Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Một kiểu ăn vạ, thương vay khóc mướn


KIM VÂN (nhà báo)

Mấy bữa nay mình cứ thấy nhiều người share trên fb những bức ảnh bậc tam cấp Starbucks, khách sạn 5 sao bị đập, cảnh người dân bắc thang, bắc ghế vào nhà hay rút tiền máy ATM, v.v.. rồi khoái chí chửi chính quyền. Không chỉ là cá nhân trên fb mà ngay cả các bài báo của nhiều tờ có tên tuổi cũng thế. Thực sự mình không hiểu tư duy...

Mình thấy những cách làm đối phó như là bắc ghế, bắc thang sau khi bậc tam cấp lấn đất công bị phá bỏ chẳng khác nào hành vi ăn vạ. Đứa con nít hư, đánh nhẹ nó một cái là nó cũng khóc rống lên để người xung quanh cảm thấy nó bị oan ức lắm. Nhưng con nít thì đã là một lẽ. Toàn những người giàu (có nhà mặt tiền là không phải dạng vừa), rồi thì khách sạn, cafe sang chảnh, ngân hàng, v.v..

Nếu đã sai phạm thì xử lý là đúng rồi, sao phải giở trò khóc lóc, ăn vạ ra như thế. Họ hoàn toàn có thể xây lại bồn hoa, bậc tam cấp và đặt lại máy ATM vào sâu bên trong đất của mình mà, sao cứ phải lấn chiếm đất công thì mới chịu? Mấy người rút tiền nữa, thiếu gì máy ATM mà cứ phải đến cái máy bị phá bậc tam cấp mà rút cho khổ vậy? Không có khách rút tiền thì ngân hàng sẽ phải tự khắc phục thôi.

Mà cũng có thể bản thân người vi phạm không ăn vạ, một vài ngày sau sẽ cải tạo thôi, nhưng không ít người lại thích "thương vay khóc mướn". Mình nghĩ mãi không ra nguyên cớ. Là vì tiếc của do phần lấn chiếm được xây kiên cố, tốn kém quá? Hay lo nhóm khách sạn, ngân hàng, nhà hàng kia không có tiền để sửa sai?

Nhiều người bình luận rằng thành phố trở nên tan hoang như bị đánh bom thì quả là ấu trĩ. Chỉ cần ốp lát lại một tí, chắc khoảng nửa ngày là tất cả lại thẳng thắn, sạch sẽ ngay thôi. Nếu như những người đó có ý thức tôn trọng pháp luật từ đầu thì đâu đến nỗi phải chịu cưỡng chế như thế.

Có người còn lấy câu chuyện của ông Lý Quang Diệu ra để so sánh, nhưng mấy ai hiểu để có được một Singapore như hiện nay thì đảo quốc ấy cũng phải trải qua một cuộc đại phẫu mà không ít cá nhân phải chấp nhận đi vào khuôn khổ, tức là chấp nhận từ bỏ lợi ích cá nhân. Lúc đấy dân Việt mình có ở đó chứng kiến đâu mà biết.

Việt Nam mình xuề xòa quen rồi, còn có cả câu "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình", cho nên mới lấn chiếm, mới hàng quán đầy vỉa hè. Vừa thích giống Sing, lại vừa thích ngồi vỉa hè ăn vặt thì làm sao được. Phải chọn lựa thôi. Nói thật mình cũng thích hàng rong, nhưng nếu phải chọn thì mình thích được nhìn nhận văn minh như Sing, như châu Âu, như Mỹ chứ không phải là được tôn vinh ẩm thực đường phố. Bản thân cái chữ "ẩm thực đường phố" thì nó vẫn giá trị ở chữ "ẩm thực" chứ không phải "đường phố", tức là không phải hàng rong.

Có người bảo dẹp hàng rong đi rồi thì lấy gì sống. Làm mình nghĩ đến một câu chuyện. Có gia đình nọ rất nghèo. Cả nhà chỉ trông vào con bò sữa, hằng ngày vắt sữa của nó đi bán nhưng không đủ ăn vì quá đông con. Có hai thầy trò kia một lần tá túc qua đêm. Biết được hoàn cảnh gia chủ, ông thầy đêm đó lẳng lặng cầm dao đâm chết con bò. Cả nhà sau đó oán thán kẻ đã triệt đường sống của họ. Nhưng rồi sau đó họ vẫn phải kiếm kế sinh nhai, mỗi người đều động não suy nghĩ và rồi họ trở nên khá giả. Hàng rong của người VN cũng giống con bò thôi.

Kim Vân
(Theo Facebook Kim Vân: https://www.facebook.com/vuthikimvan/posts/10155109850623058)

Phần nhận xét hiển thị trên trang