Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

NẮNG


     Truyện ngắn Hồng Giang 
         
Tên nàng là Nắng. “Chói chang, gay gắt, ghét vòng vo, lấp lửng, nước đôi..thích trắng đen rõ ràng, thích “quân tử”..đậm chất đàn ông” như một vài kẻ vô tư nàng bảo vậy.

Lúc Tuân gặp nàng, ở bến bốc vác cạnh chiếc xe chở vật liệu, vừa xảy ra một việc.

Bạn cũ, người yêu một thủa, xa nhau mấy mươi năm, hắn không ngờ lại gặp nàng trong tình cảnh này.
Lúc ấy nàng đang đứng xây lưng lại phía đám đông, giọng cứng cỏi, dứt khoát:
- Cho chết! Đây không phải “gà”, thằng nào muốn ôm cũng được!
Phía sau nàng một gã đàn ôm đang gục đầu xuống giữa hai đầu gối, máu nhỏ từng giọt xuống đám cỏ ngay bên dưới hai bàn tay đang ôm mặt của gã. Những giọt máu đặc quánh không chịu tan ngay, bám cứng lấy ngọn cỏ như muốn níu giữ tang vật của vụ va chạm bất ngờ vừa xảy ra.
- Con này ác quá! Không thích đùa thì thôi, sao nỡ vung mạnh tay như thế?
Nàng định cãi lại câu gì đó, nhưng nhìn thấy vẻ thảm hại của nạn nhân mình lỡ tay, kịp ngưng lại.
Đám đông áo bảo hộ vội tản ra xung quanh chiếc xe tải vừa bốc hàng, tìm lá nhọ nồi hay thứ gì đó cầm máu cho gã kia.
Ai bảo gã tự nhiên tự lành nhón nhén đến phía sau lưng, ôm ngang người Nắng, miệng lại cứ bô bô:
 - Ai bảo cô nàng nặng những tám mươi cân. Đây chứng minh cho mà.. co..oi..
Gã chưa nói hết câu, hai tay nàng nắm lại, hai quả đấm vung ngược về phía sau, trúng cái phóc, gã đổ người ra phía sau, một lúc mới lổm ngổm ngồi lên được.

Đã mệt thì chớ, còn thích đùa.. Con này mỗi ngày vác hàng tấn trên vai, còn chưa hết sức hay sao mà còn ghẹo với chả đùa? Nàng lầm nhẩm như vậy khi cả đám bốc vác quây xung quanh “ánh mắt hình hinh viên đạn” cả bọn đang nhắm vào nàng.
Nắng thản nhiên như không, không một chút bối rối, e dè.. Nhưng trong thẳm sâu, nàng chợt thấy run.
Nàng ân hận hơn là sợ hãi. Đó là sự thực. Ai bảo gã sàm sỡ? Nàng có cái lý của nàng, muốn đi tới đâu thì đi, nàng không sợ. Nhưng Nắng áy náy.
Một kẻ không tên nào đó bảo: “Phải lập biên bản về tội hành hung đánh người gây thương tích”.
Một số khác xì xạc bàn luận. Cuối cùng tay trưởng nhóm kết luận:
- Đồng ý là cái nhà cô Nắng này có quá tay.. dưng mờ không phải ngẫu nhiên. “Bụt trên tòa gà nào mổ mắt” phải không các vị?  Tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Theo tôi cô Nắng ngay bây giờ phải đưa anh ta vào viện, tiền thuốc men hết bao nhiêu, cô phải chịu trách nhiệm thanh toán. Lập biên bản bây giờ, ở đây chả có ai đủ chức trách. Toàn bọn áo dày, tay ngắn, không quen mặc váy với nhau, lấy ai đứng ra viết với chả lách bây giờ? – Cái câu “không váy” chả ai biết lão ngụ ý gì? Hay chỉ quen miệng, nói cho có vần vè, văn hoa? – May là trong hoàn cảnh này chả ai để ý đến câu chữ thừa của lão.
- Ừ có lẽ thế cũng đúng. Công an, tòa án chả ai có mặt. Chuyện này mình giải quyết nội bộ với nhau thôi. Có mang ra chỗ công đường, cũng chả ai xét xử ba cái lẻ tẻ này. Đổ máu cam, cầm được máu một lúc là khỏi, có gì to tát đâu? Ngày nào chả như ngày nào, giáp mặt với nhau? Kiện tụng để thù hằn cả đời à?
Bà mặt có cái sẹo ngang má do một lần ngã xe chấm dứt sự việc bằng câu nói đầy thuyết phục của mình. Tổ bốc vác phàm khi bà đã ra lời, ít ai dám cưỡng lại. “Đại tẩu tẩu” đã phán là như dao chém đá. Bà ta không chồng, không con, tướng đi như sư tử, giọng ồm ồm như báo, lôi thôi “đả” ngay. Cả tổ “bốc vếch” anh nào cũng gờm.

Cả đám tản ra, đi làm công việc đang dở. Chiếc xe tải ba chân còn quá nửa xi măng đang chình ĩnh trước mặt. Đứng đó mà cãi nhau. Tối về lại kêu mệt, ít tiền!

N ắng ngần ngừ, đột nhiên nàng đưa tay nắm lấy cổ áo gã đau mũi, kéo gã đứng dậy. Gã có ý vùng vằng muốn cưỡng lại, nàng cộc lốc:
- Thôi đi ông, sĩ làm cái đ. gì? Để tôi đưa vào trạm gần đây, không chảy hết máu bây giờ, có chết lại đổ tại số.. Gã không hiểu vì tức giận, hay vì xấu hổ, cố giãy tay ra.
Bất ngờ nàng xáp lại gần, bốc bổng gã như một bao xi măng, vác hẳn lên vai. Lúc bấy giờ gã mới thôi giãy giụa.
Nói dại nàng lỡ tay một cái là rơi, cắm đầu xuống mặt đường nhựa đang bốc khói vì nắng nóng dưới chân nàng chứ chả chơi!

Tuân vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Hắn chưa hết sững sờ vì những gì mình vừa chứng kiến.
Có lẽ nào Nắng, người con gái dịu dàng, ít nói, hắn đắm đuối, ăn không ngon ngủ không yên vì nàng năm xưa, giờ trở nên cộc cằn, dữ tính.. thành ra thế này?
Không hiểu nổi..
Không chủ ý, Tuân lặng lẽ cho xe máy chạy chầm chậm, phía sau nàng một quãng mà không  lên tiếng. May mà xe đang thời kỳ “zốt đa”, vẫn rất êm, nàng không nghe thấy. Hoặc cũng có thể nàng nghe thấy, nhưng chưa biết đó là người quen, kẻ xa lạ, chỉ như người qua đường? Nắng không quay lại. Nếu biết là Tuân, chưa biết nàng sẽ xử trí ra sao, vào lúc này?
Đáng ra hắn có thể giúp nàng một tay, đạt thằng bỏ mẹ kia ngồi lên xe, đưa hắn vào trạm.. Hắn có thể chia sẻ chút đỉnh với Nắng giây phút này..Dẫu sao cũng từng “qua một chuyến đò, một ngày nên nghĩa”..

**
 Người ta một giờ trước đã xịt cho nạn nhân một thứ thuốc giảm đau vào hai lỗ mũi. Gã không còn cảm giác nhức buốt như lúc mới vào. Máu đã cầm được, không cần phải nút bằng hai nùi bông nhỏ vào hai lỗ mũi. Nhưng nhà thuốc vẫn yêu cầu gã phải nằm yên, bất động thêm một hai tiếng nữa cho chắc ăn.
Thực ra, gã có thể đứng dậy, đi lại, thậm chí đi về luôn cũng được. Hắn đã không làm thế, mà lại úp mặt nằm quay mãi vào tường. Chừng như ăn vạ.. Phớt. Nắng làm như không để ý thấy cử chỉ ỏng eo này:
- Này tôi bảo..- Nắng lay gã.
Gã trợn tròn mắt nhìn, cau có, không nói gì – Gã còn giận.
- Tớ phải về, ở nhà có việc gấp. Đằng ấy chiều về sau. Chắc chả nặng gì nữa đâu. Bác sĩ nói rồi! Đây không thể chờ cùng về.  Để lại ít tiền, chiều đi xe ôm. Thừa thiếu tính sau..
Nắng soạn trong túi còn ít tiền lật chiếc gối gã đang nằm đặt cả xuống đấy, quay ra.
Lúc này Nắng mới để ý đến Tuân:
- Theo vào tận đây à? Nắng hỏi trống không.
Với người khác hỏi câu này có thể Tuân không trả lời. Đó là câu chẳng thể dành cho ai. Với Nắng lại khác. Xã giao thường tình, chẳng ý nghĩa gì. Hắn chỉ khẽ gật đầu.
- Chắc xe xi đã bốc xong hàng, đi rồi. Nhờ đằng ấy cho ra bến..
-  Để tôi đưa Nắng về luôn nhà. Cũng không vội gì đâu mà..

Tuân lấy làm lạ. Sau bấy nhiêu năm, Nắng không hề hỏi thăm lấy một câu? Những lời định nói, chuẩn bị từ lúc Nắng đang ở trong trạm y tế đành dừng lại. Hắn quay xe. Nắng bảo luôn:
- Đằng ấy thông cảm, tớ không quen ngồi đằng sau. Nếu giúp nhau để tớ tự cầm lái!
- Đi được không?
- Vô tư đi. Chuyện nhỏ như con thỏ mà..
Đường ổ voi, ổ gà liên chi hồ điệp. Xe vèo vèo, quanh co, rẽ phải, ngoặt trái, nuột, không hề va vấp.
Giọng cả quyết của Nắng khiến hắn chờn chợn. Hình đây là cô Nắng khác, không phải cô nắng ngày xưa?
Càng nghĩ, Tuân càng thấy thắc mắc khó hiểu. Điều gì đã tạo nên người đàn bà đang cầm lái lúc này?
Hắn nhớ những ngày đầu hai đứa. Khi hắn hỏi sao không lấy tên là Hồng, Đào, Mận, Na như các cô gái thường có tên như thế? Hay là Nấu là Nướng cũng được, sao lại có tên là “Nắng”? Nắng vẫn còn nhỏ nhẻ:
- Nhà em ngày trước làm bánh đa. Anh biết rồi đấy, làm bánh đa rất mong những ngày nắng. Bánh phơi mau được, lại trắng đẹp. Lỡ phải đợt mưa kéo dài bánh xấu, có khi còn bị mốc.. Rồi nàng kể tháng bảy năm mẹ đẻ nàng, mưa Ngâu kéo dài. Mẹ sinh ra em vất vả ra làm sao..
Ừ thì cũng chỉ là cái tên. Một ký hiệu để phân biệt người này với người kia. Ý nghĩa của mỗi cái tên chưa được chú trọng, chăm chút, lựa chọn như bây giờ. Thâm chí có nhà đông con, còn đặt theo số thứ tự hoặc những cái tên rất tục như “cu Dái”, “cái Hĩm” vv.. Những kiểu đặt tên như thế Tuân thấy nhiều, chả lạ lùng gì. Văn hóa ngày sơ khai, mông muội một thời mà. Chính vì thế người ta dễ cả tin, dễ ảo tưởng. Tin cả những thứ vớ vẩn thực ra không đáng tin!
Đâu có như bây giờ..
Ngồi sau, Tuân cứ nghĩ miên man, chả đâu vào đâu như thế. Hắn không để ý xe đã rẽ theo hướng khác, không phải con đường về thành phố. Lúc Tuân chợt nhận ra, sợ Nắng lầm đường, Nắng bảo:
- Nếu không vội, chờ “đây” một lát. Nếu vội cứ việc về trước, không sao.. Có tý việc phải vào chỗ này “một cái”, không thể về ngay. Thế nào?
- Thế nào gì nữa? Người ta mất công tìm, chờ từ sáng đến giờ. Chưa kịp nói câu gì, sao lại bảo về ngay?
- Thế cũng được. Cùng vào thì cùng vào!
Cổng dốc. Ngôi nhà hai tầng đua mái tôn che sân láng xi măng khá rộng. Người vòng trong vòng ngoài, kẻ quỳ, người ngồi quay mặt cả vào trong nhà, tay chắp trước ngực. Tuân chưa hiểu ở chỗ này đang xảy ra chuyện gì? Nhà có tang ma, hay “cúng mát nhà”. Đám cưới đám đám hỏi thì không phải rồi.
Tìm chỗ dựng xe. Nắng len vào ngồi ngay trước đám đám đông. Có bà xồn xồn ngồi bên cạnh ánh mắt gây sự, Nắng nhìn lại. Tuân chưa bao giờ bắt gặp ánh mắt đàn bà nào như thế. Bà kia vội cụp xuống, quay nhìn đi chỗ khác. Đúng là đôi mắt có khí lực đặc biệt!
Từ trong cửa “xuất” ra một người đàn bà chạc năm mươi. Nhìn bà ta rất khó đoán thân thế, thành phần nào? Hiện hành nghề gì? Đang thắc mắc thì người ấy vong vóng, deo dẻo:
- Hôm nay  hội đồng các qu.oa..an, cô không xem. Ai trả lễ thì cô nhận. Cô xem cho ngày khác..ác..
Đám đông nhao nhao:
- Lạy cô, cô thông cảm chúng con từ xa đến đây. Xa xôi cách trở. Chờ đến chủ nhật sau thì lỡ mất ạ!
- Cô đã nói rồi. Hôm nay không xem cho ai cả. Có phải việc người trần đâu mà năn nỉ?
Hai cô gái đứng gần Tuân nói nhỏ với nhau nhưng hắn vẫn nghe thấy từng lời:
- Cô đồng này chỉ xem ngày chủ nhật mỗi tuần thôi. Đợi đến chủ nhật sau, trường mình lại có đám cưới con hiệu phó, gay nhỉ?

Xã hội ba đào, chao đảo, nổi nênh, khủng hoảng, suy thoái..  có thừa lý do để người ta chen chân tìm đến những nơi như thế này.
Nhưng không đâu như ở đây. Tam đồng tứ phủ, ngày nào chẳng “nổi đồng”, chả “tiếp lễ”, sao phải cứ chủ nhật?
Hắn hỏi, hai cô trả lời. Thì ra “cô đồng” vẫn là cô giáo, vẫn đang phải đứng lớp.  Chỉ chủ nhật cô mới có  thì giờ dâng hương, tiến lễ, ngồi đồng, “triệu vong”. Không thể làm vào ngày khác, vi phạm giờ “hành chính” của nhà trường! Mặc dù chả có chủ nhật hiệu trưởng hiệu phó không đến đây. Mồng một ngày rằm tháng nào cô giáo, kiêm “Cô đồng”  không mấy tháng không thắp hương ban thờ trong phòng ban giám hiệu, cầu cho tam tòa, tứ phủ độ trì cho  trường hanh thông, ngày càng phát đạt công cuộc “Trồng người”. Có đoàn kiểm tra nào y như rằng cô biết trước, báo cho trường chuẩn bị, nghinh rước!
Không biết Nắng của Tuân tới đây có việc gì mà phải nhanh chóng, khẩn trương, tranh thủ nhanh đến đây như vậy?
Càng ngạc nhiên hơn khi hắn thấy Nắng bưng trên tay một khay lễ vật, đủ “mâm ngũ quả”, vàng nhang, kèm theo mấy tờ năm trăm ngàn còn rất mới. Không biết nàng chuẩn bị nó từ lúc nào? Mang sẵn từ trong cái túi bằng vải dù mang theo trên mình sao? Có lẽ vậy. Cô đồng mập đón lễ, đặt lên ban thờ, bắt đầu làm lễ.
Nắng ngồi phía sau vái theo lia lịa. Được một lúc đồng nhập, mặt cô đồng tái dại, mắt trợn trừng như sắp nhảy ra khỏi hốc mắt, quát:
- Nhà họ Bùi kia! Ta biết nhà người dâng lễ nhưng bụng chưa tin. Ngươi không nhớ hồi đi làm ăn xa nhà, vợ chồng người đã phạm phải ngôi mộ của người ta. Đã làm hố xí trên ngôi mộ này, nên bị vong đó oán. Con ngươi mới phát bệnh, vong đó mới hành, lấy hết vía của con ngươi đi, vì thế mà sinh bệnh…Vậy mà nhà ngươi không tin! Bệnh của con ngươi hơn  chục năm rồi. Có khỏi cũng khỏi dần dần chứ, khỏi ngay làm sao được? Nhưng mà cô thôi. Cô đại xá cho. Cô không chấp. Nhưng từ nay về phải thành tâm.
- Dạ cô thương, cô bỏ qua cho. Chúng con người trần mắt thịt, thật không phải.Xin cô giúp trừ tà ma, lấy lại vía cho cháu, vợ chồng con đợi ơn cô!
Tuân nhận ra nét mặt thuần khiết, có phần nhút nhát, đần độn trên khuôn mặt Nắng. Hai bên thái dương nàng lấm tấm mồ hôi, làm cho các sợi tóc mai dính bết lại.
- Hôm nay hội đồng các quan. Tam tòa, tứ phủ đang triệu về đây. Cô chỉ nhận lễ, không thể cầu cho con được. Nhà họ Bùi cứ về, có gì cô sẽ giúp sau nhá!
Cô đưa lại cho Nắng một ít hoa quả và trả lại toàn bộ số tiền. Tuân chưa thấy cô đồng nào lại chê hoặc không nhận tiền. Đây là lần đầu hắn thấy cử chỉ này. Hắn ghé tai hỏi nhỏ một chị đứng tuổi, ngồi vòng ngoài. Chị này bảo:
- Chả cứ người này. Với ai cô cũng chỉ giúp hộ không lấy tiền bao giờ, chỉ nhận bánh kẹo, hoa quả để đặt ban thờ. Cũng có thể cô còn vướng chân dạy học. Lỡ nhận tiền, chuyện đến tai phòng giáo dục, mất nghề như chơi.. Có lẽ chỉ sau này về hưu rồi mới nhận chăng?
Chị ta hỏi lại một câu như thế, hắn chịu. Không có câu trả lời. Biết đâu được với người ta? Với lại lúc này Tuân quan tâm chuyện khác. Việc cô đồng nhận hay không nhận tiền lúc này chả có ý nghĩa gì với hắn!
***
Thằng con mười sáu tuổi, tướng đồ sộ như hộ pháp,chân ngắn, mông to. Nó mang trên cổ ngắn ngủn của mình bộ mặt “phì đồn” như mặt nạ bằng giấy bị sũng nước. Mũi thì tẹt, trán lại ngắn không cân xứng với cái bản to của khuôn mặt chút nào. Chỉ có đôi mắt lộ ra bên trong khe mắt hẹp hai con người bé tý, rất tinh quái. Đúng là thằng “mắt ma”. Người gan như Tuân cũng không dám nhìn lâu vào đôi mắt ấy. Có cái gì đó lạnh lẽo, không thật người qua ánh nhìn của nó.
Thằng bé bị nhốt trong gian buồng hẹp y hệt kiểu “xà lim bộ”. Có lẽ kiểu thiết kế này bố nó học được những ngày ở trại cải tạo về. Chỉ có duy nhất cái cửa sổ rộng bằng hai quyển vở có chấn song sắt to bằng ngón tay cái. Những chấn song này cái nào cũng đen bóng bởi vết tay người. Trừ khi nó ngủ, hầu như lúc nào còn thức, nó cũng bám vào mấy chấn song này để ngóng ra bên ngoài.
Thấy  Nắng về, từ ngoài ngõ, thằng bé đã phát hiện ra, kêu lên ngọng ngịu: “Mẹ.. ẹ nó.. óng ti về..ề”.
Chữ Nắng nó đọc chệch ra thành “nóng”. Với mẹ nó thì chẳng sao. Nắng nghe quen rồi. Nhưng Tuân biết ngay là nó không bình thường như những thằng trai tuổi nó.

Cô đồng bảo chịu lễ hơn một tuần bệnh nó sẽ thuyên giảm. Cô còn nói: “ Thực ra nó chẳng có bệnh gì cả. Chỉ do lỗi lầm của người lớn nó phải chịu vạ. Bảy vía giờ chỉ còn hai. Hai vía này cũng vất vưởng lúc đậu, lúc không. Nếu để lâu sẽ bị yếu dần, nó phải chịu đời sống “thực vật”. Ăn đâu nằm đấy chứ không phải chuyện chơi..”
Lễ đã dâng rồi, vậy mà bệnh nó vẫn như cũ. Mới trưa hôm qua, nó lại bị cơn co giật còn lâu hơn những hôm trước”.
Nắng kể như để giải thích cho Tuân rõ vì sao lúc ở trong điện “thầy” phán như thế. Hắn toan nói con nàng bị động kinh, căn bệnh bắt nguồn từ bệnh từ trong tim phát ra, ảnh hưởng đến thần kinh, chứ chẳng có ma tà nào bắt bóng bắt vía cả. Nhưng trong tâm trạng này nói ra điều ấy liệu Nắng có chịu nghe. Với tính cách gay gắt như vừa rồi, liệu nàng có giữ được bình tĩnh?
Chén trà chưa kịp nguội. có một người chầm chập, chân nghe nặng bước vào. Nắng giới thiệu hai người với nhau. Ánh mắt gườm gườm của người kia dịu xuống. Mà không cần Nắng giới thiệu, Tuân cũng biết y là ai rồi. Vẻ mặt dáng người hao hao giống thằng con “mắt ma” của nàng. Nhất là đôi mắt rắn, đuôi mắt dài và hẹp. Kiểu người hay tự thị, đa nghi. Phần nhiều những kiểu đàn ông hạn chế IQ như đấy đều mang sẵn đức tính này.
Có thể kiến thức xã hội khó xâm nhập được vào bên trong cái đầu hình “quả đất”, lu lu tròn, thường tính đa nghi luôn được mài sắc, tinh vi thêm mỗi ngày. Bổ sung cho hiểu biết vốn đã quá “nghèo nàn lạc hậu”!
Đầu Đất nghe vợ giới thiệu Tuân Làm nhà báo ở dưới Hà Nội lên, hồi học phổ thông cùng với mình, y nhếch mép cười:
“ A thì ra ông là nhà báo? Đến chơi nhà, có vấn đề gì không?”. Tuân cười: “ Nâu” vấn đề, chỉ là đến chơi thăm nhà vì lâu bạn bè mới gặp nhau..” Y lại cắt ngang:” Nâu với chóng dề..Ông phức tạp bỏ mẹ. Cứ tiếng Việt mà nói, “nâu” ccmg? ( cái con mẹ gì ). Một câu rất sấc! Tuân vừa tự ái, vừa buồn cười. Y vưỡn biết đấy là câu tiếng Anh, Tuân quen mồm lỡ nói, nhưng lại nhầm kiểu nói ngọng, “nâu” thành “ lâu!
Chưa hết, y tiếp luôn: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu” xin lỗi ông đấy là mồm thiên hạ! Chứ tôi thì tôi không nghĩ thế. Các ông chỉ hèn chứ không điêu. Xã hội mà không có các ông tất loạn. Bao nhiêu vụ việc từ trước đến giờ, toàn bọn nhà báo các ông phanh phui, tìm ra, chứ công an, tòa án có tìm ra được vụ éo nào đâu?”.  “Nó vừa khen mình, vừa chửi mình”, Tuân biết thế, cố kiềm chế.
Đã đến đây rồi, chả nhẽ vì câu nói nghịch tai mà đứng lên?
Sự kiên trì của Tuân quả nhiên có kết quả.
Đầu Đất sau lúc giương vây không có tác dụng, bắt đầu thấp giọng. Y thể hiện  ngay y quyền của mình:
 “ Mẹ nó ra ngay đầu ngõ, xem có món gì tốt mua về một ít. Chả nhẽ khách đến, để nhìn người ta chuyện xuông thế này à? “
Một tay bợm nhậu? Hàng ngày khó thỏa thuận với vợ! Nhưng đây là cơ hội vàng. Chả có cô vợ nào cự nự với chồng trước mặt khách vào lúc như thế này.
Kinh nghiệm đi “ thực tế lấy tư liệu” mách bảo Tuân điều này.
Tuân không muốn vì mình, Nắng chịu thêm một khó chịu, định xách xe đi ngay.
Chồng đầu đất dứt quyết rồi. “Ông đã vào đây, đi thế éo nào được?”. Giằng co. Từ chối. Cuối cùng Tuân đành ở lại.
Nắng đi được một lúc. Đầu Đất bắt đầu thổ lộ:




( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: