TP - Thơ gã lần đầu được ra nước ngoài, đăng trên tạp chí Prairie Schooner, một trong những tạp chí văn học uy tín của Mỹ. Chẳng những thế, bài “Lời thề mùa đông” của gã còn vinh dự được tạp chí này bầu chọn là bài thơ hay tiêu biểu (3 tháng chọn một lần, nhưng cũng có những lần không chọn được bài nào). Khỏi phải nói cũng biết Bùi Hoàng Tám sướng thế nào!
Ngồi trong quán cà phê, gã nhẩm tính: Cuộc đời làm thơ của gã cho đến lúc này đã có ba lần “lên đỉnh”. Lần đầu, khi bài thơ “Trước một trời sao” của gã được lên báo địa phương, từ một kẻ lao động chân tay bỗng chốc gã được chung mâm, chung chiếu với những đấng bậc của văn học nghệ thuật Thái Bình. Rõ sướng! Lần thứ hai, thơ gã bay cao hơn, tới tầm quốc gia, góp mặt trên báo Văn Nghệ thời ấy. Gã từng tường thuật trạng thái này: “chân tay bủn rủn, mồ hôi lấm tấm lưng, tóc gáy hơi giật giật”, tức tốc về khoe vợ, bị vợ tương cho một câu: “Gí “một số thứ” vào thơ nhé”. Gã liền “đẻ” ra một câu thơ ba lăng nhăng về việc gí một số thứ vào thơ trở thành giai thoại. Lần thứ ba, ngót 60 tuổi, gã lại được “lên đỉnh”. Có lẽ do tuổi tác và trải nghiệm nên lão không bủn rủn tay chân, không đổ mồ hôi nhưng vui thì vẫn thế, gọi điện khoe ngay với những kẻ cần khoe. Không chỉ khoe thành tích, Bùi Hoàng Tám còn cất giọng không mấy trong trẻo đọc liền mạch bài thơ “Lời thề mùa đông”: “Bắt đầu từ một mùa đông/Anh tôi ra trận, rồi không trở về/Cũng từ một buổi chiều quê/Chị tôi đã nhận lời thề mùa đông…”.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám.
Chiến tranh không chỉ là khói lửa
Bên cạnh những vần thơ “ba lăng nhăng” như gã tự nhận, Bùi Hoàng Tám còn có một góc khác: Thơ trữ tình. Đọc thơ trữ tình Bùi Hoàng Tám, người ta bỗng chốc quên ngay gốc gác chủ quán thịt chó của gã, cũng quên ngay những câu thơ “ba lăng nhăng”. “Lời thề mùa đông” là một bài thơ nằm trong dòng thơ trữ tình của Bùi Hoàng Tám, nói về thân phận người đàn bà trong chiến tranh. Chiến tranh khốc liệt không chỉ diễn ra ở nơi chiến trường mà còn ở “nơi bậu cửa có đứa trẻ chờ cha, nơi đầu ngõ có người mẹ ngóng con và trong căn buồng có người vợ trẻ đêm đêm khắc khoải đợi chồng”, gã nói vậy.
“Lời thề mùa đông” trước hết được viết cho những người thân của gã: Chị gã, bà cô của gã, những người phụ nữ có chồng đi bộ đội, có người trở về, có người vĩnh viễn nằm lại nơi khói bom. “Lời thề mùa đông” là lời thề của những người phụ nữ chờ chồng trong chiến tranh: “Cũng là phận gái chờ chồng/Người còn hóa đá-Chị không hóa gì! Đá còn đợi bước thiên di/Còn con để bế, chị thì chịu không/Núi còn hòn vợ, hòn chồng/Chị tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu”.
Bùi Hoàng Tám so sánh cảnh người phụ nữ chờ chồng trong chiến tranh với cảnh nàng Tô Thị ôm con chờ chồng hóa đá và suy ra, nàng Tô Thị vẫn chưa bất hạnh như người phụ nữ trong chiến tranh. Về truyền thuyết nàng Tô Thị, chính Bùi Hoàng Tám là kẻ có tội làm nhạt nhòa truyền thuyết khi gã cả gan viết: “Lòng chung thủy trở thành nhảm nhí/Trước thiêng liêng số phận một con người”. Nhưng gã có lí của gã: “Năm 1989, tôi có dịp đến Đồng Đăng (Lạng Sơn), đứng trước tượng nàng Tô Thị. Thế hệ bọn tôi tôn sùng nàng Tô Thị nhưng khi đến đây, tôi bất giác đặt ra câu hỏi: Vì sao nàng lại hóa đá? Mà chuyện nàng hóa đá cũng không quan trọng, rất có thể vì tình yêu mà người ta hóa đá nhưng tại sao lại bắt đứa trẻ hóa đá, nó cần phải được ăn, được học hành, được lớn lên. Sau đó tôi viết một chùm bài được giải trên Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó gửi gắm những trăn trở: “Về đi em/ Người đời yêu nhau người ta chờ nhau/Dẫu là đá/Dẫu không còn là đá/Nhưng con em trên tay em đói lả/Em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai”.
Bùi Hoàng Tám viết “Lời thề mùa đông” còn vì một cú hích khác: Khi vào đại học, gã gặp một sinh viên người Mỹ, lấy tên Việt: Trường Sơn. Bạn trẻ người Mỹ giải thích: “Bởi tôi muốn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam nên tôi nghĩ không đâu khốc liệt như Trường Sơn”. Bùi Hoàng Tám phản bác: Sự khốc liệt của chiến tranh còn nằm ở hậu phương, nơi những người thân của người lính mỏi mòn đợi họ trở về. Ngay sau đó, Bùi Hoàng Tám đặt bút, khai sinh “Lời thề mùa đông”: “Tôi muốn nhìn chiến tranh không phải bằng khói lửa”. Trong thi phẩm này, gã còn muốn nói đến khát vọng bản năng của đàn bà bị chiến tranh vùi dập, giống như Kim Chuông có những câu thơ khiến thế hệ trẻ thời nay đọc là cười: “Một lần cầm tay con gái/ Bảy ngày không muốn rửa tay”.
Thơ Bùi Hoàng Tám trên tạp chí Prairie Schooner.
Có khi bản dịch còn hay hơn bản gốc?
Bùi Hoàng Tám thú nhận: “Tôi chẳng biết tiếng Anh. Nhưng tôi nghĩ những người dịch “Lời thề mùa đông” có khi còn dịch hay hơn bản gốc”. “Lời thề mùa đông” nằm trong dự án thơ đặc biệt với các tác phẩm đến từ Việt Nam và Mỹ. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai được Prairie Schooner ủy nhiệm phụ trách dự án từ phía Việt Nam. Chị cho biết lí do chọn “Lời thề mùa đông” để giới thiệu trên tạp chí Prairie Schooner (Mỹ): “Vì bài thơ nói lên đau thương mất mát của người Việt trong chiến tranh. Dù viết về người cô, nhưng nỗi đau chiến tranh đã ngấm qua da thịt của rất nhiều thế hệ. Bài thơ ngắn ngủi nhưng bao hàm sự mênh mông của truyền thuyết và tục ngữ Việt Nam”. Tuy nhiên để chuyển ngữ thành công “Lời thề mùa đông” là một thử thách lớn đối với những người làm công tác dịch thuật, bởi lẽ dịch thơ đã khó, dịch thơ lục bát càng khó hơn (tiếng Anh không có thể thơ lục bát). Đã thế, thi phẩm còn đụng đến truyền thuyết, tục ngữ Việt. Nguyễn Phan Quế Mai diễn tả sự khó khăn của mình và các cộng sự khi đứng trước “Lời thề mùa đông”: Chúng tôi phải “vò đầu bứt tóc”. Chính chủ bút của tạp chí Prairie Schooner, nhà thơ, giáo sư Kwame Dawes “xắn tay vào cùng dịch bài thơ này với nhà thơ Thiếu Khanh và tôi”, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai tiết lộ. Bản dịch tiếng Anh “Lời thề mùa đông” là kết quả lao động sau nhiều tháng trời của ba dịch giả, đã chinh phục bạn đọc Mỹ, trở thành bài thơ được yêu thích trên tạp chí này
.Nguồn TPO
.Nguồn TPO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét