Tú Anh
Tên lửa S-400 do Nga chế tạo có thể bám bắt được các mục tiêu thù địch ở khoảng cách lên tới 600 km nhưng tầm phát hiện hiệu quả của nó sẽ giảm dần theo độ cao của mục tiêu.
Kênh truyền thông Avia.pro ngày 1/2 cho biết, họ đã tiếp cận được hình ảnh đồ họa mô tả về tầm bắn hiệu quả của hệ thống phòng không S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga.
Theo đó, tổ hợp tên lửa tiên tiến này đã bộc lộ rõ một điểm yếu khó ngờ: Tầm phát hiện và tấn công hiệu quả của S-400 sẽ giảm dần theo độ cao của mục tiêu cũng như thực tiễn địa hình mà nó được triển khai.
Về lý thuyết, hệ thống tên lửa S-400 do Nga chế tạo có thể bám bắt được các mục tiêu thù địch ở khoảng cách lên tới 600 km, tất nhiên trong điều kiện địa hình lý tưởng và mục tiêu đang ở trên độ cao 20 km.
Tuy nhiên, khi mục tiêu hạ thấp xuống dưới 5 km thì tầm hoạt động của S-400 cũng giảm xuống vài lần tương ứng. Khi đó, kết hợp với các phương tiện hỗ trợ khác, mục tiêu bay của đối phương hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội tung đòn tập kích trận địa tên lửa S-400 phía dưới.
Theo Avia.pro, một trong những địa bàn đặt hệ thống S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng bao phủ gần như toàn bộ diện tích lãnh thổ và không phận nước này nhưng nếu mục tiêu kẻ thù chỉ ở độ cao 5 km thì tầm phát hiện của S-400 bị giảm xuống chỉ còn khoảng từ 30 - 40%.
Nghiêm trọng hơn, khi mục tiêu bay của đối phương tiếp tục hạ thấp độ cao xuống 1 km thì tầm phát hiện và tấn công hiệu quả của S-400 chỉ rơi vào khoảng từ 70 - 180 km. Còn khi mục tiêu hoạt động ở trần bay dưới 1 km thì khả năng phát hiện tương ứng của S-400 chỉ là vài chục km.
Tháng 9/2019, các hệ thống tên lửa S-300 và S-400 của Nga, những tổ hợp phòng không được coi là tiên tiến nhất thế giới đã không thể phát hiện được máy bay chiến đấu Israel, mà như một số cơ quan báo chí nhận định là những chiếc tiêm kích tàng hình F-35, không chỉ vượt biên giới vào lãnh thổ Syria mà còn thâm nhập sâu vào tận không phận nước này hàng trăm km.
Qua sự kiện này, kênh truyền thông NZIV của Israel đã tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả từ các hệ thống phòng không và tên lửa của Nga khi máy bay chiến đấu Israel đã có thể đi vào không phận Syria mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Trong khi đó, ngày 17/12/2019 nhân chuyến thăm tới Israel, tướng 4 sao Mỹ đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang giữ chức Phó chủ tịch Tập đoàn Lockheed Martin, ông Gary L. North cũng từng tiết lộ với báo giới rằng, các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Adir của Israel hoàn toàn có khả năng "xử đẹp" hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 do Nga chế tạo.
Ông Gary North khẳng định, hệ thống radar AN/APG-81 AESA cho phép F-35 xác định và đánh chặn các mối đe dọa trên không bay ở độ cao thấp và với tốc độ nhanh như các tên lửa hành trình. Với tiết diện phản xạ radar thấp, F-35 có thể hoạt sâu bên trong lãnh thổ đối phương mà không bị phát hiện.
Những thực tế này, kết hợp với thông tin vừa được Avia.pro tiết lộ kể trên thì khả năng tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ có thể thực hiện các đòn tấn công "đánh sập" hệ thống tên lửa S-400 của Nga không còn là nhiệm vụ bất khả thi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét