Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Đêm Qua Bắc Vàm Cống..

Đêm Qua Bắc Vàm Cống, một bài thơ ngắn, ra đời cách đây lâu lắm, hơn 60 mươi năm khi tác giả của nó, Tô Thùy Yên, chưa tới tuổi hai mươi. Thỉnh thoảng tôi đọc lại bài thơ ngắn đó, và lại nhớ mấy lần qua cái bắc ấy, trước 1975, trên đường đi về Lục Tỉnh, qua Sa Đéc, Long Xuyên. Lần nào cũng thế, qua đó, cái buồn bỗng dưng ập tới. Tại sao? Tại vì bến bắc hồi đó còn quạnh quẽ lắm, nước sông Cửu Long chảy miên man, lục bình trôi hàng nối hàng như không bao giờ dứt? Thì Tô Thuỳ Yên cùng với bài thơ đó hiện về. Thế là cũng tại vì bài thơ có sức ám ảnh lớn. Đọc lại nó, nghe lại nó, như nghe lời nguyền của định mệnh.
Nhiều người đã viết về Tô Thùy Yên từ nhiều năm nay. Nhà thơ vừa qua đời, những bài nhận định càng mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đều là những lời ca ngợi, thán phục. Chẳng hạn Thơ Tô Thuỳ Yên là những băn khoăn siêu hình, là triết lý, chênh vênh giữa siêu thực và hiện thực, là đau đớn vì sự nhỏ nhoi của kiếp người, đem ý thức về bản ngã, về nỗi hoang tưởng của con người vào thi ca; là nhân chứng sống động qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử; là tài hoa, uyên bác, sâu lắng; là thấm đẫm tình quê hương, tình người ... Đã thế, còn thay đổi cái ngôn ngữ thi ca quen thuộc lâu đời của Đông Phương; tinh vi, cô đọng, trau chuốt; chữ nghĩa cổ điển hoà lẫn với hiện đại, cách diễn tả dân gian, sử dụng ca dao, tục ngữ, hoà lẫn với văn chương bác học; và còn có khả năng sáng tạo ra từ ngữ mới ...
Tô Thuỳ Yên, một nhà thơ lớn vừa giã từ cõi đời này, rất xứng đáng với tất cả những nhận xét ấy.
Một trong những bài thơ dài hơi, rất nổi tiếng của Tô Thuỳ Yên, đã được đón nhận với lòng quý mến, trân trọng, và ngưỡng mộ, đó là bàiTa Về. Hầu như tất cả những lời nhận định, ca ngợi vừa nêu trên đều có thể trao lại cho bài thơ này. Nhưng nó như viên ngọc quý có nhiều mặt chạm trổ, ánh sáng tỏa long lanh, đa dạng, huyền bí. Cho nên, mỗi lần đọc lại bài thơ, là mỗi lần ta có thể khám phá vài ba tia sáng lạ.
Ta về? Từ đâu về, và về đâu?
Từ đâu về?
Từ địa ngục của trần gian:
Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ
Ta về một mình, không người đưa kẻ đón:
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Về nhìn lại cảnh cũ thê lương, tàn tạ:
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
Về đâu?
Về quê nhà nhé. Ước mong quê cũ bừng bừng sống dậy, cho lòng ấm áp. Sẽ quên hết mọi đắng cay, hận thù. Hay nói một cách cảm khái hơn, sẽ rưới chút rượu giải oan cho cuộc bể dâu:
Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng
 
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này
Nhưng cuộc đời đang bày ra trước mắt khác xa mộng tưởng. Người xưa, cảnh cũ nay đã đổi thay, khiến “tứ thơ xiêu tán”:
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái vách
Nhện giăng khói ám mối xông rền
 
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ thềm um cỏ
Khách cũ không còn khách mới thưa
Ngày về của người đi xa xứ lâu ngày thường gặp những cảnh huống như thế. Đông Tây Kim Cổ đều vậy. Ngày về của người đi tù mười năm lại càng bẽ bàng hơn. Một chữ rất hàm súc trong tiếng Anh, Homecoming. Trên đường về quê cũ, nuôi nấng biết bao giấc mơ, lòng dậy lên biết bao kỷ niệm, nhớ nhung, và hy vọng. Về đến nơi, thì thực tế không phải như ước muốn. Ulysses, trong truyện thơ của Homer viết cách đây gần ba nghìn năm, sau trận chiến kéo dài 10 năm mới hạ được thành Troy, và thêm 10 năm phiêu bạt nữa, mới trở về được Ithaca quê hương yêu dấu. Rồi cũng phải ra đi.
Làm thế nào mà người Hy Lạp, vốn biết rằng con người không bao giờ có thể hai lần tắm trong cùng một dòng nước, lại tin tưởng vào ngày trở về? Ulysses không trở về quê nhà để sống tại đó, mà để lại cất bước ra đi. (How could the Greeks, who knew that one never enters the same river twice, believe in homecoming? Odysseus does not return home to stay, but to set off again.) Bernhard Schlink, The Reader (1997)
Huống chi là nhà thơ của chúng ta. Số phận của Tô Thuỳ Yên bi thảm hơn Ulysses nhiều. Lại phải ra đi thôi, một chuyến đi dài để kết liễu cuộc đời nơi đất khách quê người, như đã được dự báo trong bốn câu cuối cùng của Ta Về:
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
Ta Về được viết vào năm 1985. Tô Thuỳ Yên lưu vong sang Mỹ từ năm 1993, sống thêm 26 năm, và vừa mới qua đời.
Nhưng trước khi bài thơ Ta Về ra đời rất lâu, lâu lắm, trên 30 năm, bài thơ Đêm Qua Bắc Vàm Cống đã xuất hiện lúc tác giả chưa đến tuổi hai mươi. Bài thơ ngắn ngủi này, lạ thay, gióng lên như tiếng chuông báo động, như một lời nguyền bi thảm của định mệnh. Nó đeo đẳng nhà thơ suốt đời như vòng kim cô. Nó là nỗi buồn lớn, hiu quạnh lớn (chữ của nhà thơ). Không phải là cái buồn mơ màng, xa vắng như trong thơ Thế Lữ:
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng bay xa
hay êm êm, vô cớ như trong thơ Xuân Diệu:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
hay hiu hắt, điệp điệp như trong thơ Huy Cận:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
hay nổi sóng dù cuộc tiễn đưa không xảy ra bên sông như trong thơ Thâm Tâm:
Đưa người ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Đấy chỉ là vài ba dẫn chứng tiêu biểu. Thật ra, ngoại trừ trường hợp Hàn Mặc Tử cùng nỗi sầu đau rướm máu có tính cách cá nhân vì bệnh nan y, cái buồn trong tất cả thơ tiền chiến đều na ná như nhau, lãng mạn, mơ màng, ngẩn ngơ, hiu hắt, ray rức, ủ rũ. Tô Thuỳ Yên khác hẳn. Trong Đêm Qua Bắc Vàm Cống, cũng như trong hầu hết thơ Tô Thùy Yên, nỗi buồn quấy động, cuốn hút, tuôn tràn, mênh mang. Nó xoáy vào chiều sâu của tâm thức. Nó chạm vào thân phận con người nhỏ nhoi trước không gian vô cùng, thời gian vô tận. Nó là những tra vấn chưa có lời đáp. Nó báo động bão tố, không phải chỉ với chính nhà thơ, mà cho cả quê hương đất nước. Tất cả đều bị cuốn phăng, chìm nổi, bềnh bồng, miên man:
Đêm qua bắc Vàm Cống
Mối sầu như nước sông
Chảy hoài mà chẳng cạn
Cuốn phăng kiếp bềnh bồng
 
...
Tôi châm điếu thuốc nữa
Đốt tàn thêm tháng năm
Chiếc bắc xa dần bến
Đời xa dần tuổi xanh
 
Nước tách nguồn về biển
Sầu lại chảy vào hồn
Khi tôi vuốt lấy mặt
Nghe bàn tay trống trơn
Ta còn thấy gì khác nữa trong bài thơ ngắn ngủi ấy? Vâng, vẫn còn đấy chứ. Sự chia cách, phân ly được mô tả rất sinh động và đầy ấn tượng trong đó cả không gian lẫn thời gian đều khẩn thiết hiện diện và đóng vai trò chủ chốt.
Võ Phiến đã có những nhận xét chí lý về Tô Thuỳ Yên:
Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ ... Thời gian xoá hết. Cái chân dung nghìn mặt của Thời Gian có những nét đáng hãi:
 
Trời cao mỏi mắt chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai réo ấu danh anh ...
 
(Thơ Miền Nam, Tập một, Văn Nghệ, 1991)
Trong Đêm Qua Bắc Vàm Cống, hình ảnh chiếc bắc xa dần bến (bến đậu, bến cũ, hay nói rộng ra, quê cũ), là sự chia cách trong không gian, đồng thời bao hàm luôn cả ý niệm biệt ly về thời gian trong mấy câu sau đó, đời xa dần tuổi xanh.
Ở đoạn cuối, nhà thơ đẩy mạnh cảm thức ấy đi xa hơn. Bến bắc, bến đậu đã hoá thân thành nguồn cội, quê hương, đất nước; chiếc bắc biến thành con nước bị tách khỏi nguồn, trôi giạt. Tất nhiên trôi giạt đi tới nơi nào chỉ có trời biết trước khi nhập vào quê hương chung, vào đại dương, vào cõi vĩnh hằng:
Nước tách nguồn về biển
Sầu lại chảy vào hồn
Cuối cùng là gì? Là vuốt lấy mặt, hay vuốt mắt, với hai bàn tay trống trơn:
Khi tôi vuốt lấy mặt
Nghe bàn tay trống trơn
Đôi Bạn của Nhất Linh khởi đi bằng một câu ngắn: “Trời muốn trở rét...” Bốn chữ đó vang vang như một điệu thu ca, một khúc nhạc dạo đầu buồn buồn, lan toả ra suốt chiều dài của cuốn truyện gần 200 trang, để kết thúc cũng bằng một câu mênh mang nỗi nhớ: “Trước mặt hai người, về phía bên kia cánh đồng, ánh đèn nhà ai mới thắp, yếu ớt trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần...”
Những bài thơ về sau của Tô Thuỳ Yên, cũng thế, không ít thì nhiều mang dáng dấp khó phai mờ của một trong những bài thơ đầu đời,Đêm Qua Bắc Vàm Cống. Nói cách khác, Đêm Qua Bắc Vàm Cống là khúc nhạc dạo đầu cho bản trường ca thiên thu của Tô Thuỳ Yên.

5/2019


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: