Nguyễn Hương Giang
“Chân nhân” xưa là những vị đạo sĩ cao tay, có thể hàng long phục hổ, cầu đảo trừ tà, biến hình độn thổ... “Chân nhân” thời nay của nhà văn Trần Thanh Cảnh thì sao? Đó là thày Bút (không phải “thầy Bút”) – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết – một gã thầy cúng. Lấy việc lừa gạt bằng tâm linh để oai hùng quyền thế cùng đời sống tình - tiền đảo điên, ông thày Bút đã cuốn được vào cái “guồng” của mình quan chức cao cấp, thương gia hàng đầu nước Việt và bao người u mê, lầm tin thế giới quỷ ma. Từ đó, những “thâm cung bí sử”, bộ mặt thật của xã hội hiện đại được phơi bày trên rất nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng, đạo đức...
Cuộc đời gã thày Bút như có “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Đầu tiên, hắn lao vào cuộc tình thân xác nhục dục với mẹ của người yêu, bị người yêu bắt quả tang “tại trận”. Đau đớn mất tình yêu thánh thiện, đẹp đẽ với người con gái lai Tây, đẹp như mơ cùng lớp, hắn đi tìm nàng. Bị người yêu căm hờn khinh bỉ, từ chối thẳng thừng, không thể nối lại mối tình, hắn thất thểu lên tàu trở ra Bắc. Trên tàu, hắn gặp vợ chồng tay săn tìm trầm. Thế là hắn sống kiếp giang hồ, đưa chân lên rừng. Tay đồng hành ngã xuống vực sâu, hắn xuống, không cứu được người, nhưng chân lại vấp luôn vào khối trầm quý – thứ hắn đang lặn lội nhọc nhằn tìm kiếm. Nhờ bài học kinh nghiệm mà kẻ đi trước truyền cho, hắn biết cách giữ trầm, cách bán trầm. Hắn có tiền. Hắn cưu mang vợ kẻ xấu xố, đưa cô về quê. Ông bố hắn phong kiến, không chấp nhận, hắn lại được nhân tình xưa (mẹ của người yêu) cưu mang, giúp làm lành với bố, được bố chấp nhận. Rồi bố mẹ cùng mất trong một tháng – họa trùng tang, hắn lại có “dịp” để nối nghiệp thày bói của cụ kị tổ tông, ông cha. Thế là đời xuống chó lên voi của hắn, cứ gọi là trong cái rủi lại có cái may, liên tiếp, đầy những ngẫu nhiên, bất ngờ, vượt ra ngoài mọi suy tính dự đoán của cả nhân vật và độc giả.
Phải nói rằng, gã thày Bút có được cái “số đỏ” của những Trạng Lợn dân gian, Xuân tóc đỏ (Vũ Trọng Phụng)... Tuy nhiên, những Trạng Lợn, những Xuân tóc đỏ vốn đều là những kẻ vô học bỗng chốc “một bước lên tiên” nhờ những cái may mắn đến ngẫu nhiên, bất ngờ như từ trời rơi xuống. Còn với thày cúng Bút, cái đỏ của gã có sự tổng hợp đủ các yếu tố: bản thân, gia đình - dòng họ, thời đại. Về bản thân: gã có học. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn so với trạng Lợn và Xuân Tóc đỏ. Yếu tố có học khiến gã có khả năng gian trí. Hắn lại có sự từng trải đủ cay đắng, chìm nổi; cái đen - đỏ ở đời đến cắc cớ. Điều này khiến gã có “máu lạnh” giang hồ, dám buôn bán cả vua chúa lẫn thánh thần. Về gia đình - dòng họ: ông và cha hắn vốn là những thầy cúng có tiếng, để lại cả sách cúng. Sẵn có gen “thầy cúng” gia truyền, bập vào nghề, nghiệp của thày Bút phất lên như diều gặp gió. Từ đây, dường như đời hắn chỉ có đỏ. Vì nghề của hắn gặp đúng thời – thời phi dân chủ, tham nhũng lộng hành, dân sau chiến tranh tàn khốc đã bị kiệt quệ về thể xác, kinh tế...; lại bị sốc vì đổ vỡ lí tưởng, mồ côi đức tin... Đó là cái thời lí tưởng để hắn buôn thần bán thánh. Sẵn có trí gian, hắn lợi dụng được cường quyền đưa vào thần quyền. Hắn dùng tiền mua chuộc quan chức. Hắn kết hợp “buôn quan” với buôn thần bán thánh. Vậy nên, hắn ra “lệnh ma” nào chắc “lệnh ma” ấy. Dân buôn lậu thắng – thắng nhờ hắn. Họ tin hắn sái cổ. Về sau, chính các quan chức lớn nhỏ khác, cũng tin thờ hắn, xin hắn đặt bát hương, xem cát phong thủy, lập đàn cầu cúng... Thật khôi hài. Tiền vào phủ thờ của hắn như nước. Với cái “mật thất”, hắn được thỏa mãn hành lạc. Rồi cứ thế, hắn bịp bợm đến cả giới chóp bu của xã hội. Hắn vào được cả chốn riêng tư, thậm chí cả hầm trú ẩn, đường thoát thân bí mật của lớp này. Hắn được thưởng thức đủ loại cao lâu mĩ vị, rượu Tây rượu Tàu; lại biết tường tận những mánh lới cướp đất, đặt BOT... cùng những đấu đá thanh trừng chính trị... Gì hắn cũng biết, thêm nữa, gì hắn cũng có: tiền, gái và đặc biệt là quyền – thứ quyền tâm linh vạn năng – đến dân anh chị, bá vương cường quyền của xã hội cũng khiếp! Hắn được trọng vọng – đúng như lời bố hắn đã bảo (trang 51). Đời hắn xem ra hơn vua. Điều đó, Trạng Lợn, Xuân tóc đỏ còn thua xa vời vợi, sao có được vinh hoa tột bậc như hắn? Vả lại, Trạng Lợn xưa làm vinh danh cho nước. Xuân Tóc đỏ chỉ nổi danh ở chốn thị thành, xét cho cùng chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhốn nháo thời lai căng Tây - Ta. Còn thày Bút, ghê gớm, khủng khiếp. Thày là một nhân tố quan trọng làm thời cuộc đảo điên, bi kịch.
Duy chỉ có mình hắn biết hắn giả dối, gian tà. Nhưng cái máu giang hồ đã ngấm vào máu, vào xương tủy hắn, càng ngày hắn càng say buôn thần bán thánh, thác loạn, mật thất của hắn về sau còn có cả nam nhân, sinh hoạt đồng tính... Nhưng thiên hạ vẫn cứ một kính thày Bút hai sợ thày Bút. Bi hài là ở đó, “tấn trò đời” của thời cuộc là ở đó.
Tuy vậy, trong sâu thẳm tâm hồn thày Bút vẫn neo đậu một khoảng trời trong xanh: đó là mối tình đầu với Chi Mai – cô nữ sinh trung học, mối tình thời niên thiếu. Đặc biệt, hình ảnh thân thể rượi mát, thánh thiện, tuyệt diệu của Chi Mai mà hắn ngắm trộm được khi xưa đã mắc vào tim óc hắn, khiến hắn “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” lại nhớ về và thèm khát, mà giày vò lương tâm. Sâu trong linh hồn ma quỷ của hắn vẫn âm ỉ cháy một khát vọng lương thiện, được sống đích thực cả xác lẫn hồn với cái đẹp. Cũng chính những kỉ niệm trong veo với nàng Chi Mai đã khiến thày Bút rơi vào vở kịch căng thẳng trong đời sống nội tâm. Thỏa mãn, no nê bừa phứa rượu thịt, đàn bà, kẻ đưa người rước... nhưng thày Bút vẫn thấy mình thiếu thốn. Đau đớn thay, phần thiếu thốn ấy khiến thày nhận ra mình không còn là người, mình cũng thành một thứ ma.
Phải nói rằng, nhân vật thày Bút, Trần Thanh Cảnh đã rất thành công. Nhân vật là một tổ hợp đa dạng, phong phú, phức tạp, chồng chéo. Thày Bút – kẻ ở đỉnh cao vinh hoa cũng day dứt thèm khát làm người lương thiện y như Chí Phèo – con quỷ làng Vũ Đại. Thày Bút thành một dạng “con quỷ” khác – con quỷ làng Cùng – muốn làm người lương thiện. Rồi, thày Bút cũng trở nên bi kịch, không thể quay về làm người lương thiện, thầy đã vĩnh viễn mất Chi Mai... Thầy Bút bỏ đi đâu không ai biết. Thày giao lại phủ thờ của mình cho đệ tử. Hiểu rõ “chân nhân” – bậc thầy của mình, đệ tử Khang đã hóa vàng cả phủ thờ lẫn kiếp đời mình. Tiểu thuyết khép lại ở cảnh phủ thờ tan tành trong khói lửa như gửi đến một kết luận: vinh hoa phú quý, buôn thánh bán thần, buôn vua bán chúa... rồi cũng hóa thành tro, tất cả đều là phù vân, bạc bẽo!
Ngoài việc tạo nên sự hấp dẫn cho tiểu thuyết từ hành trình cuộc đời thày Bút, Trần Thanh Cảnh còn áp dụng các kĩ thật xáo trộn, lồng ghép, đưa vào tiểu thuyết những cảnh sex, những ngôn ngữ đời thường... Lối văn sex ở tác phẩm này đã cao tay hơn các tác phẩm trước của tác giả. Nó “thật” hơn và trở thành gia vị, chứ không còn lấn át nội dung đích thực của tác phẩm nữa.Tuy vậy, người đọc vẫn muốn “góp ý” một đôi điều. Thứ nhất, ngay đầu tác phẩm tác giả đã để cảnh bà Hạnh Thục giúi cả đầu lẫn sách của thày Bút vào cửa mình của bà là chưa thật cao tay ấn. Chi tiết này “rằng hay thì thật là hay” nhưng nó khiến cho cái tứ bi hài trong trường thiên hý kịch của tác phẩm ngay mở màn đã bị lộ. Người đọc đã đoán đến chín phần mười rằng, sự giải thiêng sẽ là chủ đề chính của tác phẩm. Thứ hai, người kể chuyện còn nhảy ra thuyết minh khá nhiều; cần để ý tứ, tư tưởng của nhà văn được thể hiện chính từ hình tượng nhân vật với những tình huống, lời nói, hành động, nghĩ suy... Như thế hẳn sẽ có chiều sâu và sức sống hơn?
Dù vẫn có những băn khoăn, nhưng phải nói rằng Chân nhân là tác phẩm thành công, khái quát được những phương diện ghê tởm, nhức nhối về cường quyền, thần quyền. Trong không khí rừng rực “củi lò”, rồi những điện phủ mọc lên nhan nhản; những chùa chiền thương mại ô uế; những cảnh dâng sao giải hạn, cúng bái u mê... hiện nay, Chân nhân thực là một tác phẩm “hot”, giàu tính thời sự. Tác phẩm là sự phát triển, đưa đến một kiểu trạng Lợn, Xuân tóc Đỏ của thời đại mới, đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc...
Cũng cần dành thêm lời khen cho bìa cuốn sách điện tử. Nhấn chuột mở file, người đọc lập tức gai gợn. Nhan đề cuốn tiểu thuyết hiện trên nền đen với hai điểm nhấn màu đỏ: chữ N và đôi mắt. Màu sắc đối chọi như thế đã gợi mở được tính chất ĐỎ và ĐEN trong tác phẩm. Nổi bật giữa tranh bìa – hình chính – là cái mặt lai (mặt ma) – gần như mặt nạ – làng hàng mã Đông Hồ bồi từ giấy bản và vẽ màu lên, gắn vào các hình nhân đốt cúng cho hồn ma dưới âm phủ! Phía sau, lại còn có thêm một hình vẽ có tính biểu tượng, trông mặt vừa giống mặt người lại vừa như mặt ma, có đôi mắt không rõ mắt ngọc (hay mắt máu?). Ảnh bìa thâu tóm được nội dung ghê gớm, kinh dị về tấn trò đời thời nay và giới thiệu được đặc điểm nhân vật chính: chân nhân – thày bói giỏi bịp bợm. Đó là một nhân vật đặc trưng cho cái hoàn cảnh lịch sử - xã hội đã sản sinh ra và nuôi dưỡng nó. Giữa tranh bìa với câu chữ bên trong cuốn tiểu thuyết có sự đồng thanh tương ứng với nhau, khiến người đọc trông bìa mà “bắt hình dong” được tác phẩm.
Nói chung, Chân nhân là một tác phẩm hay, hấp dẫn từ trang bìa đến nhân vật, tư tưởng và bút pháp nghệ thuật.
*****************
LỜI TỰ BẠCH CỦA TÁC GIẢ TRẦN THANH CẢNH
Tôi viết cuốn sách này với tâm thế của một nhà văn đầy bức xúc trước cái hiện thực nhố nhăng đang diễn ra trong xã hội. Những cảnh đời oan trái của dân oan mất đất, của nông dân bị đẩy vào bước đường cùng, của công nhân, dân nghèo thành thị bị bần cùng hóa tột độ. Đối diện với số đông ấy là sự ăn chơi phè phỡn của cả một tầng lớp quan lại tha hóa biến chất mà cái thể chế sai lầm này đã tạo ra…
Nhà văn mà không viết về cuộc sống của dân mình, về những điều đang hàng ngày hàng giờ nhức nhối, như chọc vào mắt những người có lương tri thì còn viết cái gì nữa?
Vì vậy tôi phải viết CHÂN NHÂN!
Thế nhưng tôi vốn viết văn không phải vì tiền, không phải kiếm danh. Tôi muốn sách mình viết ra đến tay được đông đảo đồng bào mình, được nhiều người đọc, ngõ hầu có thể mở mang chút gì đó cho những ai còn u mê lú lẫn…
Nên tôi quyết định dùng phong cách giễu nhại là chủ đạo bên cạnh hiện thực trần trụi. Giễu nhại như một cách nhẹ hóa bớt các vấn đề đi để bạn đọc có thể dễ tiếp nhận những thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến họ. Và chính vì muốn cuốn sách của mình có thể in được trong nước, có thể đến tay bạn đọc nhiều hơn nên tôi sử dụng phép ẩn dụ vừa đủ cho các hình tượng nhân vật của mình. Không quá lộ liễu. Nhưng cũng không quá mờ mịt đến nỗi người ta chẳng nhận ra hiện thực của nước Việt giờ đây. Còn những câu chuyện tình trong đó như là một cách giải trí cho bạn đọc và nó cũng là một góc cạnh của nhân vật như cuộc đời vốn thế… Thế nhưng thật tiếc, đã không có nhà xuất bản nào đủ dũng cảm để đỡ đầu cho cuốn sách của tôi ra đời.
Nhưng thật là may mắn, Văn Việt đã đăng tải trọn vẹn cuốn tiểu thuyết này. Một người bạn thân thiết của Danh Nhân Thư Quán đã làm bản in giấy với số lượng hạn chế để tặng bạn bè chí tình và những bạn đọc đặc biệt.
Như thế với tôi đã là rất hạnh phúc.
Và tôi sẽ lại cầm bút viết tiếp, CHÂN NHÂN tập 2, như cuộc đời ngồn ngộn chất liệu tiểu thuyết đang diễn ra trước mắt chúng ta.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét