Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Người Trung Quốc “thâu tóm” đất ven biển Đà Nẵng


Đặng Trung Hội

Petrotimes - Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) lợi dụng những sơ hở về Luật Đầu tư 2014 và sự buông lỏng quản lý để “thâu tóm” đất đai ven biển Đà Nẵng.

Kẽ hở

Trong buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành của Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đào Quang Thu dẫn đầu mới đây, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố Đà Nẵng đã phản ảnh, Luật Đầu tư 2014 và các văn bản có liên quan còn nhiều kẽ hở.

Lợi dụng những kẽ hở đó, không ít người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc đã lợi dụng để “thâu tóm” nhiều diện tích đất ở ven biển thành phố Đà Nẵng. Tình trạng này không chỉ làm cho môi trường đầu tư ở Đà Nẵng trở nên “lộn xộn”, mà còn gây những hậu quả khôn lường.

Cách “lách luật” của những đối tượng này không có gì là mới, không có gì là quá tinh vi, nhưng lại rất dễ dàng để hợp thức hóa. Ví dụ: một người nào đó là “công dân Việt Nam”, bỏ tiền ra mua đất. Việc mua bán ấy là hợp pháp, khi làm thủ tục, không có lý do gì Sở Tài nguyên và Môi trường không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.

Khi có giấy tờ hợp lệ họ thành lập doanh nghiệp, tất nhiên là không khó khăn gì. Sau đó chính doanh nghiệp này liên doanh với một doanh nghiệp Trung Quốc, với tỷ lệ góp vốn “49-51”, có nghĩa là doanh nghiệp Trung Quốc góp vốn 49% và doanh nghiệp trong nước 51%. Theo Luật Đầu tư như vậy là hợp lệ.

Khi trở thành đất của “doanh nghiệp” rồi, việc xây dựng như thế nào là do doanh nghiệp quyết định. Không hiếm những trường hợp sau khi hoàn thành thủ tục “sang tên” từ cá nhân sang “doanh nghiệp”, người ta nhanh chóng xây dựng khách sạn, nhà hàng…

Việc “thâu tóm” đất bắt đầu từ giai đoạn này. Theo Luật Doanh nghiệp, việc chuyển đổi cổ đông là hết sức bình thường. Hầu hết số các doanh nghiệp liên doanh này không lâu sau đó, trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài!? Vậy là miếng đất đó nghiễm nhiên thuộc về họ. Và một khi họ toàn quyền sử dụng, thì họ “làm trời, làm đất” gì trong đó ai mà biết được.

“Hở” là chính chỗ này. Luật thì không quy định cho hay không cho việc góp vốn bằng… đất. Về danh nghĩa người nước ngoài sở hữu doanh nghiệp đó, chứ không sở hữu đất, nhưng bản chất của vấn đề, trong tài sản của doanh nghiệp có miếng đất đó.

Luật Đất đai hiện hành không cho người nước ngoài sở hữu đất, nhưng khổ nỗi đây là “doanh nghiệp” sở hữu đất chứ không phải cá nhân người nước ngoài A, B… nào đó. Mà cái gọi là “doanh nghiệp” 100% vốn nước ngoài sở hữu đất, thì đất ấy thuộc về người nước ngoài, chứ còn thuộc về ai nữa!?

Chỉ bằng những thủ đoạn hết sức đơn giản như vậy, không biết tại Đà Nẵng có bao nhiêu miếng đất ở những khu vực trọng yếu đã “lọt” vào tay người Trung Quốc. Dọc trục đường Võ Nguyên Giáp ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn nhan nhản nhà hàng, khách sạn mang biển hiệu bằng chữ Trung Quốc!?

Từ tham thành… “Việt gian”

Không quá lời khi nói như vậy khi một số người vì lòng tham, đã cam tâm làm “tay trong” cho người Trung Quốc, thâu tóm đất đai ở khu vực sân bay Nước Mặn, thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Cách đây không lâu, chúng tôi đã có bài viết “Người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng để làm gì”, phản ảnh thực trạng người Trung Quốc “núp bóng” người Việt Nam thâu tóm nhiều lô đất nằm kề sân bay Nước Mặn.

Theo cung cấp của lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn và tìm hiểu của chúng tôi tại thời điểm phản ảnh trong bài báo nêu trên, có tới 71 người Việt Nam đã thu gom đến 138 lô đất cho người Trung Quốc, với diện tích xấp xỉ 8.000m2. Đấy là chưa kể các tình trạng tương tự ở các quận ven biển khác như Sơn Trà, Liên Chiểu…

Sau khi có thông tin từ báo chí, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có chủ trương tạm dừng thi công một số công trình cao tầng sát Sân bay Nước Mặn bằng Văn bản số 1123/UBND-QLĐTh, do Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký ngày 17-2-2016, để điều chỉnh quy hoạch về quản lý quy hoạch kiến trúc của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Trước đó, ngày 2-2-2016, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có Văn bản số 1004/SXD-QLKT yêu cầu ngừng thi công và thu hồi Giấy phép xây dựng số 521/GPXD mà Sở này đã cấp cho Công ty TNHH TM-DL&DV VN.HO.LI.DAY ngày 15-4-2015 để xây dựng công trình tại các lô 20, 21, 22-B4.3 vệt biệt thự dọc tường rào Sân bay Nước Mặn.

Ngày 25-2, Sở này cũng có Văn bản số 1215 yêu cầu ông Trần Minh Phi, đứng tên chủ đầu tư công trình tại lô số 19-B4.3 vệt biệt thự dọc tường rào Sân bay Nước Mặn ngừng ngay việc thi công công trình này theo Giấy phép xây dựng số 1507 đã được Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp ngày 25-9-2015.

Những vấn đề xác minh làm rõ, liệu có “tay trong” thâu tóm đất đai cho người Trung Quốc hay không, cho đến nay chưa có bất cứ thông báo kết luận nào. Dù rằng lãnh đạo thành phố đã có chủ trương tạm dừng thi công các công trình nêu trên, song việc xây dựng ở đây vẫn đang tiếp tục diễn ra. Nhiều công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Có những công trình mới “động thổ” để khởi công xây dựng mới… tóm lại “công trường” xây dựng ở đây vẫn rất nhộn nhịp, như không có chuyện gì xảy ra. Người dân địa phương không hiểu quyết định “tạm dừng” của thành phố có còn hiệu lực, hay là đã thay đổi!?

Vì lợi ích cá nhân, nhiều người Việt Nam cam tâm làm tay trong cho người Trung Quốc. Từ hướng dẫn viên du lịch “bù nhìn”; đến các công ty liên kết với công ty du lịch Trung Quốc tự tung tự tác trong thời gian vừa qua, “giúp” người Trung Quốc “làm xiếc” về đất đai… đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng.

Sân bay Nước Mặn bị…“bao vây”

Không chỉ bị “bao vây”, mà còn bị “khống chế” nếu có tình huống xấu xảy ra. Nói như vậy vì tại đây có rất nhiều nhà cao tầng áp sát. Ở vị trí và độ cao lý tưởng, Sân bay Nước Mặn “nhất cử, nhất động”, đều không thể qua mắt được sự “nhòm ngó” cả ban ngày lẫn ban đêm của các công trình này.

Việc một số công trình sát hàng rào Sân bay Nước Mặn tiếp tục thi công, tiếp tục nâng độ cao sau khi có văn bản của UBND thành phố về việc tạm dừng tiếp tục diễn ra thì liệu rằng văn bản ấy có còn hiệu lực hay không?

Chẳng ai có thể thay UBND thành phố Đà Nẵng được. Song mới đây có một vài ý kiến từ Sở Xây dựng thành phố, đại ý rằng: Các công trình ấy được cấp Giấy phép xây dựng từ năm 2012, vừa rồi tạm dừng (chứ không phải dừng hẳn) là để rà soát, kiểm tra. Sau kiểm tra, họ không sai thì tiếp tục được làm chứ làm sao cấm.

Về lý, đúng là như vậy. Và không chỉ các công trình ấy, ở phía đối diện có những khách sạn cao cả “chục tầng”, nghĩa là cao hơn những công trình này nhiều còn được xây dựng, huống hồ…

Chỉ cảm thấy lạ và băn khoăn, việc xây dựng các công trình khách sạn ở gần sân bay như vậy, có độ cao quá mức cho phép, không chỉ toàn bộ sân bay mà cả các khu vực lân cận, kể cả các trận địa phòng không, thì không thể không có ý kiến cho phép từ Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng).


Liệu có sơ hở hoặc chủ quan trong quá trình cấp phép cho các công trình này không! Dư luận băn khoăn chính ở điểm này. Và nữa, các công trình này như đã trình bày ở phần đầu, phần lớn được người Trung Quốc “làm xiếc” và họ đã chính thức “làm chủ”.

Đây mới là điều nguy hiểm và nguy hại đối với Sân bay Nước Mặn nói riêng và thế trận phòng thủ ven biển ở khu vực trọng yếu này nói chung. Còn nhớ, trong các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, Đà Nẵng là điểm đổ bộ của những tên lính đầu tiên. Với sự bị “khống chế” như thế này, không hiểu khi có tình huống thì xoay trở như thế nào!?

Có thể nói, việc xây dựng nhà cao tầng “nhòm ngó” sân bay Nước Mặn và khu vực lân cận là chuyện đã rồi. Bằng mắt thường cũng đã thấy những điều nguy hại hiển hiện.

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị, cần có sự kiểm tra, đánh giá thật nghiêm túc từ phía lãnh đạo của cả chính quyền thành phố Đà Nẵng và Quân khu 5, cùng các cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng về sự việc này. Cần thiết phải rà soát lại tổng thể, để có phương án xử lý thấu đáo và hiệu quả. Mọi sự lơi là hoặc “châm chước” cho qua chuyện là chúng ta đã “nhân nhượng” trước ý đồ đen tối của người Trung Quốc.

Phải “bịt” ngay “kẽ hở”

Việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Tình trạng người nước ngoài nói chung, người Trung Quốc nói riêng đang “thâu tóm” đất ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng, có nguyên nhân từ những “kẽ hở” của luật.

Tìm đến tận căn nguyên của các khách sạn cao tầng đang “nhòm ngó” Sân bay Nước Mặn, đang “khống chế” được cả khu vực, cũng xuất phát chính từ “kẽ hở” của luật. Phải “bịt” ngay những “kẽ hở” này thì mới không có những cái sai tương tự xảy ra với những nơi khác.

Câu chuyện các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc thao túng thị trường du lịch ở Nha Trang và cả Đà Nẵng, suy cho cùng cũng do kẽ hở từ luật. Họ sở hữu đất đai, sở hữu được doanh nghiệp. Họ không ngây thơ khi làm tour giá thấp, thậm chí là chịu lỗ tiền vé máy bay. Nhưng xin thưa, họ thu lời từ sự “móc túi” chính du khách của họ bằng tour khép kín từ: ăn, ở, đi lại, mua sắm…

Đà Nẵng cũng bị mất tiền oan vì những tour kiểu này, một khi đã “khép kín” thì làm sao thu được thuế. Không chỉ vậy còn bị mang tiếng “oan’ là “chặt chém”, là hàng hóa “kém chất lượng” từ chính sự thao túng của doanh nghiệp du lịch Trung Quốc.

Trong phần kiến nghị với đoàn công tác liên ngành của Chính phủ mới đây, Sở KH&ĐT Đà Nẵng kiến nghị với đoàn, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội bổ sung vào Luật Đầu tư hiện hành những điều cụ thể như sau: “Đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”.

Hiện nay do chưa có phần mềm liên thông giữa đăng ký kinh doanh và việc thông báo đủ điều góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam, vì vậy, công tác thống kê thu hút đầu tư theo hình thức này đang gặp rất nhiều khó khăn, không đầy đủ và thiếu chặt chẽ.

Sở KH&ĐT Đà Nẵng cũng kiến nghị với đoàn công tác và Bộ KH&ĐT: Đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng hệ thống phần mềm này hoặc xây dựng ghép với phần mềm liên thông trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo chúng tôi những phát hiện và đề nghị của Sở KH&ĐT Đà Nẵng, trước mắt là để “bịt” những “kẽ hở”. Vấn đề căn cơ là phải rà soát lại thật kỹ những bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư để trình Quốc hội thông qua, chứ không phải khi thực hiện, phát hiện có “vấn đề” là lại đề nghị một cách manh mún, chẳng ai làm như vậy cả.
***

Những điều “bất an” ở quận Ngũ Hành Sơn

Hiện nay trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; đặc biệt là khu vực kề Sân bay Nước Mặn, ra đường là “gặp người Trung Quốc”. Tại đây đã mọc lên nhiều nhà hàng, khách sạn do người Trung Quốc làm chủ. Nhìn bảng, biển họ trưng lên, rồi qua giao tiếp, nơi đây chẳng khác gì “phố” của người Trung Quốc!

Đã có tới 246 lô đất kề Sân bay Nước Mặn do người Trung Quốc “núp bóng” dưới danh nghĩa các doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam đứng tên. Có đến 77 lô “đứng tên” các “công ty” và 74 lô đất do cá nhân mua ít nhất từ 2 lô trở lên. Và 95 lô/95 người mua. Xin được nêu một số danh sách sau: các Công ty đang quản lý 77 lô, gồm: Công ty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday: 24 lô; Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi: 17; Công ty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung: 12 lô; Công ty TNHH TM Du lịch & DV Nguyên Thịnh Vượng: 10 lô; Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp: 7 lô; Công ty TNHH Thương mại Du lịch và DV Silverk Park: 4 lô và Công ty TNHH Du lịch TM và DV Golden Wyn: 3 lô.

Có 74 lô đất do các cá nhân mua từ 2 lô trở lên. Trong đó, mua nhiều nhất là ông Lý Phước Cang (ngụ tại Đà Nẵng) đứng tên mua 12 lô đất, ông Lê Thanh Hà (TP HCM) mua 6 lô. Thông qua nguồn tin mà chúng tôi tìm hiểu, hầu hết các công ty đang quản lý 77 lô đất kể trên, đứng đằng sau đều là do người Trung Quốc sở hữu

Ngày ông Nguyễn Điểu làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, đích thân ông đã bỏ thời gian rà soát những công ty cổ phần xin phép thành lập trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và đã phát hiện nhiều trường hợp các doanh nghiệp có người Việt Nam đứng tên chung với người Trung Quốc; tại các doanh nghiệp này hầu như cổ phần của người Trung Quốc hơn người Việt Nam gấp nhiều lần. Một cách “thôn tính” đất đai hết sức nhẹ nhàng và đúng luật!?

Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch phường Khuê Mỹ, trong buổi nói chuyện với chúng tôi đã dẫn ra nhiều câu chuyện người Trung Quốc có những dấu hiệu gây mất ổn định trên địa bàn. Vụ việc người đàn ông Trung Quốc bị bắn vào ngày 26-11-2015, tại số nhà 184/22 đường Nguyễn Duy Hiệu là một ví dụ. Người đàn ông Trung Quốc này đã có thời gian làm “du lịch chui” và đã từng bị phạt và trục xuất; giờ lại sang đây “lấy vợ chui” và bị chính người Trung Quốc sát hại.

Trong năm 2015, quận Ngũ Hành Sơn đã xử lý 11 vụ việc liên quan tới người nước ngoài vi phạm an ninh trật tự, trong đó có một số vụ liên quan đến tai nạn, lừa đảo. Nổi bật nhất là vụ nhóm người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt 20.000USD rồi cao chạy xa bay.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: