Ăn 1 phá 10
Thái Uyên
Kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cuối cùng đã chỉ ra đích danh những cá nhân có hành vi tham ô tài sản trong vụ tiêu cực tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines). Nếu chỉ nhìn vào hành vi của từng cá nhân cụ thể trong vụ án từ khía cạnh tham ô có lẽ là chưa đủ.
Một chiếc ụ nổi có tuổi thọ gần 50 năm, gọi đúng hơn là một cục sắt vụn không thể sử dụng được vào việc gì, đã được những người có chức vụ của Vinalines mua với giá hơn 37 tỉ đồng. Sau một hồi “nhào nặn” cục sắt vô tri được thổi giá lên thành 9 triệu USD (theo tỷ giá năm 2008 tương đương 144 tỉ đồng).
Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo Vinalines đã móc nối với cơ quan đăng kiểm, hải quan “vẽ” cục sắt này thành một con tàu để đủ điều kiện hoạt động hàng hải, đủ điều kiện thông quan. Báo cáo của Vinalines cho thấy chỉ tính riêng việc vận chuyển chiếc ụ nổi này theo đường biển về VN đã lên tới hơn 73 tỉ đồng, tính đến tháng 5.2012, tổng chi phí cho chiếc ụ nổi này lên tới 525 tỉ đồng và chưa dừng lại ở đó vì cho đến nay, doanh nghiệp này vẫn phải trả các khoản chi phí có thể lên tới hàng chục tỉ đồng cho việc trả lãi ngân hàng, thuê chỗ neo đậu, thuê người bảo vệ, trực sự cố… Tất cả những khoản này đều lấy từ những đồng tiền thuế của dân.
Trong phi vụ nói trên, lãnh đạo Vinalines “chỉ” được chia người nhiều nhất 10 tỉ đồng, người ít 340 triệu đồng nhưng con số thiệt hại họ gây ra đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Điều cay đắng hơn để ăn được những khoản tiền này lãnh đạo Vinalines phải chấp nhận lại quả cho người nước ngoài. Theo kết luận điều tra, trong khoản chênh lệch 9 triệu USD mua ụ nổi với thực giá 2,3 triệu USD, lãnh đạo Vinalines đã phải “biếu” không do các doanh nghiệp nước ngoài hàng triệu USD.
Hơn thế nữa, dư luận không chỉ bức xúc việc Dương Chí Dũng, Mai Xuân Phúc nhận hối lộ mỗi lần cả vali tiền mà còn ở chỗ, hành vi làm trái của họ nhận được sự đồng lõa của nhiều cơ quan chức năng, của chính nội bộ Vinalines, khi có rất nhiều người trong Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Ban kiểm soát biết ụ nổi 83M thực chất chỉ là cục sắt vụn nhưng không ai dám lên tiếng. Sự tê liệt của hệ thống giám sát nội bộ là điều rất đáng bàn trong câu chuyện này.
Đề cập đến vụ việc, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh từng gọi là “vừa ăn nhưng lại vừa phá”. Tuy nhiên, nói chính xác ở đây phải là, ăn 1 nhưng phá 10.
Theo Thanh Niên
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét