TTO - Dù miền Trung hiện đã bước vào cuối mùa mưa 2019 nhưng các hồ thủy điện lớn tại Quảng Nam đang thiếu nước trầm trọng do lượng mưa quá ít. Một số thủy điện còn không đủ nước chạy máy phát điện.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở miền Trung, mà cũng phổ biến ở miền Bắc. Trong khi đó, miền Nam bắt đầu vào mùa khô, cơn ác mộng mang tên "xâm nhập mặn" đã xuất hiện.
Thủy điện thiếu nước gay gắt
Trên lưu vực sông Vu Gia thượng nguồn Đà Nẵng, thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện A Vương hiện không đủ nước phát điện. Theo ghi nhận của phóng viên ngày 16-12, các cửa xả tại đập chính hai thủy điện đóng im lìm, dòng sông bên dưới chân đập phơi mình trơ đá sỏi. Hiện hồ thủy điện Sông Bung 4 chỉ đạt 27% dung tích thiết kế, mức thấp nhất các năm trở lại đây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Bản - giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung - cho biết mọi năm vào mùa mưa nước về đầy hồ, nhưng nay giữa mùa mưa mà các tổ máy chỉ chạy cầm chừng. Các đợt mưa lớn vừa qua tại miền Trung hầu như chỉ tập trung ở dưới đồng bằng, còn vùng núi rất ít mưa. Tình trạng mưa ít kéo theo nước về hồ nhỏ giọt, nước ngầm trên lưu vực cũng hạn chế.
"Hằng ngày, các tổ máy chạy phát điện cầm chừng khoảng 30% công suất để có nước về hạ du, có ngày không chạy. Kế hoạch phát điện năm 2019 đến lúc này công ty chỉ mới đạt 46%. Chúng tôi trông chờ thời tiết tháng cuối cùng của mùa mưa 2019 sẽ có mưa lớn đột biến nhưng thực tế tình hình thời tiết rất khó khăn. Thiếu nước phát điện cũng có nghĩa thiếu nước sản xuất cho hạ du và thiếu nước sinh hoạt cho dân cư các đô thị bên dưới" - ông Bản chia sẻ.
Trên lưu vực sông Thu Bồn, mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang ở cao trình 163m, thấp hơn so với quy trình vận hành liên hồ chứa 7m (tương đương 140 triệu m3). Thời điểm này các năm trước thủy điện Sông Tranh 2 vận hành 100% công suất, nhưng hiện không có nước để chạy máy. Các tổ máy chỉ chạy cầm chừng để tích nước phục vụ tưới tiêu cho hạ du mùa khô năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Lân, phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh, cho biết vừa rồi tỉnh Quảng Nam có công văn chỉ đạo phải hạn chế phát điện để tích nước. Tuy nhiên, hiện nước về hồ thấp hơn rất nhiều so với các năm.
"Đúng ra thời điểm này hai tổ máy chạy liên tục, nhưng bây giờ chỉ vận hành 20% công suất. Năm nay công ty mới đạt được 56% kế hoạch sản lượng phát điện, nhưng vì mục đích chung cho năm 2020 công ty phải thực hiện chỉ đạo của tỉnh" - ông Lân than thở.
Đau đầu với nước sinh hoạt, sản xuất
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, trước tình hình ngày càng khô hạn, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp đã tính tới việc cân đối loại giống cây trồng và diện tích gieo trồng. Sở khuyến cáo các vùng canh tác không chủ động nước tưới chuyển đổi giống cây trồng chịu hạn, gieo giống ngắn ngày, trung ngày để bớt nhu cầu tưới tiêu.
Ông Lê Ngọc Trung - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - cho biết giống cây dài ngày thì lượng nước dùng nhiều, trong khi càng về cuối vụ tình hình hạn hán càng nghiêm trọng. Hiện Quảng Nam đang tập trung sửa chữa các hồ thủy lợi để tăng cường tích nước.
Theo ông Trung, các hồ thủy điện có mực nước thấp so với trung bình nhiều năm. Khi kịch bản thiếu nước xảy ra, các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc sẽ xâm nhập mặn và chịu ảnh hưởng đầu tiên. Tại lưu vực sông Vu Gia khô hạn thì vấn đề nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng cuối nguồn sẽ rất khó khăn do nhiễm mặn.
Trong khi đó ông Hồ Hương, tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, cũng cho biết rất lo lắng khi nguồn nước thấp hơn mọi năm. Theo ông Hương, hằng năm Sở Xây dựng chủ trì xây dựng kế hoạch cấp nước trong năm và công ty tham gia sâu vào xây dựng kế hoạch. Mọi năm, nguồn cấp nước chính cho Đà Nẵng lấy từ trạm bơm Cầu Đỏ và An Trạch. Tuy nhiên, trạm bơm Cầu Đỏ liên tục nhiễm mặn trong những tháng mùa khô. Năm 2020 sẽ có thêm nguồn nước từ hồ Hòa Trung dung tích khoảng 10.000m3.
"Công suất nhà máy đủ sức đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng nhưng là trong trường hợp nước không nhiễm mặn. Chúng tôi ngày nào cũng theo dõi mực nước các thủy điện và so với mọi năm nguồn nước thấp hơn nhiều. Do đó, phải xây dựng phương án trong trường hợp nguồn nước nhiễm mặn" - ông Hương cho biết.
Đề nghị hạn chế phát điện, đảm bảo an ninh nguồn nước
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi hai thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia là Công ty thủy điện Sông Bung và Công ty CP thủy điện A Vương, đề nghị hạn chế phát điện tối đa, ưu tiên tích nước trên hồ đến mực nước dâng bình thường. Trường hợp đến mùa khô 2020 mực nước hồ vẫn không đạt quy định thì tiếp tục ưu tiên tích nước, phát điện với lưu lượng hợp lý. Đảm bảo chậm nhất đến ngày 1-2-2020 mực nước tại các hồ đạt giá trị quy định theo quy trình vận hành liên hồ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Long - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết mùa khô năm 2019-2020 tình hình khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, các tỉnh ven biển Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và đặc biệt là Nam Bộ.
Cụ thể, khu vực Bắc Bộ thiếu hụt nhiều nhất tập trung trong tháng 12-2019 và tháng 1-2020, thiếu 20-40%; khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt 30-60%; khu vực Nam Bộ, dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020 rất hạn chế, khả năng thiếu hụt 30-45%...
XUÂN LONG
Quản lý nước cần chiến lược đồng bộ
Israel, quốc gia Trung Đông khô hạn với 60% diện tích là sa mạc và thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán, đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng nước bằng một chiến lược căn cơ, đồng bộ, bắt đầu từ kế hoạch bảo tồn nguồn nước, tái chế nước bằng công nghệ và nâng cao nhận thức của người dân.
Israel xây dựng các cơ sở lớn để tái chế nước thải. Nước thải đã qua xử lý sẽ được phục vụ hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Theo Reuters, hiện 80% nước thải hộ gia đình được tái chế, tương đương với 400 triệu m3 nước mỗi năm, đáp ứng một nửa lượng nước cần để tưới tiêu cho nông nghiệp. Mục tiêu của Israel là cuối năm 2025 có thể tái chế 95% lượng nước thải để phục vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Israel cũng xây dựng hệ thống khử mặn nước biển (chi phí cao hơn tái chế nước thải) và các hồ nhân tạo để xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải của Israel giờ đã là ngành công nghiệp mang về 1,5 tỉ USD mỗi năm, theo Reuters.
Công tác không kém phần quan trọng chính là giáo dục, nâng cao nhận thức. Người dân được học về cách sử dụng nước hiệu quả, tránh lãng phí, phương pháp bảo tồn và quản lý nguồn nước.
Nhờ các giải pháp như trên mà Israel từ một nước chịu nhiều hạn hán, thiếu nước nay đã có nguồn nước dồi dào, góp phần biến sa mạc khô cằn thành những cánh đồng xanh mượt.
MINH KHÔI
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét