Khát vọng vĩ đại của người cộng sản
(Tôi viết bài này ngay sau ngày cụ Fidel Castro ở Cuba qua đời, và đã đưa lên. Tuy nhiên, dù bài không có ý gì xấu về cụ Fidel, nhưng theo lề thói phương Đông, nghĩa tử là nghĩa tận, tôi đã hạ xuống sau đó. Nay chuyện đã nhạt, tôi đưa lên lại, ít nhất cũng để những người CS xứ này sắp họp hội nghị T.Ư 5 tham khảo mà rút ra được điều gì chăng).
Ngày 25.11.2016, một nhân vật huyền thoại của phe cộng sản trên thế giới, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro Ruz qua đời, thọ 90 tuổi. Ông cầm quyền liên tục từ tháng 1.1959 sau khi làm cuộc lật đổ chế độ tư sản của Batista, theo đường lối cộng sản, chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô, mãi tới khi sức tàn lực kiệt, không trụ nổi vào năm 2011 ông mới chịu buông, nhưng không buông hẳn mà “nhường ngôi” cho người em ruột, khi ấy cũng đã hơn 80 tuổi.
Xung quanh nhân vật này, phe cộng sản tô vẽ thêm nhiều điều “khác thường” nên người ta nói “nhân vật huyền thoại” là do vậy. Đó cũng là cách dựng nên, tạo ra một idol, dù là Cuba idol nhưng cũng có ý nghĩa chung cho cả phe, mang tính quốc tế. Phe cộng sản thường tuyên truyền đề cao tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nhưng lại thường xuyên thần thánh hóa các cá nhân, dạng Stalin, Brezhnev, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Ceaucescu… để lôi cuốn dân chúng. Nhất thời, những idol này, thông qua bộ máy tuyên truyền, chả khác gì chúa trời, khiến dân chúng phải sùng bái, tụng niệm, làm theo. Tuy nhiên, điều tai hại là, khi thời thế thay đổi, thần tượng sụp đổ thì hình ảnh tan biến rất nhanh, thảm hại. Cuộc sống luôn có quy luật của nó chứ chả tuân theo ý chí chủ quan của một tổ chức hay cá nhân nào.
Lại nói về chuyện ông Fidel. Những năm Liên Xô còn hùng mạnh, đứng đầu phe XHCN đối trọng với 'tập đoàn tư bản đế quốc" do Mỹ dẫn dắt, ông Fidel được coi là tên lính xung kích ở tây bán cầu. Có Liên Xô chống lưng, ông thành người hùng. Cuba những năm ấy hầu như chỉ có 2 nhiệm vụ: chống Mỹ và trồng mía ép đường bán cho Liên Xô. Tất cả đã có anh cả Liên Xô lo, Cuba tạo cho mình một nền kinh tế phụ thuộc tới mức khi anh cả sụp đổ, tan rã năm 1991, bị cắt bầu sữa, em bé Cuba đói sữa ngày càng đèo đẹn, suy dinh dưỡng, cho tới nay đã 25 năm vẫn không hồi phục được. Từ một nước phát triển nhất vùng Caribe, đứng hàng đầu Trung Mỹ, nay Cuba nằm trong nhóm nước nghèo đói thiếu thốn lạc hậu nhất thế giới. Tất cả đều bắt đầu từ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, và bi kịch ở chỗ cho đến bây giờ những người cộng sản Cuba độc quyền cai trị đất nước nhỏ bé chục triệu dân này vẫn kiên định đi theo con đường nghèo đói ấy. Hôm 29.11.2016, họ hứa trước linh cữu ông Fidel rằng sẽ vẫn nối tiếp đường ông đi. Đương nhiên là thế, ông em phải nối gót ông anh, ông già 85 cứ phải làm như ông già 90 đã làm, khác thế nào được. Một thế hệ già nua đã đứng ở cổng âm ti nhưng vẫn làm nhiệm vụ dẫn dắt cho cả một dân tộc đi tìm tương lai. Có trái khoáy, bất hạnh nào như thế chăng?
Hồi miền Bắc Việt Nam đánh nhau với Mỹ, ông Fidel là người ủng hộ nhiệt thành. Những thập niên 60-70 thế kỷ trước, lứa chúng tôi nghe tuyên truyền nhiều về ông, rất kính phục ông và ông Che Guevara. Nghe người lớn kể ông định đưa quân sang đánh giúp nhưng cụ Hồ bảo chưa cần. Ông cử kỹ sư và công nhân sang giúp làm lại đường số 6 Xuân Mai - Hòa Bình, giúp xây cái nhà khách ven hồ Tây cho đảng có chỗ tiếp khách, xây cái bệnh viện Việt – Cu ở Đồng Hới (Quảng Bình), chở bò sữa qua để nuôi trên vùng Ba Vì, Mộc Châu, bán rẻ đường cho Việt Nam hoặc đổi lấy gạo, mặc cho máy bay và thủy lôi Mỹ phong tỏa dày đặc trên trời dưới nước vẫn đưa tàu thủy chở hàng tới cảng Hải Phòng, khi Quảng Trị vừa được giải phóng là ông sang thăm động viên ngay. Ông Fidel làm việc đó với tinh thần lúc bấy giờ người ta hay nhắc đến, là “quốc tế vô sản”, đành rằng tất cả mọi điều đều có sự chỉ đạo từ Liên Xô. Người cộng sản Việt Nam biết ơn ông, sống tình nghĩa thủy chung với Cuba và ông cho đến giờ cũng một phần do những quá khứ tốt đẹp ấy.
Nhưng ông Fidel cũng là hình ảnh của một người lính, thậm chí hiếu chiến. Ông đề ra khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết”, dù có phải đánh đến người cuối cùng cũng không sợ. Ông giống người cộng sản Việt Nam ở chỗ “kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ”, thích làm người lính đi đầu. Tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, ông Fidel và những người như ông trên khắp thế giới coi sự độc lập dân tộc chỉ là chuyện nhỏ, hạnh phúc no ấm của người dân lại càng không đáng quan tâm khi mục đích lớn chưa đạt được. Cái mà họ phấn đấu là Hòa Bình Thế Giới, là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, những thứ mà họ quy vào mấy chữ ngắn gọn: bóc lột, xâm lược. Phải đấu tranh cho hòa bình thế giới, canh giữ hòa bình thế giới. Chính vì vậy, sau khi đã cướp được chính quyền bằng gươm súng, hầu như không nước cộng sản nào chịu dừng cuộc chiến tranh lại để tập trung vào việc xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho dân mình mà cứ mải miết cuộc hành trình vũ lực vô định với mục đích vĩ đại lớn lao hơn: cách mạng thế giới. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra cho sự bao đồng không tưởng này.
Chả phải chỉ Cuba, ngay cả Việt Nam và những nước cộng sản khác đều bị cuốn vào cái vòng xoáy “ai thắng ai” khủng khiếp, tàn bạo ấy. Họ tự đắc “Ta vì ta ba chục triệu người/Cũng vì ba nghìn triệu trên đời”, “Ta giữ cho ai mảnh đất này…/Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/Ta hiểu vì ai ta hiến máu”…, tức là cái tham vọng của họ không bị gói gọn trong phạm vi dân tộc mà kinh khiếp hơn nhiều, nó ôm trùm cả quả địa cầu. Theo họ, chỉ có sức mạnh của chủ nghĩa xã hội mới có thể tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, mới đem lại no ấm, hạnh phúc, hòa bình cho nhân loại. Sống chết cũng phải giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, ngay cả khi hết gió.
Thời cách nay nửa thế kỷ, nhưng câu thơ như trên được coi là tuyệt bút. Giả dụ mấy lời nôm na tự sướng của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết “Việt Nam, Cuba như trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây, chúng ta thay phiên nhau canh giữ hòa bình thế giới. Khi Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam thức thì Cuba nghỉ” mà phát ra khi đó chắc cũng được xem như lời thánh nhân, chỉ tiếc nó bị lùi lại mấy chục năm nên trở thành trò cười. Người cộng sản đã tự huyễn hoặc mình với những khát vọng to tát kiểu vậy. Dân gian thì nói ngắn gọn “Ốc chưa mang nổi mình ốc, cứ đòi mang cọc cho rêu”.
Sau này, khi một số người trong bộ máy của họ tỉnh ngộ ra, thì nhận thấy rằng họ đã kiêu hãnh một cách mù quáng. Ông Phan Diễn từng là một yếu nhân trong bộ máy cai trị xứ này cũng phải cay đắng thừa nhận đã tồn tại một thứ "kiêu ngạo cộng sản", coi tất cả đều chẳng ra gì. Thì đúng vậy, con ếch ngồi đáy giếng, bầu trời chỉ to bằng cái vung thôi.
Nói gì thì nói, khát vọng vĩ đại đó là rất đẹp đẽ, chỉ có điều người cộng sản luôn làm ngược lại những điều họ muốn. Lý luận và thực tế luôn trái nhau. Họ muốn hòa bình thế giới nhưng cứ chỗ nào có cộng sản là có chiến tranh. Cuộc thâu tóm và phân rã Liên bang Xô viết, sự đối địch Đông và Tây Đức, Bắc và Nam Việt Nam, Bắc và Nam Triều Tiên, cách mạng văn hóa tàn bạo ở Trung Quốc, rồi nội chiến Etiopia, Afganistan, Nicaragua, Mozambique, Angola, Congo… với xung đột, chém giết đủ để chứng minh rằng đi liền với cộng sản là chiến tranh chứ không phải hòa bình. Có lẽ cái câu nói mà người đời bảo là của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chính thể Việt Nam cộng hòa rất đúng trong trường hợp này (và đúng trong rất nhiều lĩnh vực, vấn đề khác).
Một khát vọng vĩ đại, có đôi khi cũng đem lại thảm họa vĩ đại. Thật tiếc cho con người.
Nguyễn Thông
(Bài tiếp theo: Sự kiêu ngạo cộng sản)
Ngày 25.11.2016, một nhân vật huyền thoại của phe cộng sản trên thế giới, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro Ruz qua đời, thọ 90 tuổi. Ông cầm quyền liên tục từ tháng 1.1959 sau khi làm cuộc lật đổ chế độ tư sản của Batista, theo đường lối cộng sản, chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô, mãi tới khi sức tàn lực kiệt, không trụ nổi vào năm 2011 ông mới chịu buông, nhưng không buông hẳn mà “nhường ngôi” cho người em ruột, khi ấy cũng đã hơn 80 tuổi.
Xung quanh nhân vật này, phe cộng sản tô vẽ thêm nhiều điều “khác thường” nên người ta nói “nhân vật huyền thoại” là do vậy. Đó cũng là cách dựng nên, tạo ra một idol, dù là Cuba idol nhưng cũng có ý nghĩa chung cho cả phe, mang tính quốc tế. Phe cộng sản thường tuyên truyền đề cao tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nhưng lại thường xuyên thần thánh hóa các cá nhân, dạng Stalin, Brezhnev, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Ceaucescu… để lôi cuốn dân chúng. Nhất thời, những idol này, thông qua bộ máy tuyên truyền, chả khác gì chúa trời, khiến dân chúng phải sùng bái, tụng niệm, làm theo. Tuy nhiên, điều tai hại là, khi thời thế thay đổi, thần tượng sụp đổ thì hình ảnh tan biến rất nhanh, thảm hại. Cuộc sống luôn có quy luật của nó chứ chả tuân theo ý chí chủ quan của một tổ chức hay cá nhân nào.
Lại nói về chuyện ông Fidel. Những năm Liên Xô còn hùng mạnh, đứng đầu phe XHCN đối trọng với 'tập đoàn tư bản đế quốc" do Mỹ dẫn dắt, ông Fidel được coi là tên lính xung kích ở tây bán cầu. Có Liên Xô chống lưng, ông thành người hùng. Cuba những năm ấy hầu như chỉ có 2 nhiệm vụ: chống Mỹ và trồng mía ép đường bán cho Liên Xô. Tất cả đã có anh cả Liên Xô lo, Cuba tạo cho mình một nền kinh tế phụ thuộc tới mức khi anh cả sụp đổ, tan rã năm 1991, bị cắt bầu sữa, em bé Cuba đói sữa ngày càng đèo đẹn, suy dinh dưỡng, cho tới nay đã 25 năm vẫn không hồi phục được. Từ một nước phát triển nhất vùng Caribe, đứng hàng đầu Trung Mỹ, nay Cuba nằm trong nhóm nước nghèo đói thiếu thốn lạc hậu nhất thế giới. Tất cả đều bắt đầu từ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, và bi kịch ở chỗ cho đến bây giờ những người cộng sản Cuba độc quyền cai trị đất nước nhỏ bé chục triệu dân này vẫn kiên định đi theo con đường nghèo đói ấy. Hôm 29.11.2016, họ hứa trước linh cữu ông Fidel rằng sẽ vẫn nối tiếp đường ông đi. Đương nhiên là thế, ông em phải nối gót ông anh, ông già 85 cứ phải làm như ông già 90 đã làm, khác thế nào được. Một thế hệ già nua đã đứng ở cổng âm ti nhưng vẫn làm nhiệm vụ dẫn dắt cho cả một dân tộc đi tìm tương lai. Có trái khoáy, bất hạnh nào như thế chăng?
Hồi miền Bắc Việt Nam đánh nhau với Mỹ, ông Fidel là người ủng hộ nhiệt thành. Những thập niên 60-70 thế kỷ trước, lứa chúng tôi nghe tuyên truyền nhiều về ông, rất kính phục ông và ông Che Guevara. Nghe người lớn kể ông định đưa quân sang đánh giúp nhưng cụ Hồ bảo chưa cần. Ông cử kỹ sư và công nhân sang giúp làm lại đường số 6 Xuân Mai - Hòa Bình, giúp xây cái nhà khách ven hồ Tây cho đảng có chỗ tiếp khách, xây cái bệnh viện Việt – Cu ở Đồng Hới (Quảng Bình), chở bò sữa qua để nuôi trên vùng Ba Vì, Mộc Châu, bán rẻ đường cho Việt Nam hoặc đổi lấy gạo, mặc cho máy bay và thủy lôi Mỹ phong tỏa dày đặc trên trời dưới nước vẫn đưa tàu thủy chở hàng tới cảng Hải Phòng, khi Quảng Trị vừa được giải phóng là ông sang thăm động viên ngay. Ông Fidel làm việc đó với tinh thần lúc bấy giờ người ta hay nhắc đến, là “quốc tế vô sản”, đành rằng tất cả mọi điều đều có sự chỉ đạo từ Liên Xô. Người cộng sản Việt Nam biết ơn ông, sống tình nghĩa thủy chung với Cuba và ông cho đến giờ cũng một phần do những quá khứ tốt đẹp ấy.
Nhưng ông Fidel cũng là hình ảnh của một người lính, thậm chí hiếu chiến. Ông đề ra khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết”, dù có phải đánh đến người cuối cùng cũng không sợ. Ông giống người cộng sản Việt Nam ở chỗ “kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ”, thích làm người lính đi đầu. Tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, ông Fidel và những người như ông trên khắp thế giới coi sự độc lập dân tộc chỉ là chuyện nhỏ, hạnh phúc no ấm của người dân lại càng không đáng quan tâm khi mục đích lớn chưa đạt được. Cái mà họ phấn đấu là Hòa Bình Thế Giới, là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, những thứ mà họ quy vào mấy chữ ngắn gọn: bóc lột, xâm lược. Phải đấu tranh cho hòa bình thế giới, canh giữ hòa bình thế giới. Chính vì vậy, sau khi đã cướp được chính quyền bằng gươm súng, hầu như không nước cộng sản nào chịu dừng cuộc chiến tranh lại để tập trung vào việc xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho dân mình mà cứ mải miết cuộc hành trình vũ lực vô định với mục đích vĩ đại lớn lao hơn: cách mạng thế giới. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra cho sự bao đồng không tưởng này.
Chả phải chỉ Cuba, ngay cả Việt Nam và những nước cộng sản khác đều bị cuốn vào cái vòng xoáy “ai thắng ai” khủng khiếp, tàn bạo ấy. Họ tự đắc “Ta vì ta ba chục triệu người/Cũng vì ba nghìn triệu trên đời”, “Ta giữ cho ai mảnh đất này…/Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/Ta hiểu vì ai ta hiến máu”…, tức là cái tham vọng của họ không bị gói gọn trong phạm vi dân tộc mà kinh khiếp hơn nhiều, nó ôm trùm cả quả địa cầu. Theo họ, chỉ có sức mạnh của chủ nghĩa xã hội mới có thể tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, mới đem lại no ấm, hạnh phúc, hòa bình cho nhân loại. Sống chết cũng phải giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, ngay cả khi hết gió.
Thời cách nay nửa thế kỷ, nhưng câu thơ như trên được coi là tuyệt bút. Giả dụ mấy lời nôm na tự sướng của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết “Việt Nam, Cuba như trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây, chúng ta thay phiên nhau canh giữ hòa bình thế giới. Khi Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam thức thì Cuba nghỉ” mà phát ra khi đó chắc cũng được xem như lời thánh nhân, chỉ tiếc nó bị lùi lại mấy chục năm nên trở thành trò cười. Người cộng sản đã tự huyễn hoặc mình với những khát vọng to tát kiểu vậy. Dân gian thì nói ngắn gọn “Ốc chưa mang nổi mình ốc, cứ đòi mang cọc cho rêu”.
Sau này, khi một số người trong bộ máy của họ tỉnh ngộ ra, thì nhận thấy rằng họ đã kiêu hãnh một cách mù quáng. Ông Phan Diễn từng là một yếu nhân trong bộ máy cai trị xứ này cũng phải cay đắng thừa nhận đã tồn tại một thứ "kiêu ngạo cộng sản", coi tất cả đều chẳng ra gì. Thì đúng vậy, con ếch ngồi đáy giếng, bầu trời chỉ to bằng cái vung thôi.
Nói gì thì nói, khát vọng vĩ đại đó là rất đẹp đẽ, chỉ có điều người cộng sản luôn làm ngược lại những điều họ muốn. Lý luận và thực tế luôn trái nhau. Họ muốn hòa bình thế giới nhưng cứ chỗ nào có cộng sản là có chiến tranh. Cuộc thâu tóm và phân rã Liên bang Xô viết, sự đối địch Đông và Tây Đức, Bắc và Nam Việt Nam, Bắc và Nam Triều Tiên, cách mạng văn hóa tàn bạo ở Trung Quốc, rồi nội chiến Etiopia, Afganistan, Nicaragua, Mozambique, Angola, Congo… với xung đột, chém giết đủ để chứng minh rằng đi liền với cộng sản là chiến tranh chứ không phải hòa bình. Có lẽ cái câu nói mà người đời bảo là của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chính thể Việt Nam cộng hòa rất đúng trong trường hợp này (và đúng trong rất nhiều lĩnh vực, vấn đề khác).
Một khát vọng vĩ đại, có đôi khi cũng đem lại thảm họa vĩ đại. Thật tiếc cho con người.
Nguyễn Thông
(Bài tiếp theo: Sự kiêu ngạo cộng sản)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét