Lê Đình Ty đang đọc thơ
HỮU PHƯƠNG
Khi người thơ ấy đột ngột ra đi, đi mãi mãi, ta bồi hồi ngoái lại, chợt giật mình trước quãng đường độc hành nghiệt ngã của anh ở cõi người. Hóa ra, dầm dãi một đời người, Lê Đình Ty có những cánh đồng không được gặt!
Vừa lọt lòng mẹ được 3 tháng tuổi, Lê Đình Ty đã mất cha. Nhà chỉ có hai chị em. Nỗi đau, nỗi cô đơn này càng về sau càng đau nhức, nó tỷ lệ thuận với thời gian. Khi người mẹ thay cha nuôi dạy hai chị em Lê Đình Ty từ tấm bé, nhưng người mẹ cũng như mặt trời vội tắt, ngoảnh lại anh thấm thía nỗi cô lạnh của đời mình: Ôi chiều nay dưới mái lạnh đơn cô/ Con trống trải một ngày vắng Mẹ (Lạy Mẹ).
Đặc biệt, khi anh gặp cơn vận hạn, (vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi cả nước phân phối bo bo và sắn lát), một nỗi đau đớn và khốn khó cả thể xác lẫn tinh thần vây bủa anh. Gặp hoạn nạn như thế, không ai không nghỉ đến, và nhờ vả từ phía bà con họ hàng thân thích. Nhưng với Lê Đình Ty, anh cũng rơi vào hoàn cảnh éo le: Tôi ốm đau nghèo khó cả tiền nong/ Tôi ít ỏi bà con thân thuộc (Ghi ở bệnh viện).
Mất cha có chú, chú thay anh chăm lo mồ mả, lư hương bát nước lúc kỵ chạp ông bà ở quê. Nhưng người chú cũng bỏ anh mà đi, trong bến chiều nắng đổ gió sa lưng đồi. Lê Đình Ty thốt lên chới với cơ hồ tuyệt vọng. Một nỗi trống trải không cùng ập xuống quanh anh: Chú đi, chú vội xa rồi/ Trần gian mình cháu một trời trống không (Khóc chú).
Như thế, cái cánh đồng đầu tiên của đời người, ân phúc và màu mỡ, về tình cha con mẫu tử sớm hôm tựa đỡ chở che, tình anh chị em ruột rà đùm bọc, tình gia thất đầm ấm sum vầy, như phần lớn người đời được hưởng, Lê Đình Ty đã không được hưởng trọn vẹn. Có lẽ đấy chính là một phần nguồn gốc nỗi buồn, nỗi cô đơn trong thơ anh ám ảnh suốt cả hành trình.
Rồi quê hương trù phú, xứ hai huyện gạo trắng nước trong, cơm trên cá dưới như người xưa thường ví, Lê Đình Ty cũng không được đắm mình tận hưởng. Bởi anh ra đi khi còn rất trẻ, đến thành phố đã bị vùi trong khói bom và gạch vỡ của chiến tranh tàn khốc: Hai mươi tuổi ta về Đồng Hới/ Thị xã Hoa Hồng ngổn ngang gạch ngói (Đồng Sơn).
Nhưng quê hương vời vợi trong ký ức người thơ, với mùa hoa giêng giếng vàng nở trong cái đói giêng hai mờ mắt tuổi thơ kiếm sống, chắt từng ngọn rau má rau mưng: Nép bờ sông chúng tôi đi/ Thúng mủng rổ ki cuốc chét/ Xóm thôn mờ trong mắt/ Tháng giêng dằng dặc/ Lúa đồng còn xanh (Hoa Giêng Giếng). Ta đã nhiều lần thấy người thơ khóc nghẹ ngào, bởi quê hương như một sự trống vắng chất đầy nhớ nhung: Quê hương khoảng vắng nhớ mong/ Hồn ta giọt lệ rơi trong ngậm ngùi (Khoảng vắng). Lê Đình Ty khóc cả khi đang có mặt trên quê hương. Sau đớn đau mất mát của cơn vận hạn, như đã lỡ một thì con gái (Thi hứng mùa hạ), người thơ trở về tàn tạ thân trai/ Đau đớn tâm tư, thay đổi hình hài (Gửi bạn), khiến nỗi mặc cảm về sự lẻ loi đơn chiếc khi đường quê đếm bước riêng tôi, với nỗi xót xa lỡ làng: Ngày đi khuất nửa trăng tròn/ Ngày về lỡ dịp nghe đàn lỗi cung (Gặp1), và ngậm ngùi: Tôi về lạc giữa quê nhà/ Bạn bè một thuở như là chưa quen. Rồi anh bật khóc: Tôi giờ thân xác long đong/ Nhớ quê tay trắng còn mong lối về (Ngày lạc). Không hiểu sao mỗi lần về quê, người thơ thường gặp mưa: Tôi lên Lệ Thủy gặp mưa/ Kiến Giang tịch mịch gió lùa riêng tôi. Hay: Mưa giăng nhòa mấy nhịp cầu/ Tôi bên bến Đợi nát nhàu chiều sa (Lời quê). Rồi: Ta lầm lũi đường quê trong mưa (Gửi nhớ). Hoặc: Mút mùa Lệ Thủy mưa qua/ Đò ơi! Tôi gọi thiết tha dưới trời (Lời quê). Không biết khi đó trời quê anh mưa, hay chỉ trong lòng anh mưa? Mưa hay nước mắt người thơ rơi mỗi lần về quê. Và, nước mắt hay lời tạ lỗi trước vong hồn mẹ cha cùng quê hương xứ sở sau những vấp ngã đầu đời? Như con sóng suốt đời dại dột/ Vỗ xô bờ tan nát hết bình yên/ Con ước được về quê xin chuộc/ Quảng đời con làm mẹ ưu phiền (Xon nê. 8).
Có thể nói, cánh đồng tình cảm sâu nặng mẹ cha và quê hương xứ sở mà anh không được gặt hái, tận hưởng như bao người đời, cứ như ngọn gió hun hút thổi suốt cuộc đời đơn côi của anh: Tôi giờ ở xứ biệt tăm/ Quê hương vời vợi đăm đăm chân trời/ Mẹ cha cát bụi xa rồi/ Tôi còn nắng gió lưng đồi quạnh hiu(Còn...)
Học xong lớp 9 (tương đương lớp 11 ngày nay), Lê Đình Ty được tuyển vào ngành Công an, công tác tại Ty Công an. Được đưa đi học chuyên ngành kỹ thuật hình sự, tại Trường cảnh sát Trung ương. Ra trường, anh trở về công tác tại Ty Công an. Đường hoạn lộ của anh mở ra thẳng tắp. Nếu cứ thế mà thăng tiến, ta hình dung, như bao nhiêu bạn bè thời đó, khi về hưu, cầu vai anh cũng ngời ngợi quân hàm thượng tá đại tá. Thế mà nửa đường đứt gánh. Nguyên do là anh quá tốt, muốn góp ý với nữ đồng chí, trong một cuộc họp chi đoàn thanh niên mà anh làm bí thư. Rằng, đồng chí cần giữ gìn mối quan hệ trong sáng với thủ trưởng, vì thủ trưởng đã có vợ con; rằng đã có nhiều tiếng xì xào không tốt về mối quan hệ đó. Nhưng cô nàng đã không những không sửa chữa, còn thủ thỉ điều anh nói trong cuộc họp với thủ trưởng yêu quý. Thế là, nhân đợt giảm biên chế cuối năm 1970, Lê Đình Ty phải chuyển sang dân sự, chuyên chụp ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh. Năm 1976 nhập tỉnh, anh lại được chuyển qua Công ty Nhiếp ảnh Bình Trị Thiên, phụ trách hiệu ảnh Phú Xuân. Năm 1982 phụ trách hiệu ảnh Lệ Ninh, đóng ở Chợ Tréo. Tại đây anh gặp vận hạn, và kết thúc con đường cán bộ công chức nhà nước, khi tuổi đời 36. Như thế, cái cánh đồng công danh sự nghiệp đời trai như bao bạn bè đồng lứa, Lê Đình Ty cũng không được gặt.
Các nhà thơ xứ ta thường làm thơ bằng tay trái. Nghĩa là, vừa ăn lương nhà nước làm bổn phận công chức, vừa tranh thủ làm thơ. Lê Đình Ty không thế, anh chẳng còn lương nhà nước. Bởi thế, anh nói với những người yêu anh: Anh không phải nhà thơ nhà nước/ Anh chỉ là thi sĩ của riêng em (Không đề).
Đời và thơ Lê Đình Ty lụy một chữ tình. Chữ tình theo mọi nghĩa. Đến nỗi, anh nêu thành tuyên ngôn: Nếu tôi còn sống thêm ngày/ Tôi còn ứng cử kiếp này Tình yêu! (Tôi ứng cử). Người thơ đã sống và đã viết trọn đời vì một chữ yêu ấy. Anh đã yêu và đã được yêu. Yêu đến kiệt cùng sức lực: Ta đã yêu tàn tạ một đời(Xon nê 16). Nhưng hình như với anh, yêu chừng chưa đã mến chưa bưa (Hàn Mặc Tử), nên người thơ còn rao yêu: Ai có yêu không?/ Tôi còn khối tình/ Vùi trong tro đắng/ Con tim trĩu nặng/ Khô mòn tháng năm...Rồi: Yêu đi! Yêu đi!..Và: Yêu không? Yêu không? (Rao yêu). Tôi nhớ một hôm tại Đồng Lê, khi người thơ tròn 60 tuổi, có một người con gái xứ Quy Đạt 20 tuổi tên Phượng thủ thỉ rằng, đến năm 60 tuổi cháu sẽ yêu chú. Chỉ như thế mà anh khấp khởi: Bốn mươi năm nữa Phượng ơi/ Ai lên sáu chục ta người một trăm/ Tìm về quán trọ dưới trăng/ Đợi người trong mộng áo khăn cùng về (Gửi Phượng). Người đẹp chỉ nói thế và mất tăm cho đến bây giờ. Nhưng trong lòng người thơ đã cháy bùng ngọn lửa yêu. Anh gần như đồng nhất người con gái tên Phượng với bông hoa phượng tự lúc nào. Nói đúng hơn, tên nàng, tuổi học trò của nàng và mùa phượng nở, cứ ám ảnh như một mối tình day dứt không nguôi. Đến nỗi, trong lần trở lại Đồng Lê sau đó, anh thốt lên trên sân ga vắng lặng, nơi hai người chia tay nhau buổi ấy:Tôi ngoái lại bốn bề chẳng thấy... Đồng Lê rơi chấm đỏ phượng tàn/ Hay lời thu ai vùa trao ngỏ?/ Cháy trong tôi ngun ngút thời gian (Với Đồng Lê). Rồi anh bươn bả lên miền sơn cước, tìm lại lời xưa dưới bóng mưa: Ngày xưa phượng nở Đồng Lê nắng/ Người ngỏ cùng tôi nhớ hẹn về (Mưa Quy Đạt). Người xưa chẳng thấy, anh thổn thức: Giờ ở dâu người xa Quy Đạt... Xin nhờ gió nhờ mây nhờ đá/ Tìm giùm tôi lời hẹn cầm tay (Trăng Kim Bảng). Người thơ còn tưởng tượng cả khi mình nằm sâu trong ruột đất: Dưới nấm mồ cô lạnh riêng tôi/ Lờ mờ thấy chim hay và gió/ Gieo lên tôi một hạt phượng khô/ Và phượng nở vươn cành xanh biếc/ Cánh hoa như giọt lệ đỏ trời/ Tôi ngầm ngùi ngỡ phượng khóc tôi(Xon nê 16).
Có một người đẹp nữa, tuổi trăng tròn, ở một xã cạnh đường Hồ Chí Minh qua Lệ Thủy, đã bước vào thơ Lê Đình Ty. Họ thường thư đi từ lại cho nhau. Lê Đình Ty khoe đã có với nàng 16 bài thơ. Người thơ thường chở nàng lên chơi hồ An Mã. Con đường họ thường đi, hai người đặt tên là Con đường nhớ, bóng cây họ quen ngồi được gọi là Cây đợi chờ. Hai người quen nhau vào một ngày đông, và nàng thường mặc áo đỏ: Hơn một lần mùa đông áo đỏ/ Cháy bùng ta trong ngọn lửa thơ (Xon nê 10). Xa nhau là nhớ, là mong, là đợi chờ: Có ngày đợi dài hơn năm tháng. Và người thơ nhẩm tính: Một ngày xa! Hai ngày xa... Ta đếm/ Xác ngày rơi như lá trong vườn (Xon nê 12). Nhưng vầng trăng mười sáu ngọt ngào này cũng mất hút, sau một sai lầm của người thơ, khi anh quên lời hẹn đến dự sinh nhật nàng. Mọi chuyện đổ vỡ. Tôi lỡ hẹn với con đường lỡ hẹn/ Với núi đồi khe suối với thung xa/ Và em nữa với hồ xanh, Động Đỏ/ Dưới đêm tàn tôi viết khúc bi ca. Người đẹp đi rồi, anh tự dằn vặt sỉ vả mình, trăm lý do cũng đều vô nghĩa!Và tự an ủi: Sao tôi lại biện minh, xin lỗi/ Thà nín thinh như vậy đỡ buồn hơn(Xon nê 14). Người đẹp xa rồi, người thơ buồn bực giận hờn, muốn xé nát những trang thơ từng viết cho nàng. Và thoáng thấy bóng áo đỏ là anh đuổi theo nhận mặt. Thậm chí người thơ lý do nàng ra đi, nổi cơn ghen bóng gió và làm mình làm mẩy: Em ra đi mặc áo đỏ chờ ai?.. Bao câu thơ tôi viết nên thừa (Ngày hạ). Đã mấy lần người thơ quay lại hồ An Mã, nơi ngày xưa hai người có nhau: Một mình anh lặng lẽ đến bên hồ... Và anh đến âm thầm khâm liệm/ Chôn bài thơ lỡ viết trưa nao (Xon nê 11). Lê Đình Ty hình dung có một chiều nào đấy, nàng vô thường lạc bước đến đây, và đào lên bài thơ - khối tình anh chôn giấu. Rồi giữa vùng hồ mênh mông trời nước, trong ánh chiều sương tím nhạt nhòa, bốn bề ngàn thông thắp lá, người thơ cảm thấy: Ta chới với giữa hồ sâu mắc cạn. Và muốn gào lên trong tuyệt vọng: Biết hỏi ai? Hỏi ai em xa/ Ta muốn xé cả trời ly biệt (Xon nê 21).
Có ba người phụ nữ nữa, sau cùng, bước vào cuộc đời và thơ Lê Đình Ty. Trong đó, một người gần, hai người xa. Người gần vì mê thơ anh, cảm thương với vận hạn anh mắc phải, và mến tính cách lãng du đa tình của anh, mà thương anh lúc nào không biết. Bài thơ Có và không là anh viết cho người ở gần này. Hai người đã có sau lưng hai gia đình yên ấm. Nhưng hai người có chung một cuộc tình trong trẻo. Ngày người thơ đột ngột ra đi, người ấy cũng đã đến trước chân dung anh, ngậm ngùi dâng nén hương đưa tiễn. Còn hai người phụ nữ ở xa, trời cho anh gặp trên mạng. Một Hà Nội, một Hải Phòng. Đó là những mối tình qua không gian hàng mấy trăm cây số, nhờ thơ bắc cầu mối lái. Hai người đầu kia chân mây cũng là hai nữ sĩ đa tình. Anh đã có với hai người này trên chục bài thơ gan ruột. Và họ cũng có với anh những chùm thơ nồng nàn, chân thực. Đêm đêm họ thức đợi nhau, tìm nhau, chia sẻ cho nhau trên sóng mạng: Đêm buồn ngồi đợi trăng lên/ Em xa ngàn dặm ngoài hiên gió về/ Giọt tình khuya khoắt bùa mê... (Chưa đặt đề). Họ chát bằng thơ say mê, trắng đêm lúc nào không biết: Gà sang canh gáy rụng ánh sao ngời/ Ta chỉ tiếc thơ mình chưa nói hết (Không đề). Người thơ đã sống những đêm được yêu ngất ngây ở tuổi 66, đến nỗi anh tự hỏi không biết đó là thực hay mơ: Đêm nay như thực như mơ/ Bấy nhiêu tuổi hạc ngất ngư tay cầm (Tự sự trong đêm). Và khi trời sáng, thoáng chốc tàn cuộc si mê, người thơ chợt tỉnh, nghẹn ngào: Cầm lên giọt lệ trong đêm/ Ngỡ như giọt ngọc trước thềm em trao (Tự sự trong đêm).
Cả ba người đẹp cuối cùng này bước vào cuộc đời thơ của Lê Đình Ty, thắp bùng lên trong anh nỗi khát khao yêu đương cháy bỏng. Nhưng đó chỉ là những người đẹp đứng sát bên kia tấm gương trong suốt, gần nhau li gang mà xa cách ngàn trùng, muốn cầm tay mà không được, khiến người thơ như muốn phát điên: Ta trong trưa hè nắng khát/ Em về đào lên giếng thơi/ Rồi em cắm lên “Biển cấm”/ Ta nhìn khát cháy bờ môi (Chưa đặt đề)...
Điểm qua như thế để thấy rằng, những cuộc tình khát khao cháy bỏng, nồng nàn đến cuồng mê, là những cuộc tình trong suốt trong veo, không giống các cuộc tình của người đời chút nào. Người thơ mê người đẹp, từa tựa như con gà mê hạt ngô trong cái chai thủy tinh. Bởi thế, xét theo một nghĩa nào đấy, có những cánh đồng tình yêu, người thơ tự thấy cũng không được gặt, dù đã cố công vun trồng:Có cánh đồng ta không được gặt/ Dẫu bốn mùa dầm dãi thâm canh (Có và không).
Dầm dãi thâm canh suốt đời của Lê Đình Ty, là cánh đồng thơ. Anh bị thơ bỏ bùa từ ngày còn học phổ thông. Thậm chí anh âm thầm làm thơ về một người đẹp cùng lớp, mà cho đến chót đời, không dám đem tặng. Những tháng năm túng khó, người đời bảo cơm áo không đùa với khách thơ, nhưng khách thơ Lê Đình Ty vẫn canh cánh: Tôi đi mòn các lối đường/ Văn chương bèo bọt còn thương nỗi đời (Lời người ăn xin). Hay: Tôi đi ngày lụn tháng trôi/ Túi thơ nghèo nhớ bóng người đã xa (Ngày mai bên sông). Anh cần mẫn bốn mùa trên cánh đồng thơ, âm thầm gom nhặt từ hạ sang đông, và âm thầm ngồi nhặt câu thơ; đôi khi ví mình kẻ lữ hành ăn xin từ ngữ, với một niềm đam mê khát cháy: Nỗi khắc khoải câu thơ ta thắp. Với anh, thơ viết ra như một sự sinh nở, quặn đau nỗi đời. Vì thế thơ không viết những lời tẻ nhạt/ Lời rỗng không như gió qua cành, thơ phải như ngọn lửa tình, để khi đậu đến tay em/ Cũng đắng ngọt dưới trời sinh nở (Không đề). Hoặc: Đây, câu thơ/ giọt máu/ Câu thơ đẫm nước mắt/ Câu thơ đầy bụi đất/ Còn tươi nguyên trần trụi chẳng lau chùi (Trở về). Người thơ một đời rạc rài vì thơ, bởi thế lúc đói khó và vận hạn, thơ cũng đã không bỏ anh: Câu thơ buồn an ủi tôi sao/ Câu thơ vui dâng trào nước mắt (Xon nê 1).
Trong cuộc cách tân, đổi mới thơ đang diễn ra rầm rộ trên thi đàn với mọi cung bậc âm thanh, sắc màu, ánh sáng, Lê Đình Ty cảm thấy choáng váng: Tôi choáng ngợp bao sắc màu chói lói/ Những thánh ca lộng hồn, và thấy mình như kẻ lạc loài, đi lơ mơ bên lề thế giới/ Con đường thơ mờ mịt tấc gang. Trong cuộc kiếm tìm nhọc nhằn ấy, không ít người phấn khởi trưng ra những thành phẩm mới, nhưng ít lâu sau chợt gặp phải nó trong mớ đồ cổ thế kỷ trước. Khi đó Lê Đình Ty thốt lên: Hành tinh thơ chật chội lối mòn/ Xơ xác chữ và mù bụi đất (Mơ thơ). Và anh ước, mỗi con đường sáng tạo thơ ca có một quả chuông thơ, để nếu ai bước nhầm lối cũ, quả chuông sẽ ngân lên, cho biết mà né tránh. Và khi đó, anh tự họa chân dung mình cô độc trên con đường thơ: Tôi lọ mọ lên đường sau thế kỷ Hai Mươi/ Lạc lõng yêu/ lạc lõng nhớ/ lạc lõng quên/ chở khát khao/ trên cỗ xe Buồn Đau/ ra Thế giới (Những quả chuông thơ).
Lê Đình Ty, người tôn thờ thơ suốt đời, người tàn tạ vì thơ một đời. Trên hành trình thơ mê mải và khổ luyện, có thể coi anh là bậc đắc đạo. Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình đã mấy lần giới thiệu kết nạp anh vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng lần nào người thơ cũng không hội đủ phiếu. Và trên cái nghĩa rất hẹp vềdanh hiệu đó, cánh đồng thơ Lê Đình Ty chăm chút trọn kiếp ấy, anh cũng không được gặt. Tiếc thay!
Nhưng thực ra, nói về những cánh đồng Lê Đình Ty không được gặt, là nói trong một phương diện cụ thể nào đó, một nghĩa nào đó, đôi khi rất hẹp, dưới con mắt của người đời. Còn phương diện gia tài thơ Lê Đình Ty, chính những điều không được gặt hái, tận hưởng ấy, thơ anh lại bội thu. Mấy chục bài thơ về các chủ đề vừa nhắc trên, đã chiếm một vị trí lớn trong thơ anh. Và chúng như một thứ lửa khát khao mãnh liệt, ngun ngút cháy không nguôi cùng thời gian...
Đồng Hới, 8.2013
H.P
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét