Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

“Hợp đồng” truyền thông trên báo chí: PHẦN NỔI CỦA TẢNG BĂNG CHÌM



31/03/2017 - Bà Lê Bình cho biết từng ký hợp đồng tư vấn truyền thông và có hưởng lương từ hợp đồng với 3 ngân hàng khi còn là người của VTV làm việc ở mảng tin tức tài chính - kinh doanh giai đoạn 2009-2012. “Câu chuyện đó là có thật, diễn ra cách đây 5-7 năm. Cá nhân tôi được hưởng tiền đó từ 15-17 triệu một tháng. Chúng tôi đóng vào 20 triệu mỗi tháng làm quỹ phòng, từ tiền tư vấn. Một số bạn nhận từ 3-7 triệu/tháng. Toàn bộ số tiền tư vấn chúng tôi chia nhau” - bà Lê Bình nói.
Bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Lê Bình làm dấy lên sự quan tâm của công luận về cái gọi là “hợp đồng truyền thông” trên báo chí. Minh họa: Bà Lê Bình tại sự kiện ra mắt VTV24 - Ảnh: Anh Tuấn

(NCTG) “Nếu có nguy cơ không giữ được sự trong sạch của ngòi bút và ảnh hưởng tới tính liêm chính của nghề, hãy rời bỏ. Tìm một chỗ đứng mà các bạn tin là không có mác nhà báo các bạn vẫn độc lập tạo ra giá trị cho xã hội, giữ danh dự cho bản thân và gia đình”.

Một lần nữa, câu chuyện về sự liêm chính nghề báo lại được nhắc tới sau bài phỏng vấn giữa Zing.vn với bà Lê Bình, cựu Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24, người vừa chính thức nghỉ việc ở VTV. Bà Lê Bình cho biết từng ký hợp đồng tư vấn truyền thông và có hưởng lương từ hợp đồng với 3 ngân hàng khi còn là người của VTV làm việc ở mảng tin tức tài chính - kinh doanh giai đoạn 2009-2012. 

Câu chuyện đó là có thật, diễn ra cách đây 5-7 năm. Cá nhân tôi được hưởng tiền đó từ 15-17 triệu một tháng. Chúng tôi đóng vào 20 triệu mỗi tháng làm quỹ phòng, từ tiền tư vấn. Một số bạn nhận từ 3-7 triệu/tháng. Toàn bộ số tiền tư vấn chúng tôi chia nhau” - bà Lê Bình nói.

Có thể thấy sự liêm chính của báo chí, quy tắc nghề nghiệp, câu chuyện về “mâu thuẫn lợi ích”, về lợi dụng mác nhà báo, chức vụ, quyền hạn đã bị nhiều nhà báo coi nhẹ. Việc nhận tiền từ doanh nghiệp được khéo léo, kín kẽ che phủ bằng những cái nhãn có-tên-gọi “hợp đồng truyền thông”, “hợp đồng tư vấn”, và những gì mới phát lộ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng. 

Đầu năm nay, tháng 1-2017, một nhân viên truyền thông một nhãn hiệu thời trang đã tag (gắn thẻ/điểm danh) tên của hơn 30 phóng viên các báo trong một status trên facebook thông báo về việc đã chuyển tiền vào tài khoản của những nhà báo này và nhắc họ kiểm tra. Nhân viên này viết: “Mọi người ai nhận được quà rồi thì nhắn vào stt này cho em một câu okie đã nhận hay cái ảnh cho xôm tụ…”.

Sau đó, rất nhiều phóng viên, nhà báo có tên trong danh sách tag đã gửi ảnh chụp tài khoản có các con số 5-10 triệu hoặc nhiều hơn, kèm các câu nhắn như “Xuân đã về bản rồi người ơi!” hoặc “Tết này ấm hơn rồi…”.
 
Status gây sóng gió - Ảnh chụp màn hình
Status gây sóng gió - Ảnh chụp màn hình

Nếu đó là sự thật, thì liệu tòa báo cho phép họ được làm điều đó không? Hay những người mang danh phóng viên/nhà báo này đã bất chấp quy định, vứt bỏ tính liêm chính nghề nghiệp? Điều đáng nói là sự ngang nhiên của các nhà báo nói trên trong việc nhận tiền. Họ ơ hờ trong việc bảo vệ “đền thiêng” của nghề nghiệp. Dù các nhà báo này (và việc nhận tiền của họ đã được CEO hãng thời trang kia xác nhận là có thật) có bao biện rằng là do doanh nghiệp “tự cảm ơn”, hoặc do họ “làm tư vấn”, hoặc “ký một hợp đồng truyền thông”, “gây dựng thương hiệu” cho doanh nghiệp thì việc nhận tiền doanh nghiệp đã gây ra một sự “mâu thuẫn lợi ích” với chính toà báo của họ - nơi họ làm công ăn lương chính.

Hơn hết, họ phản bội niềm tin với nghề, với bạn đọc - những người mong được đọc tin bài không có “mùi PR”, không có thông tin được dựng lên, chỉ chọn thông tin có lợi cho doanh nghiệp (structured facts) hoặc tin tức trong chiến lược PR cho doanh nghiệp. Các hợp đồng tài trợ, truyền thông béo bở chính là yếu tố định hướng các loạt tin bài theo hướng doanh nghiệp tài trợ cần và muốn. Tin bài sản xuất ra được khéo léo dẫn dắt và người xem tin là các phóng viên biên tập viên đang làm nghề phụng sự xã hội và sự thật, sự “tử tế”. 

Những trao đổi sau đó trên facebook và các diễn đàn báo chí lại hé mở và cho thấy tình trạng phóng viên báo chí mảng kinh tế, giải trí nhận tiền doanh nghiệp là khá phổ biến và không công khai. Nhận trực tiếp có, nhận “dưới gầm bàn”có, trích lại quả có, nhận tinh vi qua hình thức tài trợ, qua hợp đồng tư vấn, hợp đồng truyền thông đều có. Nhiều phóng viên, nhà báo còn ngây ngô, hoặc giả vờ ngây ngô không biết chuyện nhận tiền doanh nghiệp (dù dưới bất kỳ hình thức nào, số tiền là bao nhiêu) đều là vi phạm tính liêm chính của nghề báo.

Điều này dễ lý giải vì đến một nhà báo kỳ cựu như Lê Bình mà còn có “định nghĩa riêng” về tính liêm chính với sự bao biện kín kẽ cho các việc mình làm, cùng lúc quên vai trò báo chí, giám sát của mình, bảo vệ sự liêm chính cho chính cơ quan báo chí nơi mình công tác. 

Tôi đem câu chuyện này hỏi những người bạn làm báo tại Nhật, Bangladesh hoặc Hoa Kỳ thì câu trả lời của họ là phóng viên báo chí không được phép làm như vậy, và họ sẽ “bị kỷ luật, mất việc ngay”. Họ chia sẻ rằng để đảm bảo sự liêm chính và độc lập, tòa báo cần tách biệt giữa tòa soạn/ sản xuất tin bài với kinh doanh. “Không có sự pha trộn trong vai trò, trách nhiệm và ảnh hưởng lẫn nhau”. Đọc trong các bộ Quy định nghề nghiệp của các tòa báo lớn trên thế giới đều có quy định rõ ràng cho phóng viên, nhân viên của mình (và hẳn nhiên đây là một điểm khuyết thiếu, một lỗ hổng trong các tòa soạn của Việt Nam).

Cũng như vụ việc hơn 30 nhà báo nhận tiền doanh nghiệp thời trang, vụ việc của Lê Bình được tranh luận, đồn đoán nhiều, nhưng phải tới khi trả lời Zing.vn, bà Lê Bình mới chính thức công bố hưởng tiền từ doanh nghiệp. Còn những gì đằng sau nữa, không ai biết ngoài bà Lê Bình và những người cộng tác cùng bà. Con số nhà báo chưa lộ diện còn nhiều, và các hình thức biến tướng nhận tiền doanh nghiệp cũng sẽ tinh vi hơn. Giống như vị CEO của công ty thời trang nói trên từng chia sẻ: “Sẽ xem xét lần sau chuyển tiền mặt”. Với các hình thức tinh vi hơn thì lúc ấy, việc phát hiện ra cũng khó khăn hơn nhiều lần. 

Cũng như bà Lê Bình đã nghỉ việc để tìm một con đường khác, một hướng đi khác, các bạn nhà báo đang trong nghề nếu tự tin mình sống được với nghề, với ngòi bút của mình mà không cần cái mác nhà báo để kiếm được các hợp đồng truyền thông thì hãy ở lại và làm cho đúng. Các tòa báo  cũng cần có quy định, hướng dẫn  cặn kẽ hơn về các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, về điều được làm và không được làm để không ảnh hưởng tới tính liêm chính nghề nghiệp. Nếu có nguy cơ không giữ được sự trong sạch của ngòi bút và ảnh hưởng tới tính liêm chính của nghề, hãy rời bỏ. Tìm một chỗ đứng mà các bạn tin là không có mác nhà báo các bạn vẫn độc lập tạo ra giá trị cho xã hội, giữ danh dự cho bản thân và gia đình.

Và hãy cố gắng vượt qua trong sự nhốn nháo của “xã hội kim tiền”. Như thế, chúng ta sẽ chẳng phải nói đến câu chuyện tảng băng chìm. Tảng băng sẽ tự tan hết thôi!

Minh Thùy, từ Hà Nội

http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/Hop-dong-truyen-thong-tren-bao-chi-PHAN-NOI-CUA-TANG-BANG-CHIM-5614.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: