Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Trung Quốc luôn lấn lướt trong vấn đề Biển Đông, có rất ít khả năng sẽ nhượng bộ bất cứ yêu sách chủ quyền nào của mình, SCMP bình luận

VN muốn TQ 'chơi đẹp' ở Biển Đông năm 2020


Một tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 25/2/2019Bản quyền hình ảnhVCG/GETTY IMAGES
Image captionMột tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 25/2/2019
Lãnh đạo ngoại giao Việt Nam hi vọng Trung Quốc sẽ 'kiềm chế' khi Việt Nam ngồi ghế Chủ tịch ASEAN năm 2020.
"Tôi hi vọng rằng, trong thời gian chúng tôi giữ cương vị chủ tịch [ASEAN], Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế và ngưng các hoạt động [trên Biển Đông]," Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại một hội thảo tạị Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore mới đây.
Các hoạt động của Trung Quốc mà ông Dũng nhắc tới bao gồm việc Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng hàng loạt tàu hải giám hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính trong nhiều tháng.
"Những gì Trung Quốc đã làm là rất đáng báo động và đe dọa không chỉ Việt Nam mà còn các quốc gia khác...," ông Dũng nói tiếp.
Việt Nam, quốc gia thách thức mạnh mẽ nhất đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông, theo bình luận của SCMP, sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020.
Ông Dũng cũng nói, không phải các quốc gia ASEAN khác ủng hộ hành động của Trung Quốc, mà là họ phản đối theo một cách khác, SCMP tường thuật.
Vùng biển tranh chấp giữa các nước Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malysia và Phippines là tuyến đường thủy tấp nập, nơi lưu thông lượng hàng hóa trị giá khoảng hơn ba ngàn tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam có kiềm chế được Trung Quốc trên Biển Đông?Bản quyền hình ảnhSTR/GETTY IMAGES
Image captionTrong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam có kiềm chế được Trung Quốc trên Biển Đông?

VN có thể đạt được kỳ vọng hay không?

Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2019 hồi cuối tháng 11, phản đối mạnh mẽ "các bước phát triển mới" trên Biển Đông, bao gồm các hành động đơn phương, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế, quân sự hóa, thay đổi hiện trạng và xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, theo SCMP.
"Các hành động này làm suy yếu lợi ích của các quốc gia liên quan và đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực," tài liệu này viết.
Cũng giống Trung Quốc, Việt Nam cũng cho xây các đảo nhân tạo trên vùng lãnh hải để khẳng định chủ quyền.
Các quốc gia ASEAN, cũng như các quốc gia khác, đang tìm cách xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để tránh bất cứ cuộc leo thang xung đột ngoài dự kiến nào.
Ý tưởng về bộ quy tắc ứng xử này được đưa ra lần đầu những năm 1990 nhưng mãi tới 2013 Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu tham vấn chính thức. Phải mất tới bốn năm để Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đạt thỏa thuận khung đầu tiên.
Đối với các quốc gia ASEAN, đạt được đồng thuận giữa 10 quốc gia thành viên luôn là thách thức,đặc biệt là khi Trung Quốc luôn lấn lướt trong vấn đề Biển Đông, có rất ít khả năng sẽ nhượng bộ bất cứ yêu sách chủ quyền nào của mình, SCMP bình luận.
Trước đó, Việt Nam đã có một loạt các động thái phản đối "Đường chín đoạn" do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông, khẳng định quyền chủ quyền đối với hầu hết khu vực này.
Trong suốt nhiều tháng qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã yêu cầu các nhà nhập khẩu cần thận trọng và loại bỏ bất cứ hàng hóa nào có in bản đồ đường chín đoạn, sau khi một số sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam như ô tô, điện thoại, bản đồ, cẩm nang du lịch, thậm chí cả phim ảnh, có 'cài cắm' bản đồ này.
Trong khi tình hình giữa Việt Nam-Trung Quốc đang nóng ở Bãi Tư Chính, Chủ tịch nước Việt Nam đã phát biểu rằng, Việt Nam sẽ "không nhượng bộ" về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông.
Tuy nhiên, người ta ngờ rằng những nỗ lực của Việt Nam sẽ có nhiều tác động tới Trung Quốc," ông Murray Hiebert, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Việt tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, được Al Jazeera trích lời.
Sự thiếu vắng ý chí chính trị toàn cầu trong việc trừng phạt và cách ly Trung Quốc khiến Hà Nội khó khăn hơn trong việc tập trung các áp lực ngoại giao để gây sức ép lên Trung Quốc, Al Jazeera bình luận.
"Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ trong ASEAN và các quốc gia thân thiện khác như Nhật Bản, Úc và Liên minh châu Âu, nhưng chỉ có Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc. Các nước khác đều sợ bị Trung Quốc trừng phạt," ông Murray Hiebert nói với Al Jazeera.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: