Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Bãi cọc cổ làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288


Giáo sư Vũ Minh Giang đánh giá bãi cọc Cao Quỳ là một phát hiện cực kỳ quan trọng, mở ra những nghiên cứu mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Chiều 20/12, các nhà khoa học, chuyên gia cùng lãnh đạo TP Hải Phòng thực địa tại bãi cọc vừa được khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đánh giá đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, mở ra những nghiên cứu mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
 “Khi phát hiện ra trận địa này, xem ra phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử”, ông Giang nói.
Bai coc co lam thay doi nhan thuc ve chien thang Bach Dang nam 1288 hinh anh 1 coc.jpg
Các nhà khoa học cùng lãnh đạo TP Hải Phòng thực địa bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: L.T.
Ông lý giải các nghiên cứu trước đây thường dựa vào sách và mô tả rất trừu tượng. Các nhà khoa học đều xoay quanh bãi cọc được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh).
Những nghiên cứu về bãi cọc ở Quảng Yên cho thấy ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà thực hiện ở các lạch triều. Việc này là để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền chiến của chúng.
Còn việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Ông Giang nhận định rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc từng tìm thấy ở Quảng Yên.
Qua đó, các nhà nghiên cứu chưa thể khẳng định trận đánh chính trong chiến dịch Bạch Đằng của quân dân nhà Trần nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ.
Theo báo cáo sơ bộ của Viện khảo cổ học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, ngày 1/10, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ, anh Nguyễn Văn Triệu (nông dân xã Liên Khê) phát hiện hai cây gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.
Bai coc co lam thay doi nhan thuc ve chien thang Bach Dang nam 1288 hinh anh 2 coc2.jpg
Các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Ảnh: L.T.
Ngày 27/11, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện 27 chiếc cọc.
Các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Bước đầu, Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 - năm 1288. Đây là trận địa nhằm ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn.
Quân địch buộc phải đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn khiến tàu bị nhấn chìm xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: