Nhà thơ Vũ Quần Phương vừa xuất bản tập thơ mới "Phía ngoài kia là rừng". Tập thơ 40 bài, với nhiều suy nghĩ và chiêm nghiêm.
Xin giới thiệu bài "Thuở cỏ đang xuân" tôi viết về nhà thơ Vũ Quần Phương. Bài đã in trên báo Văn Nghệ, số tết năm trước.
Xin giới thiệu bài "Thuở cỏ đang xuân" tôi viết về nhà thơ Vũ Quần Phương. Bài đã in trên báo Văn Nghệ, số tết năm trước.
THUỞ CỎ ĐANG XUÂN
Vũ Từ Trang
Vũ Từ Trang
Đã gần năm mươi năm, khi thời trai trẻ, Vũ Quần Phương từng viết “Chống cằm trên bãi cỏ/Ngực áp giữa màu xanh/Tôi nằm nghe xung quanh/Nắng bay mùi đất mới/Trời trưa lên trong veo/Nước chảy ngoài sông cái/Gió vườn như trẻ dại/Cây cành như biết reo…” Đấy là thời tâm hồn thơ thới, niềm tin yêu tràn đầy, câu thơ ào ạt, tuy vậy, đã ẩn chứa nhiều nghĩ suy. Những câu thơ trăn trở chợt hiện “Những gì ta thương yêu/Sau bờ tre kia nhỉ”, để rồi “Tôi nằm nghe thương yêu/Nghĩ về xa tít tắp”.
Trong một bài thơ trước đó, “Phăng-xi-păng ta lên đến đỉnh” ông có những liên tưởng thú vị:
Tưởng bắt gặp những tầng mây nguyên thủy
Vạn năm còn ngơ ngẩn giữa không trung.
Câu thơ hay trong bài, mà bạn bè viết thường nhắc “Lá ải bay mùi men cổ sơ”, thì thấy ngoài khả năng quan sát tinh tế ở bề mặt, nó còn ẩn chứa cái bề sâu nghĩ ngợi của nhà thơ. Cũng bài viết về cỏ, trong tập “Những điều cùng đến”, tập thơ thứ ba của ông, sau mười năm, cảm xúc không còn hồn nhiên nữa. Tôi thấy cỏ được trồng vào chỗ cỏ (Cỏ trên hè phố), dường như ông sớm tin vào sự sắp đặt các giá trị trong xã hội. Ông là người có cách nói khéo trong thơ. Ngay nửa tập thơ đầu trình làng cùng Văn Thảo Nguyên (tập Cỏ mùa xuân), ông đã có những câu thơ phơi ra cái khéo, cái tinh tế. Khói đặc bay trong mùi lá ướt là câu thơ hay. Bình thường, người ta chỉ viết “Khói đặc bay trong vườn lá ướt”, với ông, lại thấy khói bay trong mùi lá ướt. Câu thơ được cấu thành từ hai chiều: thị giác và khứu giác. Câu thơ lập thể, ra đời từ sự tinh tế và tài hoa của tác giả.
Ở một bài thơ ngắn “Thơ tặng làng Quần Phương”, thay một lời chia sẻ, giãi bày:
Tên Quần Phương, thân tha phương
Tôi lấy tên quê làm độ đường
Sáu tuổi tiễn cha về với đất
Nấm mộ bên đường hóa cố hương.
Bài thơ neo vào tâm trí người đọc. Không phải vì dung lượng ngắn, mà cái chính, là bởi giọng nói chân tình, đắng đót của số phận. Quê cha, Quần Phương, Nam Định. Quê mẹ, làng Canh, Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Gia cảnh éo le, cha mất sớm, khi ông sáu tuổi. Rồi từ đấy, số phận đưa đẩy ông lưu lạc đó đây. Tổng Quần Phương, thuộc huyện Hải Hậu, vùng đất trù phú của Nam Định. Cách đây hơn chục năm, tôi có dịp cùng mấy anh em văn chương được ông đưa về thăm quê. Đấy là chiều mưa xuân tầm tã. Tới bến sông Ninh Cơ, bên chiếc cầu đá cũ càng, mưa càng nặng hạt. Ai nấy phải giơ tay vuốt mặt mới nhìn rõ làng xóm. Chả biết có phải mưa lạnh, hay vì cảm xúc quê hương ùa về, mà ông đứng lặng bên sông khá lâu. Ông chỉ cho chúng tôi con đường đất dẫn về làng. Làng xóm, một vệt xanh mờ đặc, lom đom bếp lửa chiều, gợi sự cô quạnh nhiều hơn là sự bình yên.
Sau này, tôi có đọc mấy đoạn hồi ức về quê mà ông in trên một tạp chí, làm tôi càng nhớ cảm giác buồn chiều mưa quê ông mùa xuân năm ấy. Khi đến độ có tuổi, hầu hết kỷ niệm về quê, ai nấy đều đẫm buồn. Tôi hình dung khi ông tám tuổi, lẫm chẫm đội cái nồi đồng từ làng qua sông, để bán cho người nhà lấy tiền hai bà cháu sinh sống. Cái nồi to và nặng, đội sùm sụp trên đầu. Cậu bé tám tuổi gày yếu, hễ muốn nhìn rõ đưởng đi, lại phải dùng hai tay nâng lên khỏi tầm mắt. Cậu bé mồ côi cha ở với bà nội. Bà nội nửa năm chịu hai đại tang, con chết và chồng chết, sống ngây ngây dại dại. Chiến tranh vẫn liên miên. Tuổi thơ trong cảnh nghèo đói và côi cút. Từ sáu tuổi đến chin tuổi, xa mẹ xa em. Chỉ được một năm sống cùng mẹ và em ở làng Yên Phụ, Hà Nội. Rồi năm mười tuổi, lại xa mẹ, về ở trọ phố Tức Mạc, gần ga Hàng Cỏ để đi học. Có đận, ông phải vào nương nhờ cửa Phật, chùa Thái Cam, phố Hàng Gà. Tuổi thơ vất vả, nó ảnh hưởng rất nhiều đến cách cảm, cách nghĩ trong đời sống và trong những câu thơ ông viết ra sau này.
Việc ông vào học trường y, có phần cũng xuất phát từ cảnh ngộ tuổi thơ lầm lũi của mình. Trong nhà, đã trải qua nhiều cuộc tiễn đưa người chết trẻ vì bệnh tật. Ông muốn vào trường thuốc, trường y để học cách chữa bệnh cứu người. Ấy nhưng với tuổi thơ lầm lũi và côi cút, văn học hình như có sức mạnh cứu rỗi lớn hơn. Hai người thầy dạy phổ thông, có ảnh hưởng nhiều tới chí hướng của ông, rồi gắn cả đời mình vào con đường văn chương, là thầy Hoài Việt, thầy Nguyễn Xuân Huy. Những bài thơ ban đầu, được anh em còn nhắc đến nhiều, như “Trên đài quan trắc khí tượng”, “Phăng-xi-păng ta lên đến đỉnh”, là thời Vũ Quần Phương còn là sinh viên trường Đại học y.
Có câu thơ trong bài thơ thưở đầu đó, đã ám, đã vận vào đời ông “Ta tính đất trời ta định đời ta”. Ra trường, được về công tác ở Bộ y tế, nếu tiến thân theo con đường công chức, thì đó là thuận lợi lớn. Nhưng khốn nỗi, trái tim luôn ào ạt những cảm xúc về cảnh đời, phận người, nên ông dần dồn chí hướng cho con đường thi ca. Những bài thơ đầu ông công bố trên báo chí, được anh em viết tại Hà Nội nhiệt liệt cổ xúy. Với con mắt tinh đời, nhà thơ Chế Lan Viên nhìn nhận cây bút trẻ này có nhiều triển vọng và sẽ có vị trí xứng đáng trong văn đàn. Ông tận tình chia sẻ, góp ý và gợi ý chuyển nhà thơ-bác sỹ về làm việc tại Hội nhà văn. Đấy là năm 1969. Nhưng hai năm sau, ông mới chuyển về Đài tiếng nói Việt Nam, làm việc ở chương trình tiếng thơ. Gắn bó với chương trình tiếng thơ ở Đài mười hai năm, ông cùng đồng nghiệp cải tiến chương trình ngâm thơ, bình thơ, thu hút được đông đảo thính giả. Rồi ông lại chuyển sang công tác tại Nhà xuất bản Văn học, cùng anh em làm những bộ sách tuyển tập văn học giá trị. Rồi ông lại chuyển về làm chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, làm tổng biên tập tờ báo Người Hà Nội. Ông từng là chủ tịch hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam. Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội, khóa 9.
*
* *
Trong “Tuyển tập thơ Vũ Quần Phương”, NXB Hội nhà văn, 2012, có bài thơ “Cửa bể” tuy chỉ hai dòng, nhưng lại chứa chất nhiều suy tư, nghĩ ngợi.
Đến đây gần biển xa nguồn
Con sông chảy chậm, nỗi buồn tan lâu.
Bài thơ viết năm 1980, khi ông bốn mươi tuổi, cái tuổi nhi bất hoặc. Tôi dám chắc, nếu thời còn trai trẻ, hẳn chưa viết được bài này. Bài thơ cấu tứ giản dị, hình tượng không có gì đặc biệt, ấy vậy, nó lại ám ảnh người đọc. Nhất là người đọc đã trải qua nhiều dâu bể. Chỉ một câu sáu và một câu tám chữ, mà nó gói trọn bao nỗi niềm trần thế. Nếu người xưa thường lấy hình tượng cửa bể để gắn với chiều hôm, thì ở đây, nhà thơ không giới hạn thời gian cụ thể. Có thể là ban sớm, có thể là chiều hôm. Sự đời vốn liên tục hợp tan. Cuộc chia ly dùng dằng giữa sông và bể, hay giữa hai con người? Lẽ đời hợp tan là muôn thưở, mà cớ sao sông chảy chậm lại? Cái nhoi nhói ở đây, là nỗi buồn tan lâu. Giá sông cứ cuồn cuộn, ào ạt cuốn đi, thì có khi lại đỡ nặng lòng người. Thơ viết về cái cụ thể, để nói về cái không cụ thể, nó là thế mạnh của nhà thơ Vũ Quần Phương.
Là một nhà thơ trưởng thành trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay từ khi mới xuất hiện, Vũ Quần Phương đã khẳng định vị thế thơ ca của mình. Những khuôn mặt thơ hàng đầu của thế hệ này tại Hà Nội, có Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và Vũ Quần Phương. Ngay ngày đó, thơ của họ đã định hình phong cách. Đó là: Bằng Việt nặng chất suy tư, Lưu Quang Vũ đắm say, Xuân Quỳnh da diết, Vũ Quần Phương nhiều chiêm nghiệm. Ngay khi mới xuất hiện, thơ Vũ Quần Phương đã đạt độ tinh, độ kỹ, có lúc tới mức tỉa tót. Trong mỗi bài thơ, không có câu non lép. Thơ ông thường quan tâm đến đề tài thời gian, nhất là những năm gần đây, có phải ông tiếc một thuở cỏ còn xuân? Thơ viết về quê hương, gia đình, ông có những cảm xúc trĩu nặng. Ông là người có ý thức lao động cật lực trên cánh đồng thi ca của mình. Tính thời vụ, gối vụ như được hòa quyện và tạo ra những mùa màng liên tục. Hành trình vươn tới cái đích của thi ca, luôn thấy sự vận động, không đứt đoạn ở ông. Là người cầm bút chuyên nghiệp, ông luôn chú ý học hỏi và lao động kỳ khu trên từng con chữ của mình.
Nhận định về thơ ca cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20- giai đoạn vàng của thi ca Nga, với tên tuổi các thi sỹ chói lọi, có nhà phê bình văn học đã xếp loại: Mai-a thơ của công nghiệp, Pa-stéc-nắck thơ của thành phố, Bơ-lốck thơ của ngoại ô và Ê-xê-nhin thơ của đồng quê. Mượn cách đánh giá, xếp loại này, có thể tạm phân: Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, thơ của thị thành. Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, thơ của ngoại ô. Ấy là cách xếp loại theo mỹ cảm sáng tạo của mỗi tác giả, nó chỉ có ý nghĩa tương đối.
Lao động sáng tạo, là sự phấn đấu tột cùng của mỗi người nghệ sỹ. Vũ Quần Phương là người luôn có ý thức vươn lên với chính mình, làm mới mình. Những năm đầu đổi mới của thập kỷ tám mươi, thế kỷ trước, anh em viết lách ở Hà Nội có chuyền tay nhau đọc bài thơ nói về sự đổi gác của nhà thơ Việt Phương. Tôi còn nhớ đại khái, nhà thơ viết rằng, đã tới kỳ đổi gác, mọi người hãy cố lên, một sự đổi mới bắt đầu. Thơ như một dự báo. Năm ấy, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho in bài thơ “Cầu đã qua sông”. Có thể lấy từ cảm hứng một cây cầu lớn mới bắc qua sông Hồng, nhưng cái điệp ngữ “cầu đã qua sông” ám ảnh tôi và cho tôi liên tưởng tới một thời kỳ mới mẻ. Háo hức khen, nhưng khi bình tĩnh đọc lại, như thấy bài thơ chưa nói kịp những gì mình chờ đợi. Ở những tập thơ sau của ông, có nhiều bài đã nói rõ hơn điều ông muốn nói. Ví như, bài “Tịnh khẩu” và “Thôi kệ”…
Thôi và kệ. Kệ rồi thôi. Thôi kệ!
Sống đã là thôi kệ trăm năm
Cái tặc lưỡi cho thắng thua, còn mất…
Rồi:
Thôi kệ gió. Thôi kệ mưa. Mưa gió!
Đi trong mưa thì ta vẫn ngoài mưa
Đứng trước gió nhưng lòng ta đã gió
Gió ngoài kia đâu biết gió trong này
Ta đã sống cái thời không dễ sống
Những câu thơ không cần tỉa tót, nhưng lại đến trực diện với người đọc. Vì nó là suy nghĩ, là thái độ của nhà thơ. Nhân nói điều này, tôi thấy ở thơ Bằng Việt có nhiều bài, nhiều tập thơ phơi rõ thái độ của ông. Đó là thái độ “Ném câu thơ vào gió” và “Nheo mắt nhìn thế giới”. Thời nào chả vậy, cuộc sống luôn cần con người có thái độ. Ném câu thơ vào gió, có gì sự cả quyết dấn thân và cóc cần. Còn Nheo mắt nhìn thế giới có chút gì đấy khinh khi, coi nhẹ. Ở nhà thơ Vũ Quần Phương, ít thấy thái độ trực diện, mà nó như được dấu sau những câu thơ vân vi tâm trạng. Nhân viết về hoa phượng, ông đã thốt lên Yêu được hết lòng yêu không phải dễ. Nói về ngã ba đường đời, ông như muốn kêu lên Một ngày xa nữa là qua một đời. Xem ra đời người ai cũng phải gặp nhiều ngã ba lựa chọn. Có một nhà thơ nữ, viết “Ra khỏi nhà, em đã gặp ngã ba”. Hình như trong tình yêu, phụ nữ thường quyết đáp mạnh mẽ và dứt khoát hơn nam giới. Đường dang hai ngả tay chia một đời. Ông viết như thế, rõ là có sự chùng chình, do dự rồi. Thơ ông hay, khi viết về sự vân vi. Nhân nói về làng vườn Thuận Vi, ông thành thật Chưa bước xa cây đã nhớ người. Trong bài thơ “Tình yêu, dòng sông”, ông thắc thỏm lo: Em yêu anh có yêu được như sông? Trong bài thơ “Sóng và gió”, ông tự thú Lúc nguội hết nỗi đau/Là lúc đau lắm chứ. Bình tâm đọc lại thơ Vũ Quần Phương, thấy thơ ông thường buồn. Có lúc thẫm buồn. Ngay khi viết về gia đình đoàn tụ nhân ngày tết, cái tết ở xa tổ quốc Nhà ta đón tết với riêng mình/Một năm gom lại bao thương nhớ/Một đời đồng bãi, lũy tre xanh/Ừ vui, vui chứ! vui cay mắt…Với tâm hồn đa cảm như thế, thơ ông thường chùng chình, thiếu thái độ dứt khoát. Hình như các nhà thơ có chung nỗi niềm như vậy. Chả thế, trong một bài thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Duy từng thốt lên “Tôi vốn không rành mạch bao giờ!”
Kế cận, học tập được nhiều kinh nghiệm của lớp nhà thơ đi trước, như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…Vũ Quần Phương cũng dành phần tâm huyết đáng kể cho việc viết nghiên cứu, phê bình thơ và đi nói chuyện thơ. Ông là người thẩm thơ tinh, biết gọi ra hồn cốt của mỗi tác giả. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu từng nói rằng, phê bình là đi che lọng cho thiên hạ, vậy hãy chọn mặt mà che. Vì thế, Xuân Diệu dồn tâm lực viết về các nhà thơ cổ điển. Nhà thơ trẻ duy nhất mà ông viết, mà viết rất kỹ, là Trần Đăng Khoa. Còn ở Vũ Quần Phương, ông lại viết về nhiều người, nhiều thế hệ. Có người mới chập chững bước vào con đường thơ ca, thấy có nét được, ông cũng viết cổ xúy. Tôi nghĩ ông viết vì sự yêu quý, cũng có khi vì sự cả nể. Nhưng có kẻ lại sinh nghi ngờ ông vì cái nhiệt tình này. Văn chương thời buổi bây giờ cũng đến lắm chiều. Tuy nhiên, tập “Bình thơ”, NXB Dân Trí, 2012 và “Bóng mát dọc đường xa”, NXB Hội Nhà Văn, 2014, là hai tập có nhiều bài phê bình xuất sắc của ông. Ông đã từng đi nói chuyện thơ tới gần hai ngàn buổi. Ông là người có cách nói thông minh, hóm hỉnh, đôi khi biết cù vào cảm thụ của người nghe, nên nhiều nơi mời chào ông đến nói chuyện. Thấy ông tất bật đi tỉnh Bắc tỉnh Nam nói chuyện thơ, có người đùa ông: có phải sợ mọi người quên mình, mà đi nói chuyện nhiều thế?!
Thời trước, cả tuổi thơ sống trong cảnh đói nghèo, cô đơn. Thời nay, khi về già, ông được sống trong niềm hạnh phúc của gia đình con cái thành đạt. Đời sống vật chất, so với anh em trong giới văn chương, ông là người đầy đủ. Nhưng ông vẫn giữ cái nếp sống căn cơ, tiết kiệm thưở nào. Tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm thời gian. Có người bảo ông, tội gì sống thế. Tôi thì cho là không phải vậy. Ông muốn dành cho sự sống hữu ích. Có cảm thông với cảnh cậu bé tám tuổi phải đội cái nồi đồng to úp chụp trên đầu đi bán, để có tiền sinh sống, có thấu hiểu cảnh ngộ côi cút bên bến sông quê mờ mịt mưa gió ngóng mẹ, mới hiểu lề lối sống của ông bây giờ. Mừng thay, trái tim thi sỹ của ông vẫn đập rộn lên nhịp tươi trẻ. Trong bài “Thơ vui mùa lễ hội”, đầy chất u-mua, ông viết: “Bốn nghìn năm mấy gian nan/ Mồ hôi thấm đất máu loang cõi bờ/ Đất cha ông ấy bây giờ/ Trống giong cờ mở ngồi chờ…liên hoan. Để rồi,”Trách trời ăn ở đa đoan/Kẻ mưu nuốt đất, người toan bán trời”.Một thực tế cần suy nghĩ: “Cháu con văn hiến rạng ngời/Chân đi Giao chỉ, miệng mời đầu tư/Tình tình…nước cũ non xưa…”
Đọc bài thơ vui này, mà tôi chợt gặp nỗi buồn se sắt. Gặp nỗi niềm canh cánh của người cầm bút từng trải và có trách nhiệm.
Trong một bài thơ trước đó, “Phăng-xi-păng ta lên đến đỉnh” ông có những liên tưởng thú vị:
Tưởng bắt gặp những tầng mây nguyên thủy
Vạn năm còn ngơ ngẩn giữa không trung.
Câu thơ hay trong bài, mà bạn bè viết thường nhắc “Lá ải bay mùi men cổ sơ”, thì thấy ngoài khả năng quan sát tinh tế ở bề mặt, nó còn ẩn chứa cái bề sâu nghĩ ngợi của nhà thơ. Cũng bài viết về cỏ, trong tập “Những điều cùng đến”, tập thơ thứ ba của ông, sau mười năm, cảm xúc không còn hồn nhiên nữa. Tôi thấy cỏ được trồng vào chỗ cỏ (Cỏ trên hè phố), dường như ông sớm tin vào sự sắp đặt các giá trị trong xã hội. Ông là người có cách nói khéo trong thơ. Ngay nửa tập thơ đầu trình làng cùng Văn Thảo Nguyên (tập Cỏ mùa xuân), ông đã có những câu thơ phơi ra cái khéo, cái tinh tế. Khói đặc bay trong mùi lá ướt là câu thơ hay. Bình thường, người ta chỉ viết “Khói đặc bay trong vườn lá ướt”, với ông, lại thấy khói bay trong mùi lá ướt. Câu thơ được cấu thành từ hai chiều: thị giác và khứu giác. Câu thơ lập thể, ra đời từ sự tinh tế và tài hoa của tác giả.
Ở một bài thơ ngắn “Thơ tặng làng Quần Phương”, thay một lời chia sẻ, giãi bày:
Tên Quần Phương, thân tha phương
Tôi lấy tên quê làm độ đường
Sáu tuổi tiễn cha về với đất
Nấm mộ bên đường hóa cố hương.
Bài thơ neo vào tâm trí người đọc. Không phải vì dung lượng ngắn, mà cái chính, là bởi giọng nói chân tình, đắng đót của số phận. Quê cha, Quần Phương, Nam Định. Quê mẹ, làng Canh, Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Gia cảnh éo le, cha mất sớm, khi ông sáu tuổi. Rồi từ đấy, số phận đưa đẩy ông lưu lạc đó đây. Tổng Quần Phương, thuộc huyện Hải Hậu, vùng đất trù phú của Nam Định. Cách đây hơn chục năm, tôi có dịp cùng mấy anh em văn chương được ông đưa về thăm quê. Đấy là chiều mưa xuân tầm tã. Tới bến sông Ninh Cơ, bên chiếc cầu đá cũ càng, mưa càng nặng hạt. Ai nấy phải giơ tay vuốt mặt mới nhìn rõ làng xóm. Chả biết có phải mưa lạnh, hay vì cảm xúc quê hương ùa về, mà ông đứng lặng bên sông khá lâu. Ông chỉ cho chúng tôi con đường đất dẫn về làng. Làng xóm, một vệt xanh mờ đặc, lom đom bếp lửa chiều, gợi sự cô quạnh nhiều hơn là sự bình yên.
Sau này, tôi có đọc mấy đoạn hồi ức về quê mà ông in trên một tạp chí, làm tôi càng nhớ cảm giác buồn chiều mưa quê ông mùa xuân năm ấy. Khi đến độ có tuổi, hầu hết kỷ niệm về quê, ai nấy đều đẫm buồn. Tôi hình dung khi ông tám tuổi, lẫm chẫm đội cái nồi đồng từ làng qua sông, để bán cho người nhà lấy tiền hai bà cháu sinh sống. Cái nồi to và nặng, đội sùm sụp trên đầu. Cậu bé tám tuổi gày yếu, hễ muốn nhìn rõ đưởng đi, lại phải dùng hai tay nâng lên khỏi tầm mắt. Cậu bé mồ côi cha ở với bà nội. Bà nội nửa năm chịu hai đại tang, con chết và chồng chết, sống ngây ngây dại dại. Chiến tranh vẫn liên miên. Tuổi thơ trong cảnh nghèo đói và côi cút. Từ sáu tuổi đến chin tuổi, xa mẹ xa em. Chỉ được một năm sống cùng mẹ và em ở làng Yên Phụ, Hà Nội. Rồi năm mười tuổi, lại xa mẹ, về ở trọ phố Tức Mạc, gần ga Hàng Cỏ để đi học. Có đận, ông phải vào nương nhờ cửa Phật, chùa Thái Cam, phố Hàng Gà. Tuổi thơ vất vả, nó ảnh hưởng rất nhiều đến cách cảm, cách nghĩ trong đời sống và trong những câu thơ ông viết ra sau này.
Việc ông vào học trường y, có phần cũng xuất phát từ cảnh ngộ tuổi thơ lầm lũi của mình. Trong nhà, đã trải qua nhiều cuộc tiễn đưa người chết trẻ vì bệnh tật. Ông muốn vào trường thuốc, trường y để học cách chữa bệnh cứu người. Ấy nhưng với tuổi thơ lầm lũi và côi cút, văn học hình như có sức mạnh cứu rỗi lớn hơn. Hai người thầy dạy phổ thông, có ảnh hưởng nhiều tới chí hướng của ông, rồi gắn cả đời mình vào con đường văn chương, là thầy Hoài Việt, thầy Nguyễn Xuân Huy. Những bài thơ ban đầu, được anh em còn nhắc đến nhiều, như “Trên đài quan trắc khí tượng”, “Phăng-xi-păng ta lên đến đỉnh”, là thời Vũ Quần Phương còn là sinh viên trường Đại học y.
Có câu thơ trong bài thơ thưở đầu đó, đã ám, đã vận vào đời ông “Ta tính đất trời ta định đời ta”. Ra trường, được về công tác ở Bộ y tế, nếu tiến thân theo con đường công chức, thì đó là thuận lợi lớn. Nhưng khốn nỗi, trái tim luôn ào ạt những cảm xúc về cảnh đời, phận người, nên ông dần dồn chí hướng cho con đường thi ca. Những bài thơ đầu ông công bố trên báo chí, được anh em viết tại Hà Nội nhiệt liệt cổ xúy. Với con mắt tinh đời, nhà thơ Chế Lan Viên nhìn nhận cây bút trẻ này có nhiều triển vọng và sẽ có vị trí xứng đáng trong văn đàn. Ông tận tình chia sẻ, góp ý và gợi ý chuyển nhà thơ-bác sỹ về làm việc tại Hội nhà văn. Đấy là năm 1969. Nhưng hai năm sau, ông mới chuyển về Đài tiếng nói Việt Nam, làm việc ở chương trình tiếng thơ. Gắn bó với chương trình tiếng thơ ở Đài mười hai năm, ông cùng đồng nghiệp cải tiến chương trình ngâm thơ, bình thơ, thu hút được đông đảo thính giả. Rồi ông lại chuyển sang công tác tại Nhà xuất bản Văn học, cùng anh em làm những bộ sách tuyển tập văn học giá trị. Rồi ông lại chuyển về làm chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, làm tổng biên tập tờ báo Người Hà Nội. Ông từng là chủ tịch hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam. Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội, khóa 9.
*
* *
Trong “Tuyển tập thơ Vũ Quần Phương”, NXB Hội nhà văn, 2012, có bài thơ “Cửa bể” tuy chỉ hai dòng, nhưng lại chứa chất nhiều suy tư, nghĩ ngợi.
Đến đây gần biển xa nguồn
Con sông chảy chậm, nỗi buồn tan lâu.
Bài thơ viết năm 1980, khi ông bốn mươi tuổi, cái tuổi nhi bất hoặc. Tôi dám chắc, nếu thời còn trai trẻ, hẳn chưa viết được bài này. Bài thơ cấu tứ giản dị, hình tượng không có gì đặc biệt, ấy vậy, nó lại ám ảnh người đọc. Nhất là người đọc đã trải qua nhiều dâu bể. Chỉ một câu sáu và một câu tám chữ, mà nó gói trọn bao nỗi niềm trần thế. Nếu người xưa thường lấy hình tượng cửa bể để gắn với chiều hôm, thì ở đây, nhà thơ không giới hạn thời gian cụ thể. Có thể là ban sớm, có thể là chiều hôm. Sự đời vốn liên tục hợp tan. Cuộc chia ly dùng dằng giữa sông và bể, hay giữa hai con người? Lẽ đời hợp tan là muôn thưở, mà cớ sao sông chảy chậm lại? Cái nhoi nhói ở đây, là nỗi buồn tan lâu. Giá sông cứ cuồn cuộn, ào ạt cuốn đi, thì có khi lại đỡ nặng lòng người. Thơ viết về cái cụ thể, để nói về cái không cụ thể, nó là thế mạnh của nhà thơ Vũ Quần Phương.
Là một nhà thơ trưởng thành trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay từ khi mới xuất hiện, Vũ Quần Phương đã khẳng định vị thế thơ ca của mình. Những khuôn mặt thơ hàng đầu của thế hệ này tại Hà Nội, có Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và Vũ Quần Phương. Ngay ngày đó, thơ của họ đã định hình phong cách. Đó là: Bằng Việt nặng chất suy tư, Lưu Quang Vũ đắm say, Xuân Quỳnh da diết, Vũ Quần Phương nhiều chiêm nghiệm. Ngay khi mới xuất hiện, thơ Vũ Quần Phương đã đạt độ tinh, độ kỹ, có lúc tới mức tỉa tót. Trong mỗi bài thơ, không có câu non lép. Thơ ông thường quan tâm đến đề tài thời gian, nhất là những năm gần đây, có phải ông tiếc một thuở cỏ còn xuân? Thơ viết về quê hương, gia đình, ông có những cảm xúc trĩu nặng. Ông là người có ý thức lao động cật lực trên cánh đồng thi ca của mình. Tính thời vụ, gối vụ như được hòa quyện và tạo ra những mùa màng liên tục. Hành trình vươn tới cái đích của thi ca, luôn thấy sự vận động, không đứt đoạn ở ông. Là người cầm bút chuyên nghiệp, ông luôn chú ý học hỏi và lao động kỳ khu trên từng con chữ của mình.
Nhận định về thơ ca cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20- giai đoạn vàng của thi ca Nga, với tên tuổi các thi sỹ chói lọi, có nhà phê bình văn học đã xếp loại: Mai-a thơ của công nghiệp, Pa-stéc-nắck thơ của thành phố, Bơ-lốck thơ của ngoại ô và Ê-xê-nhin thơ của đồng quê. Mượn cách đánh giá, xếp loại này, có thể tạm phân: Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, thơ của thị thành. Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, thơ của ngoại ô. Ấy là cách xếp loại theo mỹ cảm sáng tạo của mỗi tác giả, nó chỉ có ý nghĩa tương đối.
Lao động sáng tạo, là sự phấn đấu tột cùng của mỗi người nghệ sỹ. Vũ Quần Phương là người luôn có ý thức vươn lên với chính mình, làm mới mình. Những năm đầu đổi mới của thập kỷ tám mươi, thế kỷ trước, anh em viết lách ở Hà Nội có chuyền tay nhau đọc bài thơ nói về sự đổi gác của nhà thơ Việt Phương. Tôi còn nhớ đại khái, nhà thơ viết rằng, đã tới kỳ đổi gác, mọi người hãy cố lên, một sự đổi mới bắt đầu. Thơ như một dự báo. Năm ấy, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho in bài thơ “Cầu đã qua sông”. Có thể lấy từ cảm hứng một cây cầu lớn mới bắc qua sông Hồng, nhưng cái điệp ngữ “cầu đã qua sông” ám ảnh tôi và cho tôi liên tưởng tới một thời kỳ mới mẻ. Háo hức khen, nhưng khi bình tĩnh đọc lại, như thấy bài thơ chưa nói kịp những gì mình chờ đợi. Ở những tập thơ sau của ông, có nhiều bài đã nói rõ hơn điều ông muốn nói. Ví như, bài “Tịnh khẩu” và “Thôi kệ”…
Thôi và kệ. Kệ rồi thôi. Thôi kệ!
Sống đã là thôi kệ trăm năm
Cái tặc lưỡi cho thắng thua, còn mất…
Rồi:
Thôi kệ gió. Thôi kệ mưa. Mưa gió!
Đi trong mưa thì ta vẫn ngoài mưa
Đứng trước gió nhưng lòng ta đã gió
Gió ngoài kia đâu biết gió trong này
Ta đã sống cái thời không dễ sống
Những câu thơ không cần tỉa tót, nhưng lại đến trực diện với người đọc. Vì nó là suy nghĩ, là thái độ của nhà thơ. Nhân nói điều này, tôi thấy ở thơ Bằng Việt có nhiều bài, nhiều tập thơ phơi rõ thái độ của ông. Đó là thái độ “Ném câu thơ vào gió” và “Nheo mắt nhìn thế giới”. Thời nào chả vậy, cuộc sống luôn cần con người có thái độ. Ném câu thơ vào gió, có gì sự cả quyết dấn thân và cóc cần. Còn Nheo mắt nhìn thế giới có chút gì đấy khinh khi, coi nhẹ. Ở nhà thơ Vũ Quần Phương, ít thấy thái độ trực diện, mà nó như được dấu sau những câu thơ vân vi tâm trạng. Nhân viết về hoa phượng, ông đã thốt lên Yêu được hết lòng yêu không phải dễ. Nói về ngã ba đường đời, ông như muốn kêu lên Một ngày xa nữa là qua một đời. Xem ra đời người ai cũng phải gặp nhiều ngã ba lựa chọn. Có một nhà thơ nữ, viết “Ra khỏi nhà, em đã gặp ngã ba”. Hình như trong tình yêu, phụ nữ thường quyết đáp mạnh mẽ và dứt khoát hơn nam giới. Đường dang hai ngả tay chia một đời. Ông viết như thế, rõ là có sự chùng chình, do dự rồi. Thơ ông hay, khi viết về sự vân vi. Nhân nói về làng vườn Thuận Vi, ông thành thật Chưa bước xa cây đã nhớ người. Trong bài thơ “Tình yêu, dòng sông”, ông thắc thỏm lo: Em yêu anh có yêu được như sông? Trong bài thơ “Sóng và gió”, ông tự thú Lúc nguội hết nỗi đau/Là lúc đau lắm chứ. Bình tâm đọc lại thơ Vũ Quần Phương, thấy thơ ông thường buồn. Có lúc thẫm buồn. Ngay khi viết về gia đình đoàn tụ nhân ngày tết, cái tết ở xa tổ quốc Nhà ta đón tết với riêng mình/Một năm gom lại bao thương nhớ/Một đời đồng bãi, lũy tre xanh/Ừ vui, vui chứ! vui cay mắt…Với tâm hồn đa cảm như thế, thơ ông thường chùng chình, thiếu thái độ dứt khoát. Hình như các nhà thơ có chung nỗi niềm như vậy. Chả thế, trong một bài thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Duy từng thốt lên “Tôi vốn không rành mạch bao giờ!”
Kế cận, học tập được nhiều kinh nghiệm của lớp nhà thơ đi trước, như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…Vũ Quần Phương cũng dành phần tâm huyết đáng kể cho việc viết nghiên cứu, phê bình thơ và đi nói chuyện thơ. Ông là người thẩm thơ tinh, biết gọi ra hồn cốt của mỗi tác giả. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu từng nói rằng, phê bình là đi che lọng cho thiên hạ, vậy hãy chọn mặt mà che. Vì thế, Xuân Diệu dồn tâm lực viết về các nhà thơ cổ điển. Nhà thơ trẻ duy nhất mà ông viết, mà viết rất kỹ, là Trần Đăng Khoa. Còn ở Vũ Quần Phương, ông lại viết về nhiều người, nhiều thế hệ. Có người mới chập chững bước vào con đường thơ ca, thấy có nét được, ông cũng viết cổ xúy. Tôi nghĩ ông viết vì sự yêu quý, cũng có khi vì sự cả nể. Nhưng có kẻ lại sinh nghi ngờ ông vì cái nhiệt tình này. Văn chương thời buổi bây giờ cũng đến lắm chiều. Tuy nhiên, tập “Bình thơ”, NXB Dân Trí, 2012 và “Bóng mát dọc đường xa”, NXB Hội Nhà Văn, 2014, là hai tập có nhiều bài phê bình xuất sắc của ông. Ông đã từng đi nói chuyện thơ tới gần hai ngàn buổi. Ông là người có cách nói thông minh, hóm hỉnh, đôi khi biết cù vào cảm thụ của người nghe, nên nhiều nơi mời chào ông đến nói chuyện. Thấy ông tất bật đi tỉnh Bắc tỉnh Nam nói chuyện thơ, có người đùa ông: có phải sợ mọi người quên mình, mà đi nói chuyện nhiều thế?!
Thời trước, cả tuổi thơ sống trong cảnh đói nghèo, cô đơn. Thời nay, khi về già, ông được sống trong niềm hạnh phúc của gia đình con cái thành đạt. Đời sống vật chất, so với anh em trong giới văn chương, ông là người đầy đủ. Nhưng ông vẫn giữ cái nếp sống căn cơ, tiết kiệm thưở nào. Tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm thời gian. Có người bảo ông, tội gì sống thế. Tôi thì cho là không phải vậy. Ông muốn dành cho sự sống hữu ích. Có cảm thông với cảnh cậu bé tám tuổi phải đội cái nồi đồng to úp chụp trên đầu đi bán, để có tiền sinh sống, có thấu hiểu cảnh ngộ côi cút bên bến sông quê mờ mịt mưa gió ngóng mẹ, mới hiểu lề lối sống của ông bây giờ. Mừng thay, trái tim thi sỹ của ông vẫn đập rộn lên nhịp tươi trẻ. Trong bài “Thơ vui mùa lễ hội”, đầy chất u-mua, ông viết: “Bốn nghìn năm mấy gian nan/ Mồ hôi thấm đất máu loang cõi bờ/ Đất cha ông ấy bây giờ/ Trống giong cờ mở ngồi chờ…liên hoan. Để rồi,”Trách trời ăn ở đa đoan/Kẻ mưu nuốt đất, người toan bán trời”.Một thực tế cần suy nghĩ: “Cháu con văn hiến rạng ngời/Chân đi Giao chỉ, miệng mời đầu tư/Tình tình…nước cũ non xưa…”
Đọc bài thơ vui này, mà tôi chợt gặp nỗi buồn se sắt. Gặp nỗi niềm canh cánh của người cầm bút từng trải và có trách nhiệm.
Tháng 12-2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét