Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

BIẾT PHẢI LÀM SAO



Truyện ngắn của HG

Buồn buồn, mình đi qua nhà hắn. Ngày ba mươi tháng tư vắng lặng như tờ, khác hẳn mọi năm, loa đài rộn rã. Có chuyện lạ gì chăng?
Mấy chục năm như thế này, vào giờ này, thường nhà gã rất đông. Mấy ông CCB mỗi ông góp chút gạo chút tiền. Rồi khánh tiết, biểu ngữ, biểu tượng, khẩu hiệu giăng lên. Đứng nghiêm. Chào cờ. Hát. Tiến quân ca, quốc ca. Rồi các cựu sĩ đọc bài truyền thống thuộc nằm lòng. ( thực tình mỗi năm cũng được bổ sung một đoạn ngăn ngắn nào đó mới nhớ thêm được bổ sung vào bản cũ ) nội dung chính vẫn như bản in, không sai một chữ. Nhưng tất cả đều vui vẻ, chả ai lấy làm chán vì phải nghe cái bài diễn văn cũ mòn, đọc đi đọc lại mãi mãi này. Đương nhiên không thể bỏ qua phần hoạt động công tác hội, phần đóng góp, thu chi của mỗi năm..
Cuối cùng là đoàn kết nhất trí, rượu túy lúy tưng bừng. Hẹn gặp lại ngày này năm sau. Chuyện chả có gì mới, nhưng ít ra nó cũng làm thay đổi cuộc sống vốn không thuận lợi, vui vẻ gì của chừng ấy con người. Ngoại trừ một vài anh may mắn cởi áo lính được ngồi ngay vào ghế  có chỗ “cơ cấu”, hay hoạt động khôn khéo bên “Kinh tế thị trường ” có cái đuôi vừa quen vừa dài vừa vô lí..
Những lúc đó như quên hết giàu nghèo, sang hèn, đồng cảm, đồng tình như nhau.. Chỉ khi về đến nhà rồi, tỉnh rượu rồi mới ngậm ngùi nghiệm ra rằng: Cũng là con người, là thằng lính, cũng vào sinh ra tử như nhau, chưa chắc thành tích, công trạng “nó” đã hơn mình. Thế mà nó thế, mình thế!
Ngoài mặt vẫn phải vui, vẫn khoe với vợ với con rằng gặp người này, người kia. Các ông ấy phát quan, phát tài, làm ăn xu hướng lắm.. Dẫu rằng cái “phát” ấy chả liên quan mẹ gì đến mình. Nhưng mà chiến hữu với nhau, không mừng cho chúng nó thì mừng cho ai?
Nhà hắn tiện đường, lại là khu trung tâm. Chọn chỗ ấy để giao lưu, kỉ niệm kỉ niếc là chuyện dễ hiểu.
Nhưng năm nay nơi kỉ niệm chuyển chỗ. Nơi này bận mở hội chơi chim. Một cái hội mới coong vừa ra lò, hắn trăn trở, tâm huyết mấy năm nay. Vận động mãi, lên lên xuống xuống chán trò mới mở ra được..
Mình bảo:
- Hội hè gì mà im ắng thế này? Ít ra cũng phải có loa đài, cờ giong trống mở như người ta vẫn làm chứ, có phải hội kín đâu mà âm thầm lặng lẽ thế?
Thằng bỏ mẹ cười:
- Vậy là bác chưa rõ về tính đặc thù của hội em rồi..
Lại là cái “đặc thù” dớ dẩn mà người ta thường hay viện dẫn ra! Có gì mà “đặc thù” với chả đặc bạn? Toàn nhiễu nhương, bịp bợm cả. Hội chim là hội chim, hội cá, hội chó cảnh hay hội thơ, hội thẩn cũng đều thế cả thôi, có quái gì mà đặc thù?
Thực tình lâu nay mình chán ngấy các loại hội này rồi, chả mấy quan tâm. Có đặc thù đặc sắc hay đặc đeck gì cũng vậy. Có dỗi hơi đâu mà bận tâm? Nhưng thằng chủ tịch cái hội chim này hình như không hiểu, hoặc không quan tâm đến thái độ của mình. Hắn đang sung sướng về cái hội hắn vừa nặn được ra để tỏ vẻ với đời.
Nhìn vẻ mặt ngẩn ngơ của mình thằng ý bảo:
- Hội của các bác khác hẳn với hội của bọn em nên bác không hiểu. Chơi chim là nghề chơi lắm công phu, không phải ai cũng chơi, cũng tham gia được. Nhưng tuyệt đối tránh sự ồn ào. Trống mõ rầm beng, âm thanh ồn ĩ không phù hợp với cách chơi của bọn em. Chim nó sợ, rụt hết tinh thần vào, chim không chọi nữa thì nhà em chỉ có nước ăn cám vì hội vỡ, lấy đâu kinh phí kinh phiếc đổ vào mồm?
Mình bảo:
- Anh chịu các chú, thời buổi suy thoái toàn diện này, còn mở ra được cái hội lông bông này ra được không phải chuyện đùa!
Thằng ý cáu:
- Sao bác lại bảo hội của em là “hội lông bông”? Bác nói với em thế, nể tình bấy lâu mình là chỗ tâm “dao”, em bỏ qua. Bác mà nói với thằng khác trong hội em chúng nó không bỏ qua đâu!
- Chúng đánh anh à?
- Chả ai đánh, nhưng anh khốn khó là cái chắc. Thời buổi này có thằng ngu nào mà ra mặt sinh sự với anh? Chúng chỉ đòn gió là anh cũng đủ chết vì mệt mỏi rồi.
Mình đâm hoảng. Chả nhẽ chuyện này có thật vậy sao? Có thật xã hội đen xâm nhập đời sống chả thiếu “mặt trận” nào?
Nhưng có lẽ cu này nói đúng. Chả phải đâu xa, mới gần đây mình vừa bị một thằng “cùng hội cùng thuyền” chơi cho một nhát, đánh thẳng vào niêu cơm nhà mình. Thằng ấy thậm cao tay, nó nhân danh học thuật, nhân danh lý thuyết cơ bản, sơ khai, sơ sài, khái niệm chân lí, nhân danh những cái mả mẹ  gì gì..người ta vẫn dùng mòn nhẵn đi rồi. Mình biết mà chả làm gì được vì là số ít. Nhóm lợi ích của hắn lại quá đông. Quyền lợi là thứ keo gắn kết không thể nào lay chuyển nổi bọn chúng. Dù anh có thành thực, tâm huyết đến đâu chúng cũng không dại gì ủng hộ anh để cháy thành vạ lây. Cái tâm địa cao đẹp ngàn đời nay của dân mình là vậy.. Thực là cao tay. Chỉ có giời cao đất dày biết và thời gian mới nhận biết cái trò ma cô này của hắn.
Mình bỏ đi chơi vu vơ thế này một phần là do cú đánh ngầm này. Phàm là những anh có bệnh “sĩ” như mình, chỉ một chiêu này cũng đau âm ỉ khá lâu. Không hẳn vì niêu cơm vơi mất một góc, mà còn vì “Danh dự, tự hào”, tự ái, tự trọng bỏ mẹ gì gì nữa.

Nghĩ lại trong cái rủi có cái may. Biết đâu nhờ thế mình tỉnh táo hơn, nhận chân giá trị cuộc sống hơn, làm cái đáng làm hơn?..
Đang nghĩ liên thiên như thế thằng bỏ mẹ kia bảo:
- Bác không bận mời bác quá bộ vào thăm quan hội mở hôm nay của bọn em. Có gì góp ý cho chúng em. Hội mới thành lập, kinh nghiệm còn nghèo, còn non lắm.. Trưa nay bác ở lại uống với bọn em chén rượu.. Trong hội em nói để bác biết, chả phải toàn bọn sìu sìu ển ển cả đâu. Đại gia, quan chức cũng có vài người. Có khi mấy ông này bác quen..
Không hẳn vì cuộc rượu hắn mời. Mấy cái “nhân” hắn vừa nói, gợi cho mình chút tò mò. Biết đâu thêm chuyện hay, thêm ý đồ “sáng tạo” trong lúc chán nản không nghĩ ra được, không muốn viết bất cứ chuyện gì?
Còn góp ý ư? Đây là trò đùa kinh khủng nhất! Đừng có góp ý mà làm gì, chỉ họa vào thân. Nếu không cũng mất lòng mất bề, mình không dại.
Làm người ai chả muốn được khen vợ mình đẹp, con mình ngoan? Chê nó sứt môi lồi rốn, chả có nước mà uống, ở đấy mà góp ý!
Chuyện nhỏ đã vậy, huống chi những việc tày đình?
**
Ngày nay những con chim tự do còn rất ít. Chim đẹp và quý như công, dũng mãnh như đại bàng kể như tuyệt chủng. Có chăng còn đám chim sâu, chim chích bé bỏng, những chú chìa vôi nhấp nhẩy ngoài mé sông. Hoặc những con kền kền hôi hám chuyên ăn xác chết ở đâu đó trên dãy Himalaya. Cả đến giống bìm bịp một thời không ai quan tâm cũng không còn được bao nhiêu. Nay bảo ngâm rượu uống, “hay” cho cái “của nợ” làm việc bốn tốt ( Bạn đừng cho là mình có ý xỏ xiên, ý mình là 1, tốt cho chuyện ỉa đái, 2 đẻ cái sinh con, 3, tốt cho tâm hồn lại láng, dễ xuất bản thơ, 4, tốt cho dễ ngủ, quên hết hoặc kệ con mẹ sự đời ). Bìm bịp bây giừ cũng thành ra hiếm hoi!
 Lòng tham lam của con người, ô nhiễm và thay đổi khí hậu đã khiến loài có cánh này đến sát bờ tận vong. Ngay cả đến chim khiếu, chào mào cũng đã là loài chim quý hiếm. Họa mi ngày càng ít dần. May thay cho mấy thứ chim này. Nhờ có tiếng hót, lại dễ nuôi nhốt trong lồng nên chúng còn sống sót. Chưa có ai dịch được ngôn ngữ của loài chim, nên chẳng biết tâm sự của chúng thế nào, nhưng chắc chắn là chúng chẳng vui sướng gì ở cơ may ấy.
Thiếu bầu trời, nắng và gió sự tồn tại trên đời của chúng giờ đây phỏng có ích gì?
Mình nghĩ nếu chúng còn sót lại, ngày nào đó chúng cũng phải tuân theo quy luật của tiến hóa. Đôi cánh không cần đến nữa sẽ rụng đi hoặc ngắn lại. Hoặc sẽ trở thành hai chi trước như lũ chuột, lũ chồn cáo mà thôi!
Ý nghĩ ấy làm mình mất hứng thú khi thằng bỏ mẹ đưa mình đi thăm những dãy lồng dài treo trên các sợi dây thép cột vào dãy cột bê tông. Lũ chim tự nhiên hôm nay như phởn chí, quên hết thân phận của mình là để mua vui cho kẻ khác. Chúng gặp đồng loại có đủ đực cái, đủ giai cấp và tầng bậc mà, cứ hót vóng vót liên tu tì trận. ( Đừng nghĩ rằng loài chim bình đằng và không có giai cấp nhé. Giai cấp là tố chất tự nhiên, không phải muốn có, hay không có mà được. Nó như rừng cây có cây to, cây nhỏ. Ngay xè xè bọn cỏ vẫn còn có giai cấp tầng bậc nữa là. Ý nghĩ triệt tiêu nó, bây giờ xem ra là chuyện khôi hài mẹ nó rồi). Mình cay đắng nghĩ thế, tiếc cho một thời khờ khạo, cả tin đến ngu xuẩn của mình.
Cách một quãng có đến hơn chục chiếc xe bốn chỗ bóng lộn, ầm thầm núp dưới bóng cây. Người ta phải để nơi kín đáo như thế để tránh phản xạ ánh nắng từ nước sơn bóng nhoáng từ cửa kính hắt lại, làm ảnh hưởng đến lũ chim.
Phía bên ngoài chỗ đó một chút căng một cái bạt rộng. Có đến vài chục ông phục phịch, thoát vị má và mấy mụ nạ dòng móng tay không sơn màu đỏ như ngày nào, giờ là màu tím ngắt thủy chung.
Thằng chủ tịch trym giới thiệu mình với mọi người. Cả bọn ơ hờ bắt tay. Mình cứ ghê ghê khi có cảm giác đang đụng vào những chiếc găng nhồi bông lạnh và xũng nước. Chả biết mấy ông mấy bà ấy “Bông dua” “OK” hay “Hảo lớ” cái quái gì đấy, mình nghe không rành. Có lẽ tại lúc đó tâm trạng mình không tốt, sự chú ý chưa được thúc đẩy lên cao đủ mức cần thiết để có thể nghe rành rọt. Cũng có thể tại họ lạ hoắc..những con người của thế giới phía bên kia, thế giới khác, cực kì xa cách với mình..

Phải công nhận tay nào nó vẽ tấm phông cho hội trym này có đầu óc phóng khoáng. Bầu trời thì xanh lơ, lớt phớt mây hồng gợi cho người ta mơ về cõi hoang đàng, í quên thiên đàng ( xin lỗi sự nhầm lẫn). Góc bên phải là cây đa già, cụt mất phần ngọn không hiểu do gió bão hay do sâu bọ? Được cái sót lại ba nhánh cành hãy còn xanh tốt, đang thả rễ “sinh di” tràn lên mặt đất. Trong đám rễ xum xuê đó dầy rẫy các loại tổ chim. ( Đương nhiên không có tổ của công, trĩ, đại bàng ).
 Đậu chót vót chỗ cao nhất là chú vẹt có màu lông xanh biếc, với cái mỏ đỏ quặp xuống như đang ngậm cái gì. Rải rác trên nền trời là từng đám chim én, báo hiệu mùa xuân. Hình ảnh này không thích hợp lắm, vì bây giờ đang là tháng tư, còn báo hiệu báo hiếc gì nữa?
Thằng chủ tịch Trym bảo: “ Cái này em làm đấy anh thấy có được không?” Mình biết tỏng đây là sản phẩm Photosop, công nghệ in ấn thời bây giờ, nhưng chả nên bóc mẽ nó làm gì. Sự khoác lác của nó có mặt tốt, hướng mỹ, hướng thiện và căn bản nhất là không hại đến ai. Một bức bích họa loại này giá trị nghệ thuật chưa đến nỗi người ta phải tranh cãi, kiện cáo về bản quyền. Nó yêu cái đẹp, thích sang kệ nó, có làm sao? Miễn nó đừng nhân cái này, vụ lợi riêng cho mình nó là được!
Ngày thường chả thấy chim chóc đâu, hôm nay ở đâu ra thế không biết. Lụa đỏ che trym rợp cả góc trời. Mình nhìn suýt hoa cả mắt. Cái màu.. nếu tim mạch không tốt là dễ tụt huyết, hoặc tăng sông.
Cuộc chọi bắt đầu. Tiếng bàn tán thì thào lan tỏa, rồi tăng dần. Từng cặp một hai con vào trận. Có lẽ duy nhất chỉ giống chim họa mi này mới có nhu cầu để thể hiện như thế.
Cứ một con trống lại phải có một con mái đi kèm làm cổ động viên. Pan hâm mộ, nó mới chịu giao đấu. Bằng không một mình con đực, xua thế nào cũng không kết quả. Nó cứ ì ra mặc cho chủ chim muốn làm gì thì làm. Giả dụ có giết chết nó cũng vậy thôi.
Mình quên không mang kính. Cặp mắt mù dở chỉ có thể thấy chúng loang loáng lăn xả vào nhau. Đánh miếng trên hay miếng dưới, tiểu nhân hay quân tử, chịu chết, chả hiểu gì. Với lại cái gì cũng phải có chuyên môn, chuyên nghiệp của nó. Mình người ngoại đạo, biết đeck gì mà tham gia?
Bỏ về ngay sợ chủ tịch trym phật ý. Chả gì mình với hắn cũng là chỗ láng giềng. Nó lại đang phụ trách công tác môi trường tiểu khu. Phật ý nó có ngày xe rác xả ngay trước nhà không biết chừng. văn hóa ném cứt, ném chuột chết đang có cao trào phát triển, đừng dại mà dây với hắn. Tình trạng chung của các loại hội bây giờ là khá phức tạp. Tránh voi chả xấu mặt nào. Mình chưa quên bài học tên cùng hội với mình. May mà chuyện đó mới chỉ ảnh hưởng tí ti vào phần mềm đời sống. Chưa phạm đến phần cứng của tư tưởng, tinh thần, ý thức, thái độ bị cương lên như một số trường hợp từng diễn ra gần đây ở chỗ nọ chỗ kia!

Cuối cùng cuộc thi, hội cũng kết thúc. Trò hay đến đâu cũng không thể kéo dài mãi. Chủ tịch hội Trym phấn khởi ra mặt vì hôm nay trym của hắn được giải nhất. Không hiểu sao một thằng hạ đẳng, hạ cấp như hắn lại luôn luôn thắng trong các cuộc thì?
Chấm.
Mất một buổi sáng cho một việc ngớ ngẩn vừa rồi.
Nhưng mà thôi, có phải ngày nào ta sống cũng đều có ích, có kết quả, có ý nghĩa cả đâu?

Cuộc đời vốn không dài và đầy rẫy phí phạm vô nghĩa lý như thế đấy, biết phải làm sao? 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: