Nguyên Lê
(TBKTSG) - “Phát hiện 40 biệt thự ở Sơn Trà xây sai nhờ người... câu cá” - đó là lời phê bình của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đối với cấp dưới là lãnh đạo phường Thọ Quang và quận Sơn Trà trong cuộc họp ngày 19-3-2017 về vụ việc nóng hổi này tuần qua, theo báo Tuổi Trẻ.
Trong phần bình luận Online dưới bài viết này, một bạn đọc đặt câu hỏi: “Xây dựng trái phép như thế mà chỉ có ông câu cá phát hiện vậy thì Đà Nẵng lập đội thanh tra xây dựng, quản lý đô thị để làm gì?”. Một câu hỏi nhức nhối về hiệu quả, hiệu lực của cả một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước địa phương!
Bởi lẽ, gần như cùng thời gian vụ việc này được phát hiện, vụ “khách sạn “khủng” xây không phép” ở ngay mặt tiền đường ven biển Đà Nẵng cũng được báo chí lật lại. Công trình này đã bị cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng và quận Sơn Trà nhiều lần yêu cầu dừng thi công, xử phạt vì chưa có giấy phép xây dựng từ khi nó mới được làm móng, nhưng tới giờ chủ đầu tư đã cho xây dựng đến... tầng thứ 9.
Mà không chỉ ở Đà Nẵng, tuần qua, viết về vụ một cảng cá lậu quy mô được xây chình ình trong lòng khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình, báo chí dùng những từ như “bất thường”, “cơ quan chức năng chỉ quyết liệt trên giấy”. Giống như khách sạn nói trên, chủ đầu tư cảng cá này đã bị lập biên bản, xử phạt nhiều lần, bị buộc phải tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu từ... tháng 3-2016 nhưng không chịu thực hiện, tới nay chính quyền cũng không tổ chức cưỡng chế.
Những vụ việc thời sự này khiến người dân nhớ đến vụ tòa nhà xây sai phép (vượt tầng) ở số 8B Lê Trực, Hà Nội. Hai năm nay, mặc dù cơ quản quản lý cấp cao rất kiên quyết xử lý, việc “cắt ngọn” nó để giữ nghiêm phép nước, không tạo tiền lệ xấu cũng chưa xong.
Có bao nhiêu con voi đã chui qua được lỗ kim - hàng loạt quy định pháp luật và hệ thống thực thi?
Những con voi - dự án xây dựng lộ thiên thì “người câu cá” còn có thể thấy được (tuy không dễ xác định việc có phép hay không). Nhưng có những con voi tàng hình hơn, như dự án đầu tư công ngàn tỉ kém hiệu quả hay các cán bộ cơ hội, tha hóa, trục lợi - một khi đã lọt lỗ kim quy trình thẩm định, phê duyệt hay quy trình quy hoạch, bổ nhiệm thì mắt của dân thường, thậm chí của cả hệ thống cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát nhà nước, khó có thể thấy, đến khi thấy được thì hậu quả cũng đã phát sinh rồi.
Vấn đề không chỉ ở chỗ “con voi có chui qua lỗ kim được thì phải bắt nó chui về được”, dù điều này hiện nay chưa phải ta đã làm nổi. Vấn đề cũng không chỉ ở chỗ tìm cho ra ai đó đã “banh lỗ kim” (nếu có) để xử lý, điều mà mới đây ông Chủ tịch thành phố Hà Nội đã tiết lộ, rằng 87% cơ sở kinh doanh bia hơi đang lấn chiếm vỉa hè đều có công an “chống lưng” hay ông Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh “kêu cứu” mà cũng là... tố cáo lên Thủ tướng, rằng có người ở cả cấp trung ương đe dọa mình và thuộc cấp liên quan đến lợi ích từ việc khai thác cát tại địa phương đã bị họ yêu cầu dừng. Vấn đề quan trọng ở chỗ, phải làm cho ai đó có muốn cũng không thể banh được lỗ kim pháp luật. Đây là điều mà trong tuần này, ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, đã phần nào đề cập đến khi trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh chuyện thế lực ngầm, hiện tượng bảo kê hiện nay. Đó là “cần có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả...”, “các cấp cao nhất cần vạch ra được cơ chế kiểm soát quyền lực và mạnh dạn trao quyền thực sự ấy cho các tổ chức và người dân...”.
Quay lại buổi họp về việc “Phát hiện 40 biệt thự ở Sơn Trà xây sai...” nói trên, chủ tịch Đà Nẵng đã yêu cầu chính quyền cơ sở quản lý địa bàn rút kinh nghiệm, phải tiến hành kiểm tra dù cho đó là dự án của đơn vị nào. Ông nói: “Từ nay mấy anh phải vào kiểm tra hết, đừng thấy công ty to, dự án lớn mà ngại. Mình có trách nhiệm quản lý địa bàn thì mình vào kiểm tra. Cứ theo trình tự mình vào làm”.
Với những gì đang diễn ra trong thực tế xã hội hiện nay, để cán bộ, công chức có thể không “ngại” thì bản thân họ phải không có gì để ngại (vì mình trong sạch) và không có gì khiến họ phải ngại (như ngại dự án, doanh nghiệp đã được ai đó bảo kê, chẳng hạn). Mà đã là cán bộ, công chức, thì từ trên xuống dưới, đó là công vụ. Một khía cạnh của kiểm soát quyền lực mà ông Thuyết nói, cần được trao cho những “người câu cá” - người dân, không chỉ dừng lại ở quyền được phát hiện sai phạm mà còn ở quyền giám sát xử lý sai phạm và... bỏ phiếu cho quá trình đó.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét