Sau Brexit, con tàu Liên minh châu Âu nghiêng ngả. Trường hợp Pháp, một trong hai động lực còn lại chia tay Brusells, ngôi nhà chung châu Âu sụp đổ không còn là hiện thực xa vời.
Marine Le Pen, tóc vàng màu bia, khéo léo, biết buồn, biết đớn đau, 'thương' dân Pháp không thấm chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do', đang ru hơn 26 % cử tri về với Mặt trận Quốc gia.
Chiêu bài Marine Le Pen nêu rằng, EU trói chân, ép uổng, làm nước Pháp mất chủ quyền, hãy nối gót Brexit đang được chuộng.
Cơn địa chấn chính trị sẽ không còn dừng ở biên giới Pháp, trở thành vấn đề thế giới, nếu quyền lực ngày 7/5/2017 chuyển sang tay 'người đàn bà Rồng'.
Như phụ họa cho viễn cảnh u ám, đối trọng với Marine Le Pen là những con khủng long trong chính trường Pháp đều chết yểu trong cuộc đua vào Điện Elysee.
Tổng thống đương nhiệm François Holland tự thất vọng với kết quả cầm quyền, đào tẩu không ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hoà Pháp.
Thủ tướng Manuel Valls cũng bị loại ngay trong vòng sơ tuyển. Đại diện cánh tả Benoit Hamon thiếu hấp dẫn, không có được ngay sự ủng hộ trong nội bộ Đảng Xã Hội (PS). Cánh tả chia rẽ sâu sắc, không tìm ra đường lối thống nhất. Họ là những cá nhân, những ông đầu rau ba người ba góc, không tìm ra một đầu bếp tài hoa, hòng dọn cho dân Pháp một món ăn hợp khẩu vị.
Cánh hữu sau khi 'sáu chọi một', hùa nhau bới móc, cản cựu tổng thống Nicolas Sarkozy ra tranh cử, chọn ra một ứng cử viên sáng giá. Đó là cựu thủ tướng François Fillon.
Ai cũng chắc, ngai vàng trôi dạt sang cánh tả 5 năm trước lại về với bến sông xưa.
Ngay cái tên cũng gợi cảm hào hùng, hai tổng thống Pháp và Giáo hoàng đương nhiệm đều có cùng tên François.
Dè đâu, một con vịt bị trói chân quang quác đã đá cho công tử lịch lãm, khoác complê không dưới 6000 euro bổ chửng.
Số là tờ báo trào phúng 'Canard enchainé'-Con vịt bị trói' đã tiết lộ những con số từ công quỹ của ứng cử viên cánh hữu.
Fillon đã khai khống công việc cho vợ và hai con trai, rút ruột ngân quỹ nhà nước, thực chất là tiền thuế của dân lên đến một triệu euro.
Tư túi, lợi dụng chức quyền bị phanh phui, dẫn đến chỉ số được lòng dân của cựu thủ tướng rớt thê thảm, từ 35% xuống còn 19%.
Dự đoán Fillon gắng cũng chỉ về thứ ba trong cuộc đua chọn hai ngựa.
Ông từng tuyên bố, nếu bị khởi tố sẽ rút lui, giành chỗ cho phương án B. Phát biểu tối 20/3, truyền trực tiếp trên truyền hình ông vẫn khăng khăng 'ai nên khôn mà chẳng dại'.
Sự cố chấp và tham quyền của Fillon tước khả năng chiến thắng của đảng 'Những người Cộng hoà'.
Bất hạnh của người này là may mắn của người khác. Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ thủ tướng M.Valls đứng trước cơ hội hiếm có. Cằn cỗi, suy tàn, thoái hóa của giới chính trị Pháp đã mở ra cho Macron viễn cảnh một người không đảng phái lần đầu tiên lên làm tổng thống.
Tương lai châu Âu đi qua Điện Elysee?
Chàng trai thanh thoát với cặp mắt xanh trong vắt, sức cuốn hút như một ngôi sao nhạc rock, vừa gần và cũng đủ xa với công chúng, nhạy cảm, chan hoà. Đó sẽ là đối thủ của bà Marie Le Pen, chủ tịch Đảng FN trong vòng hai.
Sự xuất hiện của ứng cử viên Macron vào chức tổng thống Pháp, với nhiều khả năng thắng cử đánh dấu sự cáo chung của nền chính trị truyền thống. Mọi dự đoán, ngay sau cuộc tranh luận quan trọng ngày 20/3/2017 giữa 5 ứng cử viên nặng ký giữa Benoit Hamon (PS), François Fillon (LR), Jean-Luc Mélenchon, Marine Le Pen (FN) và E.Macron ( En Marche) đều thống nhất là ứng cử viên trẻ nhất (sinh ngày 21/12/1977) sẽ là người về đích.
Khuôn mặt mới toanh
Năm năm trước Macron chẳng được biết đến trên chính trường. Hoạ chăng trong những lời đàm tiếu.
Vừa cập kê 16 tuổi, chàng trai đã đi lại với một phụ nữ ba con, đồng thời là cô giáo của mình, cứng hơn hai giáp.
Mối tình của Macron với người phụ nữ tuổi 40, có chồng gặp trắc trở ngay trong gia đình. Bố mẹ Macron phẫn nộ, ầm lên, gọi điện đến trường nơi con học, ngăn cản mối tình 'thiêu thân'.
Song họ bất lực.
Macron đã chọn cho đường đời của mình một con đường sững sờ với những thành kiến, lối suy nghĩ, đối nghịch với niềm tin tôn giáo vốn là thành trì ở tỉnh nhỏ.
Nên không lạ, khi chàng trai 39 tuổi lần này muốn thử vận may trong vòng đua dẫn đến ngai vàng nước Pháp.
Con gái riêng của Brigitte Macron, đồng thời là thành viên trong Ban vận động bầu cử Tiphaine Auzière 32 tuổi bảo vệ mẹ :
"Người ta luôn luôn nói sai về mẹ tôi. Tôi không thấy giữa họ giờ có khác biệt về tuổi tác. Những gì họ cùng chia xẻ đều sáng suốt. Nếu nhìn thấy họ hạnh phúc ra sao, chắc những đàm tiếu sẽ bay biến. Gia đình chúng tôi hiện nay yên ấm như hàng triệu gia đình khác. Một tổ ấm bình thường.
Emmanuel (tên của Macron) không phải nhất nhất ăn ý với suy nghĩ của mẹ tôi. Song mẹ tôi luôn luôn ở bên cạnh, mẹ tôi không bao giờ nói 'phải làm thế này, phải làm thế nọ'."
Lên trung học, Macron từ Amien rời lên Paris, ít khi nhắc đến cha mẹ của mình. Họ đều là bác sĩ tại bệnh viện Amien.
Macron gợi hình ảnh trẻ trung, năng động của tổng thống Mỹ Kenedy. Ít vuốt ve, mỵ dân, xác định khế ước xã hội giữa người dân và lập pháp, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân như câu hỏi 'Đừng đỏi hỏi đất nước phải làm gì cho bạn', Macron đã thuyết phục được đông đảo giới tuổi từ 19-49, thành phần năng động và hăng hái nhất.
Macron cũng không xa hình ảnh một Barack Obama kéo hai phần đen, trắng của nước Mỹ lại gần nhau.
Macron có thể đã nhìn thấy yếu huyệt của hai đảng, nên khôn khéo chọn chiến thuật đi riêng, đưa vào chương trình tranh cử những ý tưởng mang tính tổng hợp của cánh hữu, cánh tả, cánh trung, và thậm chí là của đảng Cộng Sản Pháp nhằm quyến rũ mọi tầng lớp và không phật lòng bất cứ nhóm cử tri nào.
Macron đưa đề xuất mang tính 'cách tân' như trợ cấp thất nghiệp phổ quát, miễn thuế nhà ở cho 80% người dân, thanh niên tới tuổi 18 thì được cấp 500 Euros dành cho hoạt động văn hóa, mở các khóa học bổ túc trình độ cho học sinh yếu kém, giảm chi tiêu công, tuyển thêm 7.500 cảnh sát và 2.500 hiến binh cho công tác an ninh.
Áp dụng chính sách linh hoạt với thời gian làm thêm tùy theo độ tuổi. Không động tới việc cắt giảm chế độ làm việc 35 giờ/tuần vốn được các công đoàn kiên trì bảo vệ.
Với chương trình ứng cử mang màu tắc kè hoa, đủ sắc cầu vồng, Macron trên con đường đến điện Elysee như một lữ hành mua vé bình dân đi tàu cao tốc, nhưng chuyển động với tốc độ chóng mặt.
Sức hút của Emmanuel Macron, các tên tuổi lớn trong đảng Xã hội đang dần chuyển sang ủng hộ ứng viên tự do phong trào 'Tiến bước - En Marche'.
Liệu Macron có đến đích?
'Nền dân chủ là vô giá, nhưng cũng phải trả giá'. Một câu hỏi đặt ra là Macron lấy đâu ra tiền để rải cho chi phí tranh cử ? Con số ít ra là 20 triệu euro.
Khi làm cho ngân hàng Rothschild, Macron kiếm được 2,8 triệu. Những năm đảm đương chức Bộ trưởng Kinh tế chỉ thu về 1 triệu, một cái giá tượng trưng cho bệ phóng Macron chọn cho con đường chính trị. Một con số như muốn bỏ biển. Thực ra, Macron vẫn gánh món nợ trả góp về mua và sửa nhà là 375.000 euro.
Tháng 12, Ủy ban bầu cử 'En Marche' rời trụ sở rộng 300m2, tầng 14 Tour Montparnasse sang đường Abbé-Groult ở quận 15 với diện tích 1000m2, với giá thuê hàng tháng là 20.000 euro. Mỗi cuộc hội họp cổ động tại Strasbourg, Mans, Montpellier đều có giá là trên 300.000 euro.
Vậy đằng sau ứng cử viên tự do này phải có những sự hỗ trợ mạnh mẽ? Họ là ai ?
Macron tin tưởng vào sự giúp đỡ của Christian Dargnat, cựu chủ tịch tập đoàn ngân hàng BNP-Parisbas, hoặc Bernard Mourad cánh tay phải của tỷ phú Patrick Drahi, hay Benoit d'Angelin, người 13 năm làm cho tập đoàn Tài chính Lehman Brothers… ?
Danh sách những người đứng đằng sau Macron rất dài, toàn những tay máu mặt trong nền tài chính thế giới.
Tội nghiệp cho Fillon, chưa chắc nuốt trôi 1 triệu euro, mà tím tái với tư pháp. Anh nhà bank Macron được ăn học, rành mánh khóe vận hành trong ngành tài chính đang qua mặt ông cựu thủ tướng vẫn cho mình là già dơ.
Thậm chí Macron còn bỏ không thèm nhận 50.000 Euros nếu cứ ngoan ngoãn đi làm kiểu 'sáng cắp ô đi, tối cắp về' thêm 6 năm nữa để hưởng quyền lợi nghiễm nhiên được nhận nếu làm cho nhà nước đủ 10 năm.
Khoản ăn nói, lần đầu giáp lá cà Macron cũng được dân Pháp cho điểm thuyết phục tới 29 %, vượt các đối thủ như cái loa trong bốn năm 2008-2012 của Đảng Xã hội B.Hamon với 11%, hay Marine Le Pen 19% được thời gian nói nhiều nhất.
Bây giờ, khi đằng sau những mặt trái của cựu Bộ trưởng trẻ chưa được báo giới hay tư pháp nhòm ngó, chúng ta hãy tin câu chuyện cổ tích nước Pháp với Emmanuel Macron.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do tại Paris, Pháp.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét