Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 35.000 người đang lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.
Ngày 15/12, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trả lời về các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh chất vấn liên quan đến công tác quản lý xuất khẩu lao động (XKLĐ), ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết Hà Tĩnh có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Angola, Lào, các nước Châu u. Số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực XKLĐ trong thời gian qua tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm. Tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước đang là vấn đề đáng báo động.
Cụ thể, Hà Tĩnh hiện có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nếu tính số lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động của nước sở tại, Hà Tĩnh có trên 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Ông Lạc thừa nhận việc lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài là do công tác quản lý lao động chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý lúc xuất cảnh thì người lao động không vi phạm pháp luật Việt Nam vì họ sử dụng hộ chiếu, visa hợp pháp đi du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, du học.
Sau báo cáo, nhiều đại biểu đã chất vấn về giải pháp đối với tình trạng lao động trái phép, doanh nghiệp lợi dụng đưa lao động đi làm việc trái phép? Làm sao để ngăn chặn được tình trạng lao động bất hợp pháp ở nước ngoài? Tại sao Hà Tĩnh có 35.000 người làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài nhưng theo báo cáo thì chưa xử lý được 1 trường hợp nào, dù đã có quy định, chế tài xử lý?
Trả lời, ông Lạc cho hay cơ bản việc người dân lợi dụng đi du lịch, du học, thăm thân, khám chữa bệnh,… bằng con đường hợp pháp nhưng sau đó ở lại làm việc bất hợp pháp. Do đó, ông Lạc cho rằng việc quản lý rất khó khăn và cần có sự phối hợp các ngành liên quan.
“Tỉnh chỉ quản lý một doanh nghiệp, mỗi năm chỉ đưa 30-50% lao động đi làm việc nước ngoài. Số lao động còn lại do các doanh nghiệp ngoài tỉnh đưa đi, họ tiếp nhận hồ sơ chui trên cả nước để đưa lao động đi”, ông Lạc nói.
Về việc có 35.000 người lao động bất hợp pháp ở nước ngoài nhưng chưa xử lý được trường hợp nào, ông Lạc thừa nhận có thực tế này và lý giải vì lao động vi phạm chưa về nước nên chưa xử lý được, dù đã có quy định mức phạt được áp dụng hiện nay là từ 80 – 100 triệu.
Ông Lạc cũng cung cấp thông tin để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp đưa lao động đi XKLĐ trái phép, Sở đã phối hợp với công an tổng kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp, đơn vị và đã xử lý được một số đơn vị vi phạm.
“Sắp tới tỉnh sẽ có đề án về hoạt động XKLĐ để thúc đẩy hoạt động được thuận lợi, hiệu quả, tăng cường quản lý, giám sát lao động được tốt hơn” – ông Lạc nói.
Hoàng Minh / trithucVn
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét