Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

THỰC HƯ CHUYỆN ĐẤU TỐ THÂN PHỤ ÔNG TRƯỜNG CHINH…


Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ II: Nội thất một gia phong

TP - Cú hích quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh dẫn đến Đổi Mới ấy không phải ngẫu nhiên mà phải có duyên do, căn nguyên từ trước? Tôi chợt nghĩ đến việc vấn tổ tầm tông độc đáo của ông Trường Chinh thời điểm năm 1975 (đã nói kỳ trước) về nhà thờ Đặng Tất, Đặng Dung ở Nghệ Tĩnh như một kiểu lĩnh hội, xác quyết thêm thông điệp của tiền nhân là phải biết quyết trong thời điểm cần thiết?
Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ II: Nội thất một gia phong
Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Có lẽ cũng chỉ là tình cờ, khi ngôi nhà gia đình ông Trường Chinh ở lâu nhất cho đến cuối đời là số 3 Nguyễn Cảnh Chân.
Căn nhà số 3 Nguyễn Cảnh Chân hiện tại đã được gia đình ông Trường Chinh trả lại cho nhà nước. Cũng cần nói thêm, ngôi nhà gần như không có sự thay đổi như cách đây nửa thế kỷ khi gia đình ông Trường Chinh chuyển đến. Khoảng sân rộng với cây muỗm già tán rộng tỏa ra sự ấm áp, sinh sắc cho cả khu nhà.
Bước qua cánh cổng trang nghiêm, đột ngột òa ra một không gian giản dị đến không ngờ: chiếc chuồng gà sắt bên trái bức tường gần cổng, giàn sắt để treo những giò phong lan ông chăm sóc mỗi chiều, sân gạch rêu mốc và chiếc ghế đá mỗi ngày ông ngồi đọc sách hoặc trò chuyện với con cháu.
Trong căn nhà, những tủ sách với hàng trăm cuốn. Sách của các lãnh tụ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách luật, sách văn học nghệ thuật trong và ngoài nước. Trên bàn làm việc, cuốn sách đang đọc dở, chiếc bút thường dùng, triện thấm mực và tờ lịch đang mở những ngày cuối tháng 9…
Nếu không phải cần kíp bấn bíu việc nước thì bao giờ ông Trường Chinh cũng dành mươi phút buổi chiều nếu không ngồi thì tản bộ quanh cái sân con của nhà số 3 Nguyễn Cảnh Chân hầu chuyện cha già Đặng Xuân Viện.
Cụ Đặng Xuân Viện sinh năm 1880 mất năm 1958 tại Hà Nội, là con thứ tư của cụ nghè Đặng Xuân Bảng, học rộng nhưng không chuyên về cử nghiệp. Ông đã làm Thừa phái tỉnh Hưng Yên  được dăm năm thì xin nghỉ. Ông có tham gia vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, từng bị chính quyền Pháp theo dõi và bắt quản thúc ở quê nhà.
Ông là một cây bút trong nhóm “Nam Việt Đồng Thiên Hội”, biên soạn bộ Minh Đô sử gồm 100 quyển. Tác phẩm Hành Thiện xã chí của ông gồm 4 tập bằng chữ Hán. Tuy viết về chỉ một làng Hành Thiện nhưng trình bày rất khoa học lớp lang như một dư địa chí sau này rất được các nhà sử học, địa lý học và dân tộc học tham khảo.
Trong kho tàng trước tác chữ Hán và quốc ngữ của cụ Đặng Xuân Viện, tôi để ý đến cuốn mỏng thôi nhưng bây giờ vẫn còn tày tặn nguyên vẹn giá trị, rất có ích cho giới viết lách. Đó là cuốn Hán văn sơ học tiệp giảiphiên ra quốc ngữ in năm 1941.
Trong cuốn ấy,  cụ bày cho cặn kẽ nghĩa của những từ tiếng Hán thông dụng kiêm cách dùng trong từng trường hợp. Sở học cũng như tính cách của cụ thân sinh chắc ông Trường Chinh chịu nhiều ảnh hưởng nhất là tác phong chỉn chu, thấu đáo? Chả thế mà ông còn có tên là Thận. Cẩn thận,  chu tất trong lối sống, trong công việc, việc nước việc nhà…
Đặng Xuân Kỳ, Đặng Việt Bích, con trai cụ Trường Chinh (thứ ba, tư từ trái sang).
Cái câu đất có lề quê có thói như một thứ mặc định của người Việt? Lề ấy, thói ấy có sự hay dở tốt lành? Hành Thiện là xứ đất lạ. Mà lề thói cũng lạ?
Người xưa có câu quang ư tiền dụ ư hậu hay vắn tắt là quang tiền dụ hậuđại để người trước mở mang, đời sau hoàn thiện, chỉnh nắn. Để ý qua biên khảo, Hành Thiện có sự chênh lệch số người giữa các dòng họ khá lớn: họ Nguyễn chiếm gần nửa dân số; họ Đặng có hơn một phần ba dân số, nhưng có họ chỉ có một vài trăm, thậm chí một vài chục người.
Điều này cho thấy Hành Thiện khá bình đẳng không phân biệt dân ngụ cư cũng như chính gốc. Hành Thiện luôn rộng mở đón dân lưu tán nơi khác đến cùng sinh cơ lập nghiệp. Đây cũng là một đặc điểm trong tính cách của người Hành Thiện. Chả thế mà chặt chẽ như vua Tự Đức cũng đã hào phóng ban cho Hành Thiện một thứ  sắc phong về cái làng, nói như bây giờ là đạt tiêu chí làng văn hóa mới. Đó là 10 điều ban huấn của Tự Đức.
1. Đôn nhân hậu (luôn ăn ở có luân thường đạo lý); 2- Chính tâm thuật (ăn ở ngay thẳng); 3- Thương tiết kiệm (chuộng đường tiết kiệm); 4- Hậu phong tục (duy trì lệ tốt); 5- Huấn tử đệ (dạy con em cho có nếp); 6- Vụ bản nghiệp (duy trì nghề nghiệp tốt); 7- Sùng chính học (chuộng học tập điểm ngay); 8- Giới dâm thác (tránh những điều dâm dục); 9- Thân pháp thư(giữ gìn lễ phép); 10- Quảng Hành Thiện (mở rộng điều lành).
Thường các nhà nho có máu mặt, các trí thức có học hành hay khoa bảng, đỗ đạt thường trưng tại tư gia của mình nhà nhiều, nhà ít những chữ mang ngữ nghĩa hàm súc. Bảo chữ khó, chữ hiếm cũng được. Hoành phi hay câu đối đều mang hơi hướng na ná thứ uẩn súc ấy.
Về Hành Thiện, ghé nhà cụ Đặng Xuân Bảng, ông nội Trường Chinh. Cụ Bảng sinh năm Mậu Tý (năm 1828) thuở nhỏ ông theo học cha mình là cụ Đặng Viết Hòe. Đặng Xuân Bảng đỗ Tú tài năm 18 tuổi (năm 1846), đến khoa thi sau lại đỗ Tú tài một lần nữa, người đời gọi ông là Kép Bảng. Đến năm 22 tuổi, triều vua Tự Đức, ông đỗ Cử nhân, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương).
Khoa thi năm 1856, Đặng Xuân Bảng 28 tuổi, vào Huế thi Hội và đỗ Tiến sĩ, đỗ thứ nhì khoa ấy (Quyển ông đáng đậu Hoàng giáp, nhưng cuối bài sách có câu can vua về thanh sắc tuần du. Vua không ưng, đánh xuống đầu tam giáp Tiến sĩ). Khi vào lĩnh mũ áo, dự yến tiệc, vua Tự Đức hỏi:  Người ở nhà học ai? - Tâu bệ hạ, từ thuở bé đến lớn, hạ thần chỉ học cha ở nhà thôi. - Cha ngươi đỗ gì? - Tâu bệ hạ, cha hạ thần đỗ bảy khoa tú tài. Vua liền ban cho bốn chữ Giáo tử đăng khoa (Cha dạy con mà con thi đỗ Đại khoa).
Một số tác phẩm của cụ Đặng Xuân Viện.
Sau khi đỗ tiến sĩ, Đặng Xuân Bảng được vào làm việc ở Nội các triều đình rồi lần lượt giữ các chức vụ Tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa), Giám sát ngự sử (1861), Chưởng ấn ở Lại Khoa (1863), Án sát Quảng Yên (1864), Bố chính Sơn Tây (1869), Tuần phủ Hải Dương (1872), Đốc học Nam Định (1886)...
Lẩn thẩn nghĩ, nếu cứ căn cứ vào xuất thân gia thế, cung cách xây cất bày biện còn lại bây giờ hẳn ngày  trước nhà cụ Bảng có khá nhiều bức hoành liễn đối với những chữ nghĩa uyên thâm, uẩn súc? Nhưng tại từ đường cụ Bảng, tôi chỉ thấy một vế đối gian chính giữa chữ nghĩa khá phổ thông…
Cụ Nguyễn Viết Điền người tham gia  trông coi cả khu di tích cũng công nhận vế đối này hậu thế làm theo lối mới. Cụ cũng cho biết kèm cái thở dài trong câu chuyện rằng đã thất tán mất mát đi nhiều chả biết nó là vào thời nào?!
Còn tại gian chính nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh thì lại khác. Khu nhà rộng 530m2 với một ngôi nhà lưu niệm rộng 5 gian. 3 gian chính giữa được bố trí làm nơi thờ đồng chí Trường Chinh và những người thân đã quá cố, 2 gian phòng ngủ nằm ở 2 đầu của căn nhà, trong đó có 1 gian là phòng ngủ của vợ chồng đồng chí Trường Chinh ngày mới cưới.
Trong nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật, như: khung cửi dệt vải, tủ sách, nhiều bức hoành phi, câu đối… Mỗi năm, khu di tích đón trên 300 đoàn khách tham quan và là nơi để tổ chức các buổi kết nạp đoàn viên, đội viên… Nhờ được bảo tồn nên căn nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn.
Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Thoa, hướng dẫn viên của khu di tích: “Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh trước đây được ông nội là tiến sĩ Đặng Xuân Bảng xây dựng vào năm Nhâm Dần (1902) cho người con trai của cụ là ông Đặng Xuân Viện. Đồng chí Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện, sinh ra và lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này”.
Ngay ngắn gian giữa là bức hoành biến cách như dạng cuốn thư trên  nền hoa hiên cánh gián  đột ngột khởi lên ba chữ Âm Kỳ Ngọc (tạm hiểu na ná là tiếng của ngọc hoặc tiếng lành của ngọc, hoặc lành thay tiếng ngọc). Cố nhón chân, mới lõm bõm mấy dòng lạc khoản dương lịch nhất niên cửu bách thập bát Đông Pháp báo quán kính, hiệu Tiên Duệ chế tịch thư (Dương lịch năm 1928 Bản báo Đông Pháp kính tặng. Cửa hiệu Tiên Duệ Hà Nội chế và viết chữ).
            ______________
(Còn nữa)
Người viết xin mạn phép chút mở ngoặc. Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, một trong những di tích đặc biệt. Có lẽ mọi thứ hiện vật thuộc về nhà lưu niệm cũng như khu di tích chẳng hạn như phần chữ Hán, Ban quản lý nên nhờ các nhà thông chữ học rộng nên biên tu lại một lượt cho cẩn trọng, chính xác đem in thành sách mỏng bằng quốc ngữ đặng giúp cho khách tham quan thưởng lãm hiểu thêm tư tưởng chí khí của chủ nhân lẫn gia thế. Phải nói vậy vì là khách thăm, tôi may mắn được ông Điền và chị Thoa trong Ban quản lý di tích giúp cho, sau nữa cùng những chắp nối nhờ vả nên cũng lõm bõm về ngữ nghĩa của những bức hoành cùng liễn đối tại gian chính khu lưu niệm.
Xuân Ba

Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ III: Thực hư chuyện đấu tố

TP - Kỳ trước đang nói về bức hoành Âm Kỳ Ngọc - thiêng, lành thay tiếng ngọc! Quả khác xa và khó có chút gì na ná với các chữ Tâm, Phúc, Đức, Nhẫn… nhan nhản do các ông đồ trẻ sản xuất hàng loạt tại Miếu Văn.
Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ III: Thực hư chuyện đấu tốCụ Đặng Xuân Viện (thứ ba từ phải qua), thân sinh ông Trường Chinh, chụp ảnh lưu niệm cùng Bác Hồ
Người xưa thường ví,  thứ ngọc quý có thể phát sinh ra năng lượng, khi chạm nhau, ngọc phát ra thứ âm thanh như châu gieo, thoa ném rổn rảng, sinh sắc… Lại nữa, phần câu đối bên dưới rất xứng, ứng với bức hoành Âm kỳ ngọc. Chừng như hơi ấm cùng âm thanh của thứ ngọc lành từ bức hoành đang lan tỏa, cộng sinh xuống hai vế đối phía dưới. Mạo muội biên ra đây để mọi người cùng thưởng lãm cũng như chỉ giáo cho.
Nhân tại bách xích lâu phiêu nhiên quá vân lộ phủ thương mang biệt sinh kỳ tưởng
Hung đôi sổ vạn quyển, thời hoặc đăng tao đàn liệt kỳ cổ túc trương ngô quân
(Trên lầu cao trăm thước, thoắt nhẹ nhảy đường mây nhìn non nước bỗng khởi sinh tư tưởng lạ / Nhà dài chứa vạn sách có lúc bước tới chốn Tao đàn, bày cờ trống biểu dương thanh thế.
Tư tưởng lạ phải chăng nhắc đến cái chí của cụ Đặng Xuân Viện, thân sinh của Tổng Bí thư Trường Chinh, cùng đồng chí của mình trong Đông Kinh Nghĩa Thục?
Nhà dài chứa vạn sách. Cụm từ ấy chả phải ước lệ mà có  ý nhắc đến cái thư viện được coi là lớn nhất Bắc Kỳ thời điểm đó của cụ Đặng Xuân Bảng. Nhà sách ấy sau này không ngừng được bổ sung, nhất là dưới thời ông Đặng Xuân Viện.
Hoành cùng đối tặng cho chủ nhân, cả hai cha con đều hợp!
Nghĩ cũng hơi lạ về dòng lạc khoản.  Trọng đông Canh thân,  hiệu Hải Liễu Vân Tiều tặng ( Mùa đông Canh thân- 1920- Hiệu hải Liễu Vân Tiều tặng) Hải Liễu Vân Tiều, nghe nói là một cửa hiệu nổi tiếng ở Hà thành chuyên chế các loại chất liệu mỹ nghệ thư pháp tặng cụ Đặng Xuân Viện chứ không phải là bút hiệu của tác giả nào?
Còn nữa, kế gian giữa mạn Bắc, rơ rỡ bức hoành Tiên Quận Đằng Phươngcũng chả phải là thứ chữ thường! Tạm hiểu là tiếng thơm nơi tiên quận. Quận là danh từ, địa danh. Quận nào vậy? Cụ Đặng Xuân Viện từng tòng sự với chức quan nhỏ ( thừa phái) ở vùng Tiên Xá của đất Tiên Lữ, Hưng Yên nên được  bản chức vùng đó tặng cho bức hoành cùng vế đối. Có thể suy vậy vì căn cứ vào dòng lạc khoản  Mùa đông năm Nhâm Tuất (1922) Lý trưởng và Phó Lý Tiên Xá quận Tiên Lữ kính tặng. Có thể nói bức hoành đây khá bắt mắt. Hàng bao năm, sắc màu cùng ngữ, nghĩa cứ rờ rỡ.  Bắt mắt nhưng bức hoành chỉ hạp với gia cảnh, khí chất của chủ nhân. Bởi chẳng thể rinh đi treo ở nhà ai đó được?
Còn vế đối ghi gì? Cựu đức phương ư đằng các thụ/ Thi tài thanh tự lục giang ba (Đức cũ thơm tho như cây đằng cây các /Tài thơ trong sáng như sóng Lục giang) Ý chừng ca ngợi tài đức của chủ nhân Đặng Xuân Viện? Chợt giật mình bởi từng định kiến rằng, đám lý trưởng, phó lý thời phong kiến đế quốc chỉ biết nạt nộ, đánh chén vậy mà  đã nghĩ ra cái thứ tao nhã thế kia!
Một câu đối nữa của Tòa báo Đông Pháp tặng cụ Viện. Cứ như một lời chúc tinh tế Diễn đàn tảo chủng văn minh quả/Từ uyển liên đề giáp Ất hoa(Trên diễn đàn sớm kết quả văn minh/ Nơi từ uyển liền tên hoa Ất, Giáp)
Ngược thời gian, thời điểm báo Đông Pháp tặng bức hoành cùng câu đối cho cụ Viễn là cái năm ông chủ bút Nguyễn Kim Đính phải bán tờ báo lại cho ông Diệp Văn Kỳ. Ông Kỳ người có quốc tịch Pháp, cha làm thông ngôn cho triều đình Huế, mẹ là một quận chúa. Ông Diệp Văn Kỳ chắc cũng có mối giao du với các nhân sĩ Bắc Kỳ trong đó có cụ Viện?
Đông Pháp Thời Báo cũng đổi ngày ra báo (các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy) và cho ra các phụ trương Thể thao, Phụ nữ, Trẻ em, Văn chương.
Ông Kỳ còn mời thêm các cây bút tên tuổi ngoài Bắc như  Tản Đà, Ngô Tất Tố vào Nam để tăng cường cho ban biên tập báo.
Bức hoành Âm Kỳ Ngọc. Ảnh: Xuân Tùng
Thôi có lẽ khỏi phải biên chép, liệt kê thêm! Bấy nhiêu thứ của nổi lưu giữ trong nhà mà cụ Đặng Xuân Bảng làm cho con Đặng Xuân Viện tại làng Hành Thiện cũng là quá đủ, quá thừa nếu có một cuộc đấu tố quy kết thành những địa chủ thường, ác bá, cường hào… trong thời điểm cơn lốc của cải cách ruộng đất.
Thế nhưng qua dày công tìm hiểu, tôi chưa gặp một ai hay người nào thốt ra dù xa xôi bóng gió việc song thân ông Trường Chinh bị đấu tố trong cải cách ruộng đất. Rùng mình gẫm lại những đồn thổi trước, nay, và cả những chi tiết rùng mình sởn gai ốc trong những biên chép vô tội vạ trên báo mạng.
Nào là, đương đêm, thân phụ ông Trường Chinh phải bí mật trốn lên Hà Nội với con trai để tránh cuộc đấu tố(!?) Hoặc  thời điểm cuộc đấu tố dưới Hành Thiện diễn ra khốc liệt, đội cải cách đang buộc tội bố, mẹ của ông Trường Chinh thì có lệnh từ trên đình lại.
Và giật gân hơn, lãnh tụ Trường Chinh tiên phong gương mẫu quyết liệt trong cuộc đấu tranh giai cấp đã chỉ đạo cho đội cải cách mang chính song thân của mình ra đấu tố! vv… và vv…
Những chuyện đồn thổi đầy hơi hướng  ác ý.  Buồn thay nó chỉ xuất phát ở một phía, với thông tin khó có thể kiểm chứng? Đâu là nơi nuôi dưỡng, dung chứa, phát tán sự đồn thổi ấy? Mà cũng lạ cho sự im lặng không thèm chấp ngần ấy năm…
Các nhân chứng, chứng cứ rằng không hề có cuộc đấu tố nào với gia đình ông Trường Chinh thì nhiều, nhiều lắm.
Nhân chứng đầu tiên có lẽ là người đương trông coi khu lưu niệm, ông Nguyễn Viết Điền. Ông Điền cười, nếu cứ như những đồn thổi thì các anh xem,  rất đơn giản là những hoành phi cùng câu đối kia trong nhà cụ Viện và sau này là nhà ông Trường Chinh, đâu có còn nguyên vẹn?
Thời ấy có nhiều gia thế máu mặt vướng vào đấu tố, gia sản sạch bách vì chia quả thực cho bần cố nông trong đó chả ít những hoành phi câu đối. Người ta mang làm cửa, cầu ao, bàn ghế, thưng chuồng lợn, chuồng bò. Ai may tẩu tán được thì quẳng xuống ao sau này yên hàn mới mò vớt. Nhưng ngôi nhà cụ Viện cùng vật dụng này đã  được yên hàn qua đợt cải cách.
Nghe chuyện, thầm nghĩ chữ trên đại tự câu đối, rằng hay thì thật là hay nhưng tự thân chữ đâu có phải là thứ thiêng, thứ bùa yểm ? Hẳn phải có sự ảnh hưởng vô hình lẫn hữu hình nào đó?
Phát sinh những sự đồn thổi thuận, nghịch là có nguyên do của nó?
Trong câu chuyện dài sau này với Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải đương kim Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cháu gọi ông Trường Chinh bằng bác ruột, ông Hải khẳng định song thân cụ Trường Chinh không bị đấu tố! Nhưng ông Hải cũng băn khoăn rằng, có lẽ do người nhà của ông Trường Chinh bị đấu mà người ta đã suy diễn? Hoặc đã hiểu nhầm? Và cả những suy diễn ác ý?
Liễn đối báo Đông pháp tặng.
Cụ Đặng Xuân Viện  có người anh ruột tên là Đặng Xuân Mậu. Cụ còn có tên là ông Hai Thêm mà ông Trường Chinh gọi là bác ruột. Có lẽ là con trai thứ hai cụ Bảng nên có tên là ông Hai? Như các người con trai của cụ Bảng, ông Hai cũng được học hành cẩn thận nhưng không thi cử đỗ đạt gì. Gia đình có máu mặt có bát ăn bát để, cụ Đặng Xuân Mậu dễ dàng trở thành đối tượng của đợt cải cách ruộng đất.
Cụ bị đem đấu tố. Dài mãi những ngày đấu tố vu khống như thế, một nhà nho một người có học như cụ Mậu coi đó là sự xúc phạm, tổn thương ghê gớm. Chắc những ngày bi đát ấy cụ nghĩ nhiều về người con trai Đặng Xuân Khang tham gia Vệ quốc đoàn từ những ngày đầu kháng chiến, từng dự nhiều trận đánh ác liệt trong đó có trận Điện Biên Phủ… Một đêm không kìm giữ, kiểm soát được mình, cụ Mậu đã quá uất ức tìm đến cái chết!
Một ngày thanh bình, anh chiến sĩ vệ quốc đoàn Đặng Xuân Khang về thăm quê Hành Thiện. Quá bất ngờ và anh chỉ biết lặng phắc đau đớn trước mộ người cha. Mọi sự đã nhỡ, đã quá muộn mất rồi.  Khoác ba lô trở về đơn vị, chắc  anh cũng có chút an ủi rằng, gia đình mình đã được sửa sai đã cởi cái án oan địa chủ.
Rồi những năm tháng rèn luyện học hành để sau này Đặng Xuân Khang trở thành một sĩ quan của quân chủng Phòng không - Không quân. Trong một trận  ác liệt đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng năm 1965, sĩ quan Đặng Xuân Khang đã anh dũng hy sinh.
Tôi đã ngồi với bác sĩ Đặng Xuân Phương con trai liệt sĩ Đặng Xuân Khang, một thầy thuốc giỏi ở Viện Quân y 108. Bác sĩ Phương đã nghỉ hưu và có một phòng mạch tư luôn đông, chật bệnh nhân. Cũng như Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, người cháu nội cụ Mậu ít muốn nhắc lại và chỉ muốn quên đi một quá vãng buồn thương, khó nói ấy…
Khó tưởng tượng ra cái thời buổi đảo điên, có anh cố nông áo ôm khố rách từng được gia đình cụ cưu mang rau cháo, làm rẽ, cấy thuê nhưng bị cán bộ Đội cải cách vận động tỉ tê đã tráo trở dám chỉ mặt ân nhân mình mà vu khống tố cáo đủ điều bậy bạ.
Xuân Ba


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: