Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Cách đưa tin lạ lùng của truyền thông TQ hé lộ nghi ngại: Bắc Kinh đã đầu hàng trước Mỹ?


Cách đưa tin lạ lùng của truyền thông TQ hé lộ nghi ngại: Bắc Kinh đã đầu hàng trước Mỹ?
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có rất nhiều nhượng bộ của Bắc Kinh như Trung Quốc được cho là sẽ tăng nhập khẩu từ Mỹ thêm 200 tỷ USD trong 2 năm tới.
Cách đưa tin lạ lùng của truyền thông Trung Quốc
Khi Mỹ và Trung Quốc đạt được Thỏa thuận giai đoạn 1, cả chương trình tin tức "giờ vàng" vào thứ Bảy của Đài truyền hình trung ương nhà nước Trung Quốc lẫn số ra Chủ nhật của Nhân dân Nhật báo đều không có một dòng tin, mặc dù thông tin này được truyền thông quốc tế đưa tin rầm rộ.
Tuy nhiên, một cuộc tranh luận đang diễn ra giữa những người quan tâm đến chính trị, trí thức hay công dân bình thường. Phần lớn họ có các cuộc trao đổi trực tiếp, kể từ khi các bài viết trên mạng được giám sát chặt chẽ, với sự trợ giúp từ trí tuệ nhân tạo ngày nay.
"Có phải Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đầu hàng trước Tổng thống Mỹ Donald Trump?"
"Mỹ có thể đơn phương giám sát và đánh giá tiến độ của thỏa thuận. Ngoài ra, Trung Quốc dường như cũng phải có một số cam kết tăng nhập khẩu khoảng 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong vòng 2 năm tới".
"Sau khi tốn 6 tháng, đây là kết quả mà chúng ta có được?"
Đây là một số ý kiến và thắc mắc đang được bàn tán mà tờ Nikkei của Nhật đề cập.
Xem thỏa thuận thương mại này là sự mất mặt và không chắc chắn có thể hơi nghiệt ngã. Nhưng ông Tập và các đồng sự đã luôn luôn cho thấy rằng, Bắc Kinh sẽ ở thế trên cơ nếu tham gia cuộc chiến dài hơi.
Vì lý do này, sẽ là mạo hiểm cho lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố nội dung thỏa thuận với Washington.
Thỏa thuận thương mại đã được công bố đồng thời bởi Mỹ và Trung Quốc vào thứ Sáu, rất gần thời điểm mức thuế quan bổ sung của Mỹ đối với các sản phẩm Trung Quốc có hiệu lực vào Chủ nhật.
Tại Bắc Kinh, các thứ trưởng của các bộ, ngành chính phủ có liên quan đã tổ chức một cuộc họp báo tối thứ Sáu. Nhưng câu chuyện đã bị "bỏ sót" trên mục tin tức hàng ngày của Nhân dân nhật báo và CCTV, 2 cơ quan ngôn luận có thẩm quyền nhất của Trung Quốc, vào ngày hôm sau.
Không có bộ trưởng nào của bộ Thương mại hoặc Nông nghiệp cũng như từ Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia có mặt tại cuộc họp báo. Cả Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán chính của Trung Quốc.
Thay vào đó, thông báo được để lại cho các quan chức, mặc dù sự kiện này sẽ mang đến một cơ hội vàng cho các chính trị gia, những người có thể muốn thể hiện thành tích của họ.
Trung Quốc nhượng bộ quá nhiều với Mỹ?
Vào cuối tháng 4, Mỹ và Trung Quốc đã dự thảo một thỏa thuận thương mại dài 150 trang. Nhưng đến đầu tháng 5, Trung Quốc đột ngột cắt bỏ 30% văn bản.
Trung Quốc không muốn một hiệp ước bất bình đẳng. Nhưng do kết quả của việc từ chối thỏa thuận, Trump đã công bố vòng trừng phạt thuế thứ 3 và thứ 4 đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Theo Washington, thỏa thuận giai đoạn một đạt được bao gồm 7 lĩnh vực: bảo vệ sở hữu trí tuệ, chấm dứt chuyển giao công nghệ, mở rộng nhập khẩu thực phẩm và nông sản của Mỹ, giảm bớt sự can thiệp của chính phủ trong các dịch vụ tài chính, giải quyết các hành vi tiền tệ "không công bằng", mở rộng thương mại, và thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Thỏa thuận sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, đòi hỏi Quốc hội Trung Quốc, phải phê chuẩn.
Bằng cách cho phép Washington giám sát và đánh giá tiến bộ của Trung Quốc trong việc đáp ứng các quy định của thỏa thuận, cuối cùng, đây chính xác là loại "hiệp ước bất bình đẳng" mà Bắc Kinh muốn tránh vào tháng Tư.
Thỏa thuận này bao gồm các mục tiêu cụ thể như: Trung Quốc được cho là sẽ tăng nhập khẩu từ Mỹ thêm 200 tỷ USD trong 2 năm tới, với mục đích thu hẹp sự mất cân bằng thương mại song phương.
Thỏa thuận cũng kêu gọi nhập khẩu nông sản từ Mỹ sẽ được tăng từ 40 tỷ đến 50 tỷ USD mỗi năm. Tổng thống Trump rất tự hào về thành tích này.
Nhìn lại, Trung Quốc có lẽ đã có một thỏa thuận tốt hơn nếu họ đã thỏa hiệp vào tháng Tư, tờ Nikkei bình luận.
Mặc dù đó cũng là một thỏa thuận bất bình đẳng nhưng Trung Quốc có thể tránh được thuế quan bổ sung và có lẽ giữ cho tăng trưởng kinh tế giảm xuống 6% trong quý II, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1992.
Thay vào đó, Trung Quốc chuyển chiến lược và bắt đầu theo đuổi chính sách "tự lực" và "chiến tranh kéo dài".
Các quan chức Trung Quốc dường như đã quyết định vào thời điểm đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ giúp cân bằng lợi ích và giúp Bắc Kinh có thể dễ dàng đối phó với Trump bằng cách sử dụng con bài nhập khẩu nông sản.
Bắc Kinh biết rằng cuộc tranh cử của Trump có thể xoay quanh các cử tri ở các bang nông nghiệp truyền thống. Nhưng trái với mong đợi thời gian trôi qua lại có lợi cho Trump hơn. Kể từ tháng 4, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại.
"Tình hình thu thuế năm nay sẽ là một thách thức", một nguồn thạo tin liên quan đến các vấn đề kinh tế của Trung Quốc nói với Nikkei.
Sự nhượng bộ duy nhất từ Mỹ mà Trung Quốc có trong thỏa thuận giai đoạn 1 là hoãn các mức thuế còn lại trong vòng thứ 4 và giảm một nửa mức thuế bổ sung 15% đã được áp dụng vào tháng 9.
Hơn nữa, việc giảm một nửa thuế quan sẽ chỉ được thực hiện sau 30 ngày kể từ khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết chính thức, nghĩa là việc giảm thuế sẽ có hiệu lực vào tháng 2 và có quy mô nhỏ.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào các cuộc đàm phán giai đoạn 2 bắt đầu nhưng dự kiến sẽ là một cuộc đàm phán khó khăn khi Tổng thống Trump đưa yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ các khoản trợ cấp công nghiệp "không công bằng", kêu gọi Trung Quốc cải cách mạnh mẽ các công ty nhà nước và chuyển trọng tâm sang các công ty tư nhân.
Năm 2019 đã rất khó khăn và các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như sẽ có thời gian khó khăn phía trước.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: