Lại Nguyên Ân
Nền văn học mà chúng ta có hiện giờ, theo một nghĩa nào đó, chính là một nền văn học cán bộ (chữ nhà văn cán bộ là tôi mượn của anh Vũ Tú Nam trong một lần anh gặp gỡ các nhà nghiên cứu của Đại học Tổng hợp, chỗ anh Hà Minh Đức, Mã Giang Lân…) Tác giả của văn học ấy là cán bộ không chỉ theo nghĩa phần đông đều là viên chức ăn lương nhà nước, mà còn theo nghĩa rộng: các tác giả của văn học này phải gắn với chế độ, với công việc của bộ máy, và bản thân văn học cũng là một trong những bộ phận của bộ máy. (ở đây có thể trích dẫn Lênin về “bánh xe nhỏ” và “đinh ốc nhỏ” trong bộ máy…). Do vậy, khi nêu vấn đề trách nhiệm văn học trước hiện thực đời sống ở một thời điểm nào đó, thì thực chất đây là đặt vấn đề nhà văn phải làm gì, viết như thế nào phù hợp với các công việc mà bộ máy nhà nước đương định làm ở thời điểm ấy.
Đối với thời điểm hiện nay, tình thế chung là do đặc điểm cuộc đổi mới ở ta. Về đại thể, đặc điểm đó là việc chuyển đổi hạ tầng (từ kinh tế hành chính chỉ huy sang kinh tế thị trường) đi đôi với việcgiữ nguyên thượng tầng kiến trúc cũ. Hiện thực cuộc sống hôm nay in rõ dấu ấn của đặc điểm đó. Dẫu sao, đây cũng là một cuộc sống đã khác nhiều so với trước đây. Và vì vậy cần nhận ra những điểm lạc hậu về quan niệm văn học còn tiềm tàng trong nền văn học cán bộ, lạc hậu so với logic phát triển của chính nó.
1/ Chủ thể nhà văn của nền văn học này vốn gắn bó với chế độ từ trước lúc chế độ khai sinh, vì thế nên, cùng với nhiều điều kiện và đặc điểm khác nữa, chủ thể nhà văn của văn học này, từ người cầm bút thường đến giới lãnh đạo văn nghệ đều đã quen với một tình cảm văn học là: tự thấy mình đứng về phía người bị trị chống lại người thống trị, đứng về phía người nghèo chống lại người giàu. Đây là một tình cảm quen thuộc, nên nó vẫn còn lại sau khi nhiều biến động xã hội đã đổi thay quay ngược các thang bậc xã hội. Ngay sau khi chế độ mới được thiết lập thì tầng lớp thống trị cũ đã không còn, vậy mà tình cảm “chống thống trị” vẫn còn, có điều là phải tìm đối tượng ở các trận tuyến bên kia, có thật hoặc tưởng tượng. Về bọn nhà giàu, chỉ sau cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản tư doanh, hợp tác hóa, thì thế lực nhà giàu cũ cũng đã thành bóng ma; tuy vậy tình cảm ghét nhà giàu, chống người giàu vẫn chưa tan, có điều nó phải tìm đối tượng ở ngay xã hội đã cải tạo của mình, thậm chí tìm nó ở đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào…
Trong khi đó, một cách dần dà, cái xã hội “của mình” cũng lộ ra những sự phân hóa, có điều là với sự phân hóa này thì cái tình cảm văn học nêu trên không khỏi nhiều phen lúng túng, khó xử. Là vì những người có vị trí cao, có quyền lực lớn, đáng gọi là người thuộc tầng lớp thống trị, nhưng lại vẫn là đồng chí, đồng sự nghiệp với người ở cương vị thấp hoặc người ở trong dân thường. Người có quyền chức lớn, tất được đãi ngộ cao, được sở hữu một tài sản lớn, và cho đến nay đã là lớp hữu sản, nhưng vẫn cứ là đại diện của vô sản, của công nông. Cho đến hiện giờ ở xã hội ta đã có cả một tầng lớp giàu có, và hẳn là trong số này thì người ở ngoài thành phần nhà nước là không nhiều. Vả chăng, các tiểu chủ, tư nhân phất lên được thường là nhờ làm ăn với nhà nước. Họ bỏ túi được một đồng, tất phải mất nhiều hơn một đồng để chi cho các cá nhân trong bộ máy mà họ có quan hệ làm ăn. Tham nhũng, hối lộ vốn là chất dầu mỡ bôi trơn cỗ may quan liêu han rỉ để nó có thể chạy được, vận hành được ngõ hầu sinh lợi cho cả hai bên. Tầng lớp giám đốc được “QĐ 217″ giải phóng, trong khi làm năng động đời sống kinh tế, đem lại lợi nhuận cho nhà nước, thì cũng không quên bỏ túi mình một phần đáng kể, hơn thế, họ cũng giống như các tư nhân làm ăn với nhà nước, không thể không “bôi trơn” cỗ máy trên dưới, tăng thu nhập cho cả mình lẫn các nhân sự hữu quan. Quyền hạn, chức vụ, ngoài các vai trò khác, còn có vai trò sinh lợi kinh tế cho bản thân. Tóm lại, thành phần hữu sản ngày nay có một bộ phận đông đảo là người nhà nước, người có nhiều trọng trách trong các bộ máy. Đối với tầng lớp hữu sản ngày nay, ngay hệ thống bảo đảm luật pháp cũng không dễ phân định phần tài sản bất minh với phần thu nhập chính đáng. Đã vậy, tình cảm văn học “vì người nghèo, ghét người giàu” áp dụng vào đây, đâu chắc đã thích hợp!?
Sự phân hóa xã hội nêu trên, quá trình hữu sản hóa với các đặc điểm kể trên, thật ra là hiện tượng bình thường đối với mọi chế độ, từ trạng thái nảy sinh đến trạng thái tồn tại, định hình của nó. Điều đáng nói là hiện trạng ấy trong tương quan với nền văn học cán bộ. Nền văn học này, chủ thể nhà văn của nó vốn là một thành phần của cơ chế thống trị. Thành viên của nó là nhà văn-cán bộ chứ không phải nhà văn thường dân. Vậy mà, đối với họ, từ nay, người giàu có, người hữu sản, lại chính là đồng chí của mình, là cấp trên, là cùng cấp, hoặc bạn hữu của mình. Tình cảm “vì người nghèo, ghét người giàu”, nếu có thể đã là ảo tưởng lâu nay, thì từ nay không những không thể là ảo tưởng, mà thậm chí còn có hại nữa, hại cho chức năng nhà văn cán bộ gắn bó với lợi ích của bộ máy.
2/ Nền văn học cán bộ của ta vốn tôn trọng sự ích dụng thực tế, đặc biệt là ích dụng tuyên truyền cho công việc của bộ máy. Dần dà, từ định hướng trọng lợi ích thiết thực, thực tế, văn học này tự trang bị lý thuyết: lý thuyết “văn học phản ánh hiện thực”, lý thuyết chủ nghĩa hiện thực. Người ta biện luận mọi quá trình văn học đều như là ngày càng cố gắng “hiện thực” hơn, hiện thực “trực tiếp” hơn. Người ta biện luận rằng giá trị hiện thực hầu như là phương diện giá trị trọng yếu của văn học… Cố nhiên, văn học cán bộ là văn học có chỉ đạo, luôn luôn có hướng dẫn thế nào là “hiện thực” tại một thời điểm nào đó. Ví dụ một thời, nội dung hiện thực là “yêu nước, căm thù giặc”, sang thời khác, là yêu tập thể, ghét cá thể, quá trình hiện thực là hợp tác xã cấp thấp lên cấp cao, quy mô nhỏ lên quy mô lớn v.v… Nhưng sự hướng dẫn không thay thế được nỗ lực khám phá các mặt nội dung hiện thực bởi các nhà văn. Rút cục, lời cổ vũ cho khuynh hướng đào sâu vào hiện thực dường như đã đi đến giới hạn của nó, − một giới hạn có vẻ nguy hiểm khi nhận thấy “rõ ràng sáng tác của chúng ta một số năm gần đây có xu hướng phô bày toàn bộ hiện thực phức tạp của xã hội, gần như không còn e dè, né tránh gì…” (gợi ý của Ban sáng tácHội Nhà văn và Tạp chí Tác phẩm mới, cho cuộc thảo luận ngày 1/10/1992).
Rõ ràng sự cổ vũ cho nhiệm vụ phản ánh hiện thực đã dẫn đến một hậu quả không mong muốn. Dẫu sao, sự lo lắng ở đây giống như là quá khen sáng tác. Việc “phô bày toàn bộ hiện thực phức tạp của xã hội” là một phẩm chất, một thành tích mà chỉ những nền văn học lớn, với những tài năng lớn mới làm được. Chưa nói rằng nếu đem so với các dữ kiện xã hội học mà một cuộc tổng điều tra lý tưởng may ra có thể mang lại, thì sáng tác văn học ở bất cứ thời nào, ở đâu cũng chẳng thấm tháp gì. Nhưng ta hãy quay lại xu hướng cổ vũ lý thuyết và sự nhận định hiện tình văn học nêu trên. Quả là một sự giật mình tỉnh ngộ: hóa ra văn học “phô bày toàn bộ hiện thực phức tạp” không phải là thứ văn học có lợi! Như vậy, phải chăng đã đến lúc đành phải gác lại lý thuyết “văn học phải phản ánh hiện thực”, và từ nay không nên đặt quả cân giá trị văn học vào chủ nghĩa hiện thực? Xem ra, quyền lợi của xã hội chính thống đang đòi hỏi như thế.
3/ Cũng từ tâm thế xem trọng ích dụng thực tế, nền văn học cán bộ thường chú trọng các tác động mà văn học có thể gây ra tại một thời điểm nào đó, thậm chí cả những tác động khách quan, không phụ thuộc lắm vào nội dung văn học (ví dụ đang chiến tranh thì không bàn về Chinh phụ ngâm, đang xung đột ở biên giới thì không bàn về văn học Trung Hoa, hoặc “chê” hơn là khen…). Theo hướng này, tại thời điểm hiện nay cũng phát sinh những tác động khách quan nếu động tới những bộ phận văn học đã có. Ở trên đã nói tới tình cảm “vì người nghèo chống người giàu”, “vì bị trị chống thống trị”. Ở đây nêu thêm tác động có thể nảy sinh hôm nay đối với sáng tác thuộc một số bộ phận văn học vốn được đề cao hoặc hạ thấp.
Ví dụ, chủ đề cách mạng, văn học cách mạng. Nếu quan sát người xem tivi về các kịch Bắc Sơn, Đêm dài, hoặc Cô hàng rau… có thể thấy một thứ nhận không mong muốn: người ta thấy, qua các sáng tác ấy, cách mạng như một cái gì chia rẽ, phá vỡ gia đình, gây hận thù giữa người ruột thịt. Ở các vở diễn trên, vợ chồng, cha con, anh em giết nhau, hại nhau chỉ vì theo hay không theo cách mạng. Quả là một tác dụng không đáng mong muốn.
Đối với văn học hiện thực của những Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… cũng có thể nảy sinh những hậu quả tiếp nhận tương tự. Nếu đứng từ quan điểm cần sự ổn định cho hôm nay thì một Chí Phèo, một anh Pha, kẻ cầm dao, kẻ đòn gánh nổi dậy trả thù, một lão Hải Vân vượt biển mưu đảo lộn v.v… là “có lợi” hay chăng? Đến một tâm trạng cùng đường, đứng giữa đêm tối “tắt đèn” như chị Dậu nữa, phỏng có nên khơi gợi lên chăng?
Trong khi đó, đối với các sáng tác của Tự Lực Văn đoàn chẳng hạn, vốn bị chê là cải lương, nay có khi lại phát huy tác dụng tốt hơn chăng? Là vì cái xu hướng điều hòa mâu thuẫn, giải hòa xung đột, cái xu hướng chỉ vạch ra, nêu ra các vấn đề mà không đẩy đến tai biến, bùng nổ, đổ vỡ ở các sáng tác thuộc loại này, dẫu bị chê bai xưa nay, biết đâu lại không có tác dụng tạo ra sự bình ổn về tâm lý, sự biết điều trong nhận thức và hành động của người ta?
Nói tác động là để nói tới hoạt động phổ biến văn học đến công chúng chứ chủ yếu không phải nói đến nghiên cứu, phê bình. Song le, từ tình thế sống mới hôm nay phải chăng cũng manh nha tiền đề cho những tình thế đọc, tiền đề cho những sự phân tích, đánh giá mới hơn, hiểu biết hơn về các di sản?
● Tham luận tại hội thảo “Viết về xã hội và con người hôm nay” do Ban sáng tác Hội Nhà Văn VN và tạp chí “Tác phẩm mới” tổ chức
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét