TGVN. Khi năm 2019 đang trôi về những ngày cuối cùng, triển vọng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020 vẫn còn khá xa vời…
Kiên trì và lặng lẽ, ASEAN mang lại ‘phép màu’ ở khu vực | |
Nhật Bản lấp lửng về RCEP, tuyên bố sẽ không ký thỏa thuận nếu không có Ấn Độ |
RCEP sẽ lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU) hay Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). (Nguồn: CGTN) |
Các cuộc thảo luận về RCEP đã bắt đầu từ tháng 11/2012, theo sáng kiến của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm kích thích trao đổi thương mại giữa các thành viên Hiệp hội và 6 nước đối tác đã ký kết FTA với ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Nếu các nước này tham gia RCEP thống nhất, điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển thương mại trong khu vực bằng cách giảm thuế, chuẩn hóa các quy tắc và thủ tục hải quan, đồng thời mở rộng tiếp cận thị trường, đặc biệt là giữa các quốc gia chưa ký FTA song phương.
Nguồn nước trên sa mạc
Các cuộc đàm phán về RCEP từng được tiến hành song song với đàm phán về một hiệp định thương mại lớn khác, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Vì thế, nhiều chuyên gia đã xem xét việc tạo ra RCEP như là những nỗ lực của Bắc Kinh chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, một số quốc gia không vội vàng tham gia thỏa thuận RCEP vì lo ngại họ có thể bị mất thị trường cao cấp của Mỹ.
Tuy nhiên, vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua quyết định rút khỏi TPP, đồng thời tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của một số quốc gia. Sau đó, ông đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, gây thiệt hại cho nhiều nhà xuất khẩu châu Á, vì bước đi này đã làm giảm nhu cầu về hàng hóa của họ và làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Kết quả là các nhà đàm phán RCEP bắt đầu hoạt động tích cực hơn. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN năm 2018 tại Singapore, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez khẳng định: “Những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo ‘nhu cầu cấp bách’ trong việc đẩy nhanh đàm phán để sớm đạt được đồng thuận về RCEP”.
Các chuyên gia Australia gọi hiệp định tương lai này là “nguồn nước sẽ cung cấp sức sống cho sa mạc của chủ nghĩa bảo hộ”.
Một mái nhà chung châu Á?
Nếu mọi chuyện diễn ra đúng kế hoạch, thỏa thuận RCEP có thể đươc ký kết vào cuối năm 2019, song lập trường của Ấn Độ đã giáng một đòn lớn vào hy vọng này, và sự kiện này bị hoãn lại đến năm 2020.
Đầu tháng 11/2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ rút khỏi cuộc đàm phán về RCEP. New Delhi cho rằng thỏa thuận này không giúp giải quyết các vấn đề của Ấn Độ, vì có bất đồng về thuế quan, hàng rào phi thuế quan cũng như mức thâm hụt thương mại với một số nước tham gia hiệp định này.
Ngoài ra, theo Thủ tướng Modi, RCEP có thể tác động tiêu cực tới nông dân nước này và không hỗ trợ tạo thêm việc làm trong ngành công nghiệp. Chính phủ cũng dự định xem xét lại các hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn được ký kết bởi các Nội các trước đó, vì các hiệp định FTA này làm gia tăng tình trạng mất cân bằng thương mại với các đối tác và gây hại cho ngành công nghiệp trong nước.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố rằng 15 quốc gia khác đã quyết định thúc đẩy thỏa thuận RCEP và New Delhi có thể gia nhập hiệp định khi nước này sẵn sàng. Theo hãng tin Reuters, 15 quốc gia tham gia RCEP (trừ Ấn Độ) chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và một tỷ lệ tương đương về dân số toàn cầu. Bởi vậy, RCEP sẽ lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như EU hay Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Tuy nhiên, mới đây, một yếu tố bất ổn phát sinh khi Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản tuyên bố, quốc gia này chưa sẵn sàng ký RCEP nếu vắng mặt Ấn Độ. Vì vậy, triển vọng ký kết thỏa thuận này đang trở nên mơ hồ hơn. Văn bản cuối cùng của thỏa thuận vẫn chưa được xác minh hợp pháp và chỉ sau đó sẽ được công bố.
Nhận định về những diễn biến này, Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nghi ngờ khả năng ký kết thỏa thuận RCEP trong tương lai gần.
Giáo sư Mazyrin cho rằng, hội nhập kinh tế khu vực trên quy mô lớn chắc chắn có triển vọng tốt hơn toàn cầu hóa. Việc xây dựng “ngôi nhà” chung châu Á tốt hơn so với việc “làm bạn” với mọi bên dưới sự bảo trợ của Mỹ.
Ngoài ra, các đòi hỏi của RCEP ít nghiêm ngặt hơn so với TPP hay Hiệp định EVFTA, bao gồm các yêu cầu rất nghiêm ngặt về luật lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ…
Cũng theo Giáo sư Mazyrin, thỏa thuận về các nguyên tắc chung trong hoạt động kinh tế, bao gồm việc loại bỏ tất cả các rào cản thương mại hàng hóa, dịch vụ, chuyển dịch vốn và lao động giữa 15 quốc gia, mà trong số đó có các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang đặt quá nhiều gánh nặng lên các nước thành viên. Theo Giáo sư Mazyrin, trong tương lai gần, thỏa thuận về RCEP có thể sẽ chưa được ký kết bởi tất cả các nước cũng như chưa thể có hiệu lực.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét