Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Nói thế ai tin?

Thanh Văn 

SGTT.VN - Vào cái thời mà radio là cổng thông tin phổ biến nhất, người ta không thấy mặt phát thanh viên, không biết trang phục, trang sức và nhan sắc của người tường thuật sự kiện, nhưng luôn có những giọng nói mạch lạc, khiêm tốn, chân thành được sự kính trọng. Trong đội ngũ đông đảo các MC (người dẫn chương trình) truyền hình ngày nay, có bao nhiêu người được khán giả trân trọng như thế?

Ngay từ tư thế đã chẳng chút khiêm cung.
Trong thời Việt Nam bùng nổ đài và kênh truyền hình, không hề quá đáng khi nhận định những nội dung truyền tải qua sóng truyền hình chính là cổng thông tin và giải trí quan trọng nhất của mọi gia đình.
Khách quan nhìn nhận, các MC truyền hình chính là người cùng hiện hữu với nhịp sống từng gia đình. Hình ảnh của các MC từ lâu đã khẳng định họ chính là những ngôi sao trong lĩnh vực thông tin và giải trí.
Thế nhưng các MC có đủ ý thức về trách nhiệm của một người phát ngôn trước công chúng không? Sự việc phát ngôn ngớ ngẩn trong ngày quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho thấy hệ thống tuyển chọn, đào tạo người dẫn chương trình truyền hình đang cho ra lò hoặc đã để lọt ra những cái máy nói hơn là người có ý thức trong việc phát ngôn truyền đạt thông tin.
Một ông giáo hưu trí ở quận 11, TP.HCM nói: “Kể cả các MC trên kênh quốc gia, nhiều anh chị ấy cầm giấy đọc thì tốt, nhưng rời tờ giấy ra thì ngoài việc “vâng, vâng...” liền mồm mà chẳng có chủ từ, đa phần họ không biết phát ngôn! Chuyện ăn nói là sĩ diện truyền thông quốc gia mà đặt vào họ thì...” Người ta dễ dàng nhận thấy không ít phát thanh viên, người dẫn chương trình là... thợ đọc, vì không hiểu mình đang nói gì.
Từ thời cổ đại, các triết gia đã tranh luận với nhau về cái sự biết của loài người: hiểu để tin hay tin rồi hiểu. Còn nói mà không cần hiểu, để rồi không cần tin vào những điều mình nói, vậy nói để làm gì? Nói vậy thì ai sẽ tin mình?
Thực trạng các MC phát ngôn mà không có gì để nói không tệ bằng chuyện tranh thủ lúc hiện diện trên sóng trực tiếp để khoe kiến thức, thậm chí tranh nói với người cùng dẫn chương trình hoặc cướp lời người được phỏng vấn. Mật độ của những “sô cãi” này ngày càng dày từ sáng đến đêm, ngày càng khủng khiếp hơn vì cái nội dung chương trình mà họ dẫn cuối cùng không gì ngoài sự ồn ã và bực dọc.
Có một nhạc sĩ vốn quen với giới MC, nói: “Có một tâm lý trong giới, xem việc lên sóng chỉ tương đương với chuyện xuất hiện giữa nhóm bạn hoặc một bàn tiệc... Tôi dám cá là nếu mọi MC ứng xử chuẩn mực khiêm cung của một người có học thì không khi nào phạm sai lầm lố bịch như vậy”.
Hệ thống giáo dục phổ thông và đại học hiện nay thiếu vắng chuyện thi vấn đáp, thuyết trình đề tài, tranh luận chủ đề... để giáo dục văn hoá hùng biện và ứng xử trước đám đông. Hệ quả là đa phần MC làm nghề chỉ được đào tạo ngắn ngày trên cơ sở có chút khiếu nói và ngoại hình coi được, thậm chí có người tay ngang bước thẳng vào nghề. Trong khi đó, để trở thành một MC chuyên nghiệp lý ra người ta phải trải qua quy trình đào tạo gắt gao và một kiến thức nền vững chắc tích luỹ từ sự học, sự đọc và cả những trải nghiệm khốn khó. Hiện nay, có rất ít những MC được học hành tử tế, vì thế, không gì đáng ngạc nhiên khi có những sô truyền hình mà cả MC lẫn khách mời cố gắng nói cho nhau hiểu còn không được, huống chi khán thính giả!
Điều gì khán giả truyền hình mong mỏi nhất ở giới MC truyền hình? Hãy tôn trọng khán giả bằng sự khiêm cung. Trách nhiệm chính của người dẫn chương trình là làm sáng rõ phạm vi nội dung của chương trình để phục vụ công chúng chứ không phải tìm mọi cách tạo dấu ấn cá nhân lên chương trình, nhằm cầu danh khoe tiếng. Lỗi lầm có thể tha thứ, nhưng khinh thường khán giả chính là tự huỷ hoại phẩm giá hệ thống truyền thông mà các MC là gương mặt đại diện.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: