Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

SỬ HỌC ĐƯƠNG ĐẠI VÀ NỖI DẰN VẶT NHÂN BẢN


Nguyễn Khắc Thái
Tôi định kéo dài sự im lặng trong tâm trạng buồn nản và trống vắng trước sự ra đi của GS Hà Văn Tấn, cột trụ cuối cùng trong “Tứ trụ” của nền sử học đương đại. Thế nhưng, không thể cứ ủ ê mãi, trong khi giới nghiên cứu KHXH trên toàn thế giới thì đang khơi dậy rất rất rất nhiều vấn đề về cách nhìn, góc nhìn lịch sử nước nhà khiến không chỉ thế hệ trẻ mà ngay cả những người từng đổ bê tông cốt thép cho niềm tin cũng thấy day dứt. Và tôi muốn nói, không phải về những sai lệch cần đính chính của lịch sử dân tộc mà muốn nói nguyên nhân của những sai lệch ấy, cái nguyên nhân làm cho diễn ngôn lịch sử không song hành với những gì hình thành trên não bộ.
Tôi nhớ năm 1980, tôi được phân công làm việc với 2 nhà sử học Pierre Brocheux và Daniel Hémery (là những GS đầu đàn, đào tạo cả một thế hệ nghiên cứu Việt học) đến từ Université Denis-Diderot (Paris VII), một trường đại học có ảnh hưởng rất lớn của Đảng Cộng sản Pháp. Hai GS này thuộc nhóm Jean Chesneaux chuyên sâu lịch sử cận đại châu Á. Tôi tặng họ bộ “Lịch sử Việt Nam” do UBKHXH VN chủ trì biên soạn, thời đó được coi là quốc sử. Họ cám ơn nhưng vì lý do hành lý nặng, không mang về Pháp được. Nhưng khi ngồi cà phê đàm đạo với nhau, họ nói thực là sợ mất tính khách quan trong nghiên cứu nếu tham khảo bộ sách Lịch sử được coi là chính thống này, nên từ chối.
Một năm sau đó, khi sang nghiên cứu sinh ở Nga, tôi mang cuốn sách này theo và khoe với 2 người đỡ đầu của tôi, trong đó có bà GS. VS. Viện Phương Đông thuộc Viện HLKH Liên xô và ông thầy hướng dẫn ở trường Minsk. Không ngờ cả 2 người đều có chung một nhận xét, cũng là một lời khuyên: “Hãy thoát ra khỏi những tư duy chủ quan của bộ sách này”. Tôi hỏi vì sao thì họ nói: “Hãy nhìn trang bìa và trang đầu cuốn sách, biết ngay cuốn sách viết vì mục đích gì, tính chủ quan và áp đặt nằm ngay ở cách trang trí và ấn tượng gieo vào ở đầu cuốn sách”.
Tôi lật sách và mở ngay ra xem trang đầu thì ngỡ ngàng nhận ra điều đó là đúng: Cuốn sách ghi trang đầu một dòng để từ khẳng định một ý thức hệ. Liền sau đó, bà viện sĩ (sau này là phản biện luận án của tôi) lấy trong cặp ra cuốn sách nhỏ, mỏng, bằng tiếng Pháp có tên là “Le Vietnam” – tác giả Nguyễn Khắc Viện ấn hành tại Pháp. Bà nói, đây mới là cuốn “Lịch sử Việt Nam” đúng nghĩa. Bà cho biết rất nhiều nước trên thế giới đã dịch cuốn “Le Vietnam” của Nguyễn Khắc Viện, còn cuốn “Lịch sử Việt Nam” của UBKHXH thì không.
Sau khi hoàn thành luận án, tôi mang nỗi dày vò sử học về nước với một câu hỏi: “Liệu mình có nghiên cứu sử học được không? Và nếu theo đuổi sự nghiệp sử học trong bối cảnh mặc định duy lý, mình có đánh mất bản thân không?
Và rồi, như nhà thơ nào đó viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”, tôi hiểu hai chữ “khách thơ” đây là giới trí thức. Mà không chỉ trí thức đâu, cơm áo không đùa với cả nhân loại, huống nữa là trí thức bạch diện kia.
Rồi tôi lấy các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội đặt một bên cán cân tồn tại, tỷ như văn học chẳng hạn, để an ủi. Hãy từ cái người viết ra câu thơ: “Thương cha, thương mẹ, thương chồng / Thương mình, thương một, thương ông thương mười” để suy xét thì thực ra trong thực tế ông ta chẳng thương đến đổi cả nhân bản như thế. Đó là cái thương cơm áo, nhưng ông ấy đã đổi nhân bản lấy cơm áo loại sang, bởi chẳng thể đem chủ thể nhân bản "cha", "mẹ", "chồng" cân đong với một khách thể chính trị. Nó chỉ là cách nói vì "cơm áo không đùa với khách thơ" thôi mà.
Và thế là tôi nhận ra, sử học đâu có khoảng trời riêng trong cái trò đùa trớ trêu của "cơm áo". Sử học, và cùng với sử học là triết học, văn học, văn hóa học, kinh tế - chính trị học, phân tâm học…đều được chọn lọc, chưng cất, phơi sấy, đóng hộp và nó chỉ có giá khi đã được dán nhãn mác mặc định cho một loại hàng hóa đồng nhất.
Rồi thì quen dần, thành ra bất luận cái gì, dù ghê gớm đến mấy nhưng quen rồi thì cũng bình thường. Viết ra, lúc đầu sợ trái với sự thật, trái với lương tri, trái với nhân bản…nhưng quen dần, không sợ nữa.
Và tôi đã viết những trang sử trong cái tâm thế đó mà không biết, hoặc biết mà không coi là quan trọng khi truyền bá tư duy chủ quan vào lịch sử. Cái thời của chúng tôi, có một nguyên tắc logic thế này: “Điều được coi là đúng phải là điều đã được ông A, B, C…nói là đúng” Và thế là thay vì nghiên cứu, phân tích, đánh giá để phát hiện các thuộc tính của sự kiện và nhân vật lịch sử, có một thời, người ta chỉ đi tìm sự mặc định từ câu nói của người có quyền lực để làm chỗ dựa cho cái chân lý kỳ quái kia. Cũng cái logic ấy, tôi nhớ một lần thi sĩ Xuân Diệu đến ĐHTH Hà Nội bình thơ của một thi sĩ quyền lực, ông lên bổng, xuống trầm: “Thơ ông hay, chỉ vì nó là thơ…của ông”.
Thực ra, thơ ấy chẳng hay chút nào nhưng vì nó là thơ của ông ấy nên nó...phải "hay". Quả đúng vậy. Có một thời, cái đúng và cái hay trong phạm trù mỹ học lại thuộc về quyền lực.
Và chính điều đó đã tiếp cho tôi sự liều lĩnh đến không biết xấu hổ để nói tiếng nói người khác. Và, một nền sử học đương đại đã tuôn chảy duy nhất trên một dòng sông định hình.
Trong khoảng hơn 4 thập kỷ gần đây, dù tôi kiên quyết không nhận viết bất cuốn “Lịch sử phong trào” nào (thú thật, biên tập thì có), nhưng dù không viết, tôi vẫn bị ngộp thở trong cái khối đồ sộ của các bộ lịch sử xã, lịch sử huyện, lịch sử ngành, lịch sử ban bệ. Hôm rồi, có ai đó đưa lên mạng hình ảnh gần chục cuốn có cái bìa ghi là “Lịch sử” nhưng là của từng ban trong một cơ quan chính trị ở một huyện miền núi. Và thế là lịch sử đã đóng vai trò là những kinh kệ để mặc định nhận thức của con người theo một hướng.
Bản thân tôi được định hình bởi một định hướng “Thế giới quan” và “Nhân sinh quan” và tôi nghiện nó hết cả thời trai trẻ, không một thuốc nào giải nghiện nổi. Và khi bước sang cái tuổi O-70, U-80, tôi mới thay được cái từ “quan” theo nghĩa mặc định "quan điểm", thành chữ “quan” trong cách hiểu “chiêm quan thế giới”, "chiêm nghiệm nhân sinh". Mà đã là chiêm quan thì phải có điểm lùi, phải đứng xa chủ thể để nhìn vào chủ thể mà phán xét lịch sử, chứ tự đặt mình vào chủ thể thì phán xét làm sao khách quan cho đặng.
Tôi có bà bạn, cũng là một nhà khoa học, thường khẳng định với tôi (và cũng là một lời khuyên) rằng “Không nên và không bao giờ sống bằng cảm xúc của người khác”. Chuẩn.
Thế nhưng ai cũng biết, cả một thời đại đang khuôn mình vào duy nhất một cảm xúc. Và, có một thời, chúng ta từng làm mọi cách để, nếu cười thì cả dân tộc bỗng nhiên cùng há miệng và nếu khóc, bỗng nhiên cả dân tộc đều...căn môi. Người viết sử đứng trong cái cảm xúc đó để diễn ngôn. Buồn thôi rồi.
Và tôi bắt đầu ghét sử học, ghét cái cảm xúc giả tạo của chính mình khi trình bày lịch sử trong cái khuôn nhãn mác.
Nhưng tôi không thể làm gì khác, bởi ngay cả thầy tôi, GS Hà Văn Tấn là người sáng lập ra chuyên ngành Phương pháp luận sử học đã gần 40 năm tuổi nhưng GS cũng bất lực nhìn những bộ sử lần lượt ra đời trong suốt 40 năm qua (cả trước đó nữa, tất nhiên rồi) không theo một lý thuyết phương pháp luận nào cả. Tất cả đều theo cáí logic tư duy mà nhà thơ Việt Phương đã viết từ cuối năm 60 của thế kỷ trước:
“Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao…” ("Cửa mở" xuất bản 1969, đã tài bản) Lịch sử, lẽ ra nó phải được đặt trong cái vị thế vô ngã để được phán xét thì nó lại được phun lên lớp sơn 2 màu "địch", "ta"; không ai dám gọi đúng thực thể chính trị của nó.
Và, khi diễn ngôn lịch sử trong đại từ "chúng ta" và "kẻ địch", đồng nghĩa với sự phán xét của chủ thể đối với khách thể lịch sử. Chủ thể bao gồm cả hiện thực của "chúng ta" và nhà sử học.
Từ đó, nỗi buồn sử học trong ngày cuối tuần lại dẫn tôi tới cái sự kiện A. de Rhodes.
Tôi không đồng tình với quan điểm chỉ trích và đồng nhất “địch” với những giá trị văn hóa của người đồng sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Nhưng tôi không hề trách cứ những ai đã đề xuất chống lại A. de Rhodes không phải vì tôi là đồng nghiệp lịch sử mà là vì tôi cũng từng khoác chiếc áo nhuốm màu mặc định lịch sử mà một thời không dám cởi bỏ nó, thích nữa là đằng khác. Một lần nghe GS Nguyễn Khắc Viện nói chuyện, đã cho tôi một định đề rằng: “Tâm lý luôn có sức ỳ, trong khi tư duy (khoa học) thì luôn vận động. Muốn sáng tạo khoa học thì trước hết không phải là vấn đề tư duy mà là thoát khỏi sức ỳ của tâm lý”. Vì thế, tôi bày tỏ sự thông cảm với những người đồng nghiệp khi họ chưa thể vượt qua sức ỳ tâm lý và hạn hẹp góc nhìn. Có đáng trách chăng nữa là trách cái nguyên nhân sâu xa đẩy vào cái tâm lý mặc định kia. Tôi chỉ có hơi ngạc nhiên và có chút buồn cười bởi cái điều trái khoáy đến ngỡ ngàng khi mọi diễn ngôn lịch sử vẫn cứ phải diễn ra trong khuôn khổ của những điều mình không mong muốn. Đó âu cũng là bi kịch lịch sử, khi mà người viết sử phủ nhận chính lịch sử do mình sáng tạo ra.
Khoa học lịch sử đang bị chỉ trích, bộ môn lịch sử đang bị chán học. Nhưng xin hãy đừng nghĩ rằng chỉ có sử học đương đại mới trở nên khốn nạn đến vậy. Chúng ta hãy nheo mắt lại để đủ sự tĩnh tâm mà nhìn vào tất cả các lĩnh vực khoa học, từ tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn, từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng, từ lý thuyết đến kỹ nghệ thực hành, từ văn hóa đến nghệ thuật, từ dòng bác học đến dòng dân gian của các loại hình văn hóa, từ tư duy duy lý đến duy cảm, có ai , có lĩnh vực nào nằm ngoài cái mặc định diễn ngôn hay không? Có cả đấy, tệ hại cả đấy. Nó chỉ khác nhau ở chỗ, xã hội như cái đồng hồ hoen rỉ, nhích ì ạch trong cái vòng tròn lặp lại có 12 con số mà khi đến chữ số tận cùng 12, anh không có cách nào khác ngoài việc phải quay lại số 1. Mà, với các lĩnh vực khác, sự hoen ố còn trầm trọng hơn cả sử học, nhưng vì nó như những bộ phận cấu kiện nằm sâu trong vỏ đồng hồ, không hoặc chưa bị phơi bày. Còn sử học, nó như 3 chiếc kim phơi thây giữa thanh thiên bạch nhật và lại còn nhảy tí tách giữa mặt xã hội nên mọi thứ tệ hại cứ thế chọc vào mắt thiên hạ.
Không có điều gì chỉ vui mà không có buồn. Cũng không có nỗi buồn nào mà đến tận cùng không hé lên những niềm vui nho nhỏ.
Tôi đã vui hơn khi, trong những ngày gần đây được đọc nhiều bài chỉ trích sử học đương đại. Nó tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh, trước hết là để vượt qua sức ỳ tâm lý, sau đó là sống và viết “bằng cảm xúc của chính mình, không bằng cảm xúc của người khác”.
Bài đã đăng trên Văn hoá Nghệ An.
Ảnh: Internet.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: