Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Hồ sơ bịa đặt lịch sử tại Thái Bình- Bài 3: NHÀ VĂN LÊN TIẾNG


Nhà văn Hoàng Quốc Hải (bên trái) trong một cuộc mạn đàm đầu xuân 
với nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện. Ảnh: Trần Ngọc Kha.

Nguyên văn thư phỏng vấn nhà văn Hoàng Quốc Hải 
của nhà báo Kiều Mai Sơn - Phóng viên báo Nông nghiệp. 
(Kính gửi nhà văn Hoàng Quốc Hải

Thưa bác, báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện chùm bài: Hoằng Nghị đại vương có phải là bố đẻ Thái sư Trần Thủ Độ ?

Bác là nhà văn chuyên viết về triều Trần. Nay cháu xin phép được có một số câu hỏi mong được bác giải đáp giúp cho về bố đẻ Thái sư Trần Thủ Độ và Hoằng Nghị đại vương).

 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: 


Trước hết, tôi hoan nghênh sự tham gia thảo luận của báo ta về các vấn đề lịch sử và nhân vật lịch sử. Điều đó không chỉ làm rộng đường dư luận mà còn giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận với lịch sử dân tộc, nhằm mục đích nâng cao dân trí, qua đó bồi bổ thêm lòng yêu nước. Người yêu nước, không thể không biết rõ lịch sử nước mình. Cụ Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta”. Còn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong nhật ký viết trước 1945, ông đã ghi: “Người không biết lịch sử nước mình, chẳng khác một con trâu đi cày, nó cày bất cứ thửa ruộng nào với bất cứ ông chủ nào cũng vậy thôi”.

Ước sao các báo cùng tham gia thảo luận rộng rãi về nhiều vấn đề trong lịch sử nước nhà, cũng là điều giúp con cháu chúng ta có thêm kiến thức lịch sử và yêu môn lịch sử hơn.

Phần trả lời câu hỏi.

Câu hỏi 1: Thưa ông, trong chính sử/ quốc sử viết về bố đẻ Trần Thủ Độ như thế nào? Tuổi thơ của Trần Thủ Độ ra sao? 


Nhà văn Hoàng Quốc Hải: 

Khi viết bộ TTLS “ Bão táp triều Trần” gồm 6 tập, 3200 trang, đặc biệt tập đầu, với nhân vật chủ chốt – Người sáng lập vương triều Trần là Trần Thủ Độ. Vì vậy, tôi mất khá nhiều thì giờ để tìm hiểu tận ngóc ngách của nhân vật này. Trước hết là qua các bộ sử lớn như: “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sỹ Liên chủ biên, nhưng cốt của nó vẫn lấy từ bộ “ Đại Việt sử ký” do Lê Văn Hưu soạn từ thời nhà Trần. Tiếp đó là bộ “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quan triều Nguyễn. Kế đó là các bộ sử do học giả các đời soạn như Đại Việt sử lược (khuyết danh); An Nam chí lược của Lê Tắc; Đại Việt thông sử và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng; Sử ta so với sử Tầu của Nguyễn Văn Tố; Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim; Đại Việt sử ký tiền biên và Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sỹ; Lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi; Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú vv… 

Tất cả các bộ sử trên chỉ cho ta biết Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ ở với bác là Trần Lý, được Trần Lý nuôi dạy với các con ông. Trần Thủ Độ theo người anh họ là Trần Tự Khánh ( con Trần Lý) đi đánh dẹp các đầu mục, qua đó tài năng nảy nở. Khi Trần Tự Khánh mất, Trần Thủ Độ thâu tóm quyền lực, làm nảy sinh vương triều Trần. 

Ông kèm cặp và vực người cháu là Trần Cảnh ( con Trần Thừa) 8 tuổi ở ngôi vua, cho tới khi Trần Cảnh trưởng thành và tự mình điều khiển công việc đất nước. Trần Thủ Độ không chỉ có công với nhà Trần mà là người yêu nước chân chính, người liêm khiết và gương mẫu trong việc hành pháp. Tuy nhiên, ông chịu sự bất công khá lớn, sử gia các đời đều lớn tiếng mạt sát và nguyền rủa ông là đồ chó lợn. 

Một nhân vật lịch sử có chiều kích lớn rộng như vậy, tôi hoàn toàn muốn ông có một lý lịch hoàn chỉnh. Song điều đó bất lực, bởi các bộ sử không hề hé lộ cho ta một tia nhỏ nào về cha mẹ và anh chị em ruột của ông, kể cả tuổi thơ của ông lịch sử cũng khép kín. 

Tôi đi điền dã nhiều lần, về nhiều địa bàn quanh Thái Bình, Nam Định, mở rộng tới cả Hải Dương, chỉ biết thêm: “Trần Thủ Độ mồ côi cha khoảng từ 4 đến 5 tuổi. Cha chết đầu năm, cuối năm mẹ cũng chết theo cha”. Tuy vậy thông tin này không thể kiểm chứng, nên tôi không sử dụng trong tiểu thuyết; mặc dù hư cấu là thuộc tính của tiểu thuyết, kể cả tiểu thuyết lịch sử cũng không có ngoại lệ. 

Tóm lại, cho đến tận hôm nay cũng chưa hề có một thông tin nào khả tín về cha mẹ của vị Thái sư thống quốc Trần Thủ Độ, cũng như tuổi thơ của ông vậy. 

Câu hỏi 2: Những năm gần đây PGS.TS Nguyễn Minh Tường ( Viện Sử học ) trong quá trình nghiên cứu điền dã ở địa phương đã phát hiện ra Hoằng Nghị đại vương là bố đẻ Trần Thủ Độ. Ông có biết thông tin này không? Ông đánh giá về phát hiện này ra sao? 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: 

Trước đây tôi cũng nghe nói có một vị thần biển, dân quanh vùng Hải ấp thường thờ. Thật ra các vùng ven biển dân vẫn thờ thần Long Hải. 

Thấy dân tâu báo, thần thường hộ trì, cầu gì được nấy, nên các triều đại phong kiến, nhà vua ban thêm các mỹ danh “Đại vương” hoặc thêm các phụ danh như “Thượng đẳng thần” hoặc “Thượng đẳng tối linh thần” đó là tín ngưỡng dân gian. 

Về quan điểm của nhà sử học Nguyễn Minh Tường, lần đầu tiên tôi nghe ông trình bầy tham luận tại hội thảo ở Hà Nội về một vị gọi là Hoằng Nghị Đại vương, cha đẻ của Trần Thủ Độ, sau ông bổ sung thêm in thành sách, tôi có được đọc. 

Tôi ao ước những điều ông Nguyễn Minh Tường, tường giải về cụ Hoằng Nghị là sự thật, nhưng để những điều giả định đó trở thành sự thật lịch sử lại là một việc khác. Điều này các nhà làm sử hiểu hơn ai hết. 

Theo tôi, khi khẳng định những vấn đề thuộc về lịch sử mà thiếu cơ sở khoa học, chỉ làm cho lịch sử rối thêm. 

Tại hội thảo năm ấy, tôi còn được nghe ông Đặng Hùng một nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tự phát trình bày tham luận về một vị thiên thần, dân vùng Hải ấp thờ làm Thành hoàng, có thần phả, thần tích cũng là Hoằng Nghị đại vương. Lập luận của ông Đặng Hùng, tôi thấy có phần thuyết phục, vì nó có cơ sở để xác tín. Không biết sau này ông Hùng có đi sâu thêm, tôi không có điều kiện theo dõi. 

Câu 3: Theo ông, việc HKHLS Việt Nam , Viện Sử học và các cơ quan nghiên cứu khác cũng như các nhà nghiên cứu dựa trên tư liệu không đủ cơ sở khoa học để tổ chức hội thảo tuyên truyền, in sách, quảng bá về Trần Hoằng Nghị- Hoằng Nghị đại vương sẽ có tác động như thế nào với xã hội? 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: 

Theo tôi, những vấn đề lịch sử chưa rõ ràng thì chưa nên khẳng định. Nếu không, sẽ làm khó khăn không chỉ cho đương thời mà còn di họa tới cả hậu thế. 

Do đó, hễ là người cầm bút có lương tri, phải xét những điều mình viết ra có lợi hoặc có hại cho nhân dân mình, đất nước mình. Và phải cân nhắc những gì nên viết, những gì không nên viết. Ấy là tôi nói những người cầm bút nói chung, riêng giới sử học tưởng còn phải thận trọng hơn cả trăm lần so với các giới khác vẫn chưa là đủ. 

Tôi xin nêu, chỉ một sai sót nhỏ của Bùi Huy Bích (1744 – 1818) khi ông làm “Hoàng Việt thi tuyển”, chọn được 562 bài thơ tiêu biểu của 167 tác giả, trong đó có bài “ Phóng cuồng ca”, đúng ra là của Trần Tung tức Tuệ Trung Thượng sỹ, anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhưng ông lại ghi nhầm tác giả là Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Trần Hưng Đạo. 

Sự nhầm lẫn ấy, đã khiến các soạn giả và bình giả các đời cũng lầm lẫn theo. Việc sai lầm này kéo dài từ cuối thế kỷ 18 đến nửa cuối thế kỷ 20, khi thiền sư Thích Nhất Hạnh soạn “Việt Nam phật giáo sử luận” mới chính thức cải chính, và trả “Phóng cuồng ca” về cho Tuệ Trung Thượng sỹ. Sự thực, Trần Quốc Tảng không làm thơ, và ông chẳng có bài thơ nào lưu hậu thế. 

Một lầm lẫn lịch sử nữa là vào khoảng tháng 4 năm 2010, Tạp chí Hồn Việt có đăng bản dịch gia phả nhà họ Lưu ở xã Lưu Xá huyện Hưng Hà Thái Bình. Trong đó nói anh em cụ Lưu Đàm, Lưu Điểu là người giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Cũng tư liệu này cho biết Lưu Đàm từng ra uy, giơ gươm chém bay một góc chiếc bàn gỗ lim, ngầm răn những kẻ nào có ý chống lại Lý Công Uẩn. Rồi Lưu Đàm hiến kế dời đô từ Hoa Lư về La Thành sau là Thăng Long, kể cả việc viết chiếu vv… 

Thế là có một người đứng ra làm ngay một bộ phim tài liệu theo nội dung trên. Và bây giờ không chỉ con cháu nhà họ Lưu ở Lưu Xá, mà cả tỉnh Thái Bình và hơn thế nữa đều đinh ninh rằng, “Lưu Đàm, Lưu Điểu” là đạo diễn chính trong việc phò Lý Công Uẩn lên ngôi. 

(Việc gia phả, tộc phả các gia đình và dòng họ chép thế nào là tùy thuộc họ, không ai có quyền can thiệp. Các nhà làm sử, viết sách có thể tham khảo rất có ích. Nhưng gia phả, tộc phả chưa phải là lịch sử, càng không phải là lịch sử dân tộc.) 

Sự thực trên lại không phải vậy, thời đại nhà Lý, quả có một Thái úy Lưu Khánh Đàm, nhưng 116 năm sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, ông này mới xuất hiện. Ấy là khi Lý Nhân Tông gọi ông vào nhận di chiếu. 

Tháng 12 năm Bính ngọ (1126), Đại Việt sử ký toàn thư tờ 356 tập 1 NXB Văn hóa TT ( in năm 2014 ) chép: “Vua không khỏe, gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận chiếu rằng…” . 

Sự nhầm lẫn lịch sử mang tính ngộ nhận này nguy hiểm hơn nhiều so với trường hợp Bùi Huy Bích với “Phóng cuồng ca”. 

Ấy thế mà cho tới nay vẫn không có một ai đứng ra nhận lỗi, không một học giả hoặc cơ quan chuyên trách nào đứng ra phủ chính. 

Sự coi thường công chúng và khinh nhờn lịch sử tưởng đến thế là cùng

Hoàng Quốc Hải 
(Ngày 21 tháng 3 năm 2017)
-----------------
*Toàn bộ Nội dung trên, do Nhà văn Hoàng Quốc Hải gửi Tễu Blog
**Bài đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam:
http://m.nongnghiep.vn/khinh-nhon-lich-su-den-the-la-cung-post189816.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: