến tranh hiện ra trên trang sách không sinh động, thường chỉ một chiều diễn tả, chứng minh “ta thắng-địch thua” và người anh hùng thì thường đơn giản, xơ cứng “, nên không thu hút được người đọc. Trước đây, khi cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, khi ranh giới địch-ta không thể một chút nhoà mờ, lầm lẫn, do yêu cầu của nhiệm vụ tuyên truyền, động viên mọi nguồn lực để giành chiến thắng và cũng do thiếu hiểu biết, những người cầm bút chưa thể miêu tả được cuộc chiến đấu muôn màu muôn vẻ với thân phận con người cả hai bên chiến tuyến đúng như nó đã diễn ra. Nay thì đất nước hoà bình đã hơn 30 năm, nhiều tài liệu - kể cả những tài liệu mật đã được “mở khoá”, và quan trọng hơn, con người ở hai bên chiến tuyến đã sống bên nhau - thậm chí trở nên “thông gia”, cùng chung một mục đích là xây dựng một nước Việt Nam “công bằng-dân chủ-văn minh” thì không lý gì trên trang sách lại chỉ viết “một nửa sự thật”. Cần phải nói rõ đây không phải là sự “mơ hồ” về lập trường “địch-ta” hay mắc mưu “diễn biến hoà bình” mà cuộc sống vốn nó như thế, bạn đọc đòi hỏi như thế. Và chỉ có như thế văn nghệ mới có sức sống lâu bền, mới làm tròn phận sự của nó”.
“Hiện tượng “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” là một bằng chứng hiển nhiên cho những điều vừa trình bày. Cuốn nhật ký không phải là một tác phẩm có nghệ thuật cao cường mà vẫn hấp dẫn đông đảo người đọc - kể cả những người xưa kia là kẻ thù của chúng ta, cả những trí thức Việt kiều từng tỏ ra bất đồng chính kiến với chúng ta. Vì sao vậy? Đơn giản chỉ vì nó miêu tả chân thực tâm trạng, thân phận con người trong chiến tranh, chứ không phải vì thành tích chiến đấu của anh hùng Đặng Thuỳ Trâm”.
Từ những phân tích đó, nhà văn cho rằng văn chương muốn hay, muốn có tác phẩm mang tầm thời đại thì phải viết 100 % thật, không xưng tụng một chiều. Như tiểu thuyết “Đất trắng” của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, có lẽ là tác phẩm đầu tiên “dám” miêu tả một chính uỷ hèn nhát đào ngũ; hay như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã thể hiện những mặt bi thảm của chiến tranh.

         Trang sách cuộc đời nhà văn là một cuốn sách có chính kiến rõ ràng, lời văn nhã nhặn, có rào đớn đôi chút, nhưng đã lẩy ra được vấn đề cần đọc , cần ngẫm ngợi trong mỗi cuốn sách, nên đây là cuốn sách bổ ích cho nhận thức của mỗi người trong thời đổi mới, hội nhập.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: