Khi tuổi thơ cắp sách đến trường, mục đích mỗi học sinh không chỉ tìm học kiến thức mà còn là môi trường tốt đẹp để được tôi rèn nhiều đức tính để nên người với ước mong được gửi gắm từ ông bà, cha mẹ sau này sẽ là: Thành Tài, Thành Công, Thành Nhân. Chưa nói đến thành tài, thành công mà chỉ để "Thành Nhân" thôi thì các em phải được rèn luyện có lòng ngay thẳng, có con tim nhạy bén để biết cảm thông xung quanh, các em phải được giúp đỡ trong việc luyện tập các đức tính nhân bản, đặc biệt là đức tính ngay thẳng, thật thà nhưng vì phục vụ cho bệnh thành tích trong học đường suốt hàng bao nhiêu thế hệ thầy cô đã buộc dạy học sinh gian dối mà bắt đầu từ bài văn mẫu vỡ lòng đến những màn kịch khi có sự kiểm tra.. Kết quả là tỷ lệ học sinh nói dối tăng dần theo tuổi (Theo một kết quả điều tra thì ở học sinh cấp Tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80% .. ) Tình trạng gian dối trong sinh viên, học sinh hiện nay là do đâu? Đã có “quả” ắt phải có “nhân”. Sách Kinh Dịch viết: “Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ, do biện chi bất tảo biện giả” (Làm tôi mà giết vua, làm con mà giết cha, há phải cái cớ một sớm một chiều mà gây nên đâu, cái gốc là đã có từ lâu rồi mà người ta không sớm biện biệt mà thôi). Cũng vậy tình trạng gian dối trong sinh viên, học sinh hiện nay cũng không phải một sớm một chiều mà có, nó đã có gốc rễ từ lâu rồi mà các cấp có thẩm quyền không sớm có biện pháp ngăn chặn hay đồng lõa để giữ ghế với nhau nên mới dẫn đến hiện trạng như thế. Hiện nay gian dối len lõi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống của người Việt. Từ trụ sở chính quyền, bệnh viện, trường học đến những nơi hỗn tạp như bến tàu, bến xe, không nơi nào mà người ta không phải gian dối. Gian dối được sử dụng như một phương cách để thăng tiến bản thân trong sự nghiệp. Ông Hạ Đình Nguyên có nói: “Đang làm quan mà nói thật, thì mất hết, thân có thể vào nhà lao, tinh thần có thể bị giày xéo, nhục mạ, đã và đang có bao nhiêu là điển hình. Vì thế mà không thể nói thật. Nói dối cưỡng bức, lâu ngày thành nói dối hồn nhiên, bạo dạn, trơn tru..” . Thành tài, thành công đâu không thấy mà phải sống bám, trung ngu, vô cảm, hèn mọn mủ ni che tai cho xã hội nhan nhản những chuyện tham nhũng, bất công, ức hiếp lan tràn khắp nơi nơi. Nhiều người có tâm huyết đã day dứt kêu gọi “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng làm sao đẩy lùi tiêu cực bằng diễn trò đóng cửa phê và tự phê ? Người đấu tranh như thầy Khoa thì mất việc, vì ai ai, đâu đâu ít nhiều đều không thể thành nhân ngay từ khi rời ghế nhà trường tức là không dám sống thẳng, nói thật phải bao che, đồng lõa. Bệnh thành tích đã phá nát nhân cách làm nhiều học sinh lớp 5 - 6 không biết đọc, biết viết vẫn phải lên lớp. Những kỳ thi phổ thông tốn hàng ngàn tỷ mà phao trắng sân trường, ngay cả bằng đại học, thạc sĩ hay thậm chí cả tiến sĩ vẫn có thể mua bằng tiền để hợp thức hóa chức vụ của đảng cử.. Ngay bây giờ, chắc đã chậm lắm rồi khi lại phải tiếp tục phát động "Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật" như thuở năm 1986 ? Xã hội sẽ trong lành, người người sẽ sống trong an bình và tin tưởng nhau, khi lòng con người trong sáng và sống ngay thẳng trung thực. Phải bắt đầu hình thành từ trường học không cho học sinh chép theo bài văn mẫu.. Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng sẽ trung tín trong việc lớn, ai gian dối trong việc nhỏ thì cũng sẽ gian dối trong việc lớn. “Nhơn nhi vô tín bất tri kỳ khả dã” (Người mà không có tín thật, không biết người ấy làm việc gì cho nên được). Kinh tế thị trường định hướng XHCN là gì, thật không ? Đừng giả dối nữa, cứ thật như ông Bùi Quang Vinh mà nhân dân yêu quý vì dũng khí ngay thẳng. Nền chính trị, giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc nói một đàng làm một nẻo .. Gorbachev phải thừa nhận là đã cả đời phục vụ chỉ toàn là sự tuyên truyền và các cán bộ trong đó có ông phải điều hành quốc gia bằng sự gian dối. Đó là cơ hội ông được ngay thẳng khi chế độ Liên xô đã sụp đổ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét