Thuế nhập khẩu thịt gà, heo, táo tươi, nho tươi, khoai tây... từ Mỹ vào VN sẽ được giảm xuống theo lộ trình ngay từ năm 2020 và người tiêu dùng có cơ hội mua hàng từ Mỹ giá rẻ hơn.
Thực phẩm, trái cây... sẽ rẻ hơn
Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu (NK) ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan theo đề nghị từ phía Mỹ.
Cụ thể, Mỹ đề nghị giảm thuế NK thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028. Ngoài thịt gà, Mỹ cũng đề nghị Việt Nam giảm thuế với táo tươi, nho tươi về 0% ngay trong năm 2020; lúa mì, khoai tây chế biến... giảm xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021. Tương tự, thuế NK thịt heo được Mỹ đề nghị giảm từ 25% xuống 18,9% vào 2020 và 0% vào 2027.
Sau khi phân tích, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế NK thịt gà từ 20% xuống 18%; táo, nho tươi giảm từ 10% về 8%; lúa mì từ 5% về 3%; khoai tây từ 13% xuống 12%; thịt heo từ 25% về 22%. Riêng các mặt hàng sữa giảm thuế NK từ 2 - 5%, cụ thể sữa và kem, đã cô đặc, pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác từ 5% xuống 2%; pho mát và sữa đông từ 10% xuống 5%; sữa công thức cho trẻ em từ 10% xuống 7%; chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 15% xuống 10%... Việc giảm thuế lần này cũng nằm trong tính toán cân bằng thương mại với Mỹ.
Trong danh sách hàng nông nghiệp đề nghị cắt giảm thuế NK, Bộ Tài chính cho biết thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết. Đây là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, đồng thời là mặt hàng của người nông dân, các gia đình, hộ dân đều có thể tăng gia sản xuất tại nhà, qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mức thuế NK 20% như hiện nay, giá gà NK vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất. Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế NK thịt gà và chế phẩm xuống 18%, tương ứng với mức cắt giảm năm thứ nhất trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét