Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

BIẾT MÌNH MỚI BIẾT NGƯỜI


Khi nói đến công tác Quản trị nhân sự, người ta nghĩ tới những hoạt động liên quan đến con người. Nói khác đi, đó là công việc của một bộ phận chuyên trách trong công ty giải quyết một vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để công nhân viên (con người/ nguồn nhân lực) làm việc với hiệu suất cao nhất, phục vụ cho sự phát triển hay thay đổi của tổ chức đó? Ai cũng hiểu là người làm nhân sự cần phải hiểu con người, biết người mới dùng được người. Đó là nhận thức cốt lõi.

1. Bài toán đặt ra là làm thế nào để hiểu được người khác?

Tâm lý học nhìn nhận rằng có những phương pháp nhận diện tâm lý người. Ví dụ: thông qua test (IQ, EQ, AQ, ...), thông qua đánh giá ngôn ngữ cơ thể, chữ viết, ... và một số phương pháp khai thác sâu như (vô thức, nhận thức, xã hội ...) để đánh giá con người về các mặt tính cách, nhân cách, năng lực, xu hướng, khí chất ... Và khi dùng những công cụ này để "đo lòng người", thì các nhà quản trị cũng nhận ra một mối bận tâm của chính mình rằng vẫn có những phần trăm không dự đoán được. Có những người nghĩ rằng: Phải có một phương pháp nào đấy giúp ta biết được trọn vẹn về người khác? và họ nghiên cứu thêm những bộ test, nhưng phương cách, họ đi tìm những mối bất ổn mới của vấn đề.

Vì sao tôi cho rằng khi đi tìm những phương cách để biết người khác chính là đi tìm thêm những mối bất ổn mới của vấn đề? Rắc rối nằm ở chỗ tính khách quan và chủ quan khi đoán định tâm lý người khác. 

Khi người ta nhìn nhận một ai đó dựa trên kinh nghiệm, không phủ nhận có thể có phần trăm đúng trong đó, nhất là những người có nhiều trải nghiệm. Nhưng chính họ có biết phần trăm đúng đó nằm ở điểm nào hay không, có thể sai không, và đúng thì đâu là đúng, sai thì đâu là sai ...? Câu trả lời là không thể biết được chính xác. Một người hôm qua thế này nhưng chưa chắc ngày mai đã vậy, một người nói như thế nhưng chưa chắc đã nghĩ đúng như điều họ nói. Sự đánh giá này áp dụng được có chăng là đối với những người thấp cơ hơn mình. Có hai vấn đề đặt ra: 1- Trong việc tuyển dụng quản lý cấp cao, cao thấp khó mà đoán định; 2- Có thể biết được ái cao hay thấp hơn ta hay không? Nếu có thì làm sao biết? Như vậy tính áp đặt chủ quan những gì mình cho là đúng, là tốt, là đẹp làm khung quy chuẩn để đánh giá người khác tạo nên sai lầm. Chia buồn với những ai vẫn cứ nghĩ rằng mình có thể biết được người khác, họ lấy chính bản thân họ làm cái khung cho sự hợp lý và quy chiếu mọi thứ dựa vào đó, nguy hiểm hơn là tin tưởng rằng nó đúng. Cũng chia buồn với những ai nghĩ rằng mình không biết được người khác và đang sử dụng những phương pháp để biết người, bởi vì công việc nhân sự đòi hỏi điều đó. Khi nghĩ rằng biết hay không biết, thì đó vẫn là những ý nghĩ mang tính chủ quan (kinh nghiệm cá nhân), nghĩa là chưa hề có sự sáng rõ trong vấn đề.

Chính vì điều đó, hiện nay người ta tìm đến một công cụ khác và nghĩ rằng tính khách quan của nó có thể đảm bảo. Đó là test. Đó là một bộ gồm những câu hỏi thể hiện cho một thước đo tâm lý mà một nhà nghiên cứu nào đó lập nên dựa trên những nghiên cứu tâm lý, hay nói đúng hơn là nhận thức của mình về con người. Khi có một thang đo được coi là chuẩn, nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá điểm số và thông qua đó có những nhận định về tâm lý người. Một vấn đề cần được suy xét lại, đó là chỉ số hiệu lực (F) có thực sự là hoàn toàn (100%)? Người nghiên cứu ra bộ test đó thực sự đã khám phá ra chân lý và bộ test là kết quả thấy được? Có cách nào giám định được tính hiệu quả này khi mà trên trên thế giới hiện tại có rất nhiều trường phái, quan điểm tâm lý, từ đó nảy sinh nhiều phương cách khác nhau? Và nhận thức của con người về thế giới cũng như chính mình thì đang thay đổi từng ngày? Có ai giả thuyết rằng tính chủ quan vẫn nằm sâu trong những thứ mà ta gọi là khách quan hay không?

2. Con đường đi ...

Ngày nay, dường như người ta muốn thay đổi mọi thứ, quản lý mọi thứ ... và người ta chú ý đến mọi thứ ... nghĩa là hướng tới bất kỳ đâu ngoại trừ chính mình - thế giới nội tâm bên trong. Dường như việc đổ trách nhiệm lên cái gì đó bên ngoài dễ dàng hơn nhiều so với con đường khám phái giá trị nội tại. Khi ai đó làm ta thất vọng, đó là lỗi tại họ. Khi hình ảnh ai đó không như những gì ta nghĩ trước đây, ta cho rằng họ thay đổi, vấn đề là ở họ. Khi họ không hoàn thành tốt nhiệm vụ như ta mong đợi, đó là lỗi của họ và họ mới là người chịu hậu quả đó ... vv và vv ... Thay vì tìm kiếm câu trả lời bên trong mình, chúng ta làm cuộc hành trình đi học những thứ bên ngoài để áp dụng giải quyết vấn đề bên trong (nhận thức là quá trình nội tâm). Tôi nhấn mạnh từ "đi học" theo đúng nghĩa thông thường là "coppy nhận thức" của sach, vở, người khác. Cách suy nghĩ này khiến những nhà quản trị đi ngược vấn đề và dẫn đến rất nhiều sai lầm trong việc tuyển và dùng người. 

Có một sự thật nào ẩn chứa đằng sau con đường đi tìm sự hiểu biết của những người làm nghề nhân sự?

3. Khi ta biết mình
Hãy làm một bài tập nhỏ:

Khi bạn nhìn thấy một điều gì đó xảy đến, bạn đánh giá nó là một sự tốt đẹp ... nhưng có phải ai cũng nhìn như bạn không? 

Có phải ai cũng có cái nhìn giống nhau trong mọi vấn đề? 

Khi bạn nhìn người này là hay, là tốt, thì có ai khác không có cái nhìn như bạn không? 

Thực tế là mỗi người có cái nhìn khác nhau. Vậy thì đâu là nguyên do của sự khác nhau đó?

Có phải "quyển từ điển cuộc sống" của bạn đang hoạt động và nó chi phối cái nhìn của bạn không? 

Vậy nghĩa là bạn hiểu người khác dựa trên chính con người bạn?

Bài tập này là những câu hỏi bạn tự tìm câu trả lời cho riêng mình. Nó giúp bạn cảm nghiệm được khi bạn đánh giá điều gì thì cái gì chi phối sự đánh giá đó. Khi nhìn thấy sự chi phối đó, bạn hiểu rằng mức độ bạn hiểu người khác là dựa trên việc bạn hiểu chính bản thân bạn sâu sắc và chân thật đến mức nào. Và bạn biết rằng nó hoàn toàn là chủ quan. Nhận thức về người khác sẽ luôn mang tính tương đối, vì nó luôn thay đổi. 

4. Vậy là ...

Vậy là ta thực sự không biết được người, bởi vì ta không biết được mình?

Có câu trả lời nào cho vấn đề này không?



Writting by: VALIMA
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: