Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Sắp đến mùa thơ nở rùi!


HẾT THUỐC CHỮA
Tôi có ông bạn khá thân, từ khi về hưu không hiểu sao lại hay làm thơ. Hiện tượng này khá nhiều, hệt như mấy ông cứ lên giám đốc hay làm chức to một chút là trước sau cũng làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh…Chỉ lạ là từ trước cậu ấy chẳng thơ phú gì, thậm chí rất ghét thơ; thế mà nay lại say như điếu đổ. Làm liên tục, mê muội, cái gì cũng thành thơ cả, giống như trong quảng cáo cái gì họ cũng hát lên được. Làm thơ xong lại bắt vợ nghe, nhận xét, ngợi khen đến mức bà ấy chán ngán, sắp phát rồ.
Hôm qua bà vợ hớt hải đến nhờ tôi can ngăn chuyện cậu ấy đang tập hợp thơ, bỏ tiền ra in thành tập để xin vào Hội. Tôi chưa biết khuyên can thế nào, chưa nghĩ ra mẹo gì thì may quá, tình cờ tìm lại được bài trả lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên Talawas. Tôi bảo:“Cô cứ đem bài này về cho cậu ấy đọc. Nhất là đoạn tôi bôi vàng này nhé”. Rồi tôi đưa cho vợ cậu ấy bài “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”. Đây là đoạn bôi vàng: “Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều…"vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ, tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự là ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời, còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây khá tiêu biểu cho thực tế đó: "Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ !". Tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa” (Nguyễn Huy Thiệp)*
Không biết cô ấy về nhà nói năng thế nào, hôm sau đã gọi điện phàn nàn: “Chẳng ăn thua gì anh ạ. Ông ấy đọc chưa xong đã đốt luôn bài báo và bảo: “ông Thiệp bố láo”. Tôi nói: “Thế thì bó tay, bệnh ông ấy nặng quá rồi. Hết thuốc chữa. Vì thuốc tôi đưa cho cô là loại biệt dược nặng nhất rồi đấy”. Tôi cười. Cô ấy thở dài…Tội nghiệp!
Bèn nghĩ, thơ hay vốn là những cảm xúc ngỡ ngàng, run rẩy; những nghẹn ngào, xôn xao đến tím tái trong lòng; những tiếng khóc thầm tức tưởi; những xúc động dồn nén đến ngưng thở, không viết ra có thể vỡ tim mà chết... nên hiếm lắm, nhọc nhằn lắm như Giả Đảo từng than “nhị cú tam niên đắc”. Làm sao có thơ hay được khi cứ nói là ra thơ; toàn ăn mày sự kiện, quanh năm ấp trứng nhện để rồi vào dịp kỉ niệm, lễ lạt lại nở nha nhển các bài văn vần trên báo Nhân dân.
4-12-2019
* Talawas, 26-03-2004, sau này in lại trong tập “Giăng lưới bắt chim”, tác giả có cắt đi 1 đoạn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: