tặng Nguyễn Xuân Hoàng Freunde, es gibt keine Freunde!
Văn chương là một hình thức thông giao để con người tìm đến nhau. Cho nên nếu chỉ có một con người độc nhất sống trên hành tinh này, ắt không có văn chương. Kể từ khi nhân loại sống thành quần thể, dầu ở hoàn cảnh dã man nhất, con người đã có tiếng nói là khởi sinh của một hình thành văn chương. Nói với ai? viết cho ai? dường như viết hay nói, với không một ai?
Chưa hẳn! Khi hắn – tên nhà văn, dầu viết những độc thoại, lảm nhảm riêng mình, hắn vẫn đang nói với đối tượng – bạn đó.
Có nghĩa là, trong hoàn cảnh cùng cực nào đó, cũng có chiếc bóng, không phải hắn, nhưng bạn, những người hợp thành Hữu-ta-quy/für-uns-Sein [thuật ngữ triết học dùng ở đây là một khái niệm khá bao quát trong triết học và văn chương, mà hai nhà triết học Fichte và Nicolai Hartmann sử dụng trong học thuyết của họ: Fichte thì nói mọi sự là hữu ta quy; Hartmann thì luận về hữu tinh thần, như trong văn chương, đọc một bản văn cổ, nhận biết được tinh thần chứa trong nó, không phải ở tự tại của nó, mà chỉ hiện hữu nơi chúng ta, für uns sein (người đọc, người xem, người nghe); tôi thì dùng nó để nói đến tình bạn].
Tình bạn, dường như trên con đường tư tưởng, những người rắc rối nhất đã ngay từ thời cổ đại, triết gia Aristote, chẳng phải chỉ phân minh rạch ròi giữa tình cảm và chân lý khi nói có kính yêu Platon, song yêu chân lý hơn (Amicus Plato, sed magis amica veritas), nhưng trong câu nói tôi dẫn làm đề từ ở trên, mượn từ Nietzsche, rồi đến những người sau Nietzsche, đọc Nietzsche, theo Nietzsche như Derrida ở chương đầu tiên trong sách Chính trị của tình bạn dẫn lời này từ Montaigne gán cho Aristote: Hỡi các bạn tôi, không có bạn, nhưng Nietzsche đã lặp lại ở cuối tiết 376 sách mà ông gọi là viết cho những tinh thần tự do/phóng khoáng, rất ư là tự do/phóng khoáng , khi luận về bằng hữu, viết như cách ngôn: Và như vậy, hãy để chúng ta chịu đựng kẻ khác, như chúng ta có thể chịu đựng được chúng ta.
Đọc, chúng ta phải chịu đựng, làm quen, Foucault ca ngợi, dự báo người bạn triết lý của mình: một ngày kia, thế kỷ này có lẽ sẽ là của Deleuze. Đọc, họ đã viết về nhau trong tranh biện thân hữu, như những người trong nhóm Tel Quel về sau.
Có một quyển tiểu thuyết, dường như ít người để ý của Ngọc Giao, tác giả của Quán Gió, Cầu Sương, mang cái nhan đề bình dị Nhà Quê, nhưng thực sự là viết về sinh hoạt của bốn, năm người bạn văn chương với nhau, như Thâm Tâm, Trần Huyền Trân…
Nguyễn Xuân Hoàng viết Kẻ Tà đạo trong những năm đầu 70 của thế kỷ trước. Không rõ người đọc có để ý những người bạn/nhân vật mang tên Phùng, tên Nhật, tên Tâm thường sinh hoạt, gặp nhau với nhân vật chính mang tên Thăng. Nhật là Nguyễn Nhật Duật, Tâm là Huỳnh Phan Anh còn mang dính cái nickname “khô khốc thiền sư”…
Trong cái thế giới, xã hội tao loạn, tha hóa đó, ai là kẻ tà đạo? Tà đạo thực sự là những païen, nhữngphilosophes païens/triết gia vô tín ngưỡng đã từ thời cổ đại, mà Alexandre Kojève (người lý giải Hegel) cất công viết dòng dã suốt ba tập sách về những triết gia tiền-Socrate…
Chúng tôi, những người ngồi với nhau giữa quán thành phố mang tên Cái Chùa/La Pagode, có người gọi “nơi ấy tụ họp các quần tinh lộng lẫy trong thế hệ văn chương khai phóng”, bên những ly cà phê, những tách trà nóng hổi sớm mai, nói chuyện văn chương. Phùng, Nhật, Tâm, Thăng, những gã từ những trường ốc đại học đào tạo, đầu óc thấm đẫm triết lý… Từng có nhà văn gọi, bọn ấy trong nhóm “tiểu thuyết mới”, cái tên nghe như từ miền trời tây phương xa lạ.
Đọc, không phải chỉ những nhà tiểu thuyết mới Pháp, những tên tuổi thường được nhắc trên những tạp ghi thời sự văn chương; đọc, những người đã ra đi hay còn sống đó trong thế giới của văn chương triết lý mà xem như nếu không có kiến thức chuyên môn, sẽ sa đà, bỡ ngỡ…
Viết, chúng tôi viết, để đọc được cái viết còn xa lạ, thách đố với bạo động, viết như không thể thiếu; vì nếu không viết, không thể đi vào cảnh giới riêng tư đó, không thể tuyên chiến thân hữu với khoảng không kia; viết để cảm nhận nỗi đau trần trụi, lạc thú tự do; viết để gìn giữ cái khả hữu của văn chương còn lại…
Để nói về Nguyễn Xuân Hoàng, phải gặp ở nơi không còn gì cùng cực hơn trong cảnh biển dâu thay đổi, để thấy văn chương trong khi đời sống đầy bất ổn, để thấy bạn ta vẫn lồng lộng viết, như thể cầm dao, cầm đá khắc lên chữ nghĩa.
Tôi chọn một đoạn văn của Hoàng, trích từ Bụi và Rác:
“Tôi đứng ngay giữa phòng, dưới ngọn đèn bóng vàng vọt, cầm trên tay một cây bút và một tờ giấy cũng vàng như ngọn đèn, như màu tường, như những tháng ngày tôi đang sống.
Tôi ngó lên trần nhà. Trần nhà thấp quá. Tôi đặt tờ giấy và cây bút xuống sàn gạch bóng. Tôi thọc hai tay vào túi quần. Tôi ngó xuống đôi dép dưới chân. Tôi không hiểu mình sẽ phải làm gì. Tôi không hề đợi chuyện sẽ xảy ra sáng hôm nay. Tôi không tìm ra lý lẽ để cắt nghĩa những diễn biến mà tôi đang phải đương đầu. Tôi khai gì? Tôi có gì mà khai?
…
Cả một thời phong kiến trước đây trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Bùi Hiển, Nam Cao…bây giờ đang sống lại một cách rực rỡ chưa từng thấy. Đời sống mới mẻ minh họa cho những trang tiểu thuyết của xã hội trước năm Bốn Mươi Lăm. Cai tổng, Lý trưởng, ông Cò, thầy Đội…tái sinh trong những bộ quần áo mới, ngôn ngữ mới.
…
Tôi xếp tờ giấy làm tư, đến bên cửa sổ, nhìn xuống. Cả ba người đàn bà vẫn còn đứng đó. Ba cái đầu không còn chụm vào nhau. Cả ba khôn mặt đều nhìn về một phía cánh cửa chính của đồn công an khu vực. Tôi đẩy tờ giấy qua kẽ lá sách. Tờ giấy mỏng chao lượn trong không làm trái tim tôi cũng chao lượn theo. Rất chậm, nó đáp xuống chân của bà chị dâu tôi. Đó là lúc cả ba cái đầu vừa chụm lại. Không ai nhìn thấy tờ giấy tôi vừa thả xuống. Một đỗi lâu, cả ba mái đầu mới rời ra. Quỳnh sửa thế, quả quyết bước thẳng. Bà chị dâu tôi và cháu Thùy theo sau. Tôi thấy chân bà chị dẫm lên tờ giấy của tôi. “Cả thế giới này bỏ quên tôi rồi”. Tôi nghĩ trong đầu như vậy.
…
Tôi thấy mình như một con thú bị cái bản năng chật chội hành hạ. “Bình tĩnh! Bình tĩnh!’ Tôi nhớ lại lời nói của giáo sư linh mục Alexis Cras ở Viện Đại học Đà lạt…
“Ông Cố Đạo”, Cha hay tự gọi mình như vậy, giảng triết học hiện sinh rất hay, nói chuyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng như một nhà phê bình văn học chính thống, đọc Truyện Kiều giọng Tây, bình thơ Đỗ Phủ, kê chuyện Esope theo một tác phẩm Con cáo và chùm nho của một kịch tác gia Nam Mỹ. Esope trong vở kịch là người nô lệ nhưng đồng thời cũng là một nhà ngụ ngôn. Theo Cha Cras, ngụ ngôn không phải là một câu chuyện bịa đặt. Ngụ ngôn là chân lý. Mà chân lý là mục tiêu duy nhất, chúng ta sống vì nó, chết cũng vì nó…Esope nói, “đối với tình yêu và đời sống ta còn trẻ quá, còn xanh non quá. Nhưng đối với tự do thì ta đã chín rồi. Vực thẳm mà các ông đã chọn sẵn cho người tự do ở đâu? Ở đâu? Ở đâu?”
…
Tôi không phải và không bao giờ là Esope. Tôi thấy mình hèn nhát. Tôi lo sợ. Một mình giữa bốn bức tường…Trời ơi, tôi hiểu ra rồi, cả một đất nước chúng ta đầy những Esope. Thời cổ Hy Lạp có một Esope, còn thời đại của chúng ta biết bao nhiêu là Esope. Tự do hay là chết! Không phải người ta bỏ nước ra đi vì muốn làm một cuộc phiêu lưu. Người ta phải ra đi vì người ta không thể ở lại. Đi hay là ở? Câu hỏi ấy là câu hỏi lớn nhất chiếm đầy đầu óc mọi người.”
Nếu người đọc Án xử, Lâu đài của Kafka, thấy nhân vật K. trong cái cùng cực phi lý của thế giới tha hóa, người đọc phải ngưỡng mộ cách tả cũng lạnh lẽo, dửng dưng ở đây, thấy nhân vật trong căn phòng giam của xã hội trở nên phạm tội này. Tôi gọi Nguyễn Xuân Hoàng là Kafka của Việt nam. Những năm học Triết đã làm Hoàng lớn hơn nhiều người viết ở ngoài ex cathedra…
Nhân vật Thăng nhìn vào đời, thấy toàn bụi và rác. Ứng xử trong cuộc sống, tôi coi những người không đáng nói đến, cho nên mới có bạn và rác nơi trần gian này.
Đặng Phùng Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét