Những con phố nhỏ hẹp, quanh co của Kanazawa khiến du khách ngỡ như đang lạc bước vào nơi chốn của thời nhiều thế kỷ trước.
Đó là một sáng tinh mơ ở khu quận lịch sử Higashi Chaya của thành phố Kanazawa. Làn hơi mỏng toả lên từ nền đường lát đá. Một geisha bước gấp gáp trên phố vắng, tiếng guốc lọc cọc vang theo bước chân.
Nhưng tôi không định đến đây để ngắm geisha. Tôi muốn tìm hiểu về thế giới của một biểu tượng khác của nước Nhật: tầng lớp samurai.
Nằm giữa biển Nhật Bản và các dãy núi tuyết phía tây, Kanazawa được coi là một trong những nơi thích hợp nhất để tìm hiểu về lịch sử samurai.
Thị trấn không bị huỷ hoại trong Thế chiến II và vẫn là một trong những thị trấn - lâu đài của thời kỳ Edo được bảo tồn tốt nhất.
Đó là một trong những thành phố hiếm hoi ở Nhật Bản, nơi vẫn còn lưu giữ một khu quận samurai.
Tất nhiên, bởi tầng lớp kiếm sỹ này đã bị xoá bỏ từ thời canh tân của Nhật Bản, cuối thế kỷ 19, ngày nay bạn không thể nhìn thấy một chiến binh samurai trên phố. Nhưng thế giới ngày trước của họ hầu như vẫn còn nguyên đó.
Trước đây, cần năm giờ đồng hồ và sau mấy lần chuyển tàu ta mới có thể từ Tokyo tới được Kanazawa, cách nhau 473 km. Nay thì đơn giản hơn nhiều. Từ 14/3/2015, dịch vụ tàu cao tốc Shinkansen Hokuriku của Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản khiến cho thời gian di chuyển cắt ngắn chỉ còn một nửa.
Cũng giống như các chuyến tàu thường, đoàn tàu cao tốc này chạy tới ga Kanazawa, một trong những nhà ga đẹp nhất thế giới.
Tôi luôn nghĩ về samurai như những chiến binh khắc kỷ, sẵn sàng rút kiếm tự vẫn để tỏ lòng trung với chủ nhân và hạ thủ những ai dám tỏ ý bất kính.
Ít nhất đó cũng là những gì tôi mường tượng thông qua các bộ phim như "Samurai cuối cùng" và "13 thích khách". Vì vậy, tôi tìm đến đây để hiểu thêm.
Trong buổi sáng đầu tiên ở Kanazawa, tôi đi một vòng quanh khu Higashi Chaya và làm quen với Kiyoe Nagashima, người có gia đình ở đây đã sang tới đời thứ sáu và là hướng dẫn viên của Kanazawa Excursions, một công ty du lịch địa phương.
Tiếng trống taiko cổ truyền từ một ngôi chùa gần đó vang vọng khắp nơi, gợi lên niềm cảm hứng và hút hồn tôi theo nhịp đập của vùng đất mới.
"Kanazawa không chỉ là nơi của các công viên giải trí mà còn là một nơi đáng sống," cô nói, gương mặt tươi cười rạng rỡ, đầy tự hào.
Phần lớn thành phố là những khu đô thị hiện đại với các cửa hàng bán đồ xa xỉ như Louis Vuitton. Tuy nhiên, Higashi Chaya lại trái ngược hoàn toàn.
Theo chân Nagashima vào mê cung các trà quán, đền thờ và các ngôi nhà samurai được phục chế, tôi cảm giác như mình là Alice lạc vào xứ sở thần tiên.
Chúng tôi đi dọc theo các dãy nhà có chấn song đẹp mê hồn rồi rẽ vào một con phố hẹp có hàng cây bạch quả vàng rực, rồi xoải bước lên một con dốc hẹp và kín đáo tới mức tôi cứ ngỡ là lối vào tư dinh ai đó.
Lên tới đầu dốc, con đường rẽ ra thành nhiều lối quanh co và còn hẹp hơn nữa. Đường phố Kanazawa được thiết kế có lẽ để làm người ngoài rối trí và lạc hướng. Tôi thấy đúng là mình rối trí thật.
Từ đỉnh đồi, chúng tôi đi vào quận Utatsuyama kề bên. Samurai từng sống trong các ngôi chùa ở đây. Họ giữ gìn an ninh cho các chùa chiền này và được gọi là boukan, Nagashima giải thích. Đó là những ngôi chùa gỗ oai nghiêm có mái được chạm trổ tinh vinh từ gỗ bạch quả và gỗ phong.
Nagashima nói rằng các võ sỹ samurai sống ở đây thời Edo (1603-1868) chẳng hề giống các chiến binh dữ dội mà tôi từng tưởng tượng.
Trong thời thanh bình hưng thịnh này, tầng lớp võ sỹ phong kiến này dành tâm sức để phát triển học thuật và các nghề thủ công.
Có địa vị xã hội cao nhất thời đó, các samurai đã xây dựng những ngôi nhà xa hoa và các khu vườn lộng lẫy sang trọng đằng sau những bức tường đất dày, mà dấu tích vẫn còn lại cho tới ngày nay.
Tuy nhiên, phần lớn các võ sĩ samurai ở Nhật Bản không bao giờ sống kiểu bình yên và hưởng thụ. Các võ sĩ samurai chân chính của Kanazawa là những người khác thường, có lẽ do chịu ảnh hưởng từ vị lãnh chúa cai trị họ, vốn không quan tâm tới bạo lực và yêu nghệ thuật.
Di tích kiến trúc lớn nhất ở đây mang dấu ấn từ thời samurai là Lâu đài Kanazawa màu trắng tuyệt đẹp toạ lạc trên một ngọn đồi với tầm nhìn toàn cảnh về phía thành phố.
Lâu đài được xây dựng vào thế kỷ 16 bởi dòng tộc Maeda, vốn cai trị vùng này tới tận năm 1868 và rất được yêu mến.
Dưới thời Maeda, lâu đài cũng là pháo đài, bao quanh bởi một con hào và tường đá vẫn còn đến ngày nay. Mái ngói màu trắng nổi bật của lâu đài được làm bằng chì bị phong hóa.
Liền kề lâu đài là vườn Kenroku-en, được xem là một trong những khu vườn đẹp nhất của Nhật Bản, nơi khoe sắc của mận, anh đào, và cây phong Nhật Bản.
Chúng tôi đi tiếp sang quận Nagamachi, từng là nơi sinh sống của tầng lớp samurai thương lưu và trung lưu.
Nhiều ngôi nhà samurai đã bị huỷ hoại trong thời cải cách công nghiệp ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, những con đường đá cuội, bức tường đất nện cao chót vót và dòng kênh thanh bình vẫn còn nguyên, vài ba ngôi nhà samurai được trùng tu đang mở cửa đón công chúng vào thăm, trong đó có cả ngôi nhà Nomura, nơi vẫn còn lưu giữ các kỷ vật của dòng họ này.
Hôm sau, tôi trở lại ngôi nhà Nomura và tản bộ bên trong, những tưởng sẽ được ngăm các thanh kiếm, áo giáp và có lẽ cả những bức hoạ về các trận chiến huy hoàng.
Nhưng đón chào tôi lại là một hồ cá cảnh và những tấm tranh lớn vẽ trên giấy gạo, mà trong tiếng Nhật gọi là fusuma zen, được sáng tác bởi các nghệ nhân do dòng họ Maeda nuôi dưỡng.
Tôi bỗng nhớ lại lời Nagashima: "Để bảo vệ Kanazawa, dòng tộc Maeda khuyến khích các samurai dành công sức cho nghệ thuật và các nghề thủ công, thay vì giao tranh. Do vậy, họ không trở thành mối hoạ với Thiên Hoàng, và tránh được cảnh bị tiễu phạt. Kết quả là hầu như không có trận chiến nào ở Kanazawa trong suốt 400 năm."
Có lẽ đó mới thật sự là đạo của samurai ở Kanazawa. Vũ khí lớn nhất của họ không phải nằm trong thanh kiếm mà là những mưu kế sinh tồn - một chiến thuật phòng vệ khôn khéo che mắt cả thế gian.
Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel, và bản tiếng Việt đã đăng lần đầu hồi 8/2015 trên giao diện cũ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét