Lời dẫn: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi đăng tải lại nguyên văn bài viết của hai vị tướng Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, cùng ý kiến của Nguyễn Xuân Diện viết hồi tháng 5 năm 2010 xung quanh chuyện hậu sự của Đại tướng.
CHUYỆN HẬU SỰ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP:
"PHẢI ĐỐI XỬ VỚI ĐẠI TƯỚNG TỔNG TƯ LỆNH ĐÚNG VỚI VAI TRÒ
MỘT KHAI QUỐC CÔNG THẦN"
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Mọi người đều biết trong suốt cuộc đời làm Tổng tư lệnh, ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP đã chỉ huy các lực lượng vũ trang nước ta lập nên nhiều chiến công lừng lẫy: Chiến thắng Điện Biên Phủ – Tây Bắc, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không – Hà Nội, chiến thắng Tết Mậu Thân xoay chuyển tình thế, chiến thắng Buôn-Ma-Thuột bước ngoặt, chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc… góp công to lớn hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Với việc đánh thắng 2 đế quốc to giàu mạnh hơn Việt Nam rất nhiều, với việc lần lượt đánh thắng các tướng lĩnh hàng đầu của Pháp, mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới ca ngợi là "Một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại" và là "Một danh tướng thế giới". Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta.
Nay Đại tướng đã 100 tuổi (theo âm lịch). Lâu nay Đại tướng được chăm sóc trong Bệnh viện 108, song sức đã quá yếu, dù có hồi phục sức khỏe từ Tết AL đến nay, song vẫn khó tránh khỏi quy luật tự nhiên, tuy diễn ra sớm hay muộn thì ta chưa thể đoán trước. Thay mặt cho tâm nguyện của đông đảo chiến sĩ và tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang cũng như nhân dân cả nước, chúng tôi xin đề xuất yêu cầu với các cấp lãnh đạo có thẩm quyền: Đến khi nào Đại tướng trút hơi thở cuối cùng, cần tiến hành nghi lễ Quốc tang đối với Đại tướng.
Được biết có quy định Quốc tang chỉ tiến hành đối với 4 chức danh: Tổng bí thư BCH TW Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cho rằng trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trường hợp đặc biệt, cần có quyết định đặc cách làm lễ Quốc tang. Nếu cứ theo quy định mà một vị nào trong 4 chức danh đó, công lao chẳng có bao nhiêu, lại có những vấn đề không minh bạch, hoặc có khuyết điểm, bị công luận chê trách… vẫn được thực hiện quốc tang, còn một vị khai quốc công thần công lao to lớn, được toàn dân kính trọng, thế giới ngưỡng mộ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại không được làm lễ quốc tang thì thật là đại bất công và trái đạo lý.
Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu cũng nên dùng làm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không dùng vào bất cứ việc gì khác. Sinh thời Đại tướng biết bao nhiêu hiện vật do các tầng lớp nhân dân đem đến chúc Tết, mừng sinh nhật Đại tướng, nhiều nguyên thủ quốc gia, nhân sĩ nổi tiếng thế giới đã đến ngôi nhà ấy thăm Đại tướng và tặng hiện vật lưu niệm. Trong ngôi nhà ấy, Đại tướng đã ngồi chỉ huy trận đánh B52 năm 1972. Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu đã thành một di tích lịch sử quan trọng. Một nhà thờ họ của một dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao thủa trước cũng được công nhận là di tích lịch sử, thì ngôi nhà 30 Hoàng Diệu càng xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, lão thành cách mạng
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, lão thành cách mạng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét