Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Thư


Gửi anh,
Em nghĩ là em có thể hiểu những gì anh đang phải trải qua. Một vài kỳ nghỉ cùng với anh ở đó cũng giúp em cảm nhận một số điều.
Thư của anh hơi ướt át, mà em thì, anh biết đấy, ướt át là cái gì không nằm trong văn phong của em.
Đôi khi em tự hỏi tại sao anh không muốn qua đây với em. Em không thể sống với anh ở đó. Em không đủ năng lượng để chống chọi lại tất cả những gì anh đang phải chống chọi.
Anh còn nhớ có lần mình cùng nhau đọc cuốn “Đôi mắt nhìn xuống” của Tahar Ben Jelloun trên bãi biển Vũng Thuyền? Đang đọc em mỏi mắt nhìn sang một nhóm người ngồi nhậu cách chúng ta không quá xa. Khi mắt em vô tình gặp đôi mắt của một người đàn ông, có lẽ ông ta nhìn em được một lúc khá lâu rồi, thì mắt ông ấy cụp xuống rất nhanh. Em cảm thấy buồn cười. Đó là một đôi mắt nhìn xuống. Trong truyện của Tahar Ben Jelloun đôi mắt nhìn xuống dĩ nhiên là của người phụ nữ.
Sau đó, em ngạc nhiên phát hiện ra rằng đàn ông ở xứ anh phần lớn đều có cặp mắt nhìn xuống. Ngay cả khi nói chuyện với người đối diện, mắt họ cũng thường nhìn xuống, và ngay cả khi họ nhìn vào mắt em, em cũng thấy rằng đó là một ánh nhìn xuống. Nghĩa là nó không có sự thẳng thắn, nó không có khả năng đương đầu, đối diện. Con ngươi thì nhìn thẳng, nhưng ánh nhìn lại hướng xuống dưới. Thật phức tạp, nhưng đấy là điều em cảm thấy. Cứ như thể họ biết rằng người ta không tin vào lời nói của họ, và người ta sẽ tìm sự xác nhận trong mắt họ, và họ phải giấu ánh nhìn đi để người ta không thể tìm thấy sự xác nhận đó.
Điều này có lẽ liên quan đến cái quan niệm phổ biến trong xã hội của anh. Người ta có thể làm mọi điều tệ hại, miễn là, hoặc là làm sao cho người khác đừng biết đến là được. Người ta có thể đồi bại, nhưng một khi người khác chưa biết đến sự đồi bại đó thì họ vẫn đáng trọng như thường. Không phải chỉ là đáng trọng trong mắt người khác, mà là đáng trọng trong mắt chính họ. Những đôi mắt nhìn xuống ấy. Cái chuyện ám ảnh phong bì của anh đó. Em biết vì sao anh bị ám ảnh. Anh từng kể với em là anh đã chứng kiến những vị giáo sư đức cao vọng trọng điềm nhiên bỏ phong bì vào túi một cách hào hoa phong nhã như thế nào. Thậm chí còn trừng phạt sinh viên của mình nếu sinh viên đó không biết đến cái thao tác phong bì. Anh còn bị một giáo sư trách móc rằng anh đã xúc phạm đồng nghiệp khi trả lại phong bì cho học sinh. Thì đấy, nếu vị giáo sư đó bị lôi lên báo vì chuyện phong bì hẳn ông ta không dám quở trách anh, nhưng vì mọi chuyện diễn ra trong bóng tối (ý em là không ai biết) nên ông thấy đạo đức của ông vẫn ngời ngời lắm. Và ông lại lên báo để khuyên nhủ thiên hạ phải sống có đạo đức, ông lại lên lớp để giảng cho sinh viên thế nào là đạo đức. Vậy đó, em muốn nói rằng, cái mà em nhìn thấy, đúng như anh nói, sự giả dối được che đậy dưới một lớp vỏ rất dày. Lớp vỏ này còn tác dụng chừng nào chưa bị cái nhìn của người khác soi vào. Hoặc giả, đúng hơn, chưa bị phơi bày ra trước công luận. Bị nhìn thấy cũng được, nhưng đừng bị phơi ra trước công luận. Anh ráng đọc cái văn phong lạnh lùng của em, em vốn vậy, khó mà viết khác được.
Em không biết khi bác sĩ chữa lành bệnh cho anh thì em nên vui hay nên buồn. Em không rõ em có đúng không khi nhìn cuộc chữa trị này của anh giống như một cuộc mặc cả. Mặc cả với chính con người anh. Tệ hơn, em thấy anh đang đánh mất mình. Anh có thể cho rằng em lẩm cẩm như một thiếu phụ ở độ tuổi hồi xuân, lỡ cỡ và khó tính và ưa cằn nhằn. Cũng có thể anh sẽ cảm thấy bị tổn thương. Mà có phải tổn thương là điều anh đang muốn?
Đàn ông xứ anh nhiều người lưng còng. Nhiều người lưng còng ngay cả khi họ còn rất trẻ. Có cảm tưởng rằng họ khó khăn khi đi lại, rằng họ phải hết sức cẩn thận nếu không sẽ bị vấp ngã, rằng con đường thăng tiến không cho phép họ vấp ngã vì thế mà họ phải còng lưng, còng càng sớm càng tốt.
Em có dịp tiếp xúc với vài chức sắc có địa vị trong xã hội. Những người đó quả là hết sức cẩn thận, mọi thứ: ngôn ngữ, cử chỉ, bước đi, dáng điệu... Mắt họ càng nhìn xuống tợn. Chữ “tợn” này là do một cậu nhóc dạy cho em. Cậu ấy bảo em: “Chị thì táo tợn, còn gã kia kìa, đeo cà vạt bóc-đô ấy, chị thấy không, gã ấy là láo tợn. Nói chung thì chị có thể ghép tợn vào bất cứ thứ gì chị muốn”.
Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa.
Không, không hẳn là em muốn nói như vậy đâu. Có lẽ như thế này thì đúng hơn:
Lúc đầu người ta bị lừa dối. Người ta có thể biết hoặc không biết là mình bị lừa. Giống như trong câu chuyện của anh, đứa trẻ được cung cấp một giấc mơ lừa dối, hay bị buộc phải mơ cái giấc mơ lừa dối đó, lúc đó nó không biết là nó bị lừa.
Nhưng rồi đến lúc người ta biết là mình bị lừa. Chẳng hạn như lời hứa hẹn về thiên đường. Người ta sống mãi mà chẳng thấy thiên đường đâu. Người ta học mười năm, thậm chí hai mươi năm để nhận một đồng lương chết đói của thời kỳ quá độ lên thiên đường. Trong khi những kẻ chẳng học hành gì, bỏ ra một ít tiền mua các loại bằng tại chức thì lại lên sếp và có đủ mọi vật chất của thiên đường trên mặt đất. Lúc đó dĩ nhiên người ta biết rằng đã bị lừa, nhưng rồi sao? Chẳng sao, sau một hồi đắn đo, người ta tình nguyện tiếp tục để bị lừa. Dù sao bên cạnh đồng lương chết đói đó thì người ta vẫn có thể xoay xở để tồn tại, mà đôi khi, sự xoay xở đó được thực hiện trên các chiêu lừa. Và đối với những người nắm quyền lực thì chẳng có gì tuyệt hơn tình thế đó. Tình thế là tất cả nhân viên chấp thuận bị lừa, để cho ông ta toàn quyền quyết định mọi thứ. Chỉ cần có chút chức vụ thôi là đã có thể có... siêu thu nhập. Kẻ có quyền khoái chí trước sự im lặng của nhân viên, có lẽ ngang với việc nhân viên tự khoái chí vì sự im lặng của mình như ông bác sĩ của anh phân tích. Nếu nhân viên im lặng khinh bỉ lãnh đạo, và lãnh đạo có biết thì ông ta cũng bất cần: mày cứ khinh bỉ đi, nhưng im lặng là được, im lặng để tao hưởng mọi thứ. Sự im lặng của mày cho phép tao có tất cả, mày khinh bỉ thế chứ khinh bỉ nữa tao cũng cóc cần, tao chỉ cần mày im lặng.
Đó là một trò chơi thoả thuận: sếp hưởng mọi thứ quyền lợi nhờ sự phục tùng của nhân viên, nhân viên tự thoả mãn sự kiêu hãnh tưởng tượng của mình nhờ sự khinh bỉ thể hiện trong im lặng, bằng im lặng. Chẳng phải cả hai bên đều cảm thấy rất tuyệt ư!
Như vậy, ở chỗ này, bị lừa, để bị lừa, trộn lẫn vào nhau thành thứ cháo sệt của sự tự lừa dối. Nhưng em chỉ dựa vào các biểu hiện bề ngoài, em không thể hiểu một cách sâu sắc như anh về sự tự lừa dối này. Anh sẽ viết cho em vào một lúc nào đó nhé. Lúc mà cái đầu của anh còn chưa biến mất ấy.
Em nhớ có lần anh than van về chuyện phụ nữ xứ anh. Chúng ta đọc lại câu chuyện về cuộc chiến tranh thành Troie kéo dài trong mười năm. Một cuộc chiến mười năm chỉ vì một người phụ nữ. Bởi phụ nữ là danh dự của đàn ông. Pouchkine chẳng phải đã chết vì một người phụ nữ ư? Còn đàn ông xứ anh, trong khi bao nhiêu phụ nữ phải đi làm nô lệ tình dục xứ người, vẫn có thể hoan hỉ nơi bàn nhậu. Trong các cuộc nhậu, các ông ca tụng nhau lên tận mây xanh mà phụ nữ thì vẫn không thoát khỏi bị sỉ nhục. Anh uống và nói: “không biết còn thứ gì là danh dự của đàn ông ở đây?”
Rồi anh đọc cho em nghe bài thơ này, em đã chép lại và vẫn còn giữ trong sổ tay:
 
Gió
 
Gió trên những cánh đồng không chiến tranh vẫn mang mùi thuốc súng
 
Gió không che nổi thân thể loã lồ của những người phụ nữ
dùng sự trinh trắng và nỗi hổ thẹn của mình để bảo vệ đất
Gió làm trắng thêm màu khăn trên trán những nữ nông phu
để tang cho đất
Gió phát tán mùi máu của người nông dân không có cách nào
đòi công lý ngoài việc bắn vào những kẻ ăn cướp rồi tự bắn vào chính mình
trả máu mình về với đất
Gió truyền đi nỗi oan ức và cơn thịnh nộ của những người đàn ông
và những người đàn bà chịu cực hình sau song sắt để bảo vệ tình yêu và công lý
 
Gió thốc nỗi nhục nhã thẳng vào mặt những kẻ đàn ông chỉ biết
cướp và bán, rồi lại bán và cướp
Gió thốc nỗi nhục thẳng vào mặt những kẻ xây nhà trên máu của đồng bào họ
Chúng hân hoan như là gió đang vuốt ve chúng
Chúng nhận làn gió mà không nhận thấy nỗi nhục
 
Gió tạt một nắm nhục vào những diễn ngôn long lanh
của những người đàn ông thành đạt, những diễn ngôn được đọc
từ diễn đàn này sang diễn đàn khác
Đến lúc nào người ta mới cảm thấy nỗi nhục nhã
đang đè lên toàn bộ đất nước này?
Đến khi nào thì những người thành đạt ở xứ này
cảm nhận được sức nặng của nỗi nhục đó?
 
Em nghĩ có thể đấy không chỉ là câu chuyện đàn ông hay phụ nữ, dù rằng em viết như thế này có thể khiến anh lầm tưởng rằng em có thành kiến gì với đàn ông xứ anh. Nhưng về căn bản, xã hội nơi anh đang sống vẫn là một xã hội của đàn ông, nơi tính chất gia trưởng vẫn còn là nền tảng của quan hệ gia đình và quan hệ xã hội, nơi phụ nữ vẫn luôn thuộc hàng thứ yếu, vẫn luôn bị coi là một thứ đồ trang sức, cái gì đó thêm vào. Nhưng nam tính thì... thôi em không dám nói đến cái gọi là nam tính của xã hội các anh.
Hôm nay em chỉ viết đến đây thôi, nghĩ tới chuyện của anh em cũng thấy đầu mình muốn nổ tung, huống hồ là anh.
Em không thể làm gì cho anh, em chỉ có thể chờ xem anh sẽ trở thành như thế nào, với các liệu pháp mà anh đang tiến hành. Rồi một ngày nếu ta gặp lại nhau anh có nhìn em bằng đôi mắt nhìn xuống? Dù thế nào em cũng mong chờ tin anh.

Một ngày như mọi ngày, ở một thời như mọi thời.

Từ Huy 
---------------

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: