Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Toàn cảnh làn sóng vỡ nợ đang dâng cao ở Trung Quốc: Núi nợ năm sau cao hơn năm trước, bao phủ nhiều lĩnh vực, không còn tình trạng trông chờ chính phủ giải cứu


Toàn cảnh làn sóng vỡ nợ đang dâng cao ở Trung Quốc: Núi nợ năm sau cao hơn năm trước, bao phủ nhiều lĩnh vực, không còn tình trạng trông chờ chính phủ giải cứu
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế phũ phàng sau nhiều năm đi vay vô tội vạ.
Bắt đầu được triển khai từ năm 2016, chiến dịch giảm nợ, giảm đòn bẩy tài chính của Chủ tịch Tập Cận Bình với mục tiêu giảm thiểu rủi ro trên thị trường tài chính đã dẫn đến những biện pháp trừng trị thẳng tay các hoạt động cho vay ngoài vòng kiểm soát của pháp luật (hay còn gọi là ngân hàng trong bóng tối) cùng với các quy định chặt chẽ hơn đối với mảng quản lý tài sản. Tuy nhiên điều này kéo theo hệ lụy là các doanh nghiệp càng khó huy động vốn hơn, dẫn đến vỡ nợ trái phiếu cao kỷ lục trong năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, chính phủ nước này đã có những động thái làm dịu bớt tình trạng khan hiếm thanh khoản, giúp tình hình cải thiện trong chốc lát. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12, số vụ vỡ nợ đã thiết lập kỷ lục mới do nền kinh tế lớn thứ hai gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng chậm lại đáng kể. Thậm chí trái với điều đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư từ lâu nay, kể cả các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ không được chính phủ giải cứu và rơi vào cảnh vỡ nợ.
Vấn đề nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc lớn đến đâu?
Rất lớn và có nguy cơ sẽ tồi tệ hơn. Tổng cộng kể từ đầu năm đến ngày 9/12 vừa qua đã có 148 vụ vỡ nợ trái phiếu nội địa, vượt qua con số kỷ lục 120 của năm 2018. Tổng giá trị các khoản nợ không được hoàn trả đúng hạn là 126 tỷ nhân dân tệ (tương đương 17,9 tỷ USD), trong khi năm 2018 là 122 tỷ nhân dân tệ - cũng là con số kỷ lục và cao hơn gấp 4 so với năm 2017.
Trong đó nợ của khu vực tư nhân chiếm hơn 80% số vụ vỡ nợ của năm nay. Moody’s dự báo trong năm 2020 sẽ thêm 40 – 50 công ty vỡ nợ lần đầu, so với con số 25 kể từ đầu năm đến nay.
Tại sao lại như vậy?
Nguyên nhân chủ yếu là do khan hiếm thanh khoản. Ở Trung Quốc các nhà đầu tư và ngân hàng thường chuộng các doanh nghiệp nhà nước và không muốn cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ hơn. Thêm vào đó hồi cuối tháng 5 chính phủ Trung Quốc bất ngờ tiếp quản ngân hàng Baoshang – lần đầu tiên trong hơn 20 năm trở lại đây 1 vụ tương tự như vậy xảy ra và càng khiến nhà đầu tư e ngại rủi ro hơn. Hồi tháng 7, chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm giữa doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất và thấp hơn đã lên đến 257 điểm cơ bản, cao nhất từ trước đến nay, trước khi thu hẹp.
Cùng lúc đó, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc trên diện rộng càng khiến tình hình tồi tệ hơn.
Lĩnh vực nào vỡ nợ nhiều nhất?Nếu như năm 2016 làn sóng vỡ nợ chủ yếu tập trung ở các ngành bị dư thừa sản lượng như sắt thép và than đá thì lần này khó khăn bao phủ nhiều lĩnh vực hơn. Cách đây không lâu Tewoo Group đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc khoản nợ 1,25 tỷ USD với những điều khoản chưa từng có tiền lệ, khiến hầu hết các nhà đầu tư lỗ nặng. Đây là vụ vỡ nợ trái phiếu USD lớn nhất trong 20 năm qua đối với 1 doanh nghiệp nhà nước, do đó làm lung lay đáng kể suy nghĩ các doanh nghiệp nhà nước sẽ không thể phá sản và được nhà nước giải cứu.
Trong khi đó vụ vỡ nợ trái phiếu của công ty xử lý dầu ngô và thép Xiwang ở tỉnh Sơn Đông làm dấy lên nỗi lo ngại làn sóng vỡ nợ sẽ lây lan trong khu vực bởi ở đây các doanh nghiệp thường bảo lãnh nợ chồng chéo. Đầu năm nay, tập đoàn CMIG với các tài sản bao phủ nhiều lĩnh vực từ bất động sản, hàng không đến y tế, đứng trước nguy cơ vỡ nợ với núi nợ lên đến 34 tỷ USD.
Trung Quốc đã tích tụ nợ như thế nào?
Các công ty Trung Quốc đã tích tụ nợ trong ít nhất 1 thập kỷ, khi những người tiền nhiệm của ông Tập quyết định tăng cường vay nợ để đối phó với khủng hoảng tài chính. Vay nợ đã giúp Trung Quốc vượt qua thời kỳ khó khăn nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp/GDP đã tăng lên mức kỷ lục 160% vào cuối năm 2017, so với mức 101% của 10 năm trước.
Năm 2016, ông Tập tuyên bố sẽ siết chặt hoạt động đi vay của các doanh nghiệp và giảm tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường tài chính nhằm giảm bớt rủi ro đối với nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc ban hành các chỉ thị về hoạt động cho vay và quản lý tài sản, và đặt mục tiêu rõ ràng là dẹp bỏ hệ thống ngân hàng trong bóng tối được cho là có quy mô lên đến 10 nghìn tỷ USD.
Số vụ vỡ nợ tăng cao có tác động như thế nào?
Với những dấu hiệu cho thấy chính phủ sẵn sàng để cho các vụ vỡ nợ xảy ra đối với cả thị trường nội địa và nợ nước ngoài, các nhà đầu tư tiềm năng đang đánh giá lại rủi ro. Họ cũng ngày càng hoài nghi về chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Kangde Xin Composite Material Group Co., 1 công ty sản xuất phim ở tỉnh Giang Tô, đã bị Ủy ban chứng khoán điều tra và phát hiện báo khống 11,9 tỷ nhân dân tệ lợi nhuận trong giai đoạn 2015-2018.
Chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc?
Đúng, nhưng không phải là những gói cứu trợ trực tiếp như xưa. Kể từ tháng 7/2018, thanh khoản đã được bơm vào thị trường tài chính thông qua các biện pháp như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay bơm tiền mặt cho các ngân hàng, yêu cầu họ giải ngân nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.
Trong nỗ lực giải quyết các cú sốc thanh khoản sau vụ tiếp quản ngân hàng Baoshang, giới chức đã hối thúc các ngân hàng lớn và công ty môi giới hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ - nhóm mua nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Thách thức ở đây là phải có những chính sách theo hướng thị trường để giải quyết vấn đề nợ doanh nghiệp mà không khắc sâu thêm ấn tượng nhà nước sẽ giải cứu hệ thống tài chính trong mọi trường hợp.
Cơ chế phá sản ở Trung Quốc ra sao?
Hiện tại, những công ty gặp rắc rối sẽ có nhiều nhất là 9 tháng từ khi tòa chấp nhận kế hoạch phá sản để thống nhất kế hoạch tái cơ cấu với tất cả các bên liên quan. Nếu không thể làm được việc này, họ sẽ bị tuyên bố phá sản và bước vào quá trình giải thể.
Vẫn có những lo ngại rằng chính phủ sẽ can thiệp vào các vụ lớn, hơn nữa các ngân hàng sẽ không muốn theo đuổi các kế hoạch tái cấu trúc vì họ không muốn chịu thiệt. Trên thực tế, quá trình phá sản sẽ kéo dài hơn rất nhiều so với thời hạn 9 tháng và nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế quyền lợi đối với các tài sản quốc doanh.
Thu Hương /Theo Trí thức trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: