Theo tài liệu “China Cables” được Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) công bố ngày 25/11/2019, Chu Hải Luân (Zhu Hailun) là kiến trúc sư cho toàn bộ hệ thống trại “hướng nghiệp”, trên thực tế là các tại tập trung người Duy Ngô Nhĩ, ở vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Chu Hải Luân là nhân vật quan trọng số hai, chỉ sau ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương. Theo trang France 24 (25/11/2019), đích thân ông Chu Hải Luân phê chuẩn tài liệu “hướng dẫn tổ chức các trại cải tạo”, nơi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ, theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc. Bản ghi nhớ có từ năm 2017 này phác họa cả một hệ thống giam giữ các cá nhân thuộc diện “huấn cải”, có thể bị giam giữ vô thời hạn, bị theo dõi thường xuyên và phải theo học một chương trình huấn luyện tăng cường về ý thức hệ.
Ông Chu Hải Luân còn ký nháy vào ba thông báo mật miêu tả hệ thống theo dõi điện tử được đồng loạt triển khai ở Tân Cương nhằm giúp nhận dạng các cá nhân cần đưa vào trại cải tạo. Những tài liệu này miêu tả hàng trăm trường hợp ở khắp khu tự trị Tân Cương, nơi cảnh sát được yêu cầu “bắt giữ” hoặc “điều tra thêm” về những người bị nhắm đến trong loạt theo dõi bằng mạng lưới camera giám sát.
Chu Hải Luân : Thăng tiến nhờ kinh nghiệm thực địa
Cho đến nay, vị quan chức 61 tuổi này vẫn núp bóng ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương. Nhờ nổi tiếng “bình định” được khu tự trị Tây Tạng, nơi ông Trần giữ chức bí thư cho đến năm 2016, nên ông được giao trọng trách chống “đe dọa khủng bố” và dập tắt mọi ý đồ ly khai của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Thực ra, ông Trần Toàn Quốc chỉ hiện đại hóa toàn bộ mạng lưới theo dõi và nguyên tắc sách nhiễu của cảnh sát, từng được áp dụng thành công ở Tây Tạng, qua việc áp dụng công nghệ mới, như nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên, vị bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương phải cần đến một người thông thạo địa hình để thi hành quan điểm của ông về một Tân Cương cần đưa vào quy củ. Và Chu Hải Luân trở thành người có thể đảm nhiệm vai trò quan trọng này. Chính vị quan chức địa phương này là người triển khai bộ máy trấn áp từ 2016, được bí thư Trần Toàn Quốc phác họa.
Một doanh nhân người Duy Ngô Nhĩ, sống lưu vong, nhận định với AP : “Trần Toàn Quốc đại diện cho đảng Cộng Sản, nhưng Chu Hải Luân là người biết phải làm gì, biết phải bắt ai và tiến hành như thế nào”.
Ông Chu Hải Luân đến Tân Cương năm 1975, trong khuôn khổ một chương trình của chế độ khuyến khích cán bộ trẻ nhiệt huyết và tham vọng đến sống vài năm tại các vùng sâu vùng xa. “Nhưng ngược với phần lớn bạn cùng trang lứa nhanh chóng về thành phố khi hết nhiệm vụ, Chu Hải Luân chọn ở lại Tân Cương”, theo thông tin của ICIJ.
Ông Chu Hải Luân từng bước được đề bạt lên những chức vụ trong đảng cho đến cuối những năm 1990 và dần tạo được danh tiếng “hiệu quả” và “quyền lực”. Ông cũng có thói quen tổ chức các cuộc bố ráp cảnh sát vào giữa đêm khuya đến các làng mạc mà phần đông người dân theo Hồi Giáo để giữ gìn trật tự.
Ưu tiên chính sách cây gậy
Dĩ nhiên Bắc Kinh biết đến những phương pháp này của Chu Hải Luân, cho nên khi xảy ra các vụ bạo loạn giữa các sắc tộc vào năm 2009 ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, chính quyền trung ương đã quyết định đề bạt vị công chức nhiệt tình này vào vị trí bí thư Thành ủy Urumqi. Đây là một quyết định bất thường, vì theo AP, “thông thường, đảng Cộng Sản điều đến thủ phủ các vị quan chức ở Bắc Kinh để giúp họ có kinh nghiệm thực địa về vị trí sắp được bổ nhiệm”.
Sau khi được đề bạt, ông Chu Hải Luân đã tổ chức ngay một chiến dịch sách nhiễu cảnh sát trên quy mô lớn nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, mà sau này được cho là tiền đề cho phương pháp trấn áp từ năm 2016 của ông Trần Toàn Quốc. Có thể thấy cả hai vị quan chức theo đuổi chính sách cây gậy.
Năm 2017, ông Chu Hải Luân đọc một bài diễn văn với giọng điệu rất cứng rắn trước vài trăm nhân viên cảnh sát. Ông kêu gọi lực lượng này phải “lên đạn súng, rút gươm khỏi bao và mạnh tay đánh những kẻ khủng bố (người Hồi Giáo)”, theo một bài báo của Reuters. Song song với việc lên gân cốt cho lực lượng cảnh sát, đích thân ông Chu Hải Luân giám sát quá trình xây dựng các trại “hướng nghiệp” giành cho những đối tượng bị nhắm đến.
Vào đầu năm 2019, ông Chu Hải Luân được cho “nghỉ hưu” sau khi được bầu làm chủ tịch Đại hội Đại biểu Khu tự trị. Theo ICIJ, chức vụ này được coi là món quà thưởng cho sự nghiệp của ông Chu Hải Luân. Thay thế ông là “sói trẻ” Vương Quân Chính (Wang Junzheng), 56 tuổi, được coi là một những ngôi sao đang lên trong đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét