Triều Tiên có thể sắp phóng tên lửa đạo đạo xuyên lục địa
Bình Nhưỡng nhiều khả năng phóng tên lửa Hwasong-15 hiện đại nhất để bày tỏ sự không hài lòng với Washington, chuyên gia Mỹ cảnh báo
"Các kỹ sư tên lửa và quân đội Triều Tiên đang tìm cách cải thiện hiệu quả và mức độ tin cậy của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, còn gọi là KN-22", Vann H. Van Diepen, cựu quan chức tình báo và ngoại giao Mỹ, cho biết trong bài đăng trên trang 38 North hôm qua.
Van Diepen cho rằng Bình Nhưỡng có thể chọn giải pháp khai hỏa tên lửa Hwasong-15 nếu quyết định chấm dứt lệnh ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un công bố hồi năm 2017.
"Bắn thử ICBM giúp Triều Tiên thể hiện sự mất kiên nhẫn vì bế tắc trong đàm phán với Mỹ. Hoạt động này cũng giúp Triều Tiên kiểm nghiệm tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa, đồng thời ứng dụng những cải tiến để khắc phục mọi nhược điểm xuất hiện trong lần thử năm 2017", Van Diepen nói thêm.
Truyền thông Triều Tiên hôm 7/12 thông báo nước này vừa hoàn tất "thử nghiệm rất quan trọng" tại bãi phóng vệ tinh Sohae (còn gọi là Dongchang-ri), cho biết hành động này "sẽ có tác động quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến lược của Triều Tiên" nhưng không tiết lộ nội dung thử nghiệm.
Một số chuyên gia nhận định vụ thử tại Sohae là hoạt động kiểm nghiệm động cơ mới cho ICBM, cho rằng đây là tín hiệu cảnh báo Washington rằng nước này có thể phóng ICBM nếu Mỹ không đáp ứng những yêu cầu của Triều Tiên trước hạn chót vào cuối năm nay.
Van Diepen thì cho rằng đợt thử này chỉ sử dụng động cơ cũ, không phải biến thể dùng nhiên liệu lỏng mới phát triển hay động cơ nhiên liệu rắn. "ICBM dùng nhiên liệu lỏng đời mới là không cần thiết trong ngắn hạn do dòng Hwasong-15 vẫn còn nhiều tiềm năng. Triều Tiên cũng chưa có đủ năng lực phát triển ICBM dùng nhiên liệu rắn", ông cho hay.
Triều Tiên thử thành công tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11/2017. Quả đạn có tầm bắn ước tính 13.000 km và mang được đầu đạn hạt nhân, đủ sức đe dọa mọi địa điểm trên lãnh thổ Mỹ. Trước đó, Bình Nhưỡng cũng hai lần phóng thử mẫu Hwasong-14 với tầm bắn hơn 10.000 km.
Ông Kim Jong-un (áo đen) thị sát tên lửa Hwasong-15 trước vụ phóng năm 2017. Ảnh: KCNA.
Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) hồi tháng 7 thừa nhận tên lửa Hwasong-15 có tầm bắn gần 12.900 km và "có khả năng tấn công bất cứ khu vực nào trên lục địa Mỹ". Đây là đánh giá chính thức đầu tiên của quân đội Mỹ về tầm bắn và năng lực tiến công của loại vũ khí này.
Cuộc thử nghiệm động cơ ICBM tại Sohae cùng loạt vụ phóng vũ khí tầm ngắn và phát ngôn cứng rắn từ giới chức Triều Tiên gần đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang dần mất kiên nhẫn trong chính sách với Washington.
"Triều Tiên vẫn tránh thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, họ đang tìm cách nâng cấp động cơ và độ chính xác của tên lửa để đặt ra mối đe dọa hạt nhân đáng tin cậy", Leif-Eric Easleu, phó giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, cho hay.
Theo VnExpress
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét