Lê Thiếu Nhơn
Ngày Thơ Việt Nam năm nay không tổ chức vì virus corona. Hội Nhà văn VN chỉ phát ra một thông báo ngắn gọn, còn Hội Nhà văn TPHCM gặp mặt những đơn vị đã đăng ký tham gia để cáo lỗi, rất lịch sự và văn minh. Tại buổi công bố hủy Ngày thơ Việt Nam, đích thân Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - Trần Văn Tuấn còn móc tiền túi cá nhân để lì xì cho mỗi người... 50 ngàn đồng lấy hên mùa xuân.
Ngày Thơ Việt Nam càng ngày càng... nhạt, vì thiếu ý tưởng dàn dựng và thiếu nhân lực tâm huyết. Tạm nghỉ một năm, cũng là dịp để Hội Nhà văn VN tư duy lại chất lượng đang báo động của Ngày Thơ Việt Nam.
Để tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, Hà Nội có lợi thế ở cái... Văn Miếu thấm đẫm không gian văn hóa, còn TPHCM có lợi thế ở ba nhân vật có khả năng khoáy đảo đám đông là Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy và Bùi Chí Vinh. Đáng tiếc, Ngày Thơ Việt Nam tại TPHCM chưa bao giờ mời được cả ba quái kiệt kia cùng xuất chiêu trên một sân khấu. Lỗi tại ai? Lỗi tại Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM chưa đủ uy tín và bản lĩnh!
Ở Việt Nam rất nhiều nhà thơ, lạm phát danh xưng nhà thơ, nhưng ít nhà thơ có khả năng đọc thơ chinh phục công chúng. Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy và Bùi Chí Vinh là ba nhà thơ tự đọc thơ mình hay nhất hiện nay. Có không ít bài thơ của họ, nếu đọc bằng văn bản thấy bình thường, nhưng nghe chính họ đọc thì... nổi da gà, về nhà đọc lại văn bản thấy... bình thường như xưa. Đó là một cái duyên độc đáo, một biệt tài mà chưa có thêm đối thủ khác, chỉ họ cạnh tranh lẫn nhau với phong cách riêng. Chất hào sảng của Trần Mạnh Hảo, chất rơm rạ của Nguyễn Duy và chất bụi đời của Bùi Chí Vinh khi cộng hưởng trong Ngày Thơ Việt Nam sẽ cực kỳ hấp dẫn.
Thật đáng tiếc cho Hội Nhà văn TPHCM những năm tiếp theo, nếu không tổ chức được một Ngày Thơ Việt Nam có sự góp mặt của ba bậc thầy trình diễn thơ đang sinh sống ở đô thị nhộn nhịp phương Nam. Bởi lẽ, đón Tết Canh Tý này, Trần Mạnh Hảo đã 71 tuổi, Nguyễn Duy đã 73 tuổi và Bùi Chí Vinh cũng đã 66 tuổi. Thời gian thoáng chốc, họ không còn đủ sức để đọc thơ nữa, thì rất lãng phí cho sinh hoạt thi ca và rất thiệt thòi cho người yêu thơ. Thậm chí, nếu quay clip lưu lại, thì những thước phim họ đọc thơ sẽ là báu vật cho văn chương nước nhà mai sau!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét