THÙY TRANG
LĐO - Sau 3 ngày kể từ khi bị người dân phát hiện một phần bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị cày ủi gần như thành đồi trọc để xây dựng biệt thự, khu nghĩ dưỡng, dự án sinh thái Biển Tiên Sa đã bị đình chỉ hoạt động. Thế nhưng, với nhiều người dân Đà Nẵng và các chuyên gia môi trường, họ mong muốn chính quyền địa phương có những quyết định mạnh mẽ hơn bởi sự xâm hại vào bán đảo Sơn Trà đang ngày càng nghiêm trọng và táo tợn.
Cần đánh giá tác động môi trường
Xây trước rồi mới xin phép sau, đánh giá tác động môi trường chưa đủ nhưng vẫn ủi rừng, dựng móng cho 40 căn biệt thự là những gì đang diễn ra tại Sơn Trà khiến người dân vô cùng bức xúc. Trong khi đó, chủ đầu tư đã thừa nhận sai phạm với lý do “nôn nóng” muốn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Chị Trang, một người dân Đà Nẵng, chia sẻ: “Bản thân tôi mong chính quyền phải dừng và dừng vĩnh viễn những dự án như trên. Bên cạnh việc sai phạm về xây dựng chưa xin phép, chưa đánh giá đúng và đủ tác động môi trường thì quan trọng hơn hết là đất Sơn Trà không thể dùng để đổ bê tông như vậy được.
Núi Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, chúng ta phải dừng ý nghĩ về việc lấy đất Sơn Trà để làm du lịch vì không phải đơn vị nào cũng có thể làm theo cách thân thiện với môi trường. Chúng ta không thể để sự việc sai xảy ra rồi mới đi khôi phục, hồi phục, sửa sai được. Hình ảnh một vùng đồi trọc nham nhở hiện nay của Sơn Trà là một ví dụ. Không một du khách nào muốn đến với hình ảnh Sơn Trà như thế.
Hơn nữa, với những dự án lớn, siêu nghỉ dưỡng, chúng chỉ dành phục vụ cho một nhóm đối tượng có mức thu nhập cao. Trong khi đó, người dân địa phương hay đại đa số khách du lịch sẽ không tận hưởng được những tiện ích này.
Nếu chúng ta lựa chọn Sơn Trà trở thành khu du lịch cấp quốc gia dựa trên du lịch sinh thái thì phải chấp nhận rằng nó sẽ không mang lại lợi ích như một khu kinh tế. Thế nhưng, con người chúng ta đang tham lam khi mong rằng, Sơn Trà vừa có cả thiên nhiên, vừa có kinh tế. Điều này là không thể! Vậy nên, nếu muốn giữ Sơn Trà, hãy ngừng bê tông hóa nó ngay từ bây giờ".
Tiếp tục cho xây dựng, Đà Nẵng đang hoán đổi những giá trị không bù đắp được
Trao đổi về vấn đề ảnh hưởng của những tác động của các dự án đến hệ sinh thái núi Sơn Trà, TS. Vũ Ngọc Long - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam - khẳng định: “Nên dừng tất cả những dự án tương tự như vậy ở trên núi Sơn Trà. Dù cho đó là khu vực vùng đệm thì nếu bị mất đi vùng đệm này có nghĩa vùng lõi sẽ bị tác động rất lớn.
Cá nhân tôi cho rằng, khu biệt thự trên núi Sơn Trà không nên được xây dựng vì diện tích cây xanh và rừng của Sơn Trà không nhiều lắm. Mà bán đảo Sơn Trà là vùng sinh thái rất nhạy cảm, bất kì một tác động nào cũng khiến hệ sinh thái ở đây bị mất cân bằng, bị ảnh hưởng.
Nhiều người cho rằng, số cây bị chặt hạ ít, là cây bụi, gỗ nhỏ…., tuy nhiên cần phải hiểu thực vật ở vùng ven biển có đặc điểm là như vậy, những cây ấy nhìn có thể nhỏ nhưng tuổi đời của nó có thể lên đến 70 hay 100 năm, có ý nghĩa là hệ sinh thái phòng hộ ven biển. Chúng ta chặt đi rồi bù đắp lại thì không biết bao giờ mới có thể được như cũ.
Hơn nữa, khu vực bị xâm hại hiện nay là ở phía trên cao thì khả năng giám sát về tác động môi trường là rất khó. Đặc biệt, khu vực xây dựng trái phép có loài voọc chà vá chân nâu sinh sống và Sơn Trà là nơi có mật độ loài này cao nhất hiện nay. Đà Nẵng cần nhìn nhận và nắm được thế mạnh này để có thể phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái bên trong.
Nếu chúng ta cứ xây dựng một cách ồ ạt thì Đà Nẵng nên suy nghĩ đến việc có nên hoán đổi những giá trị khó lòng bù lại được - là sinh thái. Thứ 2 là những khu resort hạng sang, đứng về mặt đầu tư, cộng đồng thu nhập thấp không vào được. Càng ngày có xu hướng đầu tư phát triển đang chỉ phục vụ cho một nhóm người, rồi đến lúc người dân sẽ không thể lên Sơn Trà được nữa vì đã bị rào che bởi các dự án.
Chúng ta đang phải khôi phục lại những khu vưc bị tác động, bị mất hệ sinh thái nghiêm trọng thì những khu vực còn cây xanh như Sơn Trà cần được giữ nguyên”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét