Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Mối nguy hiểm bậc nhất đối với người cầm bút: Không nhận biết thực tiễn cuộc sống!


Nguyễn Mộng Hoài 
Tôi không dám "vơ đũa cả nắm" để nói một cách hồ đồ. Nhưng trong cuộc đời, thời nào cũng vậy, đã dấn thân vào sự nghiệp cầm bút từ làm chính trị, viết chuyên luận, lý luận về các vấn đề lớn, đến việc đưa một cái tin nhỏ, tất thảy đều cần có một sự nhận biết càng nhiều càng tốt, càng sâu sắc càng tốt, nhất là sự vận động không ngừng của thực tế cuộc sông, mới có thể viết đúng, viết trung và viết hay được. Tất nhiên, có người lăn lộn vào đời sông thường ngày của nhân dân, nhưng do bị chi phối bởi rất nhiều điều nên vẫn không thể thoát khỏi những nhận thức mơ hồ phiến diện, thậm chí lạc hậu so với tiến triển đời sống. Đây, tôi chỉ dám nói đến một số người cầm bút làm báo, tạp chí của ta hiện nay, trong đó có ông Nhị Lê nào đó mà tôi không hề quen biết, cũng không biết ông ấy già hay trẻ. Có điều, đến năm nay, chắc chắn ông ấy không bằng tuổi tôi, vì hết năm 2013 này tôi đã là "đầu tám, đít chơi vơi !" rồi.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí "Cộng Sản", Nhị Lê đã nhắc lại "nguyên lý" không thay đổi của Đảng: "Càng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa của , hiện đại hóa đất nước càng phải xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh toàn diện và chúng ta càng phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam"...và "Khép lại thế kỷ XX, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cách mạng nước ta đã thu được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại trên bình diện dân tộc và quốc tế, không ai và không gì có thể phủ nhận nổi" Đọc những dòng này, mặc dù tôi đã qua bốn năm (1961-1964) học qua một lớp "lý luận và nghiệp vụ chủ nghĩa Mac-Lênin, phân tích đủ mấy chục cặp phạm trù, phân tích đủ nguyên lý của duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, do những giáo sư, cán bộ giảng dạy Ban Tuyên giáo trung ương, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Tổng biên tập các Báo Nhân dân, Tạp chí Học Tập (tạp chí Cộng sản ngày nay), Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, TTXVN (lúc đó gọi là VNTTX) và một số chuyên gia kinh tế, khoa học kỹ thuật giảng dạy. Dạo ấy chúng tôi được học mỗi ngày hai buổi, sáng lên lớp, chiều thảo luận và hôm sau viết thu hoạch...nghĩa là "học ra học" chứ không hề "lớt phớt đâu. Tuy nhiên, bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, từ khi tuổi đời còn "măng sữa" chưa đến ba mươi tuổi, nay đã gần tám mươi (nhưng vẫn còn sống), lăn lộn chiến trường, các mặt trận sản xuất, kinh qua thời kỳ bao cấp, thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước đây là ở miền Bắc và từ năm 1976 đến nay là ở cả nước. Ai bằng và hơn tuổi tôi đều nhận thấy, và thấy rất rõ, rất sâu sắc công lao to lớn của Đảng Lao động Việt Nam trước đây và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay trong lãnh đạo hai ba cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành thắng lợi vang dội lịch sử đưa nước nhà đến hòa bình thống nhất và cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đùng một cái, từ năm 1991, môt cái tin choáng váng: Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (gọi tắt là Liên Xô) sụp đổ theo đó là toàn bộ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đổ theo, trở về với chế độ dân chủ thực chất và xây dựng kinh tế theo nguyên lý riêng của họ và nhìn chung họ đều phát triển, nhân dân họ đều được cải thiện đời sống. Trong đó khá nhiều nước đã và đang duy trì và phát triển tình hữu nghị với nước ta và từng bước xây dựng "đối tác chiến lược" với Việt Nam. Cả hệ thống thế giới "xã hội chủ nghĩa" đến nay chỉ còn một vài nước vì quá luyến tiếc với "chủ nghĩa xã hội" chưa có trong thực tế là còn mang danh "xã hội chủ nghĩa mà thôi như Việt Nam ta chẳng hạn. Thành lập 1930, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân, mặc dù cũng phải đổ nhiều xương máu về những cái "làm non" hoặc "sai lầm nghiêm trọng" cùng với xương máu chiến đấu chông các cường quốc xâm lược nướ ta, giành thắng lợi vẻ vang vào năm 1975. Giá như, từ tháng Tư năm 1975, việc thống nhất hai tổ chức Đảng là Đảng Lao động ở miền Bắc và Đảng nhân dân cách mạng (thực chất là đảng bộ đảng Lao động), đến thống nhất về mặt Nhà nước, chúng ta đã có một đất nước thống nhất. Bên cạnh những khó khăn do 30 năm chiến tranh để lại, chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn do sự yếu kém, do sai lầm trong lãnh đạo, nhất là lãnh đạo phát triển kinh tế, có một trong những khó khăn rất lớn là chúng ta chưa hoặc không nhận thức ra những chuyển biến rất cơ bản của tình hình chính trị, xã hội, kinh tế thế giới, mà vẫn khư khư giữ lấy quan điểm, chủ trương của mình. Thậm chí, chúng ta luôn luôn nói đến xây dựng chủ nghĩa xã hội, thậm chí đưa lên tiêu đề quốc gia là nước "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thì cuối cùng "xã hội chủ nghĩa" vẫn là điều xa với chưa có trong thực tế, hoặc chỉ là không tưởng. Thật ra chúng ta cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, một chế độ không còn người bóc lột người, làm theo năng lực và hưởng theo thành quả của lao động làm ra để rồi tiến tới chủ nghĩa cộng sản "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" ở phía trước. Trong thực tế, một thời gian dài chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chúng ta đi theo nguyên lý xã hội chủ nghĩa, lúc thì sao chép Liên Xô khi thì ảnh hưởng Trung Quốc, mà các nước này cũng mới chỉ bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hôi mà thôi. Khi giáo điều vào Việt nam, lợi chưa có nhiều những đã có cái không phù hợp. Nói về vấn đề này, các nhà lý luận thiên kinh vạn quyển chắc chắn sẽ lý giải đầy đủ hơn. Còn tôi, theo nhận thức cuộc sống thực tế, chỉ nêu lên mấy vấn đề mà ông Nhị Lê đề cập trong bài viết của mình mà thôi. Ông báo càng tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa càng phải xây dựng giai cấp công nhân. Điều này quá đơn giản, chẳng lẽ lấy nông dân hay thợ thủ công để làm công nghiệp để vận hành "công nghiệp hóa", thật ra học sinh lớp mười hai đã hiểu rồi. Nhưng nhìn vào gần bốn mươi năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam được xây dựng như thế nào, chắc ông Nhị Lê và nhiều người đã biết. Vẫn là những người thợ, khi còn bao cấp đỡ bị bóc lột hơn, nay thì bóc lột họ rất thậm tệ. Vài chục xí nghiệp công ty vào quê tôi làm "công nghiệp hóa" thuê mướn hơn 1000 công nhân ở riêng xã tôi và sử dụng họ thế nào ? Công nhân không phải chỉ làm 8 tiếng theo luật lao động mà có khi phải làm từ 12 đến 14 tiếng đồng hồ một ngày những lương thì vẫn trả theo công tám tiếng. Đây là một sự bóc lột sức lao động vừa tinh vi vừa trắng trơn. Các "giám độc": công ty xí nghiệp ngày nay phần lớn là tư nhân và "trách nhiệm hữu hạn" có quyền hành ghê gớm hơn cả các ông chủ người tây ngày xưa. Họ có quyền, tuyển, sử dụng và đuổi công nhân bất kỳ lúc nào. Vào ba năm suy thoái kinh tế vừa qua, phần lớn các công ty xí nghiệp ở vùng tôi đều phá sản và thải công nhân. Thậm chí ngay cả lúc làm ăn được họ muốn thải ai thì thải, thải người này nhận người kia và muốn vào làm việc thì không chỉ có nước bọt. Điều này chắc ông Nhị Lê chưa biết hoặc chỉ biết một cách lơ mơ. Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân, nhưng bênh vực quyền lợi công nhân thì ít mà "a dua" với chủ xí nghiệp công ty thì nhiều. Đoàn thanh niên dường như chỉ có để làm vì. Nhiều nơi không có chi bộ. Mà có chi bộ rồi thì công nhân cũng chẳng được quan tâm hơn. Xã quê tôi có 1170 mấu Bắc Bộ ruộng canh tác vào loại nhất đẳng điển hằng năm mỗi hec-ta cho 11, 12 tấn thóc, nay "được" chuyển nhượng cho doanh nghiệp, họ đổ nền nhà máy dày 1, 1,2m mét và xây dựng xưởng máy, giá có trả lại nông dân thì cũng xin vái lạy mà thôi. Vì thế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ở quê tôi khách quan mà nói có mang lại nhiều điều thú vị nhưng thực chất đất đai ăn theo vào tay cán bộ và nhiều người có tiền, chủ công ty nhà máy giầu lên, và những người ăn theo khu công nghiệp thì cung giầu trông thấy còn nông dân mất ruộng chạy đôn chạy đáo kiếm mkieengs ăn hằng ngày. Tuy thế, từ ngày có công nghiệp về làng, khá nhiều hộ nông dân, hộ nhân dân đã lên được nhà tầng, xây nhà ngói khang trang. Tiền đền bù một phần, tiền tích lũy một phần, và chủ yếu là tiền bán đất vì "đất là sở hữu toàn dân" hồi trước chia thêm cho các gia đình ra Trại mỗi người một sào Bắc Bộ 360 mét vuông, lâu lâu lấn chiếm thêm, có người là cán bộ hiện nay lấn chiếm đến 5 sào, đủ đất chia cho 5 đưa con mỗi đứa một sào, làm nhà chỉ hết nửa sao đã rộng chán, cong lại bán lấy tiền xây nhà. Thế đấy, ông Nhị Lê có biết không? Vì sao cái chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà khoảng cách giầu nghèo lại cứ cách xa nhau thăm thẳm như thê ? Ơ Việt Nam có hình thành một giai cấp tư bản mới không ? Có "tư bản đỏ không? " Ở nông thôn có địa chủ cường hào mới không ? Điều này, mới ông về thăm "quê hương là chùm khế ngọt" ông biết ngay thôi mà. Một nông dân nghèo, bố ngày xưa phải đi kéo xe thuê, con nay làn chủ tịch xã gần hai khóa đã có số vốn tiển tỷ gửi ngân hàng và xây ngôi "biệt thự" hoành tráng. Một cán bộ địa chính xã có hai nhà lầu và không biết bao nhiều tiền gửi ngân hàng ăn đời cháu chắt không hết. Chuyện này dài lắm ông ạ. Tôi sẵn sang tiếp và đưa ông đi thăm "nông thôn mới", "thị xã mới" của quê tôi, ông bớt chút thì giờ ông nhé.
Còn về nguyên lý thì chủ nghĩa xã hội theo tôi được học là chế độ tươi đẹp, không còn người bóc lột người, kinh tế quốc doanh phát triển, kinh tế tập thể cung "hơn hẳn" kinh tế tư hữu, đất đai thuộc toàn dân thì phát huy được thế mạnh chiếm đất của tất cả ai là cán bộ ở địa phương. Chủ tịch phó chủ tịch xã, Nhà nước ở địa phương có quyền ký bán cho nhượng tăng hơn 1000 xuất đất lang nhà ở, rất được phải không ông ? Cuối cùng thì thế nào, kinh tế quốc doanh như ông biết hơn tôi xập xệ không tài nào gượng dạy nổi, làm thất thoát hàng tỷ đô la và cung không kém phấn "phá sản", kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa như HTX nông nghiệp bậc cao dồn nông dân đến chân tường, đe dọa đói kém nếu không có đổi mới trở về hình thức khoán hộ tức là có mầu sắc tư hữu cá thể, mới có 45 triệu tấn lương thực, để có 7.5 tấn gạo xuất khẩu và nhìn chung thì toàn dân được no, kể cả tôi và ông không còn cái cảnh "thức từ ba giờ sáng xếp hàng hòn gạch mua gạo hôi và độn bo bo nữa."
Con đường của chủ nghĩa xã hội tươi đẹp của chúng ta bước tới là gì thưa ông Nhị Lê ? Phải chăng là các tập đoàn kinh tế, xây dựng điện và thủy điện, nhất là thủy điện một cách vô tội và gây ra chết người, là tranh chấp đất đai triền miên, là khoảng cách giầu nghèo vô tận, ta hình thành một đội ngu "tham nhũng" và nhóm lợi ích rất đông đảo chưa có cách gì dẹp bỏ được. Ta được LHQ khen về thành tích "xóa đói giảm nghèo" đấy, nhưng thưa ông, quê tôi chỉ cách trung tâm Hà Nội 30 km, mà một bộ phận nhân dân, đúng ra là nông dân và cán bộ hưu ít lượng vẫn chật vật kiếm sông hằng ngày...
Cho nên, chung ta nên đi vào những vấn đề thiết thực, cái gì cần xây phải căn cơ tiết kiện, cái gì cần chông thì phải chống triệt để, chứ mãi ru ngủ dân thế này tôi e như Ông Tông Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến hết thế kỷ 21 này cũng chưa có chủ nghĩa xã hội ở nước ta đâu !
Quả thật, "xã hội chủ nghĩa là sự vớt vát thuộc quá khứ mà mình không thể chấp nhận nó nữa nhưng mình không thể thẳng thắn tuyên bố giã từ nó cho nên dùng một chữ rất mơ hồ chung chung như vậy. Bây giờ mà mải mê đi tìm xã hội chủ nghĩa thì không bao giờ tìm thấy giá trị thật của nó đâu ! Cái nội dung thật của nó là cái gì thì không tim thấy đâu. Nó là một món nợ của lịch sử...
Rất nhiều vấn đề của "chủ nghĩa xã hội' việt nam đang phơi bầy ra trước mắt mọi người. Chỉ nhìn vào một xã tôi thôi, chúng tôi cũng đã thấy rõ nhiều điều. Cho nên những nhà viết lách kiểu gì cũng cần có thực tế, theo xu hướng thời đại chứ không thể chỉ nói cho sướng miệng viết để lĩnh nhuận bút được mãi. Phần rất đông, có thể nói tuyệt đại đa số các nước trên thế giới chả mấy ai người ta mê mẩn với xã hội chủ nghĩa đâu, ông Nhị Lê ạ. Phải chăng, ta muốn làm thống soái toàn cầu về con đường của chủ nghĩa Mac-Lenin và chủ nghĩa xã hội ngàn lần tươi đẹp ?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: