Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: “Sự việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tôi cho là không bình thường”


>> Không để hình thành các băng nhóm kiểu “xã hội đen”
>> "Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm hơn là đầu tư hầm qua sông Hàn"


Hà Giang (Thực hiện)
(Tổ Quốc) -“Trường hợp của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ – “anh” là Chủ tịch của một thành phố mà tài sản của “anh” lại nhiều như vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi về nguồn gốc khối tài sản. Trường hợp này tôi cho là không bình thường và phải làm đến nơi đến chốn”, ông Vũ Mão chia sẻ quan điểm.

Nghị quyết TƯ 4 của nhiệm kỳ khoá 11, khoá 12 đều nói rất rõ rằng tham nhũng đang là vấn đề lớn và nhức nhối hiện nay. Đây cũng luôn là mối quan tâm, là bức xúc của người dân và dư luận. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, Báo Điện tử Tổ Quốc đã có buổi trao đổi với ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.

“Chức quyền và tham nhũng như hình với bóng”

Theo ông, tại sao khi đề cập đến tham nhũng người ta lại nhắc đến đối tượng là quan chức?

Ông Vũ Mão: Các quan chức là người có chức quyền. Họ sử dụng quyền của mình để làm việc này việc khác, hành động này, hành động khác.

Con người ai cũng tham lam, quan trọng là có biết kiềm chế, giữ gìn hay không? Những quan chức của Đảng, Nhà nước... nếu không rèn luyện phấn đấu, giữ gìn thì đương nhiên là tham nhũng. Chức quyền và tham nhũng như hình với bóng, luôn gắn với nhau.

Còn người dân, chúng ta không thể nói họ tham nhũng bởi họ không có chức quyền. Mà không có chức quyền thì rất khó tham nhũng.

Thưa ông, kết quả phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 vừa công bố hôm 16/3 đã không phát hiện được trường hợp tiêu cực nào trong kê khai tài sản của cán bộ công chức. Trong khi đó, dư luận đã và đang xôn xao về một số quan chức sở hữu khối tài sản “khủng”. Ông nghĩ sao về điều này ?

Ông Vũ Mão: Tôi suy nghĩ nhiều và không hài lòng về kết luận này bởi nó không đúng sự thật. Tham nhũng đang là vấn nạn phổ biến hiện nay. Không phải người dân hay tôi tự nói mà Nghị quyết TƯ 4 của nhiệm kỳ khoá 11, Nghị quyết TƯ 4 của nhiệm kỳ khoá 12 đều nói rất rõ rằng tham nhũng đang là vấn đề lớn, tràn lan và “ăn tới tận phía trên rồi!”, nghĩa là “mức trần” rồi, ở cơ quan đầu não rồi...

Thực ra, cách đây vài ba chục năm chúng ta đã đề cập đến tham nhũng, cũng đã có những nhận định “tham nhũng là quốc nạn”. Điều này cho thấy vấn đề này đã có từ rất lâu rồi, và cũng để thấy độ nghiêm trọng, nguy hiểm của nó. Tuy nhiên, đến hiện tại thì vấn đề này ngày càng gay gắt hơn.

Vì thế, tôi cho rằng, báo cáo đó là không chân thực, không chính xác và không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, quan trọng là phải tìm nguyên nhân vì sao báo cáo không phát hiện ra tham nhũng? Điều cốt lõi của tham nhũng là vấn đề kê khai tài sản.

Trong Luật phòng chống tham nhũng có mục kê khai tài sản, nhưng từ trước tới nay chỉ mang tính hình thức. Trước mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp, mỗi lần bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... thì trong lý lịch luôn có phần kê khai tài sản.

Tôi hiểu người kê khai tài sản cũng phải suy nghĩ rất nhiều. Nếu kê khai nhiều  quá (đúng với sự thật) thì dễ bị đặt câu hỏi, lấy đâu ra nhiều tài sản thế, nên người ta tìm cách kê khai tài sản theo cách mà người ta nghĩ là hợp lý nhất, tức là kê khai không hết.

Điều rất quan trọng là, sau khi kê khai rồi thì việc kiểm tra, xác minh nguồn gốc tài sản về cơ bản đều không được thực hiện. Vậy nên, có tình trạng kê khai có mức độ nhưng thực tế khối tài sản của người ta thì rất nhiều. Nếu có thắc mắc, bắt phải giải trình thì người ta nói: Đây là tài sản của vợ tôi, của con tôi... Đó là sự nguỵ biện ghê gớm.

Tôi cũng không trách móc quá nhiều bộ phận làm nghiệp vụ lấy số liệu, thống kê để công bố số liệu không chính xác. Có thể họ chưa làm tròn trách nhiệm nhưng họ không phải là người cố tình giấu giếm, bởi quy định pháp luật còn lỏng lẻo. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến nhận thức của cấp lãnh đạo, rồi hệ thống pháp luật của chúng ta còn quá nhiều vấn đề.

Rõ ràng tham nhũng nảy sinh và tồn tại ngày càng nghiêm trọng là do hai vấn đề: Một là do kém về đạo đức, tư cách của mỗi cán bộ công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo. Hai là do cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện....Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi “tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ ở đâu ra”?

Trong quá trình kê khai tài sản, yếu tố đầu tiên là phải kê khai đầy đủ. Tuy nhiên, kể cả khi kê khai đầy đủ như trường hợp của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ... thì dư luận vẫn không khỏi nghi ngờ về khối tài sản “khủng” của các vị lãnh đạo ấy. Theo ông, dư luận có quyền nghi ngờ về điều này không? Và quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Mão: Tôi cho là dư luận có quyền đặt ra các câu hỏi về việc này. Và báo chí vừa qua đăng tải những bài viết như vậy là cần thiết để cho dư luận quan tâm phán xét.

Có thể có nhiều nguyên nhân, nhiều vấn đề đặt ra nhưng dù sao cứ phải trao đổi để làm rõ và tạo sự đồng thuận. Còn cơ quan có trách nhiệm thì cứ làm theo chức trách của mình để đi đến kết luận rõ ràng.

Ví như Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có khối tài sản lớn như vậy thì phải tìm nguyên nhân sâu xa xem khối tài sản đó có nguồn gốc từ đâu? Đâu là tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa? Đâu là tài sản của con, của anh chị em...? Rõ ràng càng đi vào sâu càng phức tạp.

Tôi muốn nói điều này: Khi bà Kim Thoa lên làm Thứ trưởng Bộ Công Thương thì Công ty Bóng đèn Điện Quang vẫn thuộc khối của bà này quản lý. Rõ ràng, ở đây có sự lợi dụng chức vụ.

Ở Mỹ, khi Donald Trump lên làm Tổng thống, ngay lập tức ông Trump tuyên bố không tham gia quản lý doanh nghiệp nào cả, bởi nếu “anh quản lý doanh nghiệp thì anh sẽ đặc quyền đặc lợi”. Ở đây là do quy định còn nhiều lỗ hổng, ngoài ra là do bản thân người ta thấy nếu làm như vậy “sẽ có lợi cho mình”.

Hay trường hợp của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ – “anh” là Chủ tịch của một thành phố mà tài sản của “anh” lại nhiều như vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi về nguồn gốc khối tài sản. Trường hợp này tôi cho là không bình thường và phải làm đến nơi đến chốn.

Nếu nói rộng ra, những đại gia của chúng ta đang làm giàu bằng bất động sản, mà chế độ chính sách về bất động sản rất bất hợp lý, người dân thì thiệt thòi, nhà nước thì mất tiền của, trong khi tiền của rơi vào tay cá nhân...

Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về kê khai tài sản: Một là cán bộ, công chức phải kê khai đầy đủ. Hai là kê khai ở mức độ nào đó để đảm bảo tính bí mật cho người kê khai trong trường hợp họ có quá nhiều tài sản (tài sản có trước khi họ đảm nhiệm chức vụ). Vậy theo quan điểm của ông, chúng ta nên công khai ở mức độ nào?

Ông Vũ Mão: Thông lệ quốc tế là phải kê khai tài sản đầy đủ. Ngay cả Tổng thống Mỹ cũng vậy! Việc không kê khai đầy đủ chỉ là sự nguỵ biện.

Ở thời điểm trước khi ứng cử, trước khi đảm nhiệm chức vụ mới thì phải kê khai đầy đủ tài sản “anh” có là bao nhiêu? Và phải làm rõ nguồn gốc của khối tài sản đó. Nếu “anh” không làm rõ được nguồn gốc thì khi bị truy ra, nếu tham nhũng thì “anh” sẽ không được vào danh sách ứng cử cơ quan này, cơ quan khác. Lâu nay, chúng ta chưa làm tốt việc này.

Và ở thời điểm sau khi “anh” đảm nhiệm chức vụ mới thì hằng năm “anh” phải tiếp tục kê khai cho rõ ràng, minh bạch.

Theo tôi, ở bất cứ giai đoạn nào vấn đề tài sản phải là minh bạch, công khai đầy đủ.

Ông từng là người lãnh đạo, ông cảm thấy như thế nào về ranh giới giữa việc sử dụng chức quyền trong phạm vi của mình để làm đúng – sai? Vượt qua cám dỗ có khó khăn không, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Tôi muốn nói rằng, tư tưởng, đạo đức của con người là quan trọng nhất. Tiếp đến là môi trường. Do hoàn cảnh công tác nên môi trường tiếp xúc cùa tôi tương đối “lành”. Trước đây là ngành thuỷ lợi, chỉ mong muốn làm nhiều công trình để đưa nước về cho dân. Rồi đến là Bí thư huyện uỷ một huyện biên giới, miền núi có nhiều đồng bào dân tộc nghèo khó sinh sống, lòng tôi luôn đau đáu với những nỗi khổ cực của người dân. Đến nữa là công tác ở Đoàn thanh niên; làm thủ lĩnh Đoàn thì không được phép nói một đằng làm một nẻo. Rồi đến giai đoạn cuối là 20 năm công tác ở Quốc hội, đây cũng là môi trường không phải là hấp dẫn cho lắm. Tuy thế nếu không quyết tâm rèn luyện thì  cũng không phải là không có những chuyện này kia. Trong môi trường nào cũng có những người tìm đến mình nếu mình là người có chức quyền. Ví như chuyện xin việc vào cơ quan, chuyện lên chức... là bao nhiêu? Dù không có con số công khai chính thức nhưng ngầm đằng sau thì ai biết được thế nào.

Vậy thì mình phải có thái độ dứt khoát, không chấp nhận chuyện đó. Có thể vì công việc, tôi chấp nhận “anh, chị” cho công việc đó nhưng phải minh bạch, có thi cử đàng hoàng chứ không phải vì “khoản” nào đó...

Tóm lại, dù ở môi trường nào thì điều quan trọng nhất vẫn là sự rèn luyện của mỗi con người. Tôi là một con người được rèn luyện từ nhỏ và luôn phấn đấu giữ gìn phẩm chất của mình trong quá trình công tác. Luôn luôn tỉnh táo, kiên quyết từ chối những cám dỗ tầm thường.

Sự rèn luyện của mỗi người là quan trọng nhất, nhưng phải có cơ chế chính sách pháp luật tốt, kỷ luật nghiêm minh.

Nhân dân đang đòi hỏi Đảng ta cũng như mỗi cán bộ, công chức phải gương mẫu, không tham nhũng. Đó là kỷ luật của lương tâm.

+ Xin cảm ơn ông!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: