Tuổi trẻ
22/03/2017 19:29 GMT+7
22/03/2017 19:29 GMT+7
TTO - Vì chưa nhận được kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nên từ tháng 3-2017, Hội nhà văn Việt Nam quyết định dừng phát báo, tạp chí miễn phí cho hội viên.
Trò chuyện với PV Tuổi Trẻ chiều ngày 22-3, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết: “Năm nay, kinh phí hỗ trợ sáng tạo của Nhà nước chưa rót về cho Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (trong đó có Hội nhà văn Việt Nam) nên Hội nhà văn Việt Nam tạm thời không còn nguồn kinh phí để mua sách, báo phát miễn phí cho hội viên như trước đây. Khi nào Hội có tiền sẽ mua và phát trở lại cho các hội viên”.
Các ấn phẩm trước đây Hội nhà văn mua để phát miễn phí cho hội viên, nay phải dừng lại bao gồm: Tuần báo Văn nghệ (10.000 đồng/tờ), Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (60.000 đồng/ấn phẩm),Tạp chí Thơ (28.000 đồng/ấn phẩm) và Hồn Việt.
Mỗi số báo phát hành, Hội nhà văn mua 1000 tờ để phát cho hội viên và mỗi năm Hội tốn khá nhiều tiền mua báo, theo ông Hữu Thỉnh. Theo tính toán của nhà văn Khuất Quang Thuỵ - Tổng biên tập báo Văn nghệ, mỗi năm Hội nhà văn Việt Nam bỏ ra hơn 400 triệu đồng để mua báo Văn nghệ.
“Mua báo, tạp chí phát miễn phí cho hội viên là cách để khuyến khích hội viên sáng tạo. Các hội viên ở thành phố thì có thể mua báo dễ dàng nhưng các hội viên ở vùng sâu, vùng xa thì mua báo rất khó khăn, nên từ lâu nay Hội đứng ra mua để phát cho các hội viên” - ông Hữu Thỉnh giải thích.
Ông cũng nói thêm, số tiền mua báo mà Hội nhà văn còn nợ báo Văn nghệ đến nay đã được trả hết.
Trước thông tin này, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: “Hội nhà văn Việt Nam dừng cấp phát 4 ấn phẩm cho hội viên thể hiện phần nào sự khó khăn về kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, tôi tin chắc không ít hội viên sẽ cảm thấy hụt hẫng, đặc biệt là các hội viên cao tuổi. Như tôi biết, có những nhà văn gạo cội, ngoài 80 mà sức đọc, sức viết vẫn bền bỉ, nghiêm túc như nhà văn Ma Văn Kháng thì sức khỏe ông đã yếu, không phải lúc nào cũng đi mua báo hay nhờ người mua báo được. Trong khi các ấn phẩm này gần như là sợi dây duy nhất kết nối hội viên cao tuổi như ông với đời sống văn học nghệ thuật đương đại”.
V.V. Tuân
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét