“Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ chôn sống 460 nho sĩ, còn chúng ta đã giết cả 46.000 ngàn tên trí thức hủ nho ấy chứ… Chúng ta còn vượt xa ông ta đến cả trăm lần’’. Đó là những lời tự hào của Mao Trạch Đông trong chiến dịch đàn áp trí thức lớn nhất trong lịch sử.
Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, Mao Trách Đông đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi và khủng bố bao trùm lên dân chúng. Cuối những năm 1940 đến đầu những năm 1950, Mao huy động nông dân Trung Quốc giết hại tầng lớp “địa chủ”, dẫn đến hàng trăm ngàn đến vài triệu người chết.
Ở một số khu vực, những nông dân bị chính trị hóa của Mao ngang nhiên trở thành thẩm phán, bồi thẩm đoàn, và hành quyết tầng lớp địa chủ. Giữa thời kỳ khắc nghiệt này, các nhà trí thức dường như thiếu một tiếng nói về đảng cộng sản.
Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Krushchev lên án người tiền nhiệm độc tài Joseph Stalin, điều này như thúc giục Mao hành động, vì Trung Quốc đang vận hành mô hình kinh tế tương tự như của chính quyền Stalin.
“Hãy để trăm hoa đua nở, trăm phái tranh luận”, Mao trích dẫn một bài thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Năm 1956, “Phong trào Trăm hoa” do đó được đề ra, nhằm khuyến khích công chúng, đặc biệt là giới trí thức, đưa ra những phê bình về các lãnh đạo ĐCSTQ và đề xuất giải pháp cho các chính sách quốc gia.
Thủ tướng Trung Quốc thời đó, Chu Ân Lai nói, “Chính phủ cần những lời bình luận từ người dân. Nếu không có những lời phê bình này, chính phủ sẽ không thể hoạt động như một Chế độ Độc tài Dân chủ Nhân dân.
Vì vậy mà nền tảng của một chính phủ lành mạnh sẽ bị mất đi … Chúng ta phải học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ, tiếp nhận mọi hình thức phê bình lành mạnh, và làm những gì có thể để hồi đáp những phê bình ấy”.
Tuy nhiên, “Phong trào Trăm hoa” chẳng những không có tác dụng khắc phục sai lầm trong các chiến dịch đẫm máu của Mao, mà còn biến thành cuộc công kích lớn nhất trong lịch sử nhắm vào giới trí thức, vì hàng trăm ngàn người muốn nói ra ý kiến coi như đã tự xác định số phận của họ với ĐCSTQ.
Chương Bá Quân bị sập bẫy, bị coi là kẻ cánh hữu số một ở Trung Quốc. (Ảnh: history.dwnews.com)
Những trí thức thuộc các lĩnh vực khác nhau như luật sư, học giả, nhà khoa học, nhà văn,… đã nhanh chóng tham gia vào chiến dịch. Họ chỉ trích các quan chức cộng sản về mức sống thấp, can thiệp quá mức vào các công việc của họ, bên cạnh đó là “những mô hình rập khuôn Liên Xô mù quáng” với các khẩu hiệu, áp phích và tham nhũng. Hơn nữa, các đảng viên cộng sản đã được hưởng quá nhiều đặc ân khiến họ trở thành một nhóm người khác biệt trong xã hội.
Các tấm áp phích treo tường treo trên khắp Trung Quốc, tố cáo mọi khía cạnh của chế độ cộng sản, và các đảng viên thì bị chỉ trích.
Trong năm 1957, hàng triệu lá thư đã đổ về văn phòng Thủ tướng Chu Ân Lai và văn phòng của các nhà cầm quyền khác. Một số người còn tổ chức các cuộc mít tinh, đưa lên áp phích, và thậm chí xuất bản những bài báo phê bình.
“Những đảng viên, họ chiếm vị trí thuận lợi trong ban lãnh đạo, và có vẻ được hưởng quá nhiều đặc quyền trong mọi lĩnh vực”, trích dẫn từ bức thư của một vị giáo sư đại học.
“Các nhà trí thức nhiệt thành ủng hộ Đảng và công nhận sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng trong vài năm qua mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng vẫn chưa được tốt đẹp và trở thành một vấn đề trong đời sống chính trị của chúng ta mà cần khẩn trương điều chỉnh lại. Vậy đâu là chìa khóa của vấn đề?
Theo tôi, một đảng lãnh đạo quốc gia không đồng nghĩa với việc đảng đó sở hữu cả quốc gia. Công chúng ủng hộ Đảng, nhưng họ đã quên rằng họ mới chính là chủ nhân của đất nước”, theo một lá thư từ biên tập viên tờ báo Guangming Daily.
Sử gia, nhà phê bình chính sách Mao, Jung Chang nói về phong trào:
“Phải mất một năm trước khi các nhà trí thức có can đảm để đáp lại lời kêu gọi của Mao, trước hết là phê bình mạnh mẽ về các mô hình giáo dục, sau đó rộng hơn về hệ thống chính trị xã hội tổng thể. Xét về hệ thống giáo dục, có những khiếu nại về việc sao chép rập khuôn từ Liên Xô, thiếu hụt các chương trình giảng dạy, bỏ bê các môn khoa học xã hội, quá thực tế hóa chủ nghĩa Mác – Lênin và coi nó như một học thuyết chính thống phải chấp nhận vô điều kiện…
Các phê bình về xã hội chủ yếu tập trung vào vai trò độc tôn của đảng trong tất cả các quyết định, khoảng cách giữa các chuyên gia của đảng và ngoài đảng ngày càng tăng, dẫn đến hiện tượng lạm dụng chức quyền chèn ép tài năng xảy ra ở khắp nơi”.
Sự chỉ trích mạnh mẽ cuối cùng có ảnh hưởng không tốt tới Mao và tay chân của ông, họ đã hành xử vượt ra khỏi phạm vi “phê bình lành mạnh” ban đầu. Sau đó ông đã tuyên bố những bức thư này là “tai hại và không kiểm soát được”.
Vì vậy, vào giữa năm 1957, những lời phê bình đã trở thành 1 cái gì đó không thể tha thứ. Những người chỉ trích ĐCSTQ và Mao bị tố cáo là “cánh hữu”, và Phong trào Trăm Hoa đã nhường chỗ cho phong trào Chống Cánh hữu, bắt đầu vào mùa hè năm 1957.
Mao sau đó đã bất ngờ vây bắt họ, đưa đi hành quyết hoặc ép đi lao động cưỡng bức trong các trại cải tạo. Mao sau đó tuyên bố đây là chiến dịch “dụ rắn ra khỏi hang” và ông ta đã chiến thắng. Từ 300.000 đến 550.000 người đã bị liệt vào phe cánh hữu, trong đó có nhiều trí thức, nghệ sĩ, nhà khoa học và nhà văn.
Chính quyền của Mao được so sánh với triều đại Tần Thủy Hoàng, người đã chôn sống hàng trăm nho sinh, hơn 2.000 năm trước.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu với các quan chức ĐCSTQ năm 1958, khi nhắc đến Tần Thủy Hoàng, ông nói: “Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ chôn sống 460 nho sĩ, còn chúng ta đã giết cả 46.000 ngàn tên trí thức hủ nho ấy chứ. Trong cuộc trấn áp phản cách mạng, chẳng phải chúng ta đã giết cả những tên trí thức phản cách mạng hay sao? Tôi đã tranh luận với những người theo phái dân chủ buộc tội chúng ta là hành động như Tần Thủy Hoàng. Tôi nói rằng họ đã nhầm. Chúng ta còn vượt xa ông ta đến cả trăm lần ấy chứ’’.
Nhiều năm sau đó, vẫn có nhiều người tin rằng Mao Trạch Đông chỉ bắt đầu tấn công những người trí thức sau khi không thể chịu đựng được những lời phê bình quá gay gắt của họ. Tuy nhiên, sự thực hóa ra lại không phải vậy. Con dao đồ tể đã được mài sẵn từ lâu, “dụ rắn ra khỏi hang” chính là để lừa họ rơi vào cái bẫy này.
Thực ra, khi người ta đọc lại các ý kiến đề xuất với ĐCS Trung Quốc, thì không có một ai trong số những người bị buộc tội là “cánh hữu” đề xuất rằng Đảng Cộng sản nên bị lật đổ; tất cả những gì mà họ đề xuất là những lời phê bình với mong muốn có thay đổi tốt đẹp hơn.
Vì điều này mà hàng chục nghìn người đã bị mất tự do, và hàng triệu gia đình đã phải chịu thống khổ. Tiếp theo là các cuộc vận động khác nữa như “giãi bày tâm sự với Đảng”, để moi ra những người có chủ trương cứng rắn, chiến dịch mới “Tân Tam Phản”, nhằm đẩy những người trí thức về nông thôn để lao động khổ sai, và bắt những người cánh hữu đã bị sót trong lần đầu.
Ngày nay, cuộc thảo luận về Phong trào Chống Cánh hữu vẫn bị kiểm duyệt rất gắt gao ở Trung Quốc. Dự án Truyền thông Trung Quốc của Đại học Hồng Kông năm 2009 được coi là “chủ đề nguy hiểm” vì nó liên quan đến tội ác của Mao Trạch Đông và về những thất bại nghiêm trọng trong hệ thống chính trị Trung Quốc.
Theo The Epochtimes
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét